Chi tiết tin

1- Thực trạng

Chi bộ là tế bào của Đảng, là nơi trực tiếp đưa đường lối, chính sách của Đảng đến với quần chúng, nhằm tuyên truyền, vận động, tập hợp, giáo dục, thuyết phục quần chúng thực hiện đường lối, chính sách của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “chi bộ là gốc rễ của Đảng”, “là đồn luỹ chiến đấu của Đảng ở trong quần chúng”, “là cầu nối giữa Đảng và quần chúng”, “chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh”.

Sinh hoạt chi bộ là một chế độ đã được quy định trong Điều lệ Đảng, chi bộ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần hoặc sinh hoạt đột xuất khi cần. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chi bộ và là một nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, giúp đảng viên nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng và thực hiện chức năng lãnh đạo, giáo dục của chi bộ.

Thời gian qua, các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Các chi bộ đã có nhiều đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức sinh hoạt, nhưng nhìn chung chất lượng sinh hoạt chi bộ vẫn còn nhiều hạn chế.

Đối với chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn còn lúng túng trong xác định nhiệm vụ chính trị. ở khu vực nông thôn hiện nay nhiệm vụ chủ yếu là phát triển kinh tế hộ gia đình, nhưng việc đề ra chủ trương và giải pháp để lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội chi bộ gặp không ít khó khăn. Nhiều chi bộ lúng túng trong sinh hoạt, nội dung chủ yếu chỉ là quán triệt, triển khai nhiệm vụ của cấp trên giao. Đối với chi bộ cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang thường lẫn lộn giữa sinh hoạt đảng với triển khai đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, có nơi còn đồng nhất giữa nội dung họp chi bộ với họp cơ quan, nên thường sa vào đánh giá kết quả thực hiện công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị mà chưa chú trọng phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên cũng như việc kiểm tra, giám sát đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Trước khi sinh hoạt chi bộ, chi ủy phải họp để chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ. Tuy nhiên, nhiều chi ủy không họp trước khi sinh hoạt chi bộ, chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ còn sơ sài, dàn trải. Việc tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều chi bộ không tổ chức được sinh hoạt chuyên đề, mặc dù đã có hướng dẫn của cấp ủy cấp trên, do chi ủy không chuẩn bị được nội dung. Việc phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Có nơi, nhất là ở khu vực cơ quan, đơn vị sự nghiệp, sinh hoạt chi bộ chỉ có ý kiến của đồng chí lãnh đạo cơ quan và đồng chí trong chi ủy, còn các đảng viên không giữ chức vụ thì thường lắng nghe, nhất trí theo ý kiến của người chủ trì cuộc họp. Cá biệt, có chi bộ khi có những ý kiến trái chiều hoặc phản biện lại ý kiến của lãnh đạo thì bị định kiến, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thiếu tin tưởng hoặc không giao việc cho những đảng viên đó, làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, đơn vị. Một số nơi năng lực bí thư chi bộ yếu kém nên việc chuẩn bị nội dung cũng như điều hành sinh hoạt chi bộ còn lúng túng, ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ.

Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan là do chi ủy, nhất là bí thư chi bộ năng lực yếu hoặc do kiêm nhiệm nhiều việc nên thời gian dành cho công tác đảng hạn chế. Nguyên nhân chủ quan là do nhiều bí thư chi bộ còn đơn giản trong sinh hoạt chi bộ, nặng về công tác chuyên môn hơn công tác đảng; chưa nghiên cứu sâu về nguyên tắc của Đảng và chưa dành thời gian đầu tư suy nghĩ, tìm các biện pháp để đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt. Công tác kiểm tra, giám sát, định hướng nội dung sinh hoạt của cấp ủy cấp trên trực tiếp đối với chi bộ chưa thường xuyên nên chi bộ sinh hoạt có tính chất chiếu lệ.

Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, bảo đảm cho sinh hoạt của chi bộ đạt được tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ là một đòi hỏi cấp bách.

