Di tích Lịch sử – Văn hóa ở Khánh Hòa

I. NGUỒN GỐC VÀ GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH LỊCH SỬ – VĂN HÓA
   Khánh Hòa là vùng đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nên từ khoảng 5.000 năm trước đã có con người sinh sống.
   Từ năm 1653, cùng với việc chúa Nguyễn cho lập dinh Thái Khang (Khánh Hòa nay), cư dân từ nhiều vùng trong cả nước về đây lập nghiệp ngày một đông đúc. Đến nay, trên đất Khánh Hòa đã có tới 32 tộc người. Ngoài tộc người Chăm và Raglai được coi là những chủ nhân đầu tiên còn có người Kinh (Việt), Raglai, Hoa, Ê – đê, K’ho, Tày, Nùng…
   Trong quá trình phát triển của lịch sử, các thế hệ cư dân Khánh Hòa đã đoàn kết, chung sức, chung lòng trong lao động sản xuất, chiến đấu chống giặc ngoại xâm để xây dựng quê hương giàu đẹp. Họ đã sáng tạo ra các công trình kiến trúc độc đáo, những di tích lịch sử – văn hóa có giá trị như đình, đền, chùa, tháp, miếu mạo, thành cổ…
   Di tích lịch sử – văn hóa ở Khánh Hòa được hình thành từ quá trình lao động cần cù, sáng tạo kết hợp với trí tuệ của cha ông, là biểu hiện cụ thể về một nền văn hóa truyền thống mang tính bản địa sâu sắc, là chứng cứ quan trọng không chỉ giúp chúng ta hiểu biết về quá trình hình thành, phát triển của quê hương, mà còn là biểu tượng rất đỗi tự hào trên quê hương Khánh Hòa. 
   Theo thống kê của Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh ở Khánh Hòa, đến đầu năm 2010, trên địa bàn tỉnh có 1.098 di tích và địa chỉ có dấu hiệu di tích, được phân bố đều khắp: thành phố Nha Trang: 227; thị xã Ninh Hòa: 281; huyện Vạn Ninh: 149; huyện Khánh Vĩnh: 20; huyện Diên Khánh: 296; huyện Cam Ranh: 69; huyện Cam Lâm: 49; huyện Khánh Sơn: 07. Trong số các di tích và địa chỉ có dấu hiệu di tích nêu trên đã có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 96 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
   Di tích ở Khánh Hòa có nhiều thể loại: di tích khảo cổ học; di tích lịch sử – cách mạng; di tích kiến trúc – nghệ thuật; di tích thắng cảnh…
   Bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của những di tích lịch sử – văn hóa  là trách nhiệm của mỗi chúng ta. 
        Hãy cho biết nguồn gốc và giá trị của những di tích lịch sử – văn hóa ở Khánh Hòa?
        Hãy nêu tên một di tích lịch sử – văn hóa của địa phương và cho biết di tích đó thuộc thể loại nào?
II. MỘT SỐ DI TÍCH – DANH THẮNG TIÊU BIỂU
1. Tháp Po Nagar (còn gọi là Tháp Bà) là ngôi đền nằm trên ngọn đồi Cù Lao
thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. Đây là công trình tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc độc đáo của dân tộc Chăm anh em, được xây dựng từ thế kỷ VII đến thế kỷ XI. Nó là sự kết nối các truyền thuyết về người Mẹ – nữ thần Po Nagar – người Mẹ xứ sở Chăm và nữ thần Thiên Y Ana – người Mẹ hiển linh của dân tộc Việt ở miền Trung vào những năm cuối thế kỷ XVII. … Khu di tích Tháp Bà trở thành trung tâm thờ Mẫu không chỉ của người dân Khánh Hòa.

Khu di tích Tháp Bà – Nha Trang

2. Thành cổ Diên Khánh  nằm trên địa phận thị trấn Diên Khánh, cách trung tâm thành phố Nha Trang hơn 10 km về phía Tây. Thành được Chúa Nguyễn xây dựng từ năm 1793, kiến trúc theo kiểu thành trì quân sự Vauban (Pháp) nhằm tạo một vành đai phòng ngự kiên cố bảo vệ phía Nam. Khu vực Thành cũng chính là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Khánh Hòa (1802 – 1945).

Thành cổ Diên Khánh

3. Phủ Đường Ninh Hòa thuộc thị xã Ninh Hòa. Đó là một khu nhà được xây dựng vào năm 1820, dưới thời nhà Nguyễn, có lối  kiến trúc cổ của người Việt, gồm một gian hai chái cùng một số phòng phụ.

