Cuốn sách kỷ lục Guinness được ra đời như thế nào?

Ngày 27-8/1955 tại Anh đã ra đời một cuốn sách không lớn (gồm 198 trang), sau này nó trở thành một trong số những sách có nhiều độc giả nhất thế giới. Cuốn sách này có tên là gọi là “Sách của những sự kiện nổi trội nhất, nói về những điều cao nhất, thấp nhất, lớn nhất, nhỏ nhất, nhanh nhất, cũ nhất, mới nhất, ưu việt nhất, nóng nhất, lạnh nhất, mạnh nhất”. Một thời gian sau khi tái bản thì tên gọi của sách đã được thay đổi. Và đến nay thì cuốn sách tra cứu này đã nổi tiếng khắp thế giới với tên gọi là Sách kỷ lục Guinness. Vậy cuốn sách được ra đời trong hoàn cảnh nào?

 

Cho đến nay nhiều độc giả hâm mộ sách vẫn không thể trả lời được câu hỏi: người sáng lập ra một trong số những hãng nấu bia nổi tiếng nhất thế giới có mối liên quan thế nào đối với cuốn sách trên.

Bởi chính ý tưởng tạo ra cuốn sách tra cứu này là của ông Hew Biveru-giám đốc điều hành hãng bia. Đây là một con người rất thông thái về mọi mặt và ông được coi là “cuốn Bách khoa toàn thư biết đi” đặc biệt.

Chẳng có gì ngạc nhiên là trong suốt cuộc đời mình, Hew đã thay đổi đến hơn 10 nghề khác nhau và nghe nói rằng ông có thể sắp đặt và kiểm soát bất cứ việc gì, thấu hiểu mọi đặc tính và mọi sắc thái của nó. Vì vậy ông cũng nổi tiếng là người rất thích đọc những cuốn Bách khoa toàn thư và các loại từ điển.

Sự ra đời của cuốn sách Guinness

Chuyện liên quan đến sự ra đời của cuốn Sách kỷ lục Guinness được bắt đầu vào năm 1951, khi ông Hew đi săn ở khu vực thuộc thị trấn Becsford của Ireland. Trong một buổi tiệc nhỏ sau buổi đi săn bỗng nhiên giữa những người đi săn nảy ra một cuộc tranh luận về đề tài: loài chim nào ở châu Âu đang là đối tượng của thú đi săn là loài bay nhanh nhất.

Một số người tuyên bố chức vô địch thuộc về loài chim óc cao màu vàng, những người khác cả quyết rằng đó là loài gà gô của Scotland. Điều thú vị hơn cả là ông Hew vốn là người thường luôn đưa ra được những câu trả lời chính xác cho những câu hỏi tương tự, trong trường hợp này lại không thể nói được gì cả.

Trong tình huống như vậy ông cảm thấy tự ái, nên sau khi trở về nhà ông bắt đầu tập hợp các thông tin về những kỷ lục không theo bất cứ một chuẩn nào, tập trung về tốc độ bay của loài chim. Ba năm sau, trong một buổi vũ hội của những người đi săn, khi câu chuyện lại đề cập đến việc loài chim nào bay nhanh nhất thì ông đã gọi đúng tên loài chim này, đó là chim óc cao màu vàng.

Theo khẳng định của các nhà sử học thì chính trong buổi vũ hội này trong đầu ông bỗng nảy ra ý tưởng về việc tạo ra một cuốn sách tra cứu có thể chứa đựng những thông tin tương tự. Tuy nhiên cũng có một giả thiết khác.

Sự thể là ông Hew luôn quan tâm đến điều gì đang xảy ra trong các quán rượu bán sản phẩm của Guinness. Vào cuối những năm 1940, tại đây bắt đầu có mốt tổ chức những cuộc thi đấu khác nhau có giải thưởng. Việc này được làm với mục đích thu hút khách hàng và cũng để ngăn chặn những thói làm càn của những người thích quá chén.

Ông Hew Biveru biết rất rõ điều cơ bản của những các cuộc thi này gồm các lĩnh vực: ai khỏe hơn, nhanh hơn, to hơn, v.v… Vì thế ông đề nghị chủ tịch hãng là ông Rupert Guinness lập ra một cuốn tra cứu tổng hợp để những người tham gia cuộc thi uống bia có thể sử dụng. Khi người đứng đầu hãng đồng ý thì việc chuẩn bị cho xuất bản cuốn sách đầu tiên được bắt đầu và kéo dài gần 2 năm.

Để tập hợp được tư liệu về các kỷ lục khác nhau, ông Hew đã đến liên hệ với những người đứng đầu của một hãng thông tấn là Norris và Ross Macverter. Họ đã đưa ra và kiểm tra vô số các sự kiện, tập hợp những chứng cứ và công trình khoa học của các chuyên gia uy tín đã được công nhận.

Cuối cùng, vào ngày 27-8/1955 những số phát hành đầu tiên của cuốn sách đã xuất hiện trong các cửa hàng sách tại nước Anh. Việc xuất bản cũng được hãng thông tấn của Macverter thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của hãng Guinness.

Sự nổi tiếng của cuốn sách Guinness

Điều thú vị nhất là sau khi được ra đời, chính cuốn Sách kỷ lục Guinness lại lập được kỷ lục đặc biệt. Trong 3 tháng đầu tiên sau khi phát hành đã bán được 50.000 bản cuốn sách tra cứu bỏ túi này.

Theo các chuyên gia thì đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử của ngành xuất bản sách, loại sách bestseller tuyệt đối của năm không thuộc thể loại sách trinh thám hoặc tiểu thuyết về tình yêu, mà thuộc thể loại sách tra cứu tựa như cuốn Từ điển bách khoa. Có thể là giá của mỗi cuốn rất rẻ-chỉ có 5 siling (bằng gần 3,5 cent thời đó) cũng đã góp phần tạo nên sự phổ biến rộng rãi của nó.

Sau thành công tương tự ở nước Anh, Macverter đã bắt đầu nghĩ đến việc chiếm lĩnh thị trường sách ở các nước khác. Theo kế hoạch, trước hết phải bắt đầu từ thị trường Mỹ. Tuy nhiên, các nhà xuất bản ở Mỹ, sau khi đồng ý đã nói rằng tên gọi của cuốn sách là quá dài dòng và họ sẽ thay tên gọi.

Một trong những phương án được đưa ra là Sách kỷ lục Thế giới Guinness. Tên gọi này rất được Macverter ưa thích và họ bắt đầu dùng nó trong những lần tái bản sách ở Anh. Đến năm 1962 cuốn sách này lần đầu tiên được xuất bản ở Pháp với tên gọi trên bằng tiếng Pháp.

Vào giữa những năm 1970 bắt đầu có một phong trào danh tiếng như “Làm thế nào để được ghi danh vào Sách kỷ lục Guinness”. Tạo điều kiện cho việc này là vào năm 1975 Norrison Macverter đã đưa thêm chương “Những thành tích của con người”.

Chính vì thế mà từ đó đến nay có nhiều người không những mong muốn mình không chỉ là độc giả, mà còn khao khát được là nhân vật của cuốn sách best seller này.

Tuy thế, đôi khi những kỷ lục của những người ưa hư danh được phô trương tựa như những điều thiếu suy nghĩ, và có lúc những sự nỗ lực để được ghi danh vào sách kỷ lục là sự nguy hiểm đối với sức khỏe và cuộc sống của những người đó.

Hiện nay cuốn Sách kỷ lục Guinness được phát hành tại hơn 100 nước trên khắp thế giới với hơn 23 thứ tiếng. Năm 1989 lần đầu tiên ở Nga đã xuất bản cuốn sách này.

Theo số liệu của nhiều hãng thông tấn thì hiện nay đã bán được hơn 100 triệu bản và thuộc danh sách những xuất bản phẩm được bán nhiều nhất.

Sách kỷ lục Guinness đứng thứ 4 về số lượng phát hành, chỉ sau các cuốn Kinh Thánh, Kinh Koran và Tuyển tập Mao Trạch Đông. Điều này đã trở thành một trong những dự án quảng cáo của hãng sản xuất bia.

Mặc dù đã lâu trong các quán rượu nước Anh không tổ chức những cuộc thi tài và loại bia đen Guinness cũng không còn là mốt nữa, nhưng “đứa con” của nó – cuốn Sách kỷ lục Guinness cho đến bây giờ vẫn là một trong số những loại sách tra cứu được phổ biến nhất trên khắp thế giới.

Theo giaoducthoidai.vn