Xuân Diệu, những chuyện mới kể

(Toquoc)- Sáng 21/12 tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã diễn ra buổi toạ đàm “Xuân Diệu – Người tình si”, nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất nhà thơ (1916-1985) do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức. Buổi toạ đàm đã thu hút được khá đông đảo những bạn văn từng sống gắn bó với Xuân Diệu và những ai quan tâm đến thơ Xuân Diệu.

Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ nhận định, với Xuân Diệu thì mảng thơ tình là phong phú và đặc sắc nhất. Nhà thơ đã thể hiện được cái tôi ở tình yêu trong suốt nửa thế kỷ cầm bút của mình.

Nhà thơ Hoàng Cát là người may mắn sống với Xuân Diệu một phần tư thế kỷ, trong niềm xúc động ông đã kể lại một mà theo ông và Xuân Diệu thì đó là “kỷ niệm đau đớn của tâm hồn”. Nhà thơ Xuân Diệu từng được một nhà máy dệt mời đi nói chuyện thơ và được hứa trả thù lao 5 đồng cùng với công đoàn nhà máy biếu tặng ít vải trắng. Thế nhưng buổi nói chuyện thơ kết thúc mà không thấy vải đâu. Điều này làm cho Xuân Diệu rất dằn vặt, ông cứ chờ và khi không chờ được nữa ông quyết định viết một lá thư gửi cho nhà máy. Lá thư ấy chỉ dám ghi là anh hay em Xuân Diệu. Viết xong, ông bỏ vào thùng thư. Nhưng về đến nhà ông bị ám ảnh mãi chuyện đó và không thể làm được gì. Xuân Diệu nói với Hoàng Cát rằng mình sẽ không gửi lá thư đó nữa, “người ta lừa anh thì anh chịu thôi”. Cuối cùng ông lại quay lại chỗ hòm thư mình vừa gửi để đợi người của bưu điện đến mở ra và xin lại lá thư đó. Thế nhưng lá thư của Xuân Diệu đã không còn nữa, trước đó ít phút đã được chuyển đi rồi. Kỷ niệm này luôn khiến cả Xuân Diệu và Hoàng Cát dằn vặt. Xuân Diệu là thế, giản dị và chân thật đến tận cùng. Là người sống cô độc nhưng lại đa cảm nên phải có nghị lực lớn mới vượt qua được.

Khắc hoạ thêm con người và tính cách Xuân Diệu, nhà thơ Chử Văn Long còn cho rằng cái thật của Xuân Diệu nhiều khi còn đến mức vụng về, nhiều khi nghĩ lại thấy thương. Xuân Diệu có tính hay khoe, một cái khoe hồn nhiên đến đáng yêu. Viết được bài thơ mới – khoe, đi uống nước mía không phải trả tiền – khoe… đọc xong một bài thơ mới làm thường tự khen: “Hay đấy chứ!”… Thế nhưng người nghe không chướng. Ai tốt với mình đều nhớ và có gì tặng lại, ai tệ bạc với mình thì quên, không trả thù. Không ai ngờ một tên tuổi hào hoa như Xuân Diệu luôn được thiên hạ đồn thổi là người giàu có vì ông viết nhiều, hầu như tất cả các thể loại từ sáng tác, nghiên cứu đến lý luận, bình thơ… ông lại hay được mời đi nói chuyện thơ mà có lúc phải ngồi vá áo may ô. Nhiều người chỉ biết đến Xuân Diệu là một nhà thơ tình với những đắm đuối thi ca, luôn được chào đón, hướng tới đại chúng mà không biết ông là người cô đơn tới mức nào, thiếu những niềm vui đời thường của một mái ấm gia đình có bàn tay phụ nữ.