 
Phủ đường Ninh Hòa

   Nơi đây đã diễn ra cuộc biểu tình vào ngày 16 – 7 – 1930 của trên 1.000 người dân huyện Tân Định (Ninh Hòa ngày nay), đấu tranh đòi bọn thực dân, phong kiến giảm sưu cao, thuế nặng, ủng hộ phong trào Xô – viết Nghệ Tĩnh. Tại Phủ đường, Tri phủ Đinh Bá Cẩn đã ký vào bản bãi bỏ các sắc thuế. 
   Phủ Đường Ninh Hoà cũng là nơi nhân dân tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và tổ chức bầu cử Quốc hội Khoá đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (06/01/1946).            
4.  Đền thờ Trần Quý Cáp – nhà chí sĩ yêu nước của phong trào Duy Tân, được xây dựng vào tháng 8/1970, bên cầu Sông Cạn, thuộc thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh. Phần đất này còn có tên gọi là Gò Chết chém.

 
Đền thờ Trần Quý Cáp (Diên Khánh)

    Đền thờ Trần Quí Cáp có  cấu trúc thấp, nhỏ (diện tích khoảng 12m2), xây theo lối cổ lầu, bốn mái kích thước bằng nhau. Phía trước hai cột có ghi câu đối tỏ lòng kính phục các bậc tiền nhân. Trong điện thờ, ngoài Trần Quí Cáp còn có bài vị thờ Bình Tây đại tướng Trịnh Phong và Tham tán quân vụ Nguyễn Khanh nên đền thờ còn có tên gọi là Trung Liệt điện. 
5. Miếu thờ Trịnh Phong được lập từ thập niên 90 của thế kỷ XIX, cạnh cây Dầu Đôi thuộc xã Diên An, huyện Diên Khánh. Sau nhiều lần tôn tạo, trùng tu, nay Miếu đã khang trang, bề thế.
Mỗi năm, vào ngày Mười sáu tháng Ba (Âm lịch), tại Miếu đã làm lễ cúng trọng thể, nhân dân trong vùng đã đến tham dự rất đông.

 
Miếu thờ Trịnh Phong (Diên Khánh)

6. Cụm di tích lưu niệm nhà bác học Yersin bao gồm 4 điểm: Thư viện của bác sĩ Yersin tại viện Pasteur thuộc phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang; Chùa Linh Sơn thuộc xã Suối Cát, huyện Cam Lâm; Mộ Yersin đặt tại Suối Dầu, nay thuộc địa phận xã Suối Cát, huyện Cam Lâm; Nhà làm việc của bác sĩ Yersin tại Hòn Bà, cách Nha Trang 47 km thuộc địa phận huyện Cam Lâm.

Nhà làm việc của Bác sĩ Yersin (Hòn Bà) Thư viện Yersin (Nha Trang)
Phần mộ Yersin (Cam Lâm) Bàn thờ Yersin (chùa Linh Sơn)

7. Di tích Am Chúa, nằm ở sườn đông núi Đại An, còn gọi là Qua Sơn (núi Dưa), thuộc làng Đại Điền Trung, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh. Am Chúa được xây dựng để thờ Thiên Y Thánh Mẫu, vị phúc thần của người dân Khánh Hòa đã có công dạy dân làm nhà, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải, cấy lúa…

 
Di tích Am Chúa (Diên Khánh)

    Theo sự tích được ghi lại trong một tấm bia đá từ năm 1856 ở Tháp Bà, Am Chúa được coi là nơi phát tích của Bà lúc ấu thơ sống với cha mẹ nuôi (Tháp Bà Nha Trang là nơi thờ Bà khi hiển thánh). Dưới triều Nguyễn, Thiên Y Ana đã được sắc phong là Hồng Nhơn Phổ Tế Linh Ứng Thượng Ðẳng Thần và tại Am Chúa mỗi khi tế lễ thường do quan đầu tỉnh làm chủ tế.
   Lễ hội Am Chúa từ ngày Một đến ngày Ba tháng Ba (Âm lịch) đã trở thành ngày sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân trong và cả ngoài tỉnh.
8. Đình Phú Cang, thuộc địa phận xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh. Đây là ngôi đình khá rộng, diện tích khoảng 1.700 m2 được xây dựng vào thế kỷ XVII – XVIII, gắn với thời kỳ khai khẩn đất đai, lập làng của người Việt.

