Tạp chí Giáo dục lý luận

ĐỖ THỊ HIỆN

Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh

Từ khóa: Quyền con người, Tuyên ngôn Đảng cộng sản, công
cuộc đổi mới, Việt Nam.

 

Đặt vấnđề

Quyền con người được coi là thành quả của cuộc đấu tranh
lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức, quyền
con người là giá trị chung của nhân loại. Quyền con người được đặt ra và bao
quát nhiều lĩnh vực từ chính trị, tư tưởng, văn hóa đến kinh tế, xã hội, an
ninh quốc phòng… Nghiên cứu quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về quyền con
người nói chung và các giá trị quyền con người được đề cập trong tác phẩm Tuyên
ngôn Đảng Cộng sản, một mặt, nó để lại cơ sở tư tưởng lý luận để các nhà nghiên
cứu macxít sau này tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích về nguồn gốc, bản
chất, nội dung của quyền con người trong lịch sử, cũng như quyền con người
trong thế giới hiện đại và cũng từ “nền” lý luận này các nhà nghiên cứu macxít
cần và phải phê phán những quan điểm phi khoa học, phi giai cấp về lĩnh vực
này; mặt khác, cũng từ mô hình lý luận macxít về quyền con người, chúng ta có
thể triển khai thành những mô hình khả thi hiện thực về quyền con người phù hợp
với thời đại, giai cấp và dân tộc mình.

1. Tuyên ngôn Đảng Cộng sản và những giá trị về
quyền con người trong Tuyên ngôn

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do Marx và Engels soạn thảo
được chính thức công bố ngày ngày 24 tháng 2 năm 1848. Đây là tác phẩm kinh
điển chủ yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học. Những nguyên lý Marx và Engels ghen
trình bày trong tác phẩm là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho toàn bộ phong
trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trải qua mọi thử thách, hơn một thế kỷ qua,
phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có nhiều vấn đề mới đặt ra đòi hỏi
giải quyết nhưng chủ nghĩa Mác không hề lỗi thời. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn
luôn là cương lĩnh chính trị, kim chỉ nam hành động của toàn bộ phong trào cộng
sản và công nhân quốc tế. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là ngọn cờ dẫn dắt giai
cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ
nghĩa tư bản, giải phóng loài người thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột giai cấp,
bảo đảm cho loài người được thực sự sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc.

Trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, vấn đề “quyền con người”
của Marx và Engels được trình bày trong hệ thống tư duy chính trị dưới dạng cụ
thể, sinh động, phản ánh được bản chất, nguồn gốc của vấn đề quyền con người
cũng như mối quan hệ của vấn đề này với các vấn đề chính trị khác. Điểm xuất
phát của Marx và Engels là con người, từ lòng nhân ái thương người, vì con
người – con người cụ thể, con người thực tiễn. Các ông đã tìm ra chìa khóa để
thực hiện việc giải phóng con người, chỉ ra con đường để con người đi đến sự
giải phóng đích thực của mình. Chủ nghĩa nhân đạo mácxít theo đó không phải là
chủ nghĩa nhân đạo dựa vào đạo đức và lòng thương người mà là chủ nghĩa nhân
đạo hiện thực. Quyền bình đẳng trước pháp luật là kết quả của cuộc đấu tranh
đầy máu và nước mắt của nhân loại, song đó chưa phải là tất cả, là cuối cùng về
quyền con nguời mà nhân loại phải đạt tới. Quyền con người đầy đủ theo Marx và
Engels phải là: “bình đẳng cả trong lĩnh vực kinh tế và xã hội” tức là phải xóa
bỏ áp bức giai cấp và có thể tóm tắt là “xóa bỏ chế độ tư hữu”.

Mặc dù không hề đưa ra một khái niệm trực tiếp về quyền
con người, nhưng Marx và Engels đã luận giải sâu sắc về nguồn gốc, bản chất và
đặc trưng của quyền con người. Các ông đã xuất phát từ những tiền đề hiện thực
và duy vật, nhờ đó, chúng ta có thể lấy làm căn cứ cho việc rút ra bản chất về
quyền con người.

