PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH NHÀ TRƯỜNG NHỮNG KINH NGHIỆM THỰC TIỄN Ở TRƯỜNG THCS&THPT NGUYỄN TẤT THÀNH

PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH NHÀ TRƯỜNG NHỮNG KINH NGHIỆM THỰC TIỄN Ở TRƯỜNG THCS&THPT NGUYỄN TẤT THÀNH

Thứ tư – 13/07/2016 22 : 55

  •  
  •  
  •  

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI yêu cầu: đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lí tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kĩ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội; đổi mới cơ chế quản lí GD-ĐT trên tinh thần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD-ĐT; động viên các nguồn lực trong xã hội; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng…
Trong những năm qua Bộ GD-ĐT đã xây dựng và chỉ đạo nhiều chương trình, đề án hoạt động nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng về đổi mới GD-ĐT. Chính trong quá trình đó Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội và Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã rất mong muốn tạo ra mô hình Trường phổ thông thực hành sư phạm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh (HS), gắn kết chặt chẽ với một mục tiêu đào tạo sinh viên sư phạm. Khi về trường phổ thông, sinh viên sẽ được trải nghiệm và hình thành năng lực xây dựng chương trình giáo dục nhà trường phù hợp với thực tế của địa phương và nhà trường. Mong muốn của Trường ĐHSP Hà Nội và Trường Nguyễn Tất Thành được tạo điều kiện và cổ vũ bởi Công văn 791/HD-BGDĐT, ngày 25/6/2013 về thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông. Mục tiêu của Bộ GD-ĐT là tạo điều kiện để các nhà trường chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình, xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực HS, chú trọng giáo dục đạo đức, giá trị sống, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của HS. Bộ đã chỉ đạo Trường Nguyễn Tất Thành cùng 6 trường THPT khác thực hiện thí điểm chủ trương đổi mới quan trọng này. Chủ trương này rất “trúng” với  nhu cầu thực tế nên ngay khi bắt đầu triển khai đã có thêm nhiều trường phổ thông xin được tham gia thí điểm. Do đó, việc xây dựng chương trình giáo dục nhà trường đã được thử nghiệm ở rất nhiều trường trong cả nước, nhất là ở cấp THPT. Thực tế đó thể hiện tính chủ động của các nhà trường, bắt nhịp với yêu cầu thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện  GD-ĐT.
Trong ba năm qua, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã có nhiều sáng kiến, đổi mới để hiện thực hóa việc Phát triển chương trình giáo dục nhà trường, đã huy động được các nguồn lực trong và ngoài nhà trường, học hỏi chương trình giáo dục ở các nước tiên tiến, đổi mới cách tiếp cận nội dung chương trình giáo dục, đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực HS.
Nhà trường đã triển khai hiệu quả các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và tổ chức được nhiều chủ đề tích hợp liên môn sinh động, hấp dẫn đối với HS. Tăng cường khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết các tình huống thực tiễn qua đó phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, năng lực cảm thụ cái đẹp, tinh thần trách nhiệm,… của HS. Điều quan trọng nhất là Trường Nguyễn Tất Thành đã xây dựng được cộng đồng học tập, gắn kết các nguồn lực trong và ngoài nhà trường để tổ chức các hoạt động học tập, hoạt động giáo dục cho HS. Các thành viên của nhà trường đã chủ động tự học và học hỏi lẫn nhau, cùng nhau xây dựng và phát triển chương trình nhà trường để đảm bảo mục tiêu phát triển được năng lực của từng nhóm đối tượng HS. Sự linh hoạt, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và chủ động đã giúp nhà trường vượt qua các khó khăn để thực hiện thành công chương trình thí điểm của Bộ GD-ĐT.
Chúng tôi đánh giá cao vai trò của Trường ĐHSP Hà Nội trong thành công của mô hình nhà Trường Nguyễn Tất Thành. Những nghiên cứu lí luận về phát triển chương trình nhà trường, những kết quả phân tích và đánh giá thực tiễn nhà trường phổ thông, sự hỗ trợ trực tiếp của đội ngũ giảng viên sư phạm là những tiền đề quan trọng đối với việc phát triển chương trình nhà trường theo định hướng năng lực của Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành. Vượt qua mục tiêu xây dựng một trường phổ thông chuẩn mực, chất lượng cao để làm môi trường cho sinh viên thực hành sư phạm, Trường ĐHSP Hà Nội đã tạo ra một mô hình trường học thực tiễn có thể áp dụng tốt nhất những kết quả nghiên cứu về giáo dục, về dạy học có chất lượng.
Nội dung các bài viết đăng trên Tạp chí Giáo dục phục vụ Hội thảo của Trường có chất lượng cao thể hiện được cơ sở lí luận, cơ sở thực tiễn trong quá trình thực hiện chương trình thí điểm. Đây là tài liệu tham khảo quý báu cho các trường khác cùng thực hiện theo tinh thần Công văn số 791/HD-BGDĐT, và là cơ sở để Bộ GD-ĐT đối chiếu, xây dựng các hướng dẫn, định hướng về phát triển chương trình nhà trường trong cả nước. Đặc biệt, Hội thảo cũng thu hút được sự đóng góp tích cực của các nhà khoa học thuộc Trường ĐHSP Hà Nội – những người cộng tác chặt chẽ với Trường Nguyễn Tất Thành trong quá trình phát triển chương trình nhà trường và xây dựng môi trường đào tạo sinh viên ngay trong quá trình phát triển chương trình giáo dục định hướng phát triển năng lực HS của Trường Nguyễn Tất Thành.
Các bài viết về hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục đã triển khai, những bài học kinh nghiệm của giáo viên cho thấy nỗ lực đổi mới của thầy cô trong việc xây dựng và phát triển chương trình nhà trường là đáng được trân trọng. Các thầy cô đã khắc họa hình ảnh mới về giáo viên – những nhà khoa học giáo dục ở nhà trường phổ thông. Trong Tạp chí còn có bài viết của HS, đây là phần thú vị nhất của hội thảo lần này, khi chính các em – những sản phẩm của đổi mới trong nhà trường được nêu lên quan điểm, tiếng nói của mình trong một hội thảo khoa học giáo dục bàn về chính các em. Sự tự tin, sáng tạo, niềm vui học tập của HS thể hiện rõ các em không chỉ là đối tượng mà chính là chủ thể của hoạt động giáo dục. Đó là mục tiêu mà mỗi nhà trường cần hướng tới, là thành quả lớn nhất của chương trình nhà trường mà Bộ GD-ĐT mong muốn xây dựng và triển khai trong cả nước.
Những kết quả đạt được sau 3 năm triển khai chương trình nhà trường của Trường Nguyễn Tất Thành và Trường ĐHSP Hà Nội cho thấy sức sáng tạo của đội ngũ giáo viên và HS là vô tận nếu được tạo cơ chế, hỗ trợ điều kiện và động viên, khuyến khích kịp thời. Những việc mà nhà trường đã, đang thực hiện là rất tích cực và hiệu quả, rất đáng được trân trọng và biểu dương, là điểm sáng có thể chia sẻ kinh nghiệm trong toàn quốc, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông và đào tạo sư phạm.

                                                                                                      TS. Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Source: https://evbn.org
Category: Góc Nhìn