Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn chuẩn cấu trúc của Bộ, đề số 3
Đề thi thử THPT Quốc Gia môn Văn 2017
Cảm nhận đoạn thơ Tây Tiến :Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng song cũng đầy dữ dội, khắc nghiệt. Đọc hiểu văn hóa lễ hội của người Việt
Thời gian làm bài : 120 phút ( không kể giao đề )
Mục Lục
ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
“Lễ hội dân gian là sự kiện văn hóa để tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của các vị thần, thể hiện sức mạnh của cộng đồng làng xã và rộng hơn là của quốc gia, dân tộc […] nhưng ngày nay, lễ hội dân gian lại đang dần biến tướng thành tệ nạn với nhiều hành vi phản văn hóa.
Đó là cảnh người dân chen chúc, xô đẩy, tranh cướp lộc của nhau, 1 số bạn trẻ nóng tính dẫn đến tình trạng ẩu đả, đánh nhau tại lễ hội. Chẳng hạn như lễ hội phết Hiền Quan, Phú Thọ được tổ chức vào ngày 13/1 mới đây. Hàng ngàn thanh niên trai tráng tham gia cướp lộc, chen lấn, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau khiến ít nhất 10 người ngất xỉu.
Nằm ở độ cao 1.068m so với mực nước biển, chùa Đồng tại khu di tích Yên Tử, Quảng Ninh được mệnh danh là một trong những “ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất Châu Á”. […] Để tỏ lòng với Phật, cầu lộc, cầu tài, cầu duyên, người người khi lên đến đây đã đua nhau dùng đồng tiền để thực hiện đủ các hành động mua thần, bán thánh, xua rủi cầu may. Họ chà, xát, gài, ném tiền như những cơn mưa vào chùa Đồng. Với những hành vi mê nhiều hơn tín đó, chùa Đồng, chuông đồng và cả khánh đồng ánh lên màu vàng, đỏ lấp lánh, hao mòn dần đi so với nguyên gốc.
Lễ hội đầu năm là để cầu phúc, lễ chùa đầu năm là để cầu an và chắc chắn sẽ không có phúc lành, bình an ở những nơi mà con người ứng xử với nhau bằng những nắm đấm, bằng bạo lực, bằng những hành động mua thần bán thánh hay bằng những cơ hội kiếm chác mất nhân tính. Có thể nói, tín ngưỡng của người dân Việt Nam đang bị “bán đứng” bởi lòng tham của chính con người.”
(Theo http://vietq.vn )
Câu 1. Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào ? (0,5 đ)
Câu 2. Nêu nội dung chính của văn bản ? (1 đ)
Câu 3. Theo anh/chị, căn cứ vào đâu tác giả cho rằng : “tín ngưỡng của người dân Việt Nam đang bị “bán đứng” bởi lòng tham của chính con người” ? (0.5 đ)
Câu 4. Anh ( chị ) hãy viết 01 đoạn văn khoảng 5 đến 7 câu nêu ít nhất 2 giải pháp khắc phục hiện tượng được đề cập đến trong văn bản trên. ( 1đ)
LÀM VĂN ( 7,0 điểm )
Câu 1 : Viết đoạn văn Khoảng 200 từ trình bày suy nghĩ của anh ( chị ) về hiện tượng được đề cập đến trong phần đọc hiểu ( 2 điểm )
Câu 2: (5 điểm)
“ Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi. ”
( Trích Tây Tiến – Quang Dũng – SGK Ngữ Văn 12, tập 1 – Trang 88 )
Có ý kiến cho rằng:
“Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng song cũng đầy dữ dội, khắc nghiệt” .
Hãy phân tích đoạn thơ để chứng minh nhận định trên.
——–Hết——
Xem thêm: Lễ hội chùa Hương – Wikipedia tiếng Việt
HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần đọc hiểu :
Câu 1 : Phong cách ngôn ngữ báo chí
Câu 2 :Nội dung chính của văn bản : Văn bản đề cập đến hiện tượng người dân chen lấn xô đẩy, tranh cướp, mua thần bán thánh trong lễ hội đầu năm.
Câu 3. Học sinh chỉ ra được 2 dẫn chứng :
– Cảnh người dân chen chúc, xô đẩy, tranh cướp lộc của nhau, 1 số bạn trẻ nóng tính dẫn đến tình trạng ẩu đả, đánh nhau tại lễ hội…0.25đ
-Để tỏ lòng với Phật, cầu lộc, cầu tài, cầu duyên, người người khi lên đến đây đã đua nhau dùng đồng tiền để thực hiện đủ các hành động mua thần, bán thánh, xua rủi cầu may. Họ chà, xát, gài, ném tiền như những cơn mưa vào chùa Đồng… 0.25đ
Câu 4 : Về hình thức : Học sinh trình bày trong 1 đoạn văn dung lượng khoảng 5-7 câu, bố cục chặt chẽ, diễn đạt lưu loát…
Về nội dung, đoạn văn cần nêu được ít nhất 2 giải pháp khắc phục hiện tượng trên. Sau đây là 1 số gợi ý :
+ Từ phía các cơ quan chức năng : Tăng cường công tác quản lí, tuyên truyền giáo dục ý thức người dân tham gia lễ hội, xử phạt nghiêm minh những người vi phạm…
+ Từ phía người dân : Mỗi người phải nhìn lại và nhận thức đúng về cách ứng xử khi đến chùa, những nơi tâm linh.
+ Bài học cho bản thân khi tham gia lễ hội : Tham gia với tấm lòng thành kính, chân thành, không chen lấn xô đẩy, tranh cướp. ..