 
Đình Phú Cang (Vạn Ninh)

   Dưới triều Nguyễn, đình được tặng nhiều sắc phong và vật quý, trong đó có sắc phong Thượng Đẳng thần ghi nhớ công đức của vị Thành hoàng làng và chuông cổ… Đình hiện thờ cả bà Thiên Y A Na và bài vị Tổng trấn Trần Đường, người đã tập hợp nhân dân địa phương tham gia phong trào Cần vương chống Pháp (1885-1886).                         
9. Lăng Bà Vú nằm ở phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa.

 
Lăng Bà Vú (Ninh Hòa)

   Tương truyền, khi Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn đuổi chạy đến thôn Mỹ Hiệp thì trời tối và trong tình trạng đói, mệt, bị bệnh không thể tiếp tục đi. Lúc đó, có một người đàn bà trong thôn trông thấy đã giúp đỡ: cho ăn  uống và thuốc thang. Sau này, khi lên ngôi, vua Gia Long chạnh nhớ ơn sâu mới sai người về báo đáp, khi đến nơi, bà đã qua đời. Nhà vua thương tiếc xuống chiếu phong bà làm “Nhũ Mẫu”, tức Bà Vú rồi truyền xây lăng, cấp ruộng làm hương hỏa…
   Lăng nằm dưới chân một ngọn đồi, xây dựng theo hình chữ quốc, mặt xoay về hướng Đông – Nam, gồm 3 vòng thành: thành ngoài cùng dài 20m, chiều ngang 14 m, cao 1,5 m, tạo thành khuôn viên bao bọc, có cửa nhỏ ra vào. Phần mộ nằm ở vòng thứ 3, phía trước mộ là bia đá khắc chữ Hán, ghi lại công đức của bà. Trên mặt tường phía trong có đắp nổi các sự tích có liên quan đến đạo nho, đạo lão tiêu biểu.
   Lăng Bà Vú được xem như một di tích kiến trúc nghệ thuật.
10.  Văn Miếu Diên Khánh nằm trên địa phận thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh.
   Đây là một quần thể kiến trúc được xây để thờ Đức Khổng Tử, người khai sáng đạo Nho ở Trung Quốc và danh sách những người địa phương đã được đỗ đạt. Theo chỉ dụ của vua Gia Long (1803), Văn Miếu được lập tại xã Phú Lộc, huyện Hòa Châu – thị trấn Bình Hòa, nay thuộc khóm Phú Lộc Tây – thị trấn Diên Khánh. Khu Văn Miếu đã trải qua bốn lần tu bổ vào các năm 1892, 1904, 1941, 1959, nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu. 

 
Văn miếu Diên Khánh

   Hiện tại, Văn Miếu còn giữ được 2 tấm bia đá thời Tự Đức 11 (1858) giúp ta hiểu biết hơn về lịch sử, văn hóa, sinh hoạt của nhân dân Khánh Hòa và quá trình hoàn thiện khu Văn Miếu. Ngoài ra còn có một Bài minh ở Bái Đường nói rõ hơn về sự đỗ đạt của các vị văn võ, khoa bảng, hào mục, chức sắc và các học sinh địa phương từ đầu triều Nguyễn đến thời Tự Đức.
11. Đền Hùng Vương tọa lạc tại số 173, đường Ngô Gia Tự, phường Tân Lập, thành phố Nha Trang. Đền được xây dựng vào năm 1971, do nhà Nho yêu nước – cử nhân Nguyễn Tạo khởi xướng.
Trước cổng đền Hùng Vương, phía trên có 4 chữ: Quốc Tổ Hùng Vương, bên dưới có 2 câu đối bằng chữ Nôm tạc vào trụ chính. Phía trong đền, các bức hoành phi và nhiều câu đối bằng chữ Nho. Năm 2009, đền Hùng Vương tiếp tục được tôn tạo, có thêm văn bia Quốc Tổ ghi rõ danh 18 đời Hùng Vương, 2 bức phù điêu nổi, 1 cặp voi và 1 cặp hạc.
Lễ hội đền Hùng ở Nha Trang hàng năm được tổ chức long trọng, trở thành một nét đẹp về truyền thống uống nước nhớ nguồn của người dân Khánh Hòa.

 
Đền Hùng Vương (Nha Trang)

12. Chùa Thanh Triều (còn có tên là Thanh Sơn), thuộc làng Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Chùa khai căn năm nào không rõ. 
   Chùa Thanh Triều không chỉ là một trung tâm tín ngưỡng của Phật tử Khánh Hòa mà còn nổi tiếng về một địa chỉ thiện tâm giúp đỡ trẻ mồ côi, người già cô đơn không nơi nương tựa.