2- Giải pháp

Một là, nâng cao năng lực lãnh đạo của chi ủy, nhất là đồng chí bí thư chi bộ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “cán bộ nào, phong trào ấy”. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt làm công tác đảng có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt sẽ là nhân tố quyết định nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng như trong lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở. Đối với khu vực các xã, phường, thị trấn, khu vực nông thôn, chi ủy, nhất là bí thư chi bộ cần được chọn lọc từ những đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, bản lĩnh, nhiệt tình với công tác xây dựng đảng; có khả năng tập hợp, quy tụ được cán bộ, đảng viên ở địa phương. Cấp ủy cấp trên trực tiếp cần đặc biệt quan tâm tới công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cho các chi ủy, bí thư chi bộ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng; chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ bí thư chi bộ và thực hiện tốt chính sách cán bộ. Đối với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nên thực hiện nhất thể hóa chức danh lãnh đạo chính quyền với chức danh bí thư cấp ủy.

Hai là, phải thực hiện thật tốt Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30-3-2008 của Ban Bí thư (khóa X) và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 2-3-2012 của Ban Tổ chức Trung ương về hướng dẫn sinh hoạt chi bộ. Hướng dẫn đã chỉ rõ nội dung sinh hoạt theo từng loại hình, công việc, các bước tiến hành sinh hoạt chi bộ. Việc chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt chi bộ là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng sinh hoạt chi bộ. Chi ủy phải bám sát tình hình thực tế của chi bộ để xây dựng nội dung sinh hoạt, trong đó cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm; thông tin kịp thời về tình hình thời sự trong nước, quốc tế; phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên; tổng hợp đánh giá việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác của chi bộ tháng trước theo nghị quyết chi bộ đã đề ra và thảo luận một số nhiệm vụ trọng tâm đề ra cho tháng tiếp theo. Nghị quyết của chi bộ phải thiết thực, có tính khả thi và quá trình thực hiện phải được kiểm tra kịp thời. Đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phải gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, làm cho mọi đảng viên nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nghị quyết của chi bộ và của cấp ủy cấp trên; bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu để chi bộ thực sự là nơi lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên.

Ba là, phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng. Để thực sự phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ thì bí thư chi bộ phải rất linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; chủ trì các cuộc họp cần có tác phong cởi mở, chân thành, dân chủ, nhưng cần phải quyết đoán, có chính kiến rõ ràng. Trong thảo luận phải thật sự phát huy dân chủ, tạo được không khí đoàn kết, thẳng thắn để các đảng viên thể hiện hết ý kiến của mình, trước khi biểu quyết chung của chi bộ. Từ dự kiến công việc đến phân công công tác cho đảng viên phải được phân tích kỹ lưỡng, có lý, có tình và phải được thảo luận một cách dân chủ. Những ý kiến xây dựng, thẳng thắn, trung thực phải được tôn trọng và động viên, khuyến khích, tiếp thu một cách cầu thị. Cần bình tĩnh lắng nghe những ý kiến trái chiều và phải được thảo luận rất kỹ trong chi bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng phải bảo đảm quyền được bảo lưu của cá nhân. Kịp thời chấn chỉnh, phê phán những cá nhân vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, hoặc có ý kiến thiếu tính xây dựng, bảo thủ trong trao đổi, thảo luận. Chi ủy và đồng chí bí thư chi bộ lắng nghe, tôn trọng mọi ý kiến của đảng viên, trả lời những chất vấn của đảng viên, tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên giám sát hoạt động của chi bộ, chi ủy. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo cấp ủy cấp trên và trả lời đảng viên trong lần sinh hoạt tiếp theo.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của các cấp ủy cấp trên, nhất là cấp uỷ cấp trên trực tiếp. Các cấp ủy cần nâng cao nhận thức đúng đắn về vị trí và tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ, coi việc đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của TCCSĐ. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên có vai trò quan trọng đối với việc định hướng nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ. Cấp ủy cấp trên cần cử cán bộ, cấp ủy viên thường xuyên dự sinh hoạt với các chi bộ để động viên, khuyến khích, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của đảng viên, đồng thời cũng nắm chắc chất lượng hoạt động của chi bộ để báo cáo cấp ủy cấp trên chỉ đạo kịp thời.

Phạm Thanh Tùng

Vụ Cơ sở đảng, BTCTƯ