Áp lực trên giới trẻ ngày nay — THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN Tháp Canh

Áp lực trên giới trẻ ngày nay

TUỔI vị thành niên—dù trong hoàn cảnh tốt nhất—vẫn có thể là một giai đoạn đầy biến động. Trong độ tuổi dậy thì, các em thường phải đương đầu với những cảm xúc và tình cảm mới lạ. Hàng ngày các em phải chịu nhiều áp lực từ thầy cô và bạn cùng lứa. Các em cũng liên tục chịu tác động từ nhiều nguồn ảnh hưởng khác, như truyền hình, phim ảnh, âm nhạc và Internet. Vì thế, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) mô tả tuổi vị thành niên là “thời kỳ chuyển tiếp với đặc điểm thường thấy là căng thẳng và lo lắng”.

Đáng tiếc là người trẻ thường quá ít kinh nghiệm để có thể đối phó hữu hiệu với những căng thẳng và lo lắng đó. (Châm-ngôn 1:4) Nếu không được hướng dẫn đúng đắn, các em dễ có những hành vi tai hại. Thí dụ, báo cáo trên của LHQ nói: “Các cuộc nghiên cứu cho thấy việc dùng ma túy thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên hoặc mới trưởng thành”. Các hành vi sai trái khác như bạo lực và quan hệ tính dục bừa bãi cũng xảy ra ở độ tuổi này.

Thật sai lầm nếu các bậc cha mẹ cho rằng những chuyện như thế chỉ xảy ra trong giới “nhà nghèo” hoặc trong những cộng đồng thiểu số. Những vấn đề mà người trẻ đang gặp phải không còn giới hạn trong bất kỳ thành phần kinh tế, xã hội hay chủng tộc nào. Tác giả Scott Walter viết: “Nếu bạn nghĩ ‘trẻ vị thành niên phạm pháp’ chỉ là các thiếu niên 17 tuổi thuộc các cộng đồng thiểu số, sống trong các khu phức tạp với người mẹ nghèo khổ sống nhờ tiền trợ cấp, thì bạn đã không theo sát thời sự… Trẻ có vấn đề ngày nay có thể là da trắng, xuất thân từ các gia đình trung lưu hoặc thượng lưu, dưới (hoặc dưới xa) tuổi 16 và có thể là nam hoặc nữ ”.

Tại sao quá nhiều người trẻ dễ có nguy cơ sa ngã như thế ? Chẳng phải các thế hệ trẻ trước đây cũng phải đương đầu với nhiều thách đố và cám dỗ sao? Đúng, nhưng chúng ta hiện đang sống trong giai đoạn mà Kinh Thánh gọi là “thời-kỳ khó-khăn”. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Ngày nay giới trẻ phải đương đầu với những tình huống và áp lực chỉ có trong thời kỳ đặc biệt này của lịch sử. Hãy xem xét một vài vấn đề.

Những thay đổi trong gia đình

Chẳng hạn, hãy xem xét khung cảnh gia đình ngày nay. Theo báo cáo của tạp chí Journal of Instructional Psychology (Tạp chí hướng dẫn tâm lý), “hơn một phần ba trẻ em Mỹ phải chứng kiến cảnh cha mẹ ly dị trước khi đến tuổi 18”. Những thống kê tương tự có thể tìm thấy tại các nước Phương Tây khác. Khi quan hệ giữa cha mẹ bị đứt đoạn, các em thường chịu nhiều đau khổ về tình cảm. Tạp chí này cũng cho biết: “Thông thường so với những em có cha mẹ đầy đủ hoặc cha mẹ đã ly dị hay tái hôn một thời gian rồi, thì các em vừa mới trải qua cảnh gia đình đổ vỡ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc học hành cũng như trong cách cư xử, giao thiệp với người khác tại trường học… Ngoài ra, việc ly dị của cha mẹ cũng thường khiến các em bị xáo trộn về tình cảm và trở nên thiếu tự tin”.

Khung cảnh gia đình cũng thay đổi do ngày càng có nhiều phụ nữ đi làm. Một cuộc nghiên cứu về trẻ vị thành niên phạm pháp tại Nhật cho thấy những gia đình có cha mẹ đều đi làm khó chăm sóc con cái hơn là những gia đình có cha hoặc mẹ ở nhà.

