Vai trò của kinh tế nhà nước tại Việt Nam: Cơ sở lý luận và thực tiễn

Vai trò của kinh tế nhà nước tại Nước Ta : Cơ sở lý luận và thực tiễn

 PGS., TS. Nguyễn Hồng Nga *

     TS. Lê Tuấn Lộc *

Nghiên cứu nhìn lại và nhìn nhận vai trò kinh tế của nhà nước tại Nước Ta trên cả góc nhìn triết lý và bình diện thực tiễn sau 30 năm thay đổi và tăng trưởng kinh tế. Vai trò của Nhà nước được nhìn nhận dưới góc nhìn vi mô nhằm mục đích khắc phục những khuyết tật của thị trường là độc quyền, ngoại tác, sản phẩm & hàng hóa công, thông tin bất phù hợp và hành vi bất hài hòa và hợp lý. Nhà nước đóng vai trò giảm thiểu những khuyết tật của thị trường, tái phân phối một phần của cải để bảo vệ công minh, cân đối, hiệu suất cao và sự tiến triển cho toàn xã hội .

Bài viết phân tích trên góc độ lý thuyết để nhìn lại nhà nước (mà chính phủ là đại diện) thực hiện những chức năng của mình thông qua việc tập trung khắc phục thất bại của thị trường.

Ðộc quyền

Theo Samuelson, độc quyền là hiện tượng chỉ có một nhà sản xuất trong ngành và không có ngành nào sản xuất ra mặt hàng thay thế gần gũi (6, trang 322).

Mankiw cho rằng, nguyên nhân cơ bản của độc quyền là các rào cản gia nhập (2, trang 337). Ông cũng cho rằng, các rào cản gia nhập đến lượt nó, lại phát sinh từ ba dạng chính sau đây:

(i) Độc quyền về nguồn lực: Một nguồn lực quan trọng cần thiết cho quá trình sản xuất được sở hữu của một doanh nghiệp duy nhất.

(ii) Các quy định của chính phủ: Chính phủ trao cho một doanh nghiệp duy nhất quyền sản xuất một vài hàng hoặc
dịch vụ.

(iii) Quy trình sản xuất: Một doanh nghiệp có khả năng sản xuất hàng hóa với chi phí thấp hơn với các doanh nghiệp khác (hay còn gọi là độc quyền tự nhiên khi một doanh nghiệp duy nhất có thể cung ứng một mặt hàng hoặc dịch vụ cho toàn bộ thị trường với chi phí thấp hơn trường hợp có hai hoặc nhiều doanh nghiệp (3, trang 337
và 338).

Kinh tế học đã chứng minh rằng, thị trường cạnh tranh đạt được hiệu quả cao nhất tính trên góc độ phúc lợi xã hội. Nhưng một doanh nghiệp độc quyền là một nhà sản xuất duy nhất và (nếu không được điều tiết, giám sát về phía nhà nước) có thể (và trong thực tế  xảy ra) ấn định giá cả mà không sợ bị cạnh tranh bởi một mức giá thấp hơn của đối thủ khác. Hậu quả của độc quyền là nó có thể tính giá cao hơn và sản xuất ít hơn so với mức lẽ ra sẽ đạt được trong điều kiện cạnh tranh. Những yếu tố này sẽ dẫn đến sự xa rời của tính hiệu quả, và những quan ngại về công bằng, như tình trạng tổn thất thặng dư của người tiêu dùng cũng như xã hội và lợi nhuận quá cao của nhà độc quyền. Đồng thời, sự lựa chọn của người tiêu dùng bị hạn chế do chỉ có một nhà cung cấp
hàng hóa.