Trong Tuyên ngôn, Marx và Engels đã phác họa nên một bức
tranh sinh động về quá trình hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản, bóc
trần những mâu thuẫn nội tại, vốn có của nó, chỉ rõ mức độ đối kháng giai cấp
ngày càng sâu sắc giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Cho đến nay, dẫu
lịch sử nhân loại đã trải qua cả một quãng thời gian dài với biết bao sự thay
đổi thăng trầm và dẫu hiện thời: “Chủ nghĩa tư bản hiện đại đang nắm ưu thế về
vốn, khoa học và công nghệ, thị trường”, song những mâu thuẫn vốn có ấy của nó,
như Marx và Engels đã vạch rõ trong Tuyên ngôn, không những không mất đi mà
thậm chí đến đầu thế kỷ XXI nó “vẫn tồn tại và phát triển, có mặt sâu sắc hơn”
đến mức độ “không thể khắc phục nổi”, “đặc biệt là mâu thuẫn giữa tính chất xã
hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư
bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất”[4, tr.65]. Không chỉ vạch rõ
những mâu thuẫn nội tại vốn có của chủ nghĩa tư bản, với cái nhìn khách quan và
tầm hiểu biết sâu sắc, Marx và Engels còn thẳng thắn thừa nhận rằng, sự ra đời
của chủ nghĩa tư bản và việc giai cấp tư sản thiết lập được địa vị thống trị
của mình đã dẫn đến một sự phát triển chung chưa từng thấy của các lực lượng
sản xuất, một sự tiến bộ về kinh tế, phát triển về khoa học, kỹ thuật và văn
hóa. Sự thật là giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy
một thế kỷ: “đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực
lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”[6, tr.603].
Đánh giá cao những thành tựu và cống hiến ấy của chủ nghĩa tư bản và giai cấp
tư sản, song với cái nhìn biện chứng khách quan và tầm nhận thức sâu sắc về
tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, Marx và Engels cũng đã khẳng định
rằng, giờ đây, giống như những gì đã xảy ra với các phương thức sản xuất trước
kia, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã không còn phù hợp với lực lượng sản
xuất hùng mạnh do nó tạo ra nữa, nó bắt đầu kìm hãm sự phát triển hơn nữa của
lực lượng sản xuất này. Giai cấp tư sản, từ một giai cấp tiến bộ, cách mạng khi
còn đang đấu tranh chống lại chế độ phong kiến, đã trở thành một giai cấp phản
động, một trở ngại trên con đường tiến bộ xã hội, trở thành lực cản cản trở
tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Marx và Engels cho thấy: “Những vũ
khí mà giai cấp tư sản đã dùng để đánh đổ chế độ phong kiến thì ngày nay quay
lại đập vào chính ngay giai cấp tư sản”[6, tr.605]. Việc thủ tiêu
chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất đã trở thành một tất
yếu khách quan dưới sự tác động của các quy luật của nền kinh tế tư bản chủ
nghĩa, nên theo các ông: “đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ
chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản” – “biểu hiện cuối
cùng và đầy đủ nhất của phương thức sản xuất và chiếm hữu sản phẩm dựa trên
những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc lột những người kia”[6,
tr.615].

Kết quả của phong trào vô sản không dừng lại ở sự ra đời
của chính Đảng mà còn biểu hiện ở chỗ giai cấp vô sản biết hành động theo sự
lãnh đạo của Đảng, đã thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng
dân tộc và giải phóng con người. Nhiệm vụ trước hết của Đảng là tổ chức những
người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp
vô sản giành lấy chính quyền; dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước
đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản để tập trung tất cả những
công nhân sản xuất vào trong tay nhà nước. Marx và Engels đã định nghĩa: Nhà
nước tức là giai cấp vô sản được tổ chức thành giai cấp thống trị. Với tư cách
là giai cấp thống trị, giai cấp vô sản dùng bạo lực tiêu diệt chế độ sản xuất
cũ; đồng thời tiêu diệt những điều kiện của sự đối kháng giai cấp. Nó tiêu diệt
các giai cấp nói chung và cũng tiêu diệt cả sự thống trị của chính ngay giai
cấp mình. Giai cấp vô sản không cố chấp về quyền lợi, về vai trò tồn tại của
mình. Đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản để đưa đến xóa bỏ giai cấp và xóa
bỏ mình. Đó là giai đoạn cao của chủ nghĩa cộng sản và sứ mệnh lịch sử của giai
cấp vô sản hình thành. Đảng không còn tồn tại cùng với sự mất đi của các giai
cấp là tất yếu khách quan.