 
Chùa Thanh Triều (Cam Lâm)

 

13. Tự Phổ Minh Hương hay chùa Minh Hương thuộc phường Mỹ Hiệp, thị xã Ninh Hòa hiện nay.
   Chùa do người Hoa xây dựng. Thời gian xây dựng và số lần trùng tu không được lưu lại một cách cụ thể nhưng tính từ thời điểm di cư, lập làng (từ cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII) thì chùa có lịch sử khoảng trên 200 năm, được xem là ngôi chùa cổ nhất trong số những ngôi chùa của người Hoa tại Ninh Hòa. Chùa Minh Hương thờ Ông, tức Quan Thánh Đế Quân, từ cách thờ phụng và đến kiến trúc đều mang đậm bản sắc văn hóa Trung Hoa.

 
Chùa Minh Hương (Ninh Hòa)

14. Căn cứ cách mạng Hòn Dù nằm trên địa phận xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh.

 
Căn cứ cách mạng Hòn Dù (Khánh Vĩnh)

   Hòn Dù là tên ngọn núi thuộc hệ thống núi phía nam dãy Trường Sơn, nơi tiếp giáp giữa tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Đắc Lắc và Lâm Đồng. Nhờ có vị trí hết sức thuận lợi về địa hình nên trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ  xâm lược, Đảng và chính quyền cách mạng tỉnh Khánh Hòa đã đặt trụ sở làm việc và xây dựng ở đây thành căn cứ địa cách mạng để chỉ đạo quân và dân kháng chiến.
15. Căn cứ cách mạng Tô Hạp gồm địa phận xã Ba Cụm Bắc, xã Sơn Bình và thị trấn Tô Hạp thuộc huyện Khánh Sơn.  

 
Căn cứ cách mạng Tô Hạp (Khánh Sơn)

   Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 – 1975), nơi đây là căn cứ vững chắc của quân và dân Khánh Hòa.  
16. Công viên 23/10 Nha Trang nằm đối diện với Nhà ga Nha Trang (thuộc phường Phương Sài) – một vị trí tấn công vào đêm 23 – 10 – 1945 của các chiến sỹ mặt trận Nha Trang.

 
Công viên 23/10 (Nha Trang)

   Giữa công viên là Tượng đài 23 tháng 10 được tạc bằng đá, tượng trưng cho hình ảnh chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược của quân dân Nha Trang – Khánh Hòa và các đoàn quân Nam tiến. Cạnh đó là tấm bia ghi danh sách các liệt sĩ đã hy sinh trong 101 ngày đêm chiến đấu tại Mặt trận Nha Trang (từ 23 – 10 – 1945 đến 01/02/1946).
17. Chùa Long Sơn tọa lạc dưới chân đồi Trại Thuỷ, trên khu đất số 22 đường 23 -10, phía Nam thành phố Nha Trang. Đây là ngôi chùa có quy mô lớn nhất trong 20 ngôi chùa ở Nha Trang và cũng là một trong những thắng cảnh nổi tiếng.

 
Chùa Long Sơn (Nha Trang)

   Chùa được khai sơn vào cuối thế kỷ XIX và được xây dựng mới theo quy mô như hiện nay vào năm 1940 với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc tuy mang đậm dấu ấn thời hiện đại, nhưng vẫn giữ được vẻ tĩnh mịch nơi cửa Phật. Trên đỉnh núi là tượng Kim Thân Phật Tổ, cao 24 m, xây năm 1964-1965 và được bảo tồn cho đến ngày nay.
18. Di tích khảo cổ học Dốc Gạo thuộc địa phận thôn Tô Hạp, xã Trung Hạp thuộc huyện Khánh Sơn, vùng miền núi phía Tây tỉnh.
Năm 1979, một bộ đàn đá Khánh Sơn, loại nhạc cụ cổ nhất đã được công bố (trước đó, năm 1949 tại Tây Nguyên, một kỹ sư người Pháp đã phát hiện ra bộ đàn đá đầu tiên trên thế giới). Đây là bộ đàn đá do ông Bo Bo Ren, người dân tộc Raglai ở Khánh Sơn đào được và cất giấu trong hang đá đã hàng chục năm. Đàn đá Khánh Sơn có niên đại khoảng 2.500 – 3.000 năm về trước.

