Sức sống vững bền của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

KỶ NIỆM 175 NĂM TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN

(24/2/1848-24/2/2023 )

Sức sống vững bền của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

Ngày 24/2/1848, tại Luân Đôn, nước Anh, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được công bố với toàn thế giới. Từ đó đến nay, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trở thành ngọn cờ tư tưởng soi sáng sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người của giai cấp công nhân.

Sinh thời, V.I.Lênin đánh giá rằng: “Cuốn sách nhỏ đó có giá trị bằng hàng ngàn bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”

Sau phần mở đầu ngắn gọn, Tuyên ngôn được thể hiện thành 4 chương: Tư sản và vô sản; Những người vô sản và những người cộng sản; Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa; Thái độ của những người cộng sản đối với các đảng đối lập.

Sau khi điểm qua lịch sử phát triển của xã hội loài người, về vị trí lịch sử của giai cấp tư sản, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản cho rằng giai cấp vô sản hiện đại có sứ mệnh tiêu diệt chủ nghĩa tư sản và sáng tạo ra một xã hội mới tốt đẹp hơn. Để đảm bảo cho sự thắng lợi đó, giai cấp vô sản phải có những điều kiện cần thiết cho công cuộc tự giải phóng mình. Điều kiện đó là sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, sự tồn tại và phát triển của Đảng vì sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. Mặt khác, Đảng cộng sản không chỉ tập hợp giai cấp vô sản mà còn cả các tầng lớp trung gian, những nhà tiểu công nghiệp, tiểu thương, thợ thủ công, nông dân…về cả lý luận và thực tiễn, Đảng cộng sản luôn là đại biểu cho quyền lợi của giai cấp vô sản và của nhân dân lao động. Con đường phát huy sức mạnh của Đảng là giữ vững và củng cố mối quan hệ giữa Đảng và giai cấp công nhân, thông qua đó mà củng cố mối quan hệ giữa Đảng và toàn thể nhân dân lao động. Mục đích cuối cùng của Đảng là thực hiện chủ nghĩa cộng sản.

Tuyên ngôn còn khẳng định: Sau khi giành được chính quyền, giai cấp vô sản phải biến lợi ích của mình thành lợi ích của toàn dân tộc. Cuộc Cách mạng Xã hội chủ nghĩa là sự kết hợp sự nghiệp giải phóng giai cấp với sự nghiệp giải phóng dân tộc; giai cấp vô sản sống trong lòng dân tộc và xác lập vai trò lãnh đạo đối với toàn dân tộc. Tuyên ngôn của Đảng cộng sản là tác phẩm kinh điển chủ yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học. Những nguyên lý do Mác và Ăngghen trình bày trong tác phẩm là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng mười Nga vĩ đại và sau đó là ba dòng thác cách mạng đã dâng lên mạnh mẽ, tấn công liên tục vào chủ nghĩa tư bản; những thành tựu to lớn trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