Công nhận là nhiều gia đình cần hai nguồn thu nhập để có thể đáp ứng mọi nhu cầu đời sống. Cha mẹ cùng đi làm cũng có thể đem lại cho con cái cuộc sống tiện nghi hơn. Nhưng điều này có mặt trái của nó: Hàng triệu trẻ em không được gặp cha mẹ khi tan học về nhà. Và khi cha mẹ về đến nhà thì họ thường đã mệt mỏi, hoặc bận tâm với những vấn đề ở sở làm. Hậu quả ra sao? Nhiều thiếu niên ngày càng thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Một em than phiền: “Gia đình em không còn có những giây phút sum vầy bên nhau”.

Nhiều nhà quan sát nhận thấy khuynh hướng này ảnh hưởng tai hại đến tương lai của thế hệ trẻ. Bác sĩ Robert Shaw nói: “Tôi nghĩ rằng cách giáo dục con cái hình thành trong 30 năm qua đã khiến con cái ngày càng trở nên xa cách, không cởi mở, học kém và khó dạy… Các bậc cha mẹ cảm thấy bị nô lệ trong một xã hội quá chú trọng đến vật chất và sự thành đạt. Điều này khiến họ mất quá nhiều thời gian vào việc kiếm tiền và tiêu tiền đến độ không còn thời gian cho những sinh hoạt cần thiết để gần gũi với con cái”.

Một mối nguy khác đối với các thiếu niên có cha mẹ đi làm là các em thường có nhiều thời gian tự do, không bị giám sát. Thiếu sự giám sát của cha mẹ có thể dẫn tới rắc rối.

Thay đổi quan niệm về cách răn dạy

Việc thay đổi quan niệm về cách cha mẹ răn dạy con cái cũng ảnh hưởng đến giới trẻ ngày nay. Tiến sĩ Ron Taffel nêu thẳng vấn đề là nhiều bậc phụ huynh đã “từ bỏ uy quyền của họ”. Do đó, các em lớn lên gần như vô kỷ luật hoặc không được hướng dẫn về cách cư xử.

Một số bậc cha mẹ dường như có khuynh hướng hành xử ngược lại với những kinh nghiệm không hay mà họ đã trải qua trong thời thơ ấu. Họ muốn là bạn của con cái—thay vì là người răn dạy. Một bà mẹ thú nhận: “Tôi đã quá dễ dãi vì trước kia cha mẹ tôi rất nghiêm khắc; tôi không muốn đối xử với con mình như thế. Nhưng tôi đã lầm”.

Nhiều phụ huynh dễ dãi đến độ nào? Tờ USA Today tường thuật: “Một cuộc thăm dò mới đây được thực hiện với gần 600 thiếu niên đang cai nghiện ma túy ở New York, Texas, Florida và California cho thấy 20% trong số này đã từng dùng ma túy với cha mẹ, và khoảng 5% đã được cha hoặc mẹ đưa vào con đường hút xách, thường là cần sa”. Điều gì khiến họ hành động vô trách nhiệm như thế? Một phụ huynh thú nhận: “Tôi bảo con gái tôi rằng chẳng thà tôi cho phép nó làm điều này ở nhà để có thể trông chừng nó”. Những phụ huynh khác thì tưởng rằng dùng ma túy với con là cách để “gắn bó” với chúng.

Sự tấn công của các phương tiện truyền thông

Cũng phải kể đến ảnh hưởng mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông. Theo nhà nghiên cứu Marita Moll, một cuộc thăm dò cho thấy trung bình các thiếu niên ở Hoa Kỳ dành 4 giờ 48 phút mỗi ngày xem truyền hình hoặc chơi vi tính.

Điều này có thật sự tai hại không? Một bài đăng trên tạp chí Science (Khoa học) cho biết “sáu hiệp hội chuyên nghiệp lớn tại Hoa Kỳ”, trong đó có Hội Y Khoa Hoa Kỳ, đều đi đến cùng kết luận là “hành vi bạo động của một số trẻ em” có liên quan đến cảnh bạo động trên các phương tiện truyền thông. Tạp chí này nhận xét: “Mặc dù các nhà chuyên môn đều đồng ý như thế nhưng người dân dường như chưa ý thức được thông điệp này của báo chí, đó là bạo lực trên các phương tiện truyền thông đang góp phần làm cho xã hội hung bạo hơn”.

Chẳng hạn, hãy xem các video ca nhạc. Các bậc phụ huynh thường sửng sốt trước các hình ảnh khiêu dâm trắng trợn trong các băng đĩa này. Chúng có thật sự ảnh hưởng đến cách cư xử của một số thanh thiếu niên không? Theo kết quả một cuộc nghiên cứu 500 sinh viên thì “các bản nhạc với lời lẽ kích động làm tăng tính hung hăng trong suy nghĩ và tình cảm”. Theo một nghiên cứu khác mới đây, “những thiếu niên thường xuyên xem các hình ảnh khiêu dâm và bạo động trong… các video nhạc rap dùng tiếng lóng của các băng đảng, thì dễ thực hành những hành vi này hơn trong cuộc sống”. Cuộc nghiên cứu này trên hơn 500 nữ sinh cho thấy những em thường xuyên xem các băng đĩa nhạc rap như thế dễ đánh thầy cô, bị bắt và có quan hệ tính dục với nhiều người.

Thiếu niên và máy vi tính

Trong những năm gần đây, vi tính đã ảnh hưởng lớn đến lối suy nghĩ của giới trẻ. Tạp chí Pediatrics nói: “Số người có máy vi tính tại nhà đã gia tăng đáng kể trong những thập niên vừa qua… Trên toàn quốc [Hoa Kỳ], hai phần ba số gia đình có con trong tuổi đi học (từ 6-17 tuổi) có máy vi tính tại nhà… Tại Hoa Kỳ, tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 17 sống trong gia đình có máy vi tính đã tăng từ 55% vào năm 1998 lên đến 65% vào năm 2000”. Việc sử dụng vi tính cũng gia tăng ở nhiều xứ khác.

Nhưng không chỉ những trẻ có máy vi tính ở nhà mới sử dụng vi tính. Vì thế, một nhà nghiên cứu cho rằng “khoảng 90% trẻ em tuổi từ 5 đến 17 dùng vi tính và 59% trong số này truy cập Internet”. Điều này cho phép giới trẻ được tự do tiếp cận thông tin hơn bao giờ hết—một điều hoàn toàn tốt nếu được dùng với ý thức trách nhiệm và với sự giám sát hợp lý của người lớn. Đáng tiếc là nhiều phụ huynh lại để con cái tự do sử dụng phương tiện này.

Để chứng minh, nhà nghiên cứu Moll đã viết trong tạp chí Phi Delta Kappan rằng theo một cuộc thăm dò trong năm 2001 về việc sử dụng Internet, “71% phụ huynh nghĩ rằng họ biết ‘nhiều hoặc khá nhiều’ việc dùng Internet của con cái. Tuy nhiên, khi được hỏi về điều này, 70% các em lại nói rằng cha mẹ biết ‘rất ít hoặc chẳng biết gì’ về các hoạt động trên mạng của chúng”. Theo cuộc thăm dò này, “30% các em từ 9 đến 10 tuổi cho biết chúng đã vào các phòng chat riêng tư hoặc chỉ dành cho người lớn. Đáng sợ hơn nữa, 58% thiếu niên từ 11 đến 12 tuổi, 70% từ 13 đến 14 tuổi và 72% từ 15 đến 17 tuổi cũng đã làm điều đó… Trong một cuộc thăm dò tại Anh Quốc về việc dùng Internet tại nhà, cứ bảy phụ huynh thì có một người nhìn nhận rằng họ không hề biết con cái xem gì trên mạng”.

Việc tự do sử dụng Internet có thể đưa các em tiếp cận với hình ảnh khiêu dâm. Tuy nhiên, nguy hiểm không chỉ dừng lại ở đó. Tiến sĩ Taffel, được nói đến ở trên, than phiền: “Con cái chúng ta đang kết bạn ở trường và trên mạng, và rốt cuộc là chúng ta chẳng biết chúng chơi với ai”.

Rõ ràng, giới trẻ ngày nay phải chịu nhiều áp lực và phải đương đầu với những vấn đề mà các thế hệ trước không hề biết đến. Không lạ gì khi nhiều người trẻ có cách cư xử đáng lo ngại! Có cách nào để giúp cho giới trẻ ngày nay không?

[Câu nổi bật nơi trang 6]

“Tôi nghĩ rằng cách giáo dục con cái hình thành trong 30 năm qua

đã khiến con cái ngày càng trở nên xa cách, không cởi mở, học kém

và khó dạy”.—BÁC SĨ ROBERT SHAW

[Hình nơi trang 6, 7]

Khung cảnh gia đình thay đổi do ngày càng có nhiều phụ nữ đi làm

[Hình nơi trang 7]

Các thiếu niên thiếu sự giám sát của cha mẹ dễ gặp rắc rối

[Hình nơi trang 8]

Các nhà nghiên cứu cho rằng băng đĩa video nhạc có lời và hình ảnh hung bạo có thể dẫn tới hành vi bạo động

[Hình nơi trang 9]

Bạn có biết con cái đang xem gì trên mạng không?