 
Đàn đá Khánh Sơn

   Trong hai năm 1980 và 1981, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật tại đỉnh núi Dốc Gạo. Hiện vật tìm thấy ở đây là hàng trăm mảnh tước cùng nhiều tảng đá lớn nhỏ và nhiều thanh đàn đá không còn nguyên vẹn đều thuộc loại đá ri-ô-lit pooc-phia có nhiều ở Khánh Sơn, cũng là loại đá đã chế tác đàn đá. Điều này có thể hiểu: đàn đá Khánh Sơn được chế tác tại chỗ, cư dân Raglai – chính là chủ nhân thực sự của những bộ đàn đá và Dốc Gạo là một “công xưởng” chế tác.                                                    
Đàn đá Khánh Sơn, một loại nhạc cụ cổ tiêu biểu của dân tộc Việt Nam được bè bạn thế giới ngưỡng mộ.

19.  Thắng cảnh vịnh Nha Trang

   Vịnh Nha Trang có diện tích khoảng trên 400 km2. Bờ biển vịnh Nha Trang (từ Lương Sơn đến cảng Cầu Đá), có chiều dài khoảng 8 km. Dọc theo bờ biển là những bãi tắm lý tưởng: Bãi Tiên, Sông Lô, Bãi Dài… Khí hậu ở đây ôn hòa dễ chịu, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 260C. Vịnh Nha Trang có 19 hòn đảo lớn nhỏ, các đảo Hòn Tằm, Hòn Tre,…có cảnh quan đẹp, một số đảo khác có nguồn lợi kinh tế lớn từ việc khai thác tổ chim yến (yến sào).
   Vịnh còn là một quần thể sinh vật biển còn nguyên sơ, gần như độc nhất vô nhị không chỉ ở Việt Nam mà còn cả Đông Nam Á. Nghiên cứu vịnh Nha Trang, người ta thống kê được 350 loại san hô, 250 loại cá biển, vô số các loài nhuyễn thể, giáp xác, rong biển…và sinh vật biển quý hiếm: bào ngư bầu dục, ốc kim khôi đỏ, trai ngọc môi vàng, tôm hùm bông, cua xanh, hải sâm trắng, cá ngựa đen, cá chim hoàng đế, đồi mồi… Trong đó, khu vực Hòn Mun có đa dạng sinh học cao nhất. Năm 2001, Khu bảo tồn biển Hòn Mun ra đời với tổng diện tích 160km2.
   Vịnh Nha Trang là một quần thể thiên nhiên hiếm thấy. Tháng 6 – 2003, vịnh được công nhận là “một trong 29 thành viên của Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới”.

Vịnh Nha Trang Sinh vật biển Vịnh Nha Trang

20. Thắng cảnh Đại Lãnh thuộc huyện Vạn Ninh, nằm cạnh Quốc lộ 1A, trên đường từ Bắc vào Nam, cách thành phố Nha Trang 80 km về phía Bắc.

 
Bãi biển Đại Lãnh (Vạn Ninh)

   Nằm kẹp giữa đèo Cả và đèo Cổ Mã, Đại Lãnh ba mặt là núi vây quanh, chỉ có mặt Đông trông ra biển, tạo nên một vùng thiên nhiên kỳ thú với núi non, biển cả và không khí trong lành. Bãi tắm Đại Lãnh nổi tiếng với bờ cát trắng mịn màng, có độ thoải lớn, có thể bơi lội xa bờ. 
   Từ xưa, phong cảnh Đại Lãnh đã được liệt vào hàng danh thắng quốc gia. Năm 1836, vua Minh Mạng đã cho thợ chạm phong cảnh Đại Lãnh vào một trong chín chiếc đỉnh đồng lớn trang trí trước sân Thế Miếu (Đại nội – Huế). Năm 1853, dưới triều Tự Đức, Đại Lãnh lại có tên trong từ điển quốc gia do triều đình biên soạn.

 

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

 1. Di tích lịch sử – văn hóa là gì? Di tích lịch sử – văn hóa xếp vào loại di sản nào?
2. Lập bảng thống kê các di tích tiêu biểu trong bài, theo mẫu: tên di tích lịch sử – văn hóa, địa chỉ, thể loại.  3. Hãy cho biết một hành động bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa của địa phương.
4. Sưu tầm tranh ảnh và tư liệu về di tích lịch sử – văn hóa ở Khánh Hòa

 Nguồn: khanhhoa.edu.vn

Source: https://evbn.org
Category: Địa Danh