Bảo hiểm thất nghiệp, cách tính bảo hiểm thất nghiệp mới nhất năm 2020
Bảo hiểm thất nghiệp là một mối quan tâm của hầu hết người lao động khi đi làm tại một cơ quan, doanh nghiệp có ký kết hợp đồng lao động. Đây là một quyền lợi hợp pháp khi người lao động mất việc làm, là một khoản trợ cấp xã hội giúp họ có thể duy trì cho đến khi tìm được công việc mới. Vậy, bảo hiểm thất nghiệp là gì? Cách tính bảo hiểm thất nghiệp thế nào cho chuẩn? Nếu chưa thực sự hiểu về bảo hiểm thất nghiệp thì bạn hãy đọc hết bài viết dưới đây. Những thông tin chúng tôi đã cập nhật về chính sách, chế độ bảo hiểm thất nghiệp mới nhất năm 2020 sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn, giúp cho bạn được nhận trợ cấp thất nghiệp một cách nhanh nhất.
Mục Lục
Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Bảo hiểm thất nghiệp là một loại bảo hiểm xã hội được ra đời nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của người lao động. Tuy không ai muốn mình sẽ bị mất việc làm nhưng cũng không ai có thể đảm bảo sẽ gắn bó mãi với một chỗ làm. Vì lý do chủ quan hay khách quan, có thể vào một lúc nào đó bạn sẽ phải chấm dứt hợp đồng lao động với công ty chủ quản hiện tại. Trong thời gian chờ đợi có công việc mới, bạn sẽ nhận được một khoản trợ cấp từ BHXH Việt Nam. Về bản chất, bảo hiểm thất nghiệp là một loại bảo hiểm bảo vệ cho việc làm của người lao động, và khi mất việc người lao động sẽ được thanh lý hợp đồng bảo hiểm và nhận lại một khoản trợ cấp thất nghiệp tương ứng với mức đóng bảo hiểm trước đó.
Sở dĩ nhà nước ta cho ra đời chế độ hỗ trợ người thất nghiệp bởi lớp người lao động luôn là đối tượng ưu tiên của Nhà nước. Trợ cấp thất nghiệp ra đời với mục đích giúp những người mất việc làm vẫn có thể có tiền trang trải cuộc sống, hoặc học nâng cao tay nghề để có cơ hội tìm được công việc mới tốt hơn. Tuy nhiên, để được nhận khoản trợ cấp này, bạn phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp được quy định trong luật Bảo hiểm và các luật liên quan. Điều kiện cụ thể như thế nào, hãy xem mục tiếp theo.
Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp 2020
Điều kiện để người tham gia bảo hiểm xã hội có thể được nhận trợ cấp thất nghiệp được quy định rõ trong Điều 49, Mục 3 của Luật Việc Làm. Theo đó, người lao động làm việc có ký kết hợp đồng lao động hợp pháp và đóng bảo hiểm xã hội đúng hạn sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện dưới đây:
Điều kiện về lý do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng việc làm:
NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
- NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không tuân theo quy định của pháp luật.
- Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
Điều kiện về thời gian tối thiểu đóng bảo hiểm thất nghiệp:
– Đối với trường hợp ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có xác định thời hạn (thời hạn hợp đồng trên 12 tháng) hoặc không xác định thời hạn (hợp đồng vô thời hạn) thì NLĐ phải đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
– Đối với trường hợp ký hợp đồng lao động thời vụ, NLĐ cần đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Điều kiện về thời gian nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
Muốn được hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ phải nộp dồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đầy đủ và đúng hạn theo quy định. NLĐ phải nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm của nhà nước tại địa phương mình trong vòng 3 tháng kể từ ngày quyết định thôi việc có hiệu lực.
