Chung tay giải quyết thách thức toàn cầu

Ủy ban châu Âu (EC) thông báo, Chương trình về hòa bình, ổn định và phòng ngừa xung đột của EU nêu trên sẽ được khởi động nhằm mục tiêu góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu trong giai đoạn 2021-2027. Cụ thể, chương trình này sẽ hỗ trợ các hoạt động xây dựng hòa bình, phòng ngừa xung đột; chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp nhằm ứng phó khủng hoảng và giải quyết các mối đe dọa toàn cầu, xuyên khu vực cùng các mối đe dọa mới nổi. Ðề cập chương trình nêu trên, Ðại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell (G.Bo-ren) khẳng định, thông qua chương trình này, EU mong muốn nâng cao năng lực hành động và hỗ trợ các đối tác của mình trong việc ngăn chặn xung đột, xây dựng hòa bình…

Chương trình mới của EU cũng nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của khối này trong cuộc chiến chống khủng bố, ngăn chặn chủ nghĩa bạo lực, cực đoan và thúc đẩy tôn trọng đầy đủ quyền con người. Cùng với sự hoành hành của đại dịch Covid-19, “bóng ma” khủng bố, cực đoan cũng đang là một thách thức lớn, đe dọa nghiêm trọng nền hòa bình và ổn định của nhân loại. Trong bối cảnh mọi quốc gia phải tập trung nguồn lực ứng phó đại dịch Covid-19, các tổ chức khủng bố, cực đoan đã lợi dụng cơ hội này để phát triển mạnh. Việc phong tỏa xã hội trong một thời gian dài để chống dịch ở nhiều nơi cũng gây ra tâm lý bất ổn đối với người dân, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế và tạo “lỗ hổng” để các đối tượng khủng bố cực đoan dụ dỗ, lôi kéo người gia nhập các mạng lưới nguy hiểm này. Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) từng đặc biệt cảnh báo về vấn đề độ tuổi ngày càng trẻ hóa của nghi phạm thuộc các nhóm cực đoan; nhấn mạnh rằng, nhiều đối tượng bị bắt khi vẫn còn là trẻ vị thành niên. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trong số các vụ bắt cóc được xác nhận hồi năm 2020, có tới 37% số vụ là nhằm tuyển mộ và sử dụng trẻ em cho các cuộc xung đột.

Cùng với việc tập trung ứng phó chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, chương trình mới của EU còn ưu tiên đẩy mạnh hoạt động giáo dục, xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, đề cao hòa bình và nói không với bạo lực cho trẻ em. Chương trình cũng hướng tới nâng cao nhận thức của người dân về mối liên hệ chặt chẽ của những vấn đề như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đói nghèo… với các vụ xung đột, bạo lực. EU kỳ vọng có thể ngăn chặn các nguy cơ về xung đột trước khi chúng trở thành hiện thực.

UNICEF mới đây cho biết, hơn 3.900 trẻ em chết hoặc bị tàn tật do các thiết bị nổ trong năm 2020. Ðây là hồi chuông cảnh báo về những ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng xung đột, bạo lực, của “bóng ma” khủng bố và cực đoan đối với tương lai nhân loại. Trong thời gian trước mắt, chương trình về hòa bình, ổn định và phòng ngừa xung đột của EU sẽ tập trung xử lý các nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, đẩy mạnh liên kết bền vững giữa EU và các đối tác để cùng chung tay ứng phó những thách thức khẩn cấp của toàn cầu.