Đa phần các tập đoàn trên được hưởng quy chế độc quyền; chỉ có điện, nước được coi là ngành độc quyền tự nhiên. Chúng ta phải trả giá cho những tình trạng độc quyền này bằng các mức giá phi cạnh tranh và chất lượng dịch vụ luôn bị than phiền. Quan trọng hơn là các tập đoàn này sử dụng rất kém hiệu quả nguồn vốn của nhà nước, gây thất thoát hàng trăm ngàn tỷ và bức xúc của toàn dư luận xã hội. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến vai trò “cú đấm thép” của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các doanh nghiệp này không có động cơ lợi nhuận mà hầu như cũng chẳng có tư duy về lợi ích xã hội. Các nhà kinh tế đã nhận định: con người hành động vì động cơ. Khi động cơ không đúng đắn thì hành động sẽ không hợp lý, trong đó, có cả việc nhà nước cần ngăn cản những hành vi (có vẻ) hợp lý của một vài cá nhân nhưng có ảnh hưởng xấu đến xã hội (tổng lợi ích xã hội là âm). Do vậy, chúng tôi đề nghị nhà nước cần có cách thức để điều tiết độc quyền, đơn giản nhất là xóa bỏ độc quyền, đẩy mạnh cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế.

Theo Mankiw, các nhà hoạch định chính sách có thể giải quyết vấn đề độc quyền theo một trong bốn cách sau:

Thứ nhất, tìm cách làm cho các ngành độc quyền có tính cạnh tranh cao hơn.

Thứ hai, kiểm soát hành vi của các doanh nghiệp độc quyền.

Thứ ba, chuyển đổi một số doanh nghiệp độc quyền tư nhân thành DNNN.

Thứ tư, không làm gì cả (3, trang 358).

Theo chúng tôi, ở Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể sử dụng giải pháp thứ hai để giải quyết trong chừng mực nào đó hiện tượng độc quyền, tức là chính phủ điều chỉnh hành vi của nhà độc quyền. Chính phủ có thể yêu cầu nhà độc quyền  đặt giá bằng chi phí trung bình và lợi nhuận kinh tế bằng không. Trường hợp lý tưởng, chính phủ có thể yêu cầu các doanh nghiệp độc quyền định giá bằng chi phí biên. Tuy nhiên, trong trường hợp này, đối với độc quyền tự nhiên thì điều này làm cho nhà độc quyền bị lỗ nên nhà nước phải bù lỗ cho doanh nghiệp trong trường hợp điều tiết như vậy. Các trường hợp khác, nếu nhà độc quyền bị lỗ thì nhà nước buộc phải bù đắp một phần chi phí cố định của hãng độc quyền. Có một cách thức khác là chính phủ cho phép nhà độc quyền thu được tỷ suất lợi nhuận tối thiểu và bằng tỷ suất lợi nhuận bình quân của nền kinh tế sau khi kiểm soát các chi phí hợp lý của doanh nghiệp độc quyền. Ở đây, cần có một ủy ban độc lập và trong sạch trong việc minh bạch các chi phí hợp lý của doanh nghiệp thì sự can thiệp của nhà nước mới đem lại hiệu quả.

Thông tin bất cân xứng

Thông tin bất cân xứng là tình huống, trong đó người mua và người bán nắm giữ thông tin khác nhau trong một giao dịch. (5, trang 646).

Thông tin bất cân xứng là một tình huống, trong đó một số tác nhân có được thông tin tốt hơn một số tác nhân khác (1, trang 89).

Thông tin bất cân xứng biểu hiện ở khắp nơi như ngân hàng, thị trường nhà đất, bảo hiểm, chứng khoán, đồ cũ, thị trường lao động, thực phẩm… Thường những bên có thông tin nhiều hơn sẽ lấy điều này để làm lợi cho họ. Làm thế nào người tiêu dùng có thể biết được thông tin chính xác về sản phẩm mà nhà sản xuất ghi trên bao bì, tại sao người dân lại bị ngộ độc thực phẩm, liệu sản phẩm nhập từ nước ngoài có đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, có bảo quản bằng hàn the hay không, liệu xăng chúng ta mua có đúng tiêu chuẩn hay không, có bị đổ xăng thiếu hay không, sữa bột liệu có nhiều protein hay nhiều melamine… Đây là những vấn đề mà thị trường và người tiêu dùng khó, nếu không nói là không thể giải quyết được. Vì vậy, nhà nước phải tham gia bằng việc đề ra các tiêu chuẩn và phải giám sát được quá trình đảm bảo chất lượng bằng các quy định ngặt nghèo và nghiêm túc để bảo vệ người dân
của mình.

Thông tin bất cân xứng là một khuyết tật của thị trường vì nó gây ra:

– Sự lựa chọn ngược (AS: Adverse Selection)

– Rủi ro đạo đức hay tâm lý ỷ lại (MH: Moral Hazard)

– Vấn đề người ủy quyền – Người thừa hành (PA: Principle – Agent)

Những vấn đề về thông tin không tương xứng với chất lượng sản phẩm được Georgie Akerlof (Nobel kinh tế năm 2001 cùng với Michael Spence và Josep Stiglitz) phân tích đầu tiên vào năm 1970. Những phân tích của Akerlof không chỉ bó gọn trong thị trường về xe hơi đã qua sử dụng. Các thị trường khác như bảo hiểm, tín dụng và thậm chí thị trường lao động cũng đều mang tính đặc trưng của thông tin bất cân xứng về chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Lựa chọn ngược và tâm lý ỷ lại là hai hậu quả của việc tồn tại thông tin bất cân xứng trên thị trường. Vậy giải pháp chính xác các cách thức khác nhau nhằm giảm thiểu sự bất cân xứng về thông tin đối với các bên tham gia giao dịch thị trường.

Có hai nhóm giải pháp chủ yếu là giải pháp tư nhân và giải pháp từ phía chính phủ. Cả hai nhóm giải pháp này về bản chất đều dựa trên đề xuất của hai nhà kinh tế được giải Nobel, đó là Michel Spence và Joe Stiglitz. Trong khi M. Spence cho rằng người có thông tin sẽ có thể chuyển tải nó theo cái cách mà người không biết được thông tin có thể tin tưởng được thì J. Stiglitz lại nhìn vấn đề theo góc độ ngược lại và khám phá ra những phương pháp, trong đó, người không có thông tin có thể tìm ra thông tin (2, trang 195)

Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến các giải pháp của chính phủ, nhằm giảm thiểu tình trạng thông tin bất cân xứng trên thị trường.

Vì thông tín bất cân xứng là một khuyết tật của thị trường, do vậy, việc nhà nước can thiệp vào thị trường bằng nhiều chính sách và giải pháp là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và bắt buộc đối với các cơ quan chức năng của chính phủ nhằm giảm bớt tình trạng này và giảm bớt thiệt hại đối với các bên tham gia vào thị trường. Một số giải pháp của chính phủ có thể là:

– Thành lập hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng. Ở Việt Nam, hiệp hội này đã tồn tại nhưng trên thực tế, hội này chỉ có trên danh nghĩa, còn người tiêu dùng vẫn bị thiệt thòi trong các giao dịch thị trường.

– Cấp giấy phép chứng nhận tư cách pháp nhân và chất lượng sản phẩm (trước khi hoạt động).

– Kiểm tra, kiểm soát (sau khi hoạt động) an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng dấu chất lượng và cấp giấy phép lưu thông, kiểm tra đối chiếu với thực tế và tiêu chuẩn đã đăng ký.

– Chính phủ và các cơ quan chức năng nhà nước cần cung cấp thông tin một cách minh bạch và chính xác về: quy hoạch đô thị, về dịch bệnh, về nhà đầu tư, các doanh nghiệp, đưa ra các dự báo về cung cầu đối với các thị trường trong và ngoài nước…

– Thiết lập và củng cố các thể chế, nhất là thể chế kinh tế (xây dựng khung pháp lý) để có các biện pháp xử phạt, chế tài mang tính răn đe nhằm hạn chế việc sử dụng thông tin bất cân xứng gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Quan trọng là đằng sau các giải pháp này phải có một chế tài mang tính răn đe, thậm chí xử lý bằng hình sự và các cán bộ nhà nước phải có tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Có như vậy mới xử lý được tình trạng tranh sáng tranh tối trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của thất bại thị trường này.

Đối với vấn đề người ủy quyền – người thừa hành, các giải pháp tổng thể có thể là: Người ủy quyền tạo ra khuyến khích vật chất và phi vật chất để mục tiêu của người thừa hành phù hợp và tương ứng với mục tiêu của mình như trả lương và thưởng theo hiệu quả công việc, thưởng bằng cổ phiếu của công ty, giáo dục lòng tự trọng và đạo đức nghề nghiệp, trao các danh hiệu thi đua, các giải thưởng nghề nghiệp và của chính phủ, trao cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp… Và thiết kế hệ thống kiểm tra, giám sát: có một hệ thống giám sát và giải trình hiệu quả, đào tạo theo hệ tín chỉ, sinh viên được quyền lựa chọn môn học và giáo viên, lấy phiếu tín nhiệm định kỳ…

Ngoại tác

Ngoại tác là hành động của nhà sản xuất hay người tiêu dùng tác dụng đến sản xuất hay tiêu dùng khác và tác động đó không được tính vào giá thị trường
(5, trang 678).

Do vậy, ngoại tác là sự tác động ra bên ngoài của một đối tượng đến lợi ích hay chi phí của một hay một số đối tượng khác mà không thông qua giao dịch và không được phản ánh qua giá cả. Hay nói một cách khác, ngoại tác là ảnh hưởng của hoạt động sản xuất và tiêu dùng không được phản ảnh trong thị trường. Đôi khi ngoại tác được gọi là tác động đến bên thứ ba.

Các ngoại tác tiêu cực phát sinh khi hành động của một nhà sản xuất hay người tiêu dùng áp đặt lên chi phí cho người khác mà không có sự đền bù thỏa đáng. Ví dụ là nhà máy xả chất thải xuống sông, dân cư ở hạ nguồn và người sử dụng sẽ phát sinh tổn thất do nước ô nhiễm hay tiếng ồn của các cơ sở Karaoke đối với người dân sống xung quanh… Ngoại tác tích cực phát sinh khi hành động của một nhà sản xuất hay người tiêu dùng mang lại lợi ích cho người khác. Ví dụ, hàng xóm sửa sang nhà cửa hay trồng thêm cây xanh, cây hoa kiểng…Nếu nhà nước không can thiệp thì hàng hóa có ngoại tác tiêu cực sẽ được sản xuất nhiều hơn và ngoại tác tích cực sẽ được cung cấp ít hơn trong trường hợp có sự can thiệp tích cực và chủ động của nhà nước.

Ô nhiễm môi trường, tính trung thực và giả dối, giáo dục phổ thông, y tế và y tế cộng đồng… Là những vấn đề hết sức bức bối có liên quan đến khuyết tật thứ ba của thị trường và bàn tay hữu hình của nhà nước có vai trò tối quan trọng trong việc giải quyết vấn đề trên.

Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng hiện nay là một trong những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch của Việt Nam và làm gia tăng các chi phí cải thiện môi trường. Ngoài ra, việc xung đột về lợi ích các nhóm xã hội trong khai thác và sử dụng tài nguyên môi trường. Rõ rệt nhất là những vụ khiếu kiện, khiếu nại gần đây liên quan đến việc xả chất thải gây tổn hại kinh tế cho nông dân trồng lúa và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của Công ty Vedan, Công ty San Miguel Pure Foods và vụ Formosa trong năm 2016…
Còn tại các làng nghề là xung đột giữa hoạt động sản xuất của làng nghề và hoạt động nông nghiệp, giữa giàu có và môi trường sống. Nguyên nhân do thiếu sự tham gia của tất cả các bên liên quan dẫn đến mất cân bằng về lợi ích giữa các nhóm xã hội, do cơ chế chính sách và thực thi chính sách yếu kém…

TP. Hồ Chí Minh, theo xếp hạng của WB (2012), là một trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Nguyên nhân gây ô nhiễm là do nguồn khí thải công nghiệp và giao thông vận tải, trong đó ô nhiễm do ô tô và xe máy chiếm chủ yếu. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người dân tại đây. Vì vậy, chính phủ cần có các giải pháp cứng rắn hơn để giảm thiểu và ngăn chặn hiện tượng ô nhiễm môi trường, nhất là hạn chế xe máy, trong đó cần dứt khoát loại bỏ những phương tiện giao thông quá cũ hoặc hết hạn sử dụng và bắt buộc các phương tiện phải kiểm tra kỹ thuật 2 năm hoặc 5 năm một lần. Hoặc đánh thuế cao với những xe đã sử dụng nhiều năm, tức là đánh thuế lũy tiến theo số năm sử dụng bởi vì xe càng sử dụng lâu năm càng gây ô nhiễm và gây ra chi phí lớn cho xã hội.

Chính phủ có thể dùng các giải pháp sau để giảm ngoại tác tiêu cực: đánh thuế hiệu chỉnh, quy định mức xả thải hiệu quả, xác định chuẩn thải, phí xả thải, phát hành giấy phép xả thải có thể chuyển nhượng.

Hàng hóa công

Hàng hóa công là một sản phẩm không có tính cạnh tranh và không thể loại trừ: chi phí biên của hàng hóa cho thêm một người tiêu dùng là bằng không và không thể loại trừ họ sử dụng hàng hóa đó (5, trang 704).

Hàng hóa công là hàng hóa dùng chung cho mọi người và quan trọng là người dùng không phải trả tiền trực tiếp. Đây là những hàng hóa cần thiết cho xã hội nhưng tư nhân không muốn sản xuất và như vậy nhà nước phải đứng ra thay mặt xã hội tổ chức sản xuất hàng hóa này.

Hàng hóa công có hai tính chất: (i) chúng là các hàng hóa không mang tính tranh giành; và (ii) không thể loại trừ. Một hàng hóa không mang tính cạnh tranh nếu với một mức sản lượng đã cho, chi phí biên của việc cung cấp hàng hóa đó cho thêm một người tiêu dùng bằng không. Với hầu hết các hàng hóa được tư nhân cung cấp, chi phí biên của việc sản xuất thêm hàng hóa đó là dương. Nhưng với một số hàng hóa, những người tiêu dùng tăng thêm không làm tăng chi phí sản xuất. Hãy xem xét việc hưởng thụ pháo hoa trong những ngày lễ lớn, hay việc sử dụng những con đường cao tốc trong giờ không cao điểm. Vì đường cao tốc đã được xây dựng từ trước và không có kẹt xe, nên chi phí tăng thêm của việc lái xe trên đó bằng không. Ngọn hải đăng hay chương trình truyền hình công cộng cũng là những ví dụ khi chi phí phục vụ thêm một khách hàng bằng không. Ví dụ thêm nữa về hàng hóa công là an ninh quốc phòng, pháo hoa, ngọn hải đăng, đèn chiếu sáng, công viên,cây xanh, không khí trong lành, luật bảo vệ người tiêu dùng, các chương trình y tế cộng đồng, các dịch vụ công…Trong số này, nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho người dân và bầu không khí trong lành là hết sức quan trọng quyết định chất lượng cuộc sống của người dân.

Hầu hết các hàng hóa đều có tính cạnh tranh trong tiêu dùng. Ví dụ, bạn mua một chiếc xe máy hay một chiếc ô tô, bạn đã loại bỏ khả năng một cá nhân khác có thể mua nó. Những hàng hóa mang tính cạnh tranh phải được phân bổ giữa các cá nhân theo khả năng chi trả. Các hàng hóa không mang tính cạnh tranh có thể được cung cấp cho mọi người mà không ảnh hưởng đến cơ hội tiêu dùng chúng của bất kỳ ai.

Một hàng hóa không mang tính loại trừ nếu không thể loại trừ mọi người khỏi việc sử dụng nó. Do vậy, rất khó hoặc không thể thu tiền mọi người cho việc sử dụng hàng hóa không mang tính loại trừ, có thể hưởng thụ hàng hóa đó mà không phải trả tiền trực tiếp. Một ví dụ điển hình về hàng hóa không mang tính loại trừ là an ninh quốc phòng. Một quốc gia, ví dụ Việt Nam đã có một nền an ninh quốc phòng tốt thì mọi người sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được hưởng lợi ích về nó, kể cả người nước ngoài sinh sống và làm việc tại đất nước hình chữ S và khách du lịch quốc tế. Y tế cộng đồng hay đèn chiếu sáng trên phố là các ví dụ về hàng hóa không mang tính loại trừ.

Các hàng hóa không mang tính loại trừ không nhất thiết phải có tầm cỡ quốc gia. Nếu một tỉnh hay thành phố phát động phong trào chiến dịch diệt chuột thì tất cả người dân ở khu vực đó đều được lợi. Không thể loại trừ một người dân nào khỏi lợi ích của chương trình này. Tủ lạnh mang tính loại trừ và cả cạnh tranh nữa. Nếu một nhà kinh doanh tủ lạnh bán chiếc tủ lạnh mới cho một người tiêu dùng thì người bán này đã loại trừ những cá nhân khác trong việc mua chiếc tủ lạnh đó.

Một số hàng hóa mang tính loại trừ nhưng không mang tính cạnh tranh. Ví dụ, trong giờ không cao điểm thì việc đi trên một chiếc cầu không mang tính cạnh tranh vì nó không làm giảm tốc độ của các chiếc xe khác. Nhưng việc đi trên cầu mang tính loại trừ vì cơ quan quản lý cầu có thể ngăn cản không cho tất cả mọi người sử dụng nó. Truyền hình cáp cũng như vậy. Một khi tín hiệu đã được phát đi thì chi phí biên của việc mang tín hiệu đó đến với một người sử dụng tăng thêm bằng không. Nhưng có thể biến những tín hiệu phát đi có tính loại trừ bằng việc mã hóa tín hiệu và thu tiền giải mã để cho phép sử dụng các kênh của truyền hình cáp.

Một số hàng hóa không mang tính loại trừ nhưng mang tính cạnh tranh. Biển và sông hồ rộng không mang tính loại trừ, nhưng việc đánh bắt cá mang tính cạnh tranh vì nó gây ra chi phí cho những người khác, càng nhiều người đánh bắt thì càng còn lại ít cá cho những người khác. Công viên cũng mang tính cạnh tranh nhưng không có tính loại trừ.

Hàng hóa công cộng vừa không mang tính loại trừ vừa không mang tính cạnh tranh đem lại lợi ích cho mọi người với chi phí biên bằng không, và không ai có thể loại trừ khỏi việc sử dụng chúng. Một ví dụ kinh điển về hàng hóa công là quốc phòng. Quốc phòng không mang tính loại trừ, và như mọi người đều thấy, nó cũng không mang tính cạnh tranh vì chi phí biên của việc đảm bảo an ninh cho thêm một người dân bằng không. Pháo hoa đã đề cập ở trên cũng là một hàng hóa công cộng vì nó không mang tính loại trừ và không có tính cạnh tranh, nghĩa là rất khó thu tiền từ những người đi xem bắn pháo hoa về lợi ích mà họ được hưởng từ dịch vụ bắn pháo bông trong các ngày lễ lớn.

Danh mục các hàng hóa công cộng ít hơn nhiều so với số lượng các hàng hóa mà chính phủ cung cấp. Nhiều hàng hóa do chính phủ cung cấp có thể mang tính cạnh tranh, hoặc tính loại trừ trong tiêu dùng, hoặc cả hai… Ví dụ, giáo dục phổ thông mang tính cạnh tranh trong tiêu dùng. Chí phí biên của việc cung cấp giáo dục cho thêm một trẻ em là dương vì những trẻ em khác sẽ ít được quan tâm hơn khi quy mô lớp tăng. Tương tự, việc thu học phí sẽ loại bỏ một số trẻ em khỏi việc đi học. Giáo dục công được các chính quyền địa phương cung cấp vì nó tạo ra ngoại tác tích cực, chứ không phải vì nó là hàng hóa công cộng.