Không khí buổi toạ đàm đang chìm trong cảm xúc với những kỷ niệm được tái hiện thì nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm góp thêm khi nhớ lại thời khắc và cảm xúc cách đây 25 năm tại 51 Trần Hưng Đạo chính tay mình đã khênh một góc quan tài của Xuân Diệu. Nhưng ngay sau đó nhà thơ “Xúc xắc mùa thu” đã đặt ra một loạt câu hỏi khiến cho buổi toạ đàm sôi nổi. Đó là: Nhà thơ Xuân Diệu ngay từ khi mới xuất hiện với những cách tân và đóng góp cho thơ mới đã được coi là người mới nhất trong các nhà thơ mới. Thế nhưng hôm nay dường như chính ông lại bị thời gian kiểm chứng nhiều nhất. Liệu các bạn trẻ hôm nay có còn say mê chép vào sổ tay, những người yêu nhau có còn tặng nhau những câu thơ như: Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi nữa không? Theo Hoàng Nhuận Cầm thì bây giờ giới trẻ chép vào sổ tay những câu thơ của Bằng Việt, Nguyễn Duy, Ngô Văn Phú chứ không phải Xuân Diệu. Và phải chăng người “mới nhất” như Xuân Diệu cũng có thể bị thời gian kiểm chứng – trở thành người “cũ nhất” như quy luật oái oăm của thơ ca như câu thơ chính ông viết ra: Từ tôi phút trước sang tôi phút này.

Hoàng Nhuận Cầm còn phát hiện ra rằng, Xuân Diệu có những câu thơ hay nhất về trăng mà đến giờ vẫn là sự tranh giành ngôi thứ với Hàn Mặc Tử. Với thơ tình, Xuân Diệu không hẳn là “Người tình si” như chủ đề buổi toạ đàm mà phải là Người tình thơ. Và cuộc chuyển đổi giới tính mới làm cho thơ ông đằm và hay nhất như bài Lời kỹ nữ.

Xuân Diệu được ghi nhận là nhà thơ lớn với những đóng góp cho thi ca. Đương thời những câu thơ tài hoa luôn được công chúng đón nhận. Bên cạnh đó người ta cũng rạch ròi xem ông có những câu thơ nào… dở nhất! Nhà thơ Vũ Nho nêu ý kiến ngược lại, phải đặt những câu thơ đó trong một tương quan, hoàn cảnh cụ thể để cảm nhận thì đó vẫn là câu thơ hay của Xuân Diệu như:

“Mỗi buổi sáng thần vui hằng gõ cửa

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Và:

“Hôm nay trời nhẹ lên cao

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn

Và:

“Một tuần công việc tạm xong

Cầm tay chủ nhật hoà trong phố người”

Bài thơ tình hay nhất theo đánh giá của Vũ Nho là là bài Tình qua:

Tôi dạo thanh bình giữa phố đông/ Tự cười sao chở núi và thông/ Đến đây ngáng trở người qua lại/ Bỗng lướt ngang tôi một thoáng hồng/ Tâm trí còn kinh trận gió người!/ Bốn bề không khí bỗng reo tươi./ Một luồng ánh sáng xô qua mặt/ Thắm cả đường đi, rực cả đời/ Tôi trải thương yêu đưới gót giày/ Ôm chừng bóng lạ giữa mê say./ Lòng buồn lững thững vương sau áo/ Bước đẹp mà sao khéo tỏa dây./ Thiên hạ về đâu? Sao vội đi?/ Bao giờ gặp nữa? Có tình chi?/ Lòng tôi theo bước người qua ấy/ Cho đến hôm nay vẫn chẳng về.

Nhắc đến Xuân Diệu với tư cách nhà thơ nhưng cũng phải nhắc đến Xuân Diệu trong tư cách nhà hoạt động văn hoá trong thời gian 1954-1956 là ý kiến của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân. Đây là thời kỳ mà Xuân Diệu ít có đóng góp cho văn học, mà chủ yếu trên lĩnh vực văn hoá.

Còn nhà thơ Vương Trọng cũng đặt câu hỏi hình như chưa ai bàn đến “Cảm hứng ẩm thực trong thơ Xuân Diệu”. Cảm hứng ẩm thực “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”… luôn thường trực và song song với cảm hứng tình yêu. Trả lời câu hỏi của nhà thơ Vương Trọng, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khá dí dỏm “Có lẽ đó là hậu quả của thời bao cấp. Thời ấy chúng tôi cũng đói lắm!”.

Buổi Toạ đàm khá thành công, không chỉ đưa ra những nhận xét mang tính phát hiện mới mà còn khiến người theo dõi xúc động trước kỷ niệm khó quên của nhà thơ tình Xuân Diệu.

Hiền Nguyễn

Source: https://evbn.org
Category: Giới Tính