Phần làm văn
Câu 1 : Về hình thức : Học sinh trình bày trong 1 đoạn văn dung lượng khoảng 200 từ , bố cục chặt chẽ, diễn đạt lưu loát… Đoạn văn cần đảm bảo các ý :
Dẫn dắt vấn đề, giới thiệu hiện tượng : biểu hiện, mức độ,…
Nêu hậu quả
Hậu quả trước mắt : cảnh chen lấn xô đẩy diễn ra làm không ít người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em hoảng loạn, ngất xỉu.
+Mất đi nét đẹp của lễ hội truyền thống, bôi nhọ văn hóa tâm linh của dân tộc. Ngày càng làm giảm đi tác dụng đáng quý của chùa chiền với tâm hồn con người: hướng thiện, niềm tin tôn giáo….
Nguyên nhân
+Thái độ thiếu ý thức và thiếu hiểu biết trong khi thực hiện tín ngưỡng văn hóa tâm linh
+Lòng tham về lợi ích của nhiều người dân Việt Nam
+ Một phần do công tác quản lí còn chưa hiệu quả
Giải pháp
+ Từ phía các cơ quan chức năng:
+ Từ phía mỗi người dân :Mỗi con người phải nhìn lại và nhận thức đúng về cách ứng xử khi đến chùa, những nơi tâm linh.
+ Bài học cho bản thân khi tham gia lễ hội : tham gia với tấm lòng thành kính, chân thành, không chen lấn xô đẩy, tranh cướp. ..
Câu 2 :
Yêu cầu chung
– Về kĩ năng:
Biết cách làm bài văn nghị luận ý kiến bàn về bài thơ (đoạn thơ), biết vận dụng linh hoạt các thao tác. Bố cục chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, lời văn trong sáng, không mắc lỗi trong diễn đạt.
– Về kiến thức:
Trên cơ sở kiến thức về nhà văn, về tác phẩm, thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cơ bản nêu được các ý sau:
Khái quát
– Giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm.
– Giới thiệu khái quát về đoạn thơ và ý kiến nhận định.
Phân tích đoạn thơ để chứng minh ý kiến :
Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng:
-Các hình ảnh sương mờ bao phủ cả vùng Tây Bắc rộng lớn, hoa về trong đêm hơi, những ngôi nhà bồng bềnh trong biển sương mờ, …
-Không gian núi rừng bao la cứ trải ra mênh mông, vô tận trước mắt người lính
-Những câu thơ nhiều thanh bằng gợi lên những gam màu êm dịu, huyền ảo, thoáng nhẹ, thơ mộng: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Một loạt các thanh bằng kết hợp với vần “ơi” khiến nét vẽ mềm mại, tạo cảm giác lâng lâng, chơi vơi trước cảnh bao la, hùng vĩ của đất trời, non nước.
-Thiên nhiên miền Tây có những khung cảnh rất đầm ấm, đó là khi đoàn binh Tây Tiến dừng chân ở một bản làng nào đó. Họ được hòa mình vào cuộc sống gia đình, quây quần bên bếp lửa, bên nồi xôi nếp đầu mùa thơm nồng nghi ngút khói. Hai câu cuối của đoạn thơ tạo nên một cảm giác êm dịu, ấm áp tình quân dân.
Thiên nhiên dữ dội khắc nghiệt:
-Gợi lên qua những địa danh xa xôi, hẻo lánh: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu,
-Vẻ hoang dại, dữ dội, chứa đầy bí ẩn của núi rừng miền Tây được nhà thơ khai thác không chỉ theo chiều không gian mà còn được mở ra cả chiều thời gian. Núi rừng hoang vu ấy luôn là mối đe dọa khủng khiếp đối với con người: “Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”.
-Song hành cùng với những nét vẽ mềm mại là những nét vẽ gân guốc, chắc khỏe mở ra bức tranh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, hiểm trở với những núi cao, vực thẳm: từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” và cụm từ “súng ngửi trời” kết hợp với hai động từ ngược hướng: lên xuống, với các từ chỉ số nhiều: ngàn thước – ngàn thước gợi ra hình ảnh khe thế núi cao vút, đổ gập, khúc khuỷu quanh co, trùng điệp, hiểm trở, chọc trời. Cùng với đó là âm thanh rùng rợn: “thác gầm thét”, “cọp trêu người” khiến cho sự dữ dội của thiên nhiên được đẩy đến cao độ.
=>> Với con mắt thi, nhạc, họa kết hợp với cảm hứng bi tráng, lãng mạn, Quag Dũng đã tái hiện sinh động một bức tranh nghệ thuật ngôn từ về thiên nhiên Tây Bắc với sự kết hợp của nhiều nét vẽ: vừa mơ mộng, trữ tình; vừa hùng vĩ, dữ dội.
Đánh giá chung:
– Nhận định trên chưa khái quát được đầy đủ nội dung cơ bản của đoạn thơ.
– Đoạn thơ không chỉ miêu tả bức tranh thiên nhiên miền Tây, mà còn khắc họa bức tượng đài về người chiến sĩ Tây Tiến kiêu hùng, bi tráng song cũng rất đỗi lãng mạn, hào hoa ( dẫn chứng )
– Đánh giá về bút pháp lãng mạn của Quang Dũng trong đoạn thơ
Lưu ý : Giám khảo cần linh hoạt khi chấm điểm. Những học sinh không biết cách làm dạng đề nghị luận ý kiến bàn về đoạn thơ, phân tích lan man cả khổ thơ hoặc diễn xuôi thì cho không quá 3,5 điểm,
Xem thêm :
Source: https://evbn.org
Category: Lễ Hội