Lễ hội Bài chòi: Nét văn hóa độc đáo của người miền Trung
Tập tục đánh bài chòi trong Tết xưa người Việt là một trong những hoạt động văn hóa cộng đồng đầy giá trị mà không mang nặng tính đỏ đen, cờ bạc. Thông qua trò chơi này, bà con được nghe những câu hát ý nghĩa về quê hương, đất nước lưu truyền trong dân gian. Bên cạnh đó là được gặp gỡ, giao lưu và còn có những phần thưởng may mắn để mang đến niềm vui ngày đầu xuân. Bài chòi được phổ biến và là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhân dân lao động. Trong cuộc chơi, mọi người đều bình đẳng tuyệt đối như nhau, không phân biệt giàu – nghèo, trên – dưới, ai ai cũng có thể tham gia.
Lễ hội Bài chòi, hoạt động giải trí văn hóa truyền thống hội đồng đầy giá trị – Ảnh : Iternet |
Theo chiều dài lịch sử, Bài Chòi hình thành và phát triển dọc các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình trở vào đến Bình Thuận, bên cạnh các điểm chung cơ bản, mỗi địa phương lại mang những nét đặc trưng riêng, mang đậm dấu ấn của văn hóa truyền thống bản địa, từ cách trang trí chòi, không gian trình diễn, thời gian tổ chức… cho đến cách hô, cách chơi, cách tới… Sự đa dạng, phong phú này chính là điểm đặc sắc nhất của Bài Chòi Trung bộ.
Bài chòi, hiểu một cách đơn giản nhất là một kiểu đánh bài ngồi trên chòi mà đánh nhưng nó không chỉ dừng lại ở một trò chơi bài ở trong một không gian mở mà nó gắn liền với nghệ thuật diễn xướng với các nghệ nhân chính trong vai trò anh Hiệu, chị Hiệu – những người quản trò dẫn dắt cuộc chơi.
Nơi diễn ra hội đánh bài chòi thường là những khoảnh đất rộng, có thể là trước sân đình, miếu, một thửa ruộng mới thu hoạch chưa cày hoặc một gò đất hoang bằng phẳng gần các khu dân cư, gần chợ, thuận lợi cho mọi người đi dự hội…
Cách chơi phổ biến ở Bình Định là chơi chín chòi tương đương với chín chân bài. Muốn giữ một chân bài trước khi lên chòi phải bỏ tiền mua một thẻ bài cái. Cũng có thể người tham dự cuộc chơi bước lên chòi trước, khi bắt đầu cuộc chơi anh Hiệu, chị Hiệu mang ống bài cái leo lên từng chòi rút bài, người chơi trả tiền cho vào một cái khay.
Khi người điều khiển hội làm xong thủ tục khai hội, các Hiệu tề tựu đông đủ, Hiệu chính đến trước bàn hội đồng trịnh trọng thưa: “Hiệu phát bài đã đủ, cho Hiệu thủ bài tỳ” (thủ ống thẻ). Người chủ trì điểm một tiếng trống chầu ra lệnh, dàn nhạc nổi lên, Hiệu chính hai tay bê ống thẻ đựng 27 con bài con tại bàn hội đồng, đi vòng quanh sân hội. Các Hiệu phụ đi hai bên gõ sanh sứa đệm để Hiệu chính hô giới thiệu 27 con bài theo điệu bài chòi nhịp một (một hình thức kiểm tra 27 con bài trước khi bắt đầu cuộc chơi).
Lễ hội Bài Chòi thu hút đông đảo bà con xa gần vừa đến chơi hội, vừa thưởng thức văn nghệ dân gian hấp dẫn, ấn tượng – Ảnh: Iternet Xem thêm: Lễ hội Bà chúa Kho |
Tại Quảng Nam, trò chơi bắt đầu khi anh Hiệu (mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề) cất tiếng hò một bài lục bát hoặc song thất lục bát bằng chất giọng “rặt” phương ngữ địa phương. Không khí rộn ràng khi tiếng trống chầu thúc vang lôi cuốn, giục giã biết bao người dân hòa mình cùng những lời hô mang đậm bản sắc của vùng đất dân quê. Tuy là một hội đánh bài nhưng đây là một loại hình sinh hoạt giải trí dân gian, một hình thức chơi bài không có tính sát phạt, không cốt ở chỗ ăn thua mà chỉ để vui xuân, giải trí.