Điều kiện về thời gian chưa tìm được việc làm mới
Sau ít nhất 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp mà NLĐ chưa có việc làm mới (không ký kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng việc làm mới) thì sẽ đủ điều kiện được nhận trợ cấp thất nghiệp. NLĐ đảm bảo đủ tất cả các điều kiện nhưng thuộc các đối tượng sau đây thì sẽ không nhận trợ cấp thất nghiệp:
- Người lao động đang trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
- Người lao động nghỉ việc để học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
- Người lao động nghỉ việc để vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc khi được yêu cầu;
- Người lao động đang bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
- Người lao động nghỉ việc để ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Chết.
Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 là bao nhiêu?
Điều 50 Luật Việc làm quy định về mức hưởng, thời gian hưởng, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 phụ thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm và mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2020. Theo đó, mức phí đóng BHXH càng cao và thời gian tham gia bảo hiểm càng dài thì quyền lợi được hưởng trợ cấp thất nghiệp của bạn càng nhiều.
Quy định về số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp
Số tháng mà người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo cấp số cộng sau mỗi 12 tháng khi đáp ứng đủ thời gian tối thiểu đóng BHTN.
- NLĐ được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp nếu đóng đủ từ 12 tháng đến dưới 36 tháng BHTN.
- NLĐ được cộng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp với mỗi 12 tháng đóng BHTN tiếp theo, nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Ví dụ: Bạn có thời gian đóng bảo hiểm là từ 1/1/2012 thì nếu đến 1/1/2015 bạn đủ điều kiện về thời gian để nhận được 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Nếu bạn tiếp tục đóng đến 1/1/2016 thì bạn được hưởng 3+1=4 tháng trợ cấp. Sau mỗi 12 tháng thì bạn cộng thêm 1 tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp cho đến khi đủ số tháng tối đa là 12 tháng trợ cấp. Nghĩa là đến 1/1/2024 thì bạn đạt thời hạn để có số tháng nhận trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng. Sau ngày này nếu bạn vẫn tiếp tục đóng bảo hiểm thì số tháng nhận trợ cấp thất nghiệp của bạn cũng không được cộng thêm.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa năm 2020
Điều 50 Luật Việc làm quy định rõ về vấn đề này. Hiện tại mức lương tối thiểu vùng năm 2020 và mức lương cơ sở đều tăng dẫn đến lương và các khoản trợ cấp cũng tăng theo, do đó mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa năm 2020 cũng tăng theo. Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp tối đa năm 2020 được tính cụ thể như sau:
– Với nhóm cán bộ, công chức Nhà nước và tất cả những người lao động được trả lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở áp dụng đến trước ngày 1/7/2020 là 1.490.000 đồng thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa hàng tháng là 1,49 x 5= 7,45 triệu đồng/tháng. Từ ngày 1/7/2020 thì mức lương cơ sở tăng lên 1.600.000 đồng thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa sẽ là 1,6 x 5 = 8 triệu đồng một tháng.
– Với nhóm người lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng việc làm hợp pháp đã ký kết thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2020 của khối doanh nghiệp sẽ do doanh nghiệp đưa ra con số chính xác nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Cách tính bảo hiểm thất nghiệp 2020
Công thức tính bảo hiểm thất nghiệp mới nhất năm 2020 như sau:
Mức trợ cấp thất nghiệp 1 tháng = 60% x M M là bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi mất việc |
Như vậy, mức lương đóng BHTN càng cao thì mức trợ cấp thất nghiệp càng cao. Áp dụng cách tính này cho từng đối tượng tham gia bảo hiểm khác nhau như thế nào nếu là cán bộ viên chức nhà nước, công nhân, nhân viên văn phòng…
Cách tính bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 của cán bộ công chức
Do cách tính lương của khối công chức nhà nước khác với các khối kinh tế khác nên cách tính trợ cấp thất nghiệp cũng sẽ có sự khác biệt. Theo công thức ở trên, mức trợ cấp thất nghiệp của cán bộ, công nhân viên chức nhà nước sẽ phụ thuộc vào mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cũng như bảo hiểm thất nghiệp. Trong nhóm này lại được chia ra hai nhóm đối tượng khác nhau:
– Nhóm cán bộ công chức Nhà nước: Nếu bạn là cán bộ nhà nước, hoặc nhân viên làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp nhận lương từ nguồn ngân sách Nhà nước và đa vào biên chế chính thức thì bạn không thuộc diện đóng bảo hiểm thất nghiệp.