Cuối cùng, chúng ta hãy xem xét việc quản lý một vườn quốc gia. Một phần người dân  có thể bị loại trừ khỏi việc sử dụng vườn bằng việc quy định lệ phí vào cửa và phí cắm trại. Việc sử dụng vườn cũng mang tính cạnh tranh, khi việc sử dụng đã đông đúc thì có thêm một chiếc xe đi vào thăm quan vườn có thể làm giảm lợi ích của những người khác đang được nhận từ vườn.

Nhiệm vụ của nhà nước là cung cấp đầy đủ và chất lượng những hàng hóa mà thị trường không muốn và không thể cung cấp. Để người dân cảm thấy an toàn khi ra đường, có chỗ dạo chơi trong những ngày nghỉ, trẻ em có sân chơi để giải trí sau những buổi học mệt nhọc trên lớp, để có những nụ cười trên môi và niềm tự hào là công dân đất Việt.

Hành vi bất hợp lý

Trong kinh tế học truyền thống, một trong những giả thiết nhằm mục đích mô tả sự trao đổi hàng hóa trên thị trường là  nguyên lý tính duy lý của các cá thể. Tính duy lý của con người có thể hiểu là các cá thể hành động bằng cách sử dụng một cách tốt nhất những nguồn lực có được và có tính đến những ràng buộc mà họ phải gánh chịu (1, trang 14). Điều này có thể hiểu con người có tính ích kỷ và họ chỉ tính đến lợi ích của riêng bản thân và các cá nhân có những lựa chọn thỏa mãn tối đa hay mang lại lợi ích lớn nhất.

Tuy nhiên, trong nền kinh tế hiện đại và kinh tế học mới, con người không hiếm có những hành động bất hợp lý gây ra hậu quả không tốt cho bản thân và xã hội. Ví dụ như hút thuốc, uống rượu quá mức, xả rác, tè bậy, khạc nhổ bừa bãi, văng tục và chửi thề nơi công cộng, bạo lực gia đình, hiếp dâm, giết người, trộm cắp, nhất là tham nhũng trong khu vực công…

Chính phủ cần có những hành lang pháp lý cụ thể và thiết thực hơn để ngăn cản những hành vi bất hợp lý của các cá nhân gây thiệt hại cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Nhất là hành vi tham nhũng trong các cơ quan công quyền.

Kết luận

Việc hài hòa và cân bằng chức năng của thị trường và quyền lực của nhà nước hay giữa lợi ích của giới kinh doanh và của xã hội là một vấn đề khó giải quyết trong một sớm một chiều trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng thể chế.

Chức năng kinh tế của Nhà nước rơi vào thể lưỡng cực, vừa bị căng ra diện rộng, khi can thiệp quá sâu và ôm đồm các chức năng của thị trường và doanh nghiệp, trong khi lại không có điều kiện tập trung để thực hiện tốt chức năng quản lý vĩ mô nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

1. Pierre Cahuc (2015). Kinh tế học vi mô mới, NXB Tri thức, Hà Nội.

2. Tim Harford Mankiw G. (2003), Thám tử kinh tế, NXB Lao động – Xã hội, Hà Nội.

3. Mankiw N Grigory. (2015), Kinh tế học vi mô, NXB Cengage, Singapore..

4. Lê Thị Mai (2008), Xã hội học kinh tế, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Pindyck R, Rubinfeld D (2015), Kinh tế học vi mô, NXB Ðại học Kinh tế TP.HCM, TP.HCM.

6. Samuelson P. (2002), Kinh tế học, tập 1, NXB Thống kê, Hà Nội.

7. A.Sen (1998). Phát triển là quyền tự do, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.

8. Michael Spence (2012), Sự hội tụ kế tiếp, NXB Trẻ, TP.HCM.

9. Steinemann, Apgar, Brown (2006), Kinh tế học vi mô dành cho quyết định công,  NXB Thomson, South-Western,  Bản dịch của chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.

10. http://www.thesaigontimes.vn/140524/Nam-2015-tien-luong-khu-vuc-DN-nha-nuoc-van-cao-nhat.html

(Tạp chí Ngân hàng số 21, tháng 10/2016)

Source: https://evbn.org
Category: Góc Nhìn