Một hội bài chòi có thể gồm nhiều ván (thông thường là ba ván) và Ban tổ chức thu được số tiền bán các thẻ bài cái (gọi là tiền xâu). Tiền xâu này dùng để chi cho các anh, chị Hiệu, dàn nhạc và những người trong Ban tổ chức. Nếu còn thừa thì chuyển sang cho hội chơi năm sau, thiếu thì trích quỹ làng phụ chi cho hội. Tiền thưởng cho người thắng cuộc chỉ mang tính chất tượng trưng, được quan niệm như là lộc đầu xuân, mang lại may mắn cho người chơi trong năm mới.
Nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng cho biết: Nếu Bài Chòi ở các tỉnh Nam Trung bộ nghiêng phần nhiều về sân khấu hóa, nặng phần hát, xem trọng vai trò của phần cái hô thì Bài Chòi Quảng Bình mang ý nghĩa chơi là chính nên có tên thường gọi là “Hội Bài Chòi”. Vai trò của nghệ nhân độc diễn bài chòi hầu như rất mờ nhạt. Bài Chòi Quảng Bình bắt nguồn từ đánh “bài tới”, bởi khi kết thúc ván, người chơi hô “tới”. Bộ bài của Bài Chòi sử dụng nguyên bộ “bài tới” với 30 con, chia làm 3 pho, mỗi pho lại có 9 con bài và 1 con bài Yêu.
Một góc của Hội bài chòi ở Quảng Bình – Ảnh: Internet |
Các nghệ nhân hò khoan, hát vè rồi cả chèo cạn xem Bài Chòi như một sân khấu trình diễn thi tài trong dịp đầu xuân thu hút đông đảo bà con xa gần vừa đến chơi hội, vừa thưởng thức văn nghệ dân gian hấp dẫn, ấn tượng. Bên cạnh đó, có một điểm thú vị khác, đó là sự xuất hiện vô cùng đặc biệt của con bài “Nhọn mỏ” – con bài chỉ có duy nhất ở Bài Chòi Quảng Bình. Để giới thiệu con bài này, nhiều cách hô vè rất hay được áp dụng, như: “Ai ơi lẳng lặng mà nghe con bài đi chợ/Một trăm ông chú không lo/Mà chỉ lo mụ o nhọn mồm…”
Ngoài việc thử thời vận hên xui vào dịp đầu năm, người ta tìm đến bài chòi còn để mua vui qua giọng hô, tài ứng đối và lối diễn trò của Hiệu. Bên trên các chòi tre, người chơi vừa hồi hộp lắng nghe tên con bài xem có trúng con bài của mình không vừa thưởng thức các điệu hò vè, các trò diễn của các anh, chị Hiệu.
Nét độc đáo của trò chơi bài chòi là ở việc xướng những câu ca dao, tục ngữ, hò, vè, kể những câu chuyện trong dân gian có nội dung ý nghĩa tương ứng với tên gọi của mỗi con bài được rút ra. Thành công của hội bài chòi phụ thuộc phần lớn vào tài năng của các anh, chị Hiệu, họ phải có chất giọng tốt, nắm vững lề lối hô và diễn, có khả năng sáng tác, có thể ứng khẩu thành thơ và cải biến nhanh lời hô tại chỗ, đặc biệt phải thuộc lòng rất nhiều tục ngữ, ca dao, bài vè.
Bài Chòi là sản phẩm tinh thần độc đáo, là tài sản quý báu, là niềm tự hào không chỉ của nhân dân miền Trung mà còn của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. “Rủ nhau đi đánh bài chòi – Để con nó khóc cho lòi rốn ra”, câu ca xưa phần nào cho thấy sức lôi cuốn của diễn xướng bài chòi với người dân lao động.
Source: https://evbn.org
Category: Lễ Hội