– Nhóm viên chức: Là những người làm việc trong khối kinh tế Nhà nước, nhận lương từ nguồn ngân sách nhà nước nhưng chưa vào biên chế chính thức mà làm việc theo chế độ hợp đồng lao động. Nếu thuộc đối tượng này, bạn sẽ phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp với mức đóng 1% trên lương hàng tháng. Cách tính trợ cấp thất nghiệp cũng sẽ được áp dụng theo công thức trên. Nghĩa là bạn sẽ nhận được 60% mức lương trung bình 6 tháng gần nhất mà bạn đóng bảo hiểm.
Ví dụ: Bạn là viên chức làm việc từ tháng 5/2010 đến hết tháng 5/2016 với mức lương đóng BHTN là 4.000.000/tháng và tăng lên 5.000.000 đồng/tháng từ 1/1/2016 đến khi thôi việc. Xét trường hợp bạn đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Số tháng bạn nhận được trợ cấp thất nghiệp sẽ là 6 tháng
Theo công thức trên ta tính M bằng trung bình 6 tháng gần nhất:
M = (4.000.000 + (5.000.000 x 5))/6 = 4.833.333 đồng
Trợ cấp thất nghiệp hàng tháng sẽ là 60% của 4.833.333 = 2.899.999 đồng/tháng. Mức này vẫn nằm trong mức lương trợ cấp thất nghiệp tối đa. Như vậy, tổng trợ cấp của bạn sẽ là 17.399.994 đồng.
Cách tính bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 của cán bộ nhân viên doanh nghiệp
Đối với khối kinh tế tư nhân với nguồn lương được chi trả bởi các công ty, doanh nghiệp chủ quản nằm ngoài ngân sách nhà nước thì công thức tính bảo hiểm thất nghiệp vẫn không thay đổi. Chỉ khác nhau về cách tính mức đóng BHTN, là chỉ số M như công thức ở trên.
Để biết được chính xác mức lương đóng bảo hiểm thì bạn nên kiểm tra tại bộ phận nhân sự hoặc bộ phận phụ trách bảo hiểm. Biết được mức lương đóng bảo hiểm của mình thì bạn áp dụng công thức trên để tính.
Ví dụ: Bạn ký hợp đồng lao động và làm việc trong một công ty A tại Hoàn Kiếm, Hà Nội từ tháng 3/2019 đến hết tháng 5/2020 với mức lương cố định hàng tháng là 10.000.000 đồng và đây cũng là mức lương đóng BHXH và BHTN của bạn. Lúc này, bạn thuộc đối tượng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp (bạn làm việc tại đây 14 tháng, nằm trong phạm vi đủ trên 12 tháng đến dưới 36 tháng). Mức lương trung bình của 6 tháng gần nhất sẽ là 10.000.000 (Vì lương bạn nhận là bằng nhau mỗi tháng). Lúc này, áp dụng cách tính bảo hiểm thất nghiệp ta sẽ có mức trợ cấp thất nghiệp của bạn = 10.000.000 x 60% = 6.000.000 trên 1 tháng trong 3 tháng. Mức này vẫn không cao hơn 5 lần mức lương tối thiểu vùng 1 (mức lương tối thiểu vùng Hà Nội trong trường hợp này từ 1/12020 là 4.420.000 đồng) Tổng trợ cấp bạn nhận 1 lần sẽ là 18.000.000 đồng.
Trên đây là một vài thông tin về điều kiện hưởng, cách tính và mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp mới nhất năm 2020 dành cho cán bộ, công nhân viên chức nhà nước và người lao động làm việc trong các công ty, doanh nghiệp có ký hợp đồng lao động. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn!