Việt Nam : Xử lý rác thải cần một cơ chế đồng bộ, không thể dồn hết vào ý thức người dân – Tạp chí Việt Nam

Việt Nam chủ yếu đang áp dụng hai công nghệ xử lý rác khá sơ đẳng : chôn lấp và đốt để xử lý khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt hàng năm, trong đó hơn 50% là chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Tuy nhiên, chưa một hình thức nào được công nhận thực sự có hiệu quả, thậm chí còn gây thêm ô nhiễm.

Quảng cáo

Nhà máy Nam Sơn sản xuất điện từ rác thải lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 35 km, được kỳ vọng khi đi vào hoạt động tháng 01/2022 sẽ xử lý được 4.000 tấn rác thải của người dân thủ đô trên tổng số khoảng 5.500 tấn được chuyển hàng ngày đến bãi rác Nam Sơn. “Do việc tiếp nhận rác ở Nam Sơn đã quá tải, cho nên thời gian vừa qua, rất nhiều lần, nước thải từ rác tràn ra ngoài và ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, theo phát biểu của bà Nguyễn Thị Hồng Vân, tổng giám đốc bộ phận phát triển thị trường Đông Nam Á công ty năng lượng Thiên Ý (Trung Quốc), chủ đầu tư nhà máy Nam Sơn.  

Theo trang Đại biểu Nhân dân ngày 21/05/2021, “cả nước có 1.322 cơ sở xử lý rác thải rắn sinh hoạt, gồm 381 lò đốt, 34 dây chuyền chế biến compost, 904 bãi chôn lấp, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh”. Đây là điểm yếu mà Việt Nam cần khắc phục để có thể xử lý rác thải hiệu quả.  

Việc người dân phân loại rác từ trong hộ gia đình là biện pháp quan trọng bước đầu. Tuy nhiên, trước đó, các cơ quan trung ương và các cấp cần có một cơ chế đồng bộ, từ kỹ thuật (liên quan đến thu gom, xử lý rác) đến pháp lý nhằm giảm thiểu phát thải, khuyến khích tái sử dụng và tái chế. Đây là nhận định chung với RFI Tiếng Việt ngày 19/11/2021 của hai nhà phụ trách của tổ chức phi chính phủ Gret : Ông Nguyễn Hữu Ninh, trưởng đại diện Tổ chức Gret tại Việt Nam, trưởng dự án quản lý rác thải và bà Trần Thu Hương, Quản lý dự án Tổ chức Gret, cán bộ phụ trách đào tạo và nâng cao năng lực của dự án quản lý rác thải.

*****

RFI : Việt Nam xử lý rác thải sinh hoạt theo hai hình thức truyền thống nhất là chôn lấp và đốt. Bất cập của hai hình thức này là gì ? Và tại sao nảy sinh những vấn đề này ? 

Ông Nguyễn Hữu Ninh : Ở Việt Nam, trên quy mô cả nước chẳng hạn, mỗi ngày, tổng số khối lượng rác thải sinh hoạt thải ra dao động từ 60.000 đến 65.000 tấn, trong đó khoảng 20-25% tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cho nên, nếu nói về xử lý rác thải, mọi người hay nói ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương có những vấn đề nổi cộm, những vấn đề bức xúc nhất. Nhưng thực ra, chúng ta phải nói rằng công tác xử lý rác thải khá là khác nhau ở khu vực đô thị, khu vực nông thôn, ở các thành phố lớn hay những vùng đô thị nhỏ ven đô. 

Về xử lý rác thải, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chôn lấp vẫn là biện pháp phổ biến nhất, trong đó ở Hà Nội phải đến 90% khối lượng rác thải được xử lý thông qua chôn lấp và thành phố Hồ Chí Minh là khoảng hơn 70%. 

Về chôn lấp, thực ra chúng tôi không có những báo cáo đánh giá tác động đến môi trường cụ thể nào để khẳng định rằng công tác chôn lấp đã được thực hiện một cách « an toàn », « đúng quy trình » và không có tác động nhiều đến môi trường hay tất cả những vấn đề về ô nhiễm, như nước rỉ rác, khí gas… tất cả đã được xử lý. Trên thực tế, chúng tôi cũng không được tiếp cận, không có được những báo cáo nào cụ thể có thể nói rằng công tác xử lý rác thải thông qua hình thức chôn lấp đó đã bảo đảm đến môi trường. Cho nên cũng hơi khó có những thông tin như vậy. 

RFI : Bất cập trong việc chôn lấp và đốt rác thải đã được đề cập, nhưng tại sao vẫn tồn tại trong thời gian dài, cho đến tận nay ?  

Ông Nguyễn Hữu Ninh : Ở Việt Nam về chôn lấp, mọi người đều thấy rõ những vấn đề đặt ra. Phần lớn tất cả các bãi đều ở trong tình trạng quá tải và có tác động đến môi trường, gây ra xung đột với các cộng đồng dân cư sống xung quanh đó chẳng hạn thì chúng ta đã có rất nhiều thông tin. 

Liên quan đến công nghệ xử lý qua hình thức đốt chẳng hạn, tại sao lại chưa phổ biến ở Việt Nam ? Tôi nghĩ là có rất nhiều nguyên nhân, kể cả chủ quan lẫn khách quan. Về mặt khách quan, đặc điểm ở Việt Nam là trong rác thải có quá nhiều rác thải hữu cơ không được phân loại. Trong khuôn khổ một dự án của Gret, chúng tôi cũng đã tiến hành phân tích thành phần rác thải, theo đó khoảng 55 đến 60% là rác thải hữu cơ.  

Yếu tố thứ hai là độ ẩm của rác rất cao, tùy theo mùa, nhưng cũng dao động từ 50-60% là độ ẩm. Do vậy, nếu như rác thải không được phân loại, không được xử lý trước khi đưa vào lò đốt thì việc đốt sẽ không được triệt để và sẽ đòi hỏi những công nghệ phức tạp hơn để có thể xử lý hoàn toàn vấn đề ô nhiễm.  

Nếu lò đốt có quy mô nhỏ, thủ công hoặc đầu tư ít thì không xử lý được triệt để như kỳ vọng đặt ra. Lý do là độ ẩm của rác thải quá cao dẫn đến nhiệt độ trong lò đốt quá thấp và dẫn đến việc rất nhiều khí thải độc hại chưa được xử lý và không bảo đảm các quy chuẩn. 

Một trong những lý do nữa là ở Việt Nam, tiêu chí đặt ra là áp dụng những công nghệ mới, không những không cần năng lượng bổ sung mà còn phải sinh ra năng lượng và đáp ứng được một loạt tiêu chí đầu vào, đó là công nghệ phải xử lý được vấn đề rác thải không cần phân loại nên có rất nhiều rào cản về kỹ thuật, thể chế. 

Tất nhiên, về mặt chủ quan nữa là ý thức của người dân, ý thức của cộng đồng trong việc phân loại rác thải, hay là « 3R » có nghĩa là cần giảm phát thải, tăng cường tái chế, tái sử dụng, phân loại… Tất cả những điểm đó liên quan đến ý thức của cộng đồng. 

RFI : Tổ chức Gret đã can thiệp nhiều vào việc cải thiện phương pháp xử lý rác thải. Vậy rác thải không được xử lý đúng thì gây hậu quả như nào cho môi trường ? Nên đi theo hướng nào để quản lý được rác thải một cách hiệu quả và có lợi ? 

Ông Nguyễn Hữu Ninh : Thực ra chúng ta vẫn nói phân loại rác tại nguồn là một trong những điểm mấu chốt để xử lý rác thải thành công. Ở Việt Nam cũng có rất nhiều dự án của chính phủ, dự án được hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nhằm thí điểm công tác phân loại rác tại nguồn. Đáng buồn là đến hiện tại chưa có dự án nào thật sự thành công. Cho nên, đúng là việc phân loại rác phải được thực hiện đồng bộ, từ khâu thu gom, vận chuyển đến khâu hạ tầng xử lý và cả khâu đầu ra cho sản phẩm tái chế. 

Nếu chỉ nói đến ý thức, hiểu biết của người dân về việc phân loại rác, hoặc trang bị của đội ngũ thu gom và vận chuyển xử lý thì vẫn chưa đủ mà phải là cả một hệ thống trang thiết bị hạ tầng. Đầu tiên là phía người dân phải có đủ trang thiết bị để có thể phân loại rác tại nguồn (tại nhà), sau đó là đội ngũ thu gom cũng phải có những trang thiết bị đặc thù cho các loại rác khác nhau và đến cơ sở xử lý.  

Ngoài ra phải kể đến chế tài, chính sách áp dụng, phải có những đơn giá áp dụng cho từng hình thức xử lý khác nhau. Hiện tại, chính phủ vẫn chỉ có hai hình thức phổ biến nhất là chôn lấp hoặc là đốt và có hai đơn giá cho hai hình thức đó. Tuy nhiên, những hình thức xử lý khác, tái chế khác hay là làm phân hữu cơ thì chưa có đơn giá. Và đằng sau đó là cả một quy trình theo dõi, giám sát liệu những doanh nghiệp hoặc những đơn vị chịu trách nhiệm xử lý rác thải áp dụng có đúng những hình thức xử lý như đã cam kết không. 

Có lẽ thất bại của các dự án phân loại rác tại nguồn là chưa tạo ra được một quy trình đồng bộ. 

RFI : Ý thức phân rác tại nguồn của người dân có vai trò như thế nào ? 

Bà Trần Thu Hương : Thực ra phần liên quan đến ý thức của người dân vẫn chỉ là phần bên dưới, mà còn liên quan cả đến ưu tiên của các nhà quản lý trong phần hoạch định chính sách của họ. Hiện nay, vấn đề quản lý rác thải vẫn bị nằm trong vấn đề môi trường, trong khi môi trường có vô vàn vấn đề khác nhau mà rác thải chỉ là một vấn đề và thực sự chưa được ưu tiên.  

Khi chúng tôi làm dự án ở Vĩnh Phúc, rác thải vẫn chưa phải là vấn đề ưu tiên của họ cho đến khi dự án cùng làm với các đơn vị, cơ quan tham vấn cho tỉnh ban hành các chính sách về xử lý rác thải đồng hành với chúng tôi trong các hoạt động tại thực địa. Và dường như là những ưu tiên của họ trong các chương trình, trong các đề xuất của họ về mặt chính sách cũng đã tăng lên.  

Ông Nguyễn Hữu Ninh : Mới đây chính phủ ban hành  luật mới theo định hướng ai là người phát thải, người đó phải chịu trách nhiệm. Những đơn vị nào sử dụng hàng hoá ny lông, chai nhựa thì phải chi trả để xử lý những rải thải nhựa đó chẳng hạn. Tuy nhiên, công tác vận động, tuyên truyền cho người dân hoặc là hướng dẫn cụ thể cho các cấp chính quyền hay doanh nghiệp có thể áp dụng sử dụng thì chắc lẽ còn phải cần thời gian. 

Bà Trần Thu Hương : Có một hướng nữa Việt Nam đang bắt đầu tìm hiểu là thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, vẫn là giảm thiểu rác thải ngay từ khâu sản xuất và làm thế nào thu hồi rác thải quay lại trong quá trình sản xuất. Thay vì chỉ liên quan đến người tiêu dùng thì giờ phải ràng buộc cả trách nhiệm của nhà sản xuất. Đây là một hướng đi nhưng cũng mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm tìm hiểu. 

RFI : Trở lại dự án của Gret, dự án xử lý rác thải ở tỉnh Vĩnh Phúc được Gret triển khai như nào ? Địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc khác với địa bàn các đô thị lớn như thế nào ?

Bà Trần Thu Hương : Dự án ở tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành. Dự án được triển khai trên 25 xã thuộc 2 huyện từ 2016 đến 2018, đầu 2019 đã bàn giao cho tỉnh. Dự án có nhiều hợp phần khác nhau, trong đó hợp phần liên quan đến cơ sở hạ tầng là rất rất nhỏ. Dự án chủ yếu tập trung vào kỹ thuật, xây dựng năng lực, truyền thông và vận động chính sách. Có một số sản phẩm mà rõ ràng hiện tỉnh vẫn đang làm, ví dụ tỉnh cập nhật những chính sách liên quan đến quản lý rác thải, xây dựng cơ sở dữ liệu. Sản phẩm hỗ trợ quản lý của tỉnh hiện vẫn được tỉnh sử dụng.  

Ông Nguyễn Hữu Ninh : Đầu tiên, chúng ta phải giải thích một chút về bối cảnh của dự án. Dự án can thiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, là một địa bàn bán đô thị (nửa nông thôn, nửa đô thị), không giống như các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nơi công tác thu gom xử lý rác thải được thực hiện một cách tập trung bởi các doanh nghiệp lớn hoặc ở quy mô cả thành phố về các bãi rác tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ.

Hiện tại, ở nông thôn, rác thải được xử lý ở cấp xã, chứ không phải ở cấp tỉnh hay huyện. Ví dụ tỉnh Vĩnh Phúc có 7 huyện, 1 thị trấn, 1 thành phố, trong số 7 huyện có 118 xã và mỗi xã là một đơn vị tư chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải và họ phải có những bãi chôn lấp và lò đốt riêng. Tại tỉnh Vĩnh Phúc nơi Gret thực hiện dự án, chúng tôi thẩm định mỗi xã có 2,5 bãi chôn lấp hoặc lò đốt.

Dự án của Gret tập trung vào 3 nội dung chính : hỗ trợ cải tạo một số cơ sở hạ tầng xử lý rác thải (bãi chôn lấp, lò đốt sẵn có) để giảm thiểu tác động có hại ra môi trường. Dự án của tổ chức Gret không phải là xây mới và bàn giao cho tỉnh mà hỗ trợ cải thiện hạ tầng sẵn có, đưa một số công nghệ, một số kỹ thuật mới để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã vận hành, duy tu, bảo dưỡng, quản lý để giảm thiểu tác động đến môi trường.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Hữu Ninh và bà Trần Thu Hương, thuộc tổ chức phi chính phủ Gret, tại Hà Nội. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Đăng ký

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế