Tinh thần “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” trong tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam – Tin tức, đọc báo, sự kiện

19/03/2018 |2309

TCCSĐT – Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là tác phẩm lý luận mang tính vạch thời đại và cương lĩnh chính trị đầu tiên của giai cấp vô sản toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển những luận điểm cơ bản trong Tuyên ngôn thành những nội dung chính yếu trong tư tưởng của mình và cương lĩnh cách mạng của Đảng do Người sáng lập, rèn luyện. Bằng sự trung thành một cách sáng tạo, những người cộng sản Việt Nam đã khẳng định giá trị, sức sống bất diệt của Tuyên ngôn trong thời đại và không gian mới.

Với mục đích “để cho cả những hội công liên ở Anh, những môn đồ của Pru-đông ở Pháp, Bỉ, I-ta-li-a và Tây Ban Nha cũng như phái Lát-xan ở Đức đều có thể chấp nhận được”(1), mọi luận điểm trong Tuyên ngôn có tính khái quát rất cao. Do đó, từ những nguyên lý tổng quát trong Tuyên ngôn đến việc đề ra đường lối cách mạng của một chính đảng cụ thể trong một thời điểm cụ thể còn là quãng đường xa; nó đòi hỏi ở những người cộng sản các nước phẩm chất trung thành và năng lực sáng tạo. Sau nhiều trăn trở trong quá trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định đi theo con đường cách mạng vô sản mà Tuyên ngôn đã vạch ra. Coi “chủ nghĩa Mác – Lê-nin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh”(2), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển những luận điểm cơ bản trong Tuyên ngôn thành những nội dung chính yếu trong tư tưởng của mình và cương lĩnh cách mạng của Đảng do Người sáng lập, rèn luyện. Học tập Hồ Chí Minh, trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp tục kế thừa, phát triển tư tưởng chủ đạo của Tuyên ngôn và giành được thắng lợi to lớn trên thực tế. Với tầm nhìn của một thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu giá trị của Tuyên ngôn nói riêng và chủ nghĩa Mác nói chung nên Người luôn coi Tuyên ngôn là “sách gối đầu giường”. Người còn tuyên bố: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác”(3). Niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Tuyên ngôn là một niềm tin khoa học, giàu tính phản biện và sáng tạo. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, phát triển sáng tạo Tuyên ngôn trên một số nội dung chính sau:

Thứ nhất, từ luận điểm về tính tất yếu của chủ nghĩa cộng sản trong Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm ra con đường giải phóng dân tộc và phương hướng phát triển cho dân tộc Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa của sự nghiệp đổi mới. 

Trong Tuyên ngôn, C.Mác – Ph.Ăng-ghen đã chứng minh rằng: Sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa cộng sản là kết quả tất yếu do tác động của quy luật về tính tương thích giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; cách mạng vô sản thực chất có nội dung kinh tế. Tuy nhiên, các ông cũng lưu ý, đó là xu hướng tất yếu trong tương lai còn hiện tại, chủ nghĩa tư bản vẫn có điều kiện để kéo dài sự tồn tại của mình.

Tiếp nhận từ Tuyên ngôn luận điểm về tính tất yếu của chủ nghĩa cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chân lý: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(4). 

Cũng từ lập trường yêu nước và nhu cầu giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội một cách toàn diện hơn so với sự kiến giải của C.Mác và Ph.Ăng-ghen. Theo Người, tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội không chỉ bắt nguồn từ góc độ kinh tế, tức là từ sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất mà còn từ nhu cầu phát triển không ngừng về văn hóa và đạo đức, từ yêu cầu phải xóa bỏ vết nhơ của văn minh nhân loại là chủ nghĩa thực dân. Người viết: “Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”(5). Nhờ việc xem xét tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội một cách rất toàn diện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luận giải một cách thuyết phục sự ra đời của chủ nghĩa xã hội ở một nước có nền kinh tế tiền tư bản chủ nghĩa như Việt Nam. Người còn đưa ra một chân lý hết sức mới mẻ: “Chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn là ở châu Âu”(6). Với tư duy sáng tạo, từ quan điểm của C.Mác và Ph. Ăng-ghen về tính tất yếu của cách mạng vô sản và xã hội cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước và phương hướng dựng nướcđúng đắn cho dân tộc Việt Nam. 

Đúng như dự báo của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về khả năng điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản, trong nửa cuối thế kỷ XX, giai cấp tư sản đã ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học – công nghệ vào sản xuất và điều chỉnh linh hoạt các hình thức sở hữu để thúc đẩy tính tích cực của người lao động. Trong khi đó, do tác động của nhiều nguyên nhân, chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu lại sụp đổ. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, mặc cho kẻ thù của chủ nghĩa Mác cho rằng Tuyên ngôn đã trở thành “áng văn lỗi thời”, thành “niềm hoang tưởng” vì “chủ nghĩa xã hội là một sai lầm”, chủ nghĩa tư bản là “sự tận cùng của lịch sử”…, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn khẳng định: “Chủ nghĩa tư bản hiện đại đang nắm ưu thế về vốn, khoa học và công nghệ, thị trường, song không thể khắc phục nổi những mâu thuẫn vốn có… Chủ nghĩa xã hội trên thế giới, từ những bài học thành công và thất bại cũng như từ khát vọng và sự thức tỉnh của các dân tộc, có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”(7). 

Sự kiên định trong nhận thức dẫn đến sự kiên định trong hành động. Cho dù nhiều kẻ cơ hội đã “bẻ ghi” thì Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ vững mục tiêu xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới. Đại hội VII (1991) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi “kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn”(8). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) do Đại hội Đảng XI thông qua nhấn mạnh: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(9). 

Như vậy, dù phong trào cộng sản thế giới đang lâm vào thoái trào, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chói ngời một niềm tin vào tương lai của chủ nghĩa cộng sản như Tuyên ngôn đã khẳng định và kiên trì từng bước hiện thực hóa mục tiêu đó. Mặt khác, thông qua sự nghiệp Đổi mới ở Việt Nam, luận điểm về tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội của Tuyên ngôn đã được khẳng định và phát triển cả bằng lý luận lẫn thực tiễn. 

Thứ hai, từ phát kiến của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh đạo toàn xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điều mấu chốt nhất của Tuyên ngôn với tư cách là cương lĩnh chính trị của giai cấp vô sản nằm ở chỗ: Nó không chỉ khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân bởi “giai cấp tư sản sản sinh ra những người đào huyệt chôn chính nó”(10) mà còn chỉ ra con đường và điều kiện để giai cấp vô sản hoàn thành sứ mệnh của mình. Con đường đó là con đường cách mạng vô sản; điều kiện tiên quyết là giai cấp vô sản phải thành lập chính đảng của mình. 

Từ quan điểm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sứ mệnh lãnh đạo xã hội của giai cấp công nhân Việt Nam: “Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam”(11). Bằng cách đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra cho nhân dân Việt Nam lực lượng dẫn đường tiên tiến và giải quyết thành công cuộc khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo trong phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam. 

Đến cuối thế kỷ XX, khi Đảng Cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu mất quyền lãnh đạo xã hội, những kẻ chống phá chủ nghĩa Mác – Lê-nin ra sức bôi nhọ những người cộng sản. Dù bị tấn công, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn quyết tâm giữ vững vai trò lãnh đạo xã hội của mình. Văn kiện Đại hội Đảng VII ghi rõ: “Đảng phải kiên trì và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững vai trò lãnh đạo xã hội”(12). Không dừng lại ở chủ trương, đường lối, quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng còn được hiến định tại điều 4 của Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp (sửa đổi năm 2013) cũng như được giữ vững trên thực tế.

Thứ ba, từ quan điểm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về đấu tranh giai cấp, nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam là chống đế quốc, giải phóng dân tộc thì Đảng Cộng sản Việt Nam đã có luận giải mới về cuộc đấu tranh giai cấp ở nước ta hiện nay. 

Tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lê-nin nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng ở một nước thuộc địa nửa phong kiến như Việt Nam, xung đột giữa các giai cấp được giảm thiểu nhưng mâu thuẫn dân tộc lại rất cao. Vì thế, đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích giai cấp, coi giải phóng dân tộc là tiền đề cho giải phóng giai cấp là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặt khác, dù đưa vấn đề dân tộc lên trên hết và trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đứng trên lập trường của giai cấp công nhân để giải quyết vấn đề dân tộc. Nhờ đó, Người đã đề ra một cương lĩnh cách mạng nhuần nhuyễn về quan điểm giai cấp, thấm đượm tinh thần dân tộc và huy động được cả sức mạnh đoàn kết dân tộc lẫn khát vọng đổi đời của những con người cùng khổ vào sự nghiệp chung do Đảng lãnh đạo. 

Đến thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã có sự đổi mới tư duy, trong đó, có tư duy về cuộc đấu tranh giai cấp ở Việt Nam. Đại hội IX của Đảng thừa nhận ở nước ta trong suốt thời kỳ quá độ còn tồn tại một cách khách quan các giai cấp và cuộc đấu tranh giai cấp. Cùng với những biến đổi to lớn về kinh tế – xã hội, cơ cấu giai cấp, nội dung, tính chất, vị trí của các giai cấp trong xã hội nước ta cũng thay đổi nhiều. Do đó, mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội là quan hệ hợp tác và đấu tranh trong nội bộ nhân dân; nội dung cuộc đấu tranh giai cấp ở nước ta hiện nay là thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa,… thực hiện công bằng xã hội, chống áp bức, bất công; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, chứ không phải đấu tranh để thủ tiêu, loại bỏ giai cấp nào đó như trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Trong các Đại hội kế tiếp, vấn đề đồng thuận xã hội luôn được Đảng ta nhấn mạnh bởi đó chính là động lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước. 

Thứ tư, kế thừa quan điểm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về vai trò quyết định của kinh tế tới hình thái và ý thức xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định tầm quan trọng của phát triển kinh tế đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã khẳng định vai trò quyết định của sản xuất vật chất đối với tồn tại xã hội và ý thức xã hội. Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Đức xuất bản năm 1883, Ph.Ăng-ghen viết: “Tư tưởng cơ bản và chủ đạo của Tuyên ngôn là: trong mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội – cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra, – cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy”(13).

Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về kinh tế với mong muốn cuối cùng là nhân dân sẽ được no ấm, đất nước sẽ được mạnh giàu. Ngay khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, phát triển nền kinh tế trở thành mối quan tâm thường trực của Người: Chúng ta kháng chiến về mọi mặt, kinh tế là một mặt trận rất quan trọng; lợi ích kinh tế của dân là động lực của chủ nghĩa xã hội. 

Đến thời kỳ đổi mới, dù khẳng định sự nghiệp Đổi mới ở Việt Nam mang tính toàn diện, Đảng ta vẫn coi đổi mới kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. Đảng cũng kiên quyết xóa bỏ nền kinh tế quan liêu bao cấp để xây dựng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” có sự quản lý của Nhà nước. Trong quá trình đổi mới, nhận thức của Đảng về kinh tế thị trường đã có sự thay đổi căn bản và sâu sắc khi cho rằng kinh tế thị trường không phải là sản phẩm của riêng chủ nghĩa tư bản mà là thành tựu chung của cả nhân loại. Xóa bỏ được định kiến về kinh tế thị trường vốn kéo dài trong nhiều thập kỷ trước đó là một bước tiến lớn trong nhận thức của Đảng ta. 

Thứ năm, từ quan điểm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về vấn đề sở hữu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương duy trì ở Việt Nam mô hình kinh tế nhiều thành phần, đa sở hữu trong suốt thời kỳ quá độ. 

Trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chứng minh: Chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa là cội nguồn của áp bức, bóc lột, là nhân tố kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Do đó, thủ tiêu chế độ ấy là yêu cầu khách quan. Tuy nhiên, các ông đã nói rõ: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản”(14) với tư cách là công cụ để áp bức, bóc lột, là điều kiện làm tha hóa lao động. 

Từ quan điểm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Con người có quyền sở hữu tài sản và trong thời kỳ quá độ thì phải xây dựng một nền kinh tế nhiều thành phần và tương ứng với nó là sự đa dạng về chế độ sở hữu. Tư tưởng đó của Người được hiến định trong các bản Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 do Người đứng đầu Ban soạn thảo, đã nêu rõ: Cho dù duy trì hình thức đa sở hữu nhưng do thành phần kinh tế quốc doanh vẫn là chủ đạo thì kinh tế nước ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra chủ trương xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kế thừa quan điểm của C.Mác, Ph.Ăng-ghen và Hồ Chí Minh, trong hơn 30 năm Đổi mới, Đảng ta luôn nhất quán trong chủ trương duy trì nền kinh tế nhiều thành phần và tương ứng với nó là chế độ đa sở hữu về tư liệu sản xuất. Văn kiện Đại hội Đảng IX đã thể hiện chủ trương mở rộng các hình thức sở hữu khi yêu cầu: “Từ các hình thức sở hữu cơ bản: sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân hình thành nhiều thành phần kinh tế với những hình thức tổ chức kinh doanh đa dạng, đan xen, hỗn hợp”(15). Đại hội XII của Đảng tuyên bố “khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh với sở hữu hỗn hợp, nhất là các doanh nghiệp cổ phần”(16). Bằng việc mở rộng các hình thức sở hữu trong thời kỳ quá độ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát triển quan điểm của Tuyên ngôn về vấn đề sở hữu. 

Thứ sáu, từ chiến lược đoàn kết giai cấp của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng nên chiến lược đoàn kết rộng rãi của cách mạng Việt Nam ở mọi chặng đường lịch sử. 

Coi việc tập hợp lực lượng, thống nhất ý chí và hành động giữa những người vô sản trên toàn thế giới là điều kiện quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, C.Mác và Ph.Ăng-ghen kết thúc bản Tuyên ngôn bằng lời kêu gọi “Vô sản thế giới liên hiệp lại”. 

Từ chủ trương đoàn kết giai cấp của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nên chiến lược đoàn kết của cách mạng Việt Nam và được thực thi trong mọi quy mô: toàn Đảng, toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Trong từng quy mô, Người lại mở rộng tối đa lực lượng. Trong phạm vi dân tộc, coi công nông là gốc của cuộc cách mạng nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân bởi ở Việt Nam, nghĩa “đồng bào” hết sức thiêng liêng, bởi yêu nước không phải là “đặc quyền” của riêng một giai cấp nào. Trên phạm vi quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng ở việc đoàn kết với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức mà còn đoàn kết với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Bằng cách đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm được một điều chưa từng có trong lịch sử nhân loại là biến nhân dân các nước đối phương thành đồng minh của mình trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. 

Về vấn đề quan hệ quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Việt Nam sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(17). Với tinh thần khoan dung văn hóa, Người còn cho rằng: các nước dù có chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình. 

Kế thừa quan điểm “thêm bạn, bớt thù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời kỳ đổi mới đánh dấu bước ngoặt lớn trong đường lối ngoại giao của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư duy ngoại giao mới của Đảng lần đầu được thể hiện trong Nghị quyết số 13-NQ/TW (tháng 5-1988) bằng chủ trương chuyển đấu tranh từ trạng thái đối đầu sang đấu tranh và hợp tác trong tâm thế cùng tồn tại hòa bình, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Đại hội Đảng VII khẳng định “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đại hội IX của Đảng tuyên bố “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phẩm chất hàng đầu của người cộng sản là “giữ chủ nghĩa cho vững”, tức là phải trung thành với lý tưởng. Tuy nhiên, càng trung thành thì càng phải sáng tạo, thực sự trung thành thì phải thực sự sáng tạo vì không có cách gì loại bỏ nhanh chóng một hệ tư tưởng ra khỏi đời sống xã hội bằng việc “đóng” nó vào cái “khung” cũ kỹ, chật hẹp. Chính nhờ sự trung thành một cách sáng tạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang từng bước hiện thực hóa những nguyên lý cách mạng mà Tuyên ngôn đã đề ra./.

————————————————-

(1) C. Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Hà Nội,1995, t. 21, tr. 518 
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 120
(3) Hồ Chí Minh; Toàn tập, Sđd, t. 4, tr.315 
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr.30
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 40 
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 47 
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. CTQG, H, 2001, tr. 13-14 
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. CTQG, H, 1991, tr. 108
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.70.
(10) C. Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 613 
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 407
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Sđd, tr. 53 
(13) C. Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 21, tr. 11
(14) C. Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 615
(15)Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Sđd, tr. 96 
(16)Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 107
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập: Sđd, t. 5, tr. 256 

Trần Thị Minh TuyếtPGS, TS. Học viện Báo chí và Tuyên truyền