Giải pháp toàn cầu cho vấn đề toàn cầu

Biên phòng – Tại phiên Thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Liên hợp quốc với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, an ninh biển hiện là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi phải có giải pháp toàn cầu.


Phiên Thảo luận mở cấp cao trực tuyến với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế” dưới sự chủ trì của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (ngoài cùng bên phải). Ảnh: INDIASTRATEGIC

5 nguyên tắc cơ bản để cấu trúc an ninh biển

Đầu tuần này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã chủ trì phiên Thảo luận mở cấp cao trực tuyến với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”.

Đây là cuộc họp độc lập đầu tiên về chủ đề an ninh biển của HĐBA LHQ. Ấn Độ đã áp dụng cách tiếp cận xây dựng sự đồng thuận bằng cách bắt đầu tham vấn giữa tất cả các thành viên HĐBA LHQ trước nhiều tháng và tổng hợp ý tưởng của tất cả các thành viên. Mặt khác, phiên thảo luận về an ninh biển này là một trong ba sự kiện được Ấn Độ tổ chức trong tháng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ, hai sự kiện còn lại sẽ tập trung vào vấn đề chống khủng bố và gìn giữ hòa bình.

Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng Ấn Độ đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới toàn thế giới. Trong đó, ông Modi nhấn mạnh rằng, biển là di sản chung của nhân loại và các tuyến đường biển là “huyết mạch” của thương mại quốc tế. Tuy nhiên, các tuyến đường biển đang bị lạm dụng trên nhiều mặt, đặc biệt là phải đối mặt với thách thức về cướp biển, khủng bố, tranh chấp hàng hải giữa nhiều quốc gia, biến đổi khí hậu và thiên tai.

Thủ tướng Ấn Độ đã đề ra 5 nguyên tắc cơ bản để tăng cường cấu trúc nỗ lực chung về an ninh biển hiện nay. Thứ nhất là loại bỏ các rào cản đối với thương mại hàng hải hợp pháp. Thứ hai là giải quyết các tranh chấp hàng hải một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế. Thứ ba là cùng nhau bảo vệ môi trường và tài nguyên biển. Thứ tư là chống lại các mối đe dọa từ thiên tai và các tác nhân phi nhà nước. Cuối cùng là thúc đẩy kết nối hàng hải có trách nhiệm.

Các quốc gia tham dự phiên thảo luận cùng bày tỏ quan ngại về những thách thức đang gia tăng đối với an ninh, an toàn biển. Đồng thời đánh giá, những thách thức như khủng bố, cướp biển, tội phạm xuyên biên giới, buôn bán ma túy, vũ khí,… đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mạng, sinh kế của các cộng đồng dân cư ven biển trên toàn cầu. Những thách thức này cũng gây tác động rất tiêu cực đến thương mại, kinh tế…

Lãnh đạo và đại diện nhiều quốc gia cùng cho rằng, giải pháp quan trọng để giải quyết các thách thức trên biển hiện nay là phải tăng cường hợp tác quốc tế, đề cao luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), phát huy các sáng kiến của khu vực và thế giới để tăng cường an ninh biển.

Cần giải pháp toàn cầu

Nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ, Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự phiên thảo luận. Phát biểu trước nguyên thủ và đại diện các quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh biển, thậm chí có việc sử dụng vũ lực làm ảnh hưởng đến hòa bình, hữu nghị, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, giao thương.

Trước những thách thức hiện hữu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu 3 đề xuất quan trọng để ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển. Trước hết là thế giới cần có nhận thức toàn diện và đầy đủ về tầm quan trọng của biển và những nguy cơ đe dọa an ninh biển, đề cao trách nhiệm và quyết tâm chính trị, củng cố lòng tin, xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, khai thác bền vững nguồn lợi từ biển.

Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, thách thức về an ninh biển là vấn đề toàn cầu nên cần thiết phải có giải pháp toàn cầu; tiếp cận một cách toàn diện, tổng thể trên cơ sở hợp tác đối thoại và luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác ở mọi cấp độ và khuôn khổ nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển khu vực do LHQ điều phối để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung.


Toàn cảnh phiên Thảo luận mở cấp cao trực tuyến với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế” tại điểm cầu Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Về Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam đánh giá cao vai trò và đang tích cực tham gia các sáng kiến, cơ chế hợp tác thực chất trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN và các nước đối tác về an ninh biển ở khu vực Biển Đông, giúp tạo diễn đàn đối thoại, xây dựng lòng tin, góp phần điều phối hợp tác về an ninh trên biển ở khu vực.

Trong đề xuất thứ ba, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, UNCLOS là Hiến pháp về biển và đại dương với tính toàn vẹn và phổ quát, điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và là cơ sở hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các thách thức chung. Theo đó, chính sách, pháp luật và ứng xử của các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, tôn trọng quyền, lợi ích và hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, và bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không, tránh có các hoạt động làm phức tạp tình hình, gây căng thẳng.

Riêng với Việt Nam – một quốc gia ven biển, đất nước đang triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển để khai thác bền vững và có trách nhiệm các nguồn lợi từ biển phục vụ phát triển, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm xử lý tốt các vấn đề trên biển, đóng góp tích cực vào duy trì môi trường hòa bình, an ninh, sinh thái và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.Việt Nam quyết tâm cùng ASEAN và Trung Quốc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời đàm phán xây dựng tiến tới đạt được bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Trong Tuyên bố Chủ tịch HĐBA đưa ra tại phiên thảo luận, nội dung chính được nhấn mạnh là kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực nhằm ứng phó với các thách thức an ninh, an toàn biển; ghi nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của UNCLOS; khuyến khích LHQ và cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ các nước nâng cao năng lực và chia sẻ kinh nghiệm trong xử lý các nguy cơ về an ninh biển.

Thanh Trúc