Tư tưởng nhân văn trong ‘Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản’

Cách đây 175 năm, ngày 24/02/1848, sau những năm nghiên cứu, khảo sát phong trào công nhân ở các nước Tây Âu, C.Mác và Ph.Ăngghen đã hoàn thành một tác phẩm quan trọng với tên gọi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. C.Mác và Ph.Ăngghen chính thức công bố trước toàn thế giới Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do các ông soạn thảo theo sự ủy nhiệm của Đồng minh những người cộng sản. Cả hai ông là những người đặt nền móng cho học thuyết khoa học và cách mạng về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản đem lại sự phát triển lý luận mới về chất, chuyển chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học.

Tác phẩm bất hủ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được ra đời, gồm 4 chương: Tư sản và vô sản; những người vô sản và những người cộng sản; văn học chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; thái độ của những người cộng sản đối với các đảng đối lập.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. (Ảnh Tư liệu)

Tuyên ngôn đã “công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm” của những người cộng sản, đồng thời “đập lại một câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản” ở châu Âu mà các thế lực chống đối rêu rao. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là tác phẩm kinh điển chủ yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học. Những nguyên lý của C.Mác và Ph.Ăngghen trình bày trong tác phẩm là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trải qua nhiều thử thách, hơn một thế kỷ qua, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhiều vấn đề mới đặt ra cần giải quyết, song chủ nghĩa Mác không hề lỗi thời.

Sự ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào tháng 02/1848 là sự kiện do giai cấp vô sản tiến hành gắn với cuộc đấu tranh giải phóng loài người của giai cấp vô sản và lao động trên thế giới theo những nguyên tắc cộng sản chủ nghĩa, tạo bước ngoặt lớn đối với tiến trình lịch sử và điều này càng làm tăng thêm giá trị nhân văn sâu sắc đã chứa đựng trong chủ nghĩa cộng sản.

Thực tiễn lịch sử chứng minh, từ ánh sáng tư tưởng của Tuyên ngôn dẫn đến giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Điển hình là mới 15 tuổi, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh đổ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta đã đề ra đường lối lãnh đạo nhân dân đoàn kết vừa diệt thù trong, vừa chống giặc ngoài, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Trước dã tâm muốn cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục vận dụng lý luận về cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đề ra đường lối tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính”, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã đặt nền tảng tư tưởng cho những vấn đề về Đảng và luôn là kim chỉ nam trong công tác xây dựng Đảng của Đảng ta. Đồng thời, giá trị nhân văn của chủ nghĩa cộng sản thể hiện qua Tuyên ngôn luôn không thay đổi, cho dù thời thế có những đổi thay.

Trong 93 năm qua từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, sự phát triển và mọi thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam là minh chứng sinh động về sự kiên định, vận dụng sáng tạo của Đảng ta đối với những nguyên lý cơ bản trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Trong rất nhiều bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhận định: Những người Việt Nam có ngày hôm nay phải nhớ đến đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Kỷ niệm 175 năm Ngày ra đời bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiện nay cần nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, không chủ quan với thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; không mơ hồ, lơ là với tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Quy định (QĐ) số 08-Qđi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, QĐ số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, QĐ số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tránh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, cùng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị và tư tưởng, thống nhất cao về ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức và lối sống./.

Ths. Nguyễn Thanh Hoàng