Chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu

G7 được biết đến là diễn đàn dành cho các nhà lãnh đạo, bộ trưởng và nhà hoạch định chính sách của bảy nước trong nhóm, gồm Pháp, Ðức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ và Canada cùng nhau xây dựng sự đồng thuận và tìm giải pháp cho những vấn đề thách thức nhất hiện nay của toàn cầu. Liên hiệp châu Âu (EU) được mời làm đối tác của G7 năm 1977. Tại Hội nghị cấp cao G7 diễn ra trong các ngày 8 và 9-6, ngoài bảy thành viên G7 và đối tác EU, cùng bốn tổ chức quốc tế là Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), còn có 12 quốc gia khách mời, từ khắp các châu lục.

Không phải ngẫu nhiên, Canada chọn vùng Charlevoix thuộc tỉnh Quebec, với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1989, làm nơi tổ chức Hội nghị cấp cao G7 lần này. Ứng phó biến đổi khí hậu là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của hội nghị. Theo nước chủ nhà Canada, hội nghị sẽ tập trung thảo luận năm vấn đề ưu tiên, gồm đầu tư vào những lĩnh vực tăng trưởng có lợi; chuẩn bị cho việc làm trong tương lai; tăng cường bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; cùng hành động trong các vấn đề về biến đổi khí hậu, đại dương, năng lượng sạch; và xây dựng một thế giới hòa bình, an toàn hơn.

Dễ dàng nhận thấy hầu hết các quốc gia khách mời của Hội nghị cấp cao G7 mở rộng năm 2018, trong đó có Việt Nam, là những nước ven biển. Ðại dương, các nguồn tài nguyên biển trong việc hỗ trợ kinh tế địa phương và quốc gia là những trọng tâm trong tổng thể chương trình hoạt động năm nay của G7 về xây dựng nền kinh tế mạnh mẽ và bảo đảm tăng trưởng cho tất cả. Dự kiến, ba nhóm vấn đề chính được đưa ra thảo luận, gồm xây dựng khả năng chống chịu, tính ứng phó của các cộng đồng ven biển; hỗ trợ phát triển nghề cá bền vững và bảo vệ môi trường đại dương; thúc đẩy các giải pháp xử lý rác thải nhựa ở các đại dương.

Là quốc gia ven biển, Việt Nam thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai và đã có những chính sách hiệu quả trước vấn đề này. Việt Nam triển khai xây dựng kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu ở các cấp độ, từ quốc gia, đến bộ, ngành, địa phương và người dân. Các chính sách được hệ thống hóa trong các văn bản lớn, như Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng Cộng sản Việt Nam về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Luật Bảo vệ môi trường…, được triển khai rộng khắp trong cả nước và đạt hiệu quả.

Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia và đóng góp trong các khuôn khổ hợp tác quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu. Cụ thể, Việt Nam nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ trong Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto; tích cực triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu đã ký tại Hội nghị thứ 21 các bên tham gia UNFCCC (COP21).

Việc lần thứ hai Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng, nhất là sau khi Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017, chứng tỏ vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Những nỗ lực, biện pháp mà Việt Nam đang triển khai nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, hỗ trợ phát triển nghề cá bền vững và bảo vệ môi trường biển… sẽ góp phần cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu.