Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Được xây dựng từ năm 2012, EBI là nguồn thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động TMĐT trên phạm vi cả nước, ở các cấp từ Trung ương, địa phương, đến đông đảo các tổ chức và doanh nghiệp, đồng thời cũng gợi mở nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT và kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian tới.
Chỉ số TMĐT năm 2018 (EBI 2018) được xây dựng trên cơ sở cuộc khảo sát với quy mô hàng nghìn doanh nghiệp trên cả nước vào cuối 2017. Có thể nói, sau giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Internet sau 20 năm gia nhập tại Việt Nam, TMĐT trong nước đã bước qua giai đoạn hình thành và phổ cập, và chuyển mình bước sang giai đoạn phát triển nhanh từ 2016. Theo ước tính của VECOM, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong ba năm tiếp theo 2018 – 2020.

Báo cáo EBI 2018 dựa trên kết quả khảo sát của hàng nghìn doanh nghiệp và được xây dựng trên 4 trụ cột là hạ tầng và nguồn nhân lực, giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và dịch vụ công trực tuyến (G2B).Phương pháp xây dựng chỉ số được kế thừa từ các năm trước. Bên cạnh đó, EBI 2018cũng xem xét kỹ tình hình đăng ký và sử dụng tên miền quốc gia cũng như quốc tế, thu nhập bình quân đầu người và số lượng doanh nghiệp tại mỗi địa phương. Cân nhắc mối tương quan cao giữa tỷ lệ tên miền quốc gia trên một nghìn dân với hạ tầng và nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, tương tự như 2017, năm nay không tiến hành xây dựng chỉ số cho những địa phương có tỷ lệ này quá thấp.
Kết quả khảo sát cho thấy, với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website TMĐT cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Với lĩnh vực thanh toán, năm 2017, tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 100 – 200%. Trong lĩnh vực du lịch, tỷ lệ đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến tăng mạnh, đạt mức 30%. Nếu kết hợp với đà tăng trưởng 2 chữ số của doanh thu du lịch thì có thể ước tính tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch trực tuyến đạt trên 50%.
Tuy nhiên, dù TMĐT đã phát triển tại nhiều địa phương nhưng khoảng cách về mức độ phát triểnTMĐT tại đây vẫn còn rất lớn nếu so sánh vớihai thành phố lớn nhất đồng thời là hai trung tâm kinh tế là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngoài Đà Nẵng là trung tâm kinh tế của miền Trung, những địa phương có thứ hạng cao là những địa phương nằm trong khu vực cận kề với hai thành phố trên.Trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 9 tỉnh không xuất hiện trong báo cáo về Chỉ số TMĐT lần này, gồm 5 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La) và 4 tỉnh miền Tây Nam Bộ (Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng). Đây là những tỉnh có số tên miền quốc gia .vn quá thấp, trung bình từ 3.000 dân trở lên mới có 1 tên miền.
Bên cạnh việc khảo sát và xếp hạng TMĐT tại các địa phương theo các tiêu chí hạ tầng và nguồn nhân lực, giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và giao dịch giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp (G2B), Báo cáo EBI 2018 cũng phân tích một số thử thách sẽ tác động lớn tới sự phát triển của TMĐT Việt Nam trong những năm tới, bao gồm quản lý thuế, kinh tế chia sẻ và công nghệ Blockchain.
 

 

Nguồn: idea

Source: https://evbn.org
Category: Góc Nhìn