Để đập tan luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa cộng sản của
giai cấp tư sản, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã khẳng định và bảo vệ một loạt
những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản khoa học. Lý luận của những người cộng
sản là sự phản ánh hiện thực khách quan của phong trào vô sản. Tuyên ngôn đã
khẳng định: Lý luận của những người cộng sản tuyệt nhiên không dựa trên những ý
niệm, những nguyên lý do một nhà cải cách thế giới nào phát minh hay phát hiện
ra. Những nguyên lý ấy chỉ là biểu hiện khái quát những điều kiện thực tại của
một cuộc đấu tranh giai cấp hiện có, của một phong trào lịch sử đang diễn ra.
Và nhằm mục đích giành thắng lợi bảo đảm các quyền cơ bản của con người.

Về vấn đề sở hữu, trong Tuyên ngôn, Marx và Engels chỉ rõ
lý luận của người cộng sản là xóa bỏ sở hữu tư bản, xóa bỏ chế độ tư hữu tư
bản. Về vấn đề tự do cá nhân, Marx và Engels khẳng định rằng, trong xã hội tư
bản chỉ có nhà tư sản có tính đối lập và cá tính, còn cá nhân người lao động
thì mất độc lập và cá tính. Do đó, phải xóa bỏ cá tính tư sản, tính độc lập tư
sản, và tự do tư sản, thứ tự do buôn bán và bóc lột sức lao động của người khác
để hình thành xã hội mới trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều
kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Về chế độ gia đình, Tuyên
ngôn xác định Người cộng sản chủ trương xóa bỏ gia đình tư sản, khi chế độ tư
bản bị xóa bỏ thì quan hệ gia đình tư sản cũng tiêu tan. Bởi vì quan hệ gia
đình tư sản dựa trên tư bản, lợi nhuận cá nhân nhà tư sản, người phụ nữ coi như
một công cụ sản xuất, dựa trên chế độ cộng thể, nạn mãi dâm chính thức và không
chính thức. Tư sản đã chà đạp mối liên hệ gắn bó người vô sản với gia đình. Về
vấn đề giáo dục thì Người cộng sản không bịa ra tác động của xã hội đối với
giáo dục vì nó là cái vốn sẵn có mà chỉ thay đổi tính chất của sự tác động ấy
và kéo giáo dục ra khỏi ảnh hưởng của giai cấp tư sản mà thôi. Về vấn đề dân
tộc, tổ quốc và quốc tế thì dưới chủ nghĩa tư bản, người cộng sản không có tổ
quốc, giai cấp tư sản nắm quyền đại diện cho tổ quốc, dân tộc, lợi ích của tổ
quốc và dân tộc mà cơ bản là lợi ích của giai cấp tư sản cho nên giai cấp vô
sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành một
giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo
cái nghĩa mà giai cấp tư sản hiểu…

Rõ ràng, với tác phẩm Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Marx và
Engels đã đưa ra hàng loạt các luận điểm nhằm khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ của
những người cộng sản đó là giải phóng con người khỏi sự áp bức, bóc lột bất
công, đảm bảo các quyền cơ bản của con người từ quyền được sống, được tự do,
được bình đẳng cả về kinh tế, văn hóa, chính trị.

2. Ý nghĩa của việc nghiên cứu vấn đề quyền con
người trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện
nay

Sự ra đời của Tuyên ngôn đến nay đã hơn 170 năm cùng với
bao thăng trầm của lịch sử nhưng nó vẫn còn nguyên giá trị với tư cách là cương
lĩnh chính trị của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đánh dấu bước
ngoặt vĩ đại trong quá trình phát triển của các tư tưởng xã hội chủ nghĩa từ
không tưởng trở thành khoa học và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân,
từ đây, chuyển từ tự phát tới tự giác, được hướng dẫn bởi lý luận khoa học và
cách mạng, có chính đảng và có cương lĩnh rõ ràng.

Tư tưởng thể hiện trong Tuyên ngôn xem con người là mục
tiêu cao nhất của sự nghiệp giải phóng, sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi
ích xã hội là nét đặc trưng của xã hội mới đã được các nước xã hội chủ nghĩa
nhận thức sâu sắc hơn và coi chiến lược con người là chiến lược hàng đầu, phát
huy vai trò của nhân tố con người như là động lực, hướng vào phục vụ con người
như là mục tiêu cao nhất.

Mặc dù sự thu hẹp và làm phẳng thế giới mà ta thấy ngày
nay có đôi chút khác biệt về mức độ với những gì Marx chứng kiến ở thời của
ông, nhưng nó cũng là một phần của xu hướng lịch sử tương tự mà Marx đã đề cập
trong các tác phẩm của ông về chủ nghĩa tư bản – đó chính là dòng chảy của công
nghệ và tư bản mà không sức mạnh nào ngăn cản được. Nó loại bỏ mọi rào cản,
biên giới, trở lực và bó buộc đối với thương mại toàn cầu. Như thế Marx là một
trong những người đầu tiên nhìn thấy khả năng thế giới trở thành một thị trường
toàn cầu không bị hạn chế bởi các đường biên giới quốc gia. Marx là người chỉ
trích mạnh mẽ nhất chủ nghĩa tư bản, song ông cũng phát hiện ra sức mạnh đáng
sợ của nó trong việc phá vỡ các rào cản và tạo ra một hệ thống sản xuất và tiêu
thụ toàn cầu. Trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản, ông đã mô tả chủ nghĩa tư bản
như một lực lượng sẽ làm tan rã tất cả các thực thể phong kiến, dân tộc và tôn
giáo, khai sinh ra một nên văn minh phổ quát bị chi phối bởi các mệnh lệnh của
thị trường. Marx cho rằng tư bản chắc chắn sẽ thực hiện được điều ấy, một cách
tất yếu.

Thế kỷ XXI, khi mà chủ nghĩa tư bản đã chuyển qua giai
đoạn mới – chủ nghĩa tư bản hiện đại – bành trướng khắp toàn cầu. Gần hai thế
kỷ đọc lại Tuyên ngôn, những người cộng sản sẽ làm gì để tranh thủ thời cơ,
vượt qua thách thức, nắm lấy cơ hội của thế giới đang ngày càng phẳng hơn để
tiếp tục làm những cuộc cách mạng giành lấy chính quyền về tay giai cấp công
nhân và nhân dân lao động một cách tất yếu. Đây là câu hỏi lớn cho toàn thể
giai cấp vô sản và của cả loài người nói chung muốn được hoàn toàn giải phóng
khỏi sự áp bức, bất công.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh thế giới đương đại, khi
toàn cầu hóa đã trở thành một xu thế khách quan, khi cuộc đấu tranh vì hòa
bình, độc lập dân tộc, dân chủ, dân sinh, vì tiến bộ và công bằng xã hội đang
có những bước tiến mạnh mẽ, trở thành một phong trào rộng khắp trên quy mô toàn
cầu, thì cuộc đấu tranh vì các quyền cơ bản của con người với lời khẳng định về
thắng lợi của giai cấp vô sản là tất yếu mà Marx và Engels đã đưa ra Tuyên ngôn
càng mang ý nghĩa thời đại và có giá trị định hướng cho hoạt động của các đảng
cộng sản và công nhân trên phạm vi toàn thế giới, cho những hoạt động quốc tế
của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên hành tinh này. Dưới ánh sáng và tinh
thần của những nguyên lý nền tảng trong Tuyên ngôn, trong những năm gần đây,
dẫu chế độ xã hội chủ nghĩa không còn tồn tại với tư cách một hệ thống thế giới
sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, song không phải
vì thế mà phong trào đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội, vì lý tưởng cộng sản đã bị
chặn lại. Trên phạm vi toàn thế giới vẫn có nhiều quốc gia, dân tộc phát triển
theo định hướng xã hội chủ nghĩa, theo tinh thần của những nguyên lý nền tảng
trong Tuyên ngôn. Đó cũng là thực hiện mục tiêu và lý tưởng của chủ nghĩa cộng
sản: Thay cho chế độ tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của
nó, xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều
kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.

Công cuộc đổi mới đất nước đã và đang chứng minh con
đường phát triển của cách mạng Việt Nam bắt nguồn từ truyền thống độc lập tự
chủ, từ chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhìn lại chặng đường 35
năm đổi mới, quyền con người của công dân Việt Nam ngày càng được phát triển, ngày
càng được Nhà nước Việt Nam bảo đảm. Điều này đã được thể chế hóa trong Hiến
pháp, pháp luật, được quy định cụ thể bằng các chính sách, giải pháp thực hiện
từ Trung ương đến địa phương. Qua những nỗ lực đó, Việt Nam đã đạt được nhiều
thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực dân sự,
chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Việt Nam được bầu làm thành viên Hội
đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016 với số phiếu rất cao:
184/193, lần đầu trúng cử Hội đồng Nhân quyền với sự ủng hộ gần như tuyệt đối,
cao nhất trong số 14 nước trúng cử (trong đó có cả 4 nước Ủy viên thường trực
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp).

