Nỗ lực toàn cầu là cách duy nhất để ngăn chặn COVID-19, Liên Hợp Quốc nhận định khi công bố kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu

Người đứng đầu phụ trách cứu trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc cảnh báo nếu không hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương ngăn chặn vi-rút Corona ngay bây giờ, chúng ta sẽ đẩy hàng triệu người dân vào nguy cơ và khiến cho vi-rút quay trở lại hoành hành trên toàn thế giới.

Liên Hợp Quốc công bố kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu trị giá 2 tỷ đô la Mỹ để ngăn chặn

COVID-19 tại 51 quốc gia từ Nam Mỹ, Châu Phi, Trung Đông và Châu Á.

Các Chính phủ được kêu gọi cam kết hỗ trợ đầy đủ kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu và vẫn duy trì ngân sách hỗ trợ dành cho các chương trình cứu trợ nhân đạo hiện nay.

NEW YORK, 25 tháng 3 năm 2020 – Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres ngày hôm nay đã công bố kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu toàn diện trị giá 2 tỷ đô la Mỹ để ngăn chặn COVID-19 tại một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong một nỗ lực bảo vệ hàng triệu người dân và ngăn chặn vi-rút không quay trở lại lây lan trên toàn cầu.

COVID-19 đã cướp đi mạng sống của hơn 16.000 người trên thế giới và gần 400.000 người đã mắc bệnh này. COVID-19 đã len lỏi ở khắp mọi nơi trên thế giới và đang tấn công các quốc gia đang phải đối mặt với khủng hoảng nhân đạo do xung đột, thiên tai và biến đổi khí hậu.

Kế hoạch ứng phó sẽ được các cơ quan Liên Hợp Quốc triển khai thực hiện, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và liên minh tổ chức phi chính phủ tham gia trực tiếp trong hế hoạch ứng phó này. Kế hoạch sẽ:

  • Đảm bảo cung cấp trang thiết bị phòng thí nghiệm thiết yếu để xét nghiệm vi-rút và những vật dụng y tế cần thiết để điều trị cho người dân;
  • Lắp các trạm rửa tay trong các khu trại tập trung và tạm lánh;
  • Phát động chiến dịch thông tin truyền thông tới công chúng để bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi vi-rút; và
  • Thiết lập cầu hàng không và trạm trung tâm tại Châu Phi, Châu Á và Mỹ La tinh để điều hành các cán bộ cứu trợ nhân đạo và hàng cứu trợ đến những nơi cần nhất.

Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết:

“COVID-19 đang đe dọa toàn nhân loại – vì thế toàn nhân loại cần hợp sức để ngăn chặn vi-rút này. Nỗ lực ứng phó đơn lẻ của một quốc gia sẽ là không đủ.

“Chúng ta cần phải giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất – hàng triệu triệu người ít nhất cũng có thể bảo vệ được bản thân. Đây là vấn đề đoàn kết nhân loại, hết sức quan trọng để phòng chống vi-rút. Đây chính là lúc chúng ta cần đứng lên để bảo vệ những người dễ bị tổn thương.”

Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách cứu trợ nhân đạo nhận định:

“COVID-19 đã tấn công và làm đảo lộn cuộc sống của người dân ở một số quốc gia giàu có nhất trên thế giới. Vi-rút bắt đầu tấn công những nơi mà con người đang phải sống trong chiến tranh, không dễ dàng tiếp cận nước sạch và xà phòng, và không có hi vọng sẽ có đủ giường bệnh nếu họ bị ốm nặng.

“Bỏ mặc số phận của những quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất là hết sức tàn nhẫn và không khôn ngoan. Nếu chúng ta để vi-rút Corona hoành hành tại những quốc gia này, chúng ta sẽ đặt hàng triệu người vào nguy cơ, toàn bộ khu vực sẽ bị đảo lộn và vi-rút sẽ có cơ hội lây lan trở lại trên toàn cầu.

“Các quốc gia đang chiến đấu với đại dịch tại cơ sở đang đi đúng hướng đó là ưu tiên người dân sống tại các cộng đồng của mình. Nhưng sự thật là họ sẽ không thể bảo vệ được người dân của quốc gia mình nếu không hành động để giúp các quốc gia nghèo nhất bảo vệ chính họ.

“Ưu tiên của chúng ta là giúp các quốc gia này chuẩn bị ứng phó và tiếp tục giúp hàng triệu người đang dựa vào cứu trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc để sống sót. Được cấp ngân sách hợp lý, nỗ lực ứng phó toàn cầu của chúng ta sẽ trang bị cho các tổ chức cứu trợ nhân đạo công cụ để phòng chống vi-rút, cứu người, và giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trên toàn cầu.”

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhận định:

“Vi-rút đang lây lan nhanh chóng ở các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém, trong đó có cả các quốc gia đang phải chịu khủng hoảng nhân đạo. Các quốc gia này cần sự hỗ trợ của chúng ta – đây là tình đoàn kết nhưng cũng là để bảo vệ tất cả chúng ta và giúp đẩy lùi đại dịch. Đồng thời, bên cạnh việc tập trung phòng chống đại dịch COVID-19 chúng ta cũng không thể lơ là các tình trạng khẩn cấp về y tế khác.

Tổng Giám đốc Điều hành UNICEF, Bà Henrietta Fore, khẳng định:

“Trẻ em là những nạn nhân ẩn dấu của đại dịch COVID-19. Phong tỏa xã hội và đóng cửa trường học đang ảnh hưởng đến việc học tập, sức khỏe tinh thần và tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản của các em. Nguy cơ trẻ em trai và gái bị bóc lột cao hơn bao giờ hết. Đối với những trẻ em di chuyển từ nơi này sang nơi khác hay phải sống trong cảnh xung đột, hậu quả đối với các em sẽ chưa từng có. Chúng ta không thể để trẻ em bị ảnh hưởng như thế này.”

Tham dự lễ phát động online qua video Kế hoạch Ứng phó Nhân đạo Toàn cầu chống COVID-19 cùng Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc còn có Ông Lowcock, Tiến sỹ Tedros và Bà Fore.

Các lãnh đạo đã cùng nhau kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc cam kết đẩy lùi tác động của COVID-19 đối với các quốc gia dễ bị tổn thương và ngăn chặn vi-rút lây lan toàn cầu thông qua việc hỗ trợ mạnh mẽ nhất có thể kế hoạch này, đồng thời vẫn duy trì hỗ trợ quan trọng đối với các chương trình cứu trợ nhân đạo hiện đang giúp đỡ hơn 100 triệu người vốn vẫn lệ thuộc vào hỗ trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc để sống sót.

Các quốc gia thành viên cũng được cảnh báo rằng nếu thay đổi ngân sách hỗ trợ các chương trình cứu trợ nhân đạo hiện nay sẽ khiến cho dịch bệnh như tả, sởi và viêm màng não hoành hành, khiến cho càng nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng, và những kẻ cực đoan, quá khích kiểm soát xã hội – đây là môi trường lý tưởng để vi-rút corona lây lan.

Để kích hoạt kế hoạch ứng phó, Ông Lowcock đã quyết định phân bổ thêm 60 triệu đô la từ Quỹ Ứng phó Khẩn cấp Trung ương của Liên Hợp Quốc (CERF), tăng tổng ngân sách cứu trợ nhân đạo của CERF cho đại dịch COVID-19 lên 75 triệu đô la. Bên cạnh đó, quỹ góp chung do các quốc gia đóng góp cũng đã phân bổ hơn 3 triệu đô la.

Phân bổ ngân sách thêm của CERF – với số lượng lớn nhất từ trước tới nay – sẽ tập trung hỗ trợ: WFP đảm bảo tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng và vận chuyển cán bộ và hàng hóa cứu trợ nhân đạo; WHO ngăn chặn sự lây lan của đại dịch; và những cơ quan khác tiếp tục hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ những người bị ảnh hưởng nhiều nhất  bởi đại dịch bao gồm phụ nữ và trẻ em gái, người tị nạn và người phải rời khỏi nơi ở. Hỗ trợ sẽ đảm bảo an ninh lương thực, sức khỏe thể chất và tinh thần, nước sạch và vệ sinh, dinh dưỡng và bảo vệ.

Liên hệ báo chí quốc tế:

#####

Ghi chú cho biên tập viên:

  1. Tải Kế hoạch Ứng phó Nhân đạo Toàn cầu chống COVID-19 tại đây here[VMH1] 
  2. Văn phòng Điều phối Cứu trợ Nhân đạo của Liên Hợp Quốc sẽ điều phối Kế hoạch Ứng phó Nhân đạo Toàn cầu chống COVID-19
  3. Kế hoạch sẽ tổng hơp tất cả các yêu cầu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông Nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), UN-Habitat, Cơ quan Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP)