Uy tín – Chất lượng – Trách nhiệm xã hội

Di tích đồi Độc Lập

Đồi Độc Lập là tên
gọi của bộ đội ta để chỉ một quả đồi đứng riêng biệt giữa một vùng bằng phằng ở
phía Bắc cánh đồng Mường Thanh. Đồi có hình bầu dục nằm dài theo hướng Bắc –
Nam. Đỉnh cao nhất tới gần 500m. Đứng trên đỉnh đồi nhìn về hướng Nam có thể
nhìn thấy nóc hầm tướng De Castries nằm giữa cánh đồng. Bên trái xa hơn một
chút và ở trên địa thế cao hơn là cánh rừng Lồng Lộng Hán, nơi giặc cờ vàng
ngày xưa đã đóng quân ở đây. Bên phải là núi Pú Tó Co và đồi Bản kéo. Chếch về hưởng
Đông Nam là đồi Him Lam, nếu theo đường kênh dẫn nước thì hai đồi này cách nhau
khoảng 3 km đường bộ.

Đồi
Độc Lập trước đây đồng bào địa phương gọi là Pú Vằng (Đồi vực). Sở dĩ có cái
tên ấy vì dưới chân đồi có một cánh đồng trũng có tên là Tông Khao (Đồng trắng).
Đồng Tông Khao cũng theo dân địa phương thì đó là nơi giặc Phẻ tàn ác, chúng bắt
hết trẻ con trong vùng đem giết. Trẻ nhỏ còn ẵm ngửa chúng cho vào cối giã, lớn
hơn thì chúng ném xuống cánh đồng trũng này rồi tháo nước vào cho chết hết. Khi
đồng cạn, xương trẻ con trắng xóa khắp đồng, từ đấy cánh đồng này được gọi là
Tông Khao. Ngoài những chuyện đau thương ấy, người Mường Thanh còn biết đến Đồi
Vực vì ở đó không chỉ có dấu tích của đau thương mà còn là dấu tích chiến công
của người xưa. Chuyện xưa kể rằng: Hoàng Công Chất thủ lĩnh nghĩa quân từ miền
xuôi lên được đồng bào Thái, nhất là tướng Ngải, tướng Khanh giúp mưu, giúp sức
đánh đuổi giặc Phẻ ở thành Tam Vạn. Giặc Phẻ thua to bỏ chạy lên đến Đồi Vực
thì bị nghĩa quân truy đuổi, bao vây tiêu diệt. Tại đây, tướng giặc là Chầu Phạ
Tin Tòng đã bị chém chết, đó là vào năm 1754.

Khi giặc Pháp nhảy
dù chiếm Mường Thanh ngày 20 tháng 11 năm 1953 để xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện
Biên Phủ hòng nghiền nát quân chủ lực của ta, chúng đã xây dựng đồi này thành một
cứ điểm mạnh, nằm trong phân khu Bắc của tập đoàn và đặt tên là GABRIEN (Tên một
cô gái đẹp nước Pháp). Cứ điểm có chiều dài 700m, rộng 150m. Cây cối trên đồi bị
chặt sạch tận gốc, thay vào đó là hàng rào kẽm gai nhiều kiểu như bùng nhùng,
mái nhà, cũi lợn… vồ những bãi mìn dày đặc, nhiều chỗ dầy tới 200m. Trấn giữ
cứ điểm là tiểu đoàn 5, trung đoàn 7 Angiêri, do tiểu đoàn trưởng Meccơmen chỉ
huy, có nhiệm vụ ngăn chặn sự tiến công của quân ta từ hướng Bắc theo đường Lai
Châu về Điện Biên.

Hỏa lực tăng cường cho cứ điểm đồi Độc Lập của địch là 4 khẩu đội cốỉ 120 mm và kế hoạch chi viện trực tiếp của pháo binh ở Mường Thanh và Hồng Cúm .

Về
phía ta, Bộ tư lệnh đại đoàn 308 được giao chỉ huy cuộc tiến công này. Lực lượng
gồm hai trung đoàn bộ binh: Trung đoàn 165 của đại đoàn 312 đảm nhiệm hướng chủ
yếu ở hướng Đông Nam cứ điểm. Trung đoàn 88 của đại đoàn 308 đảm nhiệm hướng
Đông Bắc. Hỏa lực tăng cường gồm đại đội lựu pháo 803, sơn pháo 572 và 753, hai
đại đội súng cối 120 mm. Theo kế hoạch, quân ta sẽ tấn công cứ điểm vào chiều
14 tháng 3, nhưng do lực lượng sơn pháo của ta sau khi chi viện cho trận đánh
Him Lam phải chuyển trận địa từ Đông sang Tây, trên một đoạn đường đèo dốc gập
ghềnh dưới trời mưa to, nên đến hơn 2 giờ sáng ngày 15/3/1954 sơn pháo của ta mới
vào đến trận địa để chi viện cho cuộc tấn công. Vì vậy đến 3 giờ 30 phút ngày
15/3/1954 trận tấn công cứ điểm đồi Độc Lập mới bắt đầu. Khi pháo binh ta dồn dập
nã đạn vào cứ điểm, thì từ hai hướng Đông Nam và Đông Bắc cứ điểm hai mũi tiến
quân của ta đã lập tức tiến công.

Ở hướng Đông Nam, đại
đội 501, tiểu đoàn 115, trung đoàn 165, đại đoàn 312 dùng bộc phá mở hàng rào
dây thép gai. Đột phá khẩu vừa mở tiểu đội xung kích nhanh chóng băng vào cứ điểm
cũng là lúc sau lưng họ, pháo binh địch đã càn tọa độ, dựng một hàng rào đạn
pháo dầy đặc trước cửa mở, khiến lực lượng phía sau của đại đội không thể tiến
lên. Tiều đội xung kích bị cắt đứt sự liên hệ với phía sau, nhưng không một
chút dao động cả tiều đội giương cao cờ “quyết chiến quyết thắng” đánh thọc sâu
vào trong cứ điểm, diệt trận địa cối 120 mm, chiếm trung tâm thông tin, tiến
công và bao vây bọn chỉ huy cứ điểm cố thủ dưới hầm ngầm. Hỏa lực pháo binh địch
tăng cường rót đạn vào cứ điểm, tiểu đội đã có 4 người hy sinh nhưng các chiến
sỹ vẫn không chùn bước, họ tiếp tục dùng thủ pháo, lựu đạn khống chế hầm ngầm.
Bọn địch trong cứ điểm vô cùng hoảng sợ, nhiều tốp lính đông tới 30 tên đã cùng
lúc kéo nhau ra hàng, chiến sỹ ta đã chỉ đường cho chúng lùi về phía sau. Cùng
lúc đó, tiểu đoàn 165 đã vượt qua lưới lửa ở đột phá khẩu, dũng mãnh xung phong
chia cắt, tiêu diệt từng bộ phận địch và phối hợp với tiểu đội xung kích tiêu
diệt Sở chỉ huy địch.

Ở hướng Đông Bắc cứ
điểm, các đơn vị bộc phá của trung đoàn 88, đại đoàn 308 khi được lệnh đã nhanh
chóng triển khai đội hình mở hàng rào dây thép gai. Những ánh chớp và tiếng nổ
bộc phá đều đặn vang lên nơi cửa mở. Tiểu đội bộc phá của Nguyễn Văn Ty đánh cuối
cùng, anh phát hiện cửa mở bị lệch hướng, anh đã chỉ huy tiểu đội lấy lô cốt địch
làm chuẩn để đánh lại đường vào. Các chiến sỹ lần lượt tiến lên và từng lớp
hàng rào của địch đã được gỡ bỏ. Nhưng do cơ số bộc phá của tiểu đội không đủ để
thông hàng rào, Nguyễn Văn Ty đã bình tĩnh quay lại phía sau nhận thêm ba quả bộc
phá nữa, rồi tiếp tục lao lên đánh tiếp. Đến quả cuối cùng anh phát hiện bộc
phá đã rơi mất kíp. Không để lỡ cơ hội khi đã ở bên hàng rào địch, Nguyễn Văn
Ty đã dùng lựu đạn nhét vào ống bộc phá, giật chốt rồi ném vào hàng rào. Hàng
rào vẫn còn dầy hơn hai chục mét. Đúng lúc đó, bộ phận bộc phá tăng cường đã
lên tới nơi, Nguyễn Văn Ty cùng các chiến sỹ đánh luôn 6 quả tiếp theo, đột phá
khẩu vẫn chưa được mở. Hỏa lực địch bắn ra dữ dội, Nguyễn Văn Ty lại bình tĩnh
lao về phía sau nhét đầy lựu đạn quanh mình rồi lao lên dùng tiểu liên và lựu đạn
khống chế hỏa lực địch để đồng đội mở hàng rào cuối cùng. Đột phá khẩu đã
thông, các mũi xung kích lao thẳng vào bên trong cứ điểm, tràn ra các phía tiêu
diệt nhiều các ổ đề kháng của địch. Mũi xung kích đầu tiên lao thẳng tới sở chỉ
huy, bắt liên lạc với mũi xung kích của trung đoản 165.

Để cứu nguy cho cứ điểm Độc Lập, 6 giờ
sáng ngày 15 tháng 3 Đờ Cát dùng 2 tiểu đoàn ứng chiến được tăng cường 8 xe
tăng ra cứu viện. Các chiến sĩ của đại đội 213, trung đoàn 88 được pháo binh
chi viện đắc lực đã đập tan bọn phản kích.

6 giờ 30 phút, cuộc tấn công trung tâm đề
kháng Độc Lập kết thúc thắng lợi, quân ta đã diệt gọn tiểu đoàn
Bắc Phi, bắt sống gần 300 tên địch trong đó có tên quan tư chỉ huy cứ điểm, thu
toàn bộ vũ khí.

Ngày nay di tích
Trung tâm đề kháng đồi Độc Lập và Bản Kéo đã được tu bổ, tôn tạo, giữ gìn một số
hạng mục di tích chính như: Hầm chỉ huy cứ điểm, giao thông hào, lô cốt địch
v.v… Di tích đồi Độc Lập mãi mãi là một mốc son sáng ngời trong cuộc chiến đấu
oanh liệt của quân và dân ta ở Điện Biên.

Source: https://evbn.org
Category: Địa Danh