Việc tôn trọng quyền con người, đấu tranh vì quyền con
người chính là khát vọng của dân tộc Việt Nam, là mục tiêu phấn đấu của Đảng
Cộng sản Việt Nam. Trong các Văn kiện Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đều lấy
con người là trung tâm và coi con người vừa là mục tiêu vừa là động lực lớn cho
sự phát triển. Năm 1992, với chỉ thị 12/CT-TW ngày 12/7/1992 của Bộ chính trị
thì quan điểm về quyền con người của Đảng được phát triển tương đối hoàn thiện.
Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã đưa Chương “Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của
công dân” từ Chương V về Chương II và đổi tên thành “Quyền con người, quyền
và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, đã có sự phân biệt sự khác nhau giữa “quyền
con người” và “quyền công dân”, đã quy định đầy đủ trong các điều luật trách
nhiệm của Nhà nước và những đảm bảo của Nhà nước trong việc ghi nhận, tôn
trọng, thực hiện và bảo vệ quyền con người, quyền công dân… Quyền con người
với đầy đủ ý nghĩa của nó trở thành một nguyên tắc hiến định. Nhóm các quyền
dân sự chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong hệ thống pháp luật Việt Nam đã
tương thích với luật quốc tế về quyền con người.

Trong “Cương lĩnh
xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” (bổ sung, phát triển năm
2011), quyền con người đã được khẳng định lại như là một nhiệm vụ chiến lược
của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Cương lĩnh khẳng
định: “Dân
chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động
lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã
hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi
cấp, trên tất cả các lĩnh vực”[2]. Tiếp
nối những thành tựu nổi bật về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền
con người, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã đạt được sau 35 năm
đổi mới, Đại hội XIII đưa ra định hướng phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và
bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong thời kỳ mới: “đề cao vai trò chủ thể,
vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn
bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[5, tr.173], xác
định mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là
nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Trong Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa đó, yêu cầu quản lý xã hội theo pháp luật; tôn trọng, thượng tôn
pháp luật, công lý, lẽ phải, lẽ công bằng; tôn trọng và bảo vệ quyền con người,
quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển của mỗi người là một yêu cầu
quan trọng, thiết yếu.

Kết luận

Nhìn lại vấn đề quyền con người trong Tuyên ngôn Đảng
Cộng sản, một lần nữa khẳng định rằng, vấn đề quyền con người luôn được Đảng và
Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam quan tâm. Trong mỗi thời kỳ lịch sử cách
mạng Việt Nam, việc bảo đảm quyền con người mang những nội dung khác nhau.
Nhưng có thể khẳng định trong thời kỳ đổi mới là thời kỳ lịch sử có nhiều điều
kiện thuận lợi để bảo đảm các quyền và tự do của con người hơn bất cứ thời kỳ
lịch sử nào trước đây. Điểm đặc sắc trong đường lối đổi mới, trước hết là bản
lĩnh chính trị, tư duy độc lập sáng tạo của Đảng và Nhà nước khi phải giải
quyết những vấn đề kinh tế – xã hội bức xúc trong bối cảnh chính trị quốc tế
hết sức phức tạp, kết hợp với tầm nhìn xa về mục tiêu xã hội xã hội chủ nghĩa
và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với quy luật lịch sử tự nhiên của
nhân loại; hội nhập quốc tế nhằm kế thừa, tiếp thu, mở rộng, phát triển các giá
trị xã hội của nền văn minh nhân loại, trong đó có quyền con người.

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà
Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên
chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật,
Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (1992), Chỉ thị 12-CT/TW ngày 12-7-1992 của Bộ chính
trị khóa VII Về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[5] Đảng
Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập
I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[6] C. Mác và Ph.Ănghen (1995), Toàn
tập, tập 4, Nxb. Sự thật, Hà Nội.

[7]

Quốc
hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013),

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

,

Nxb.

Chính trị

q

uốc gia – 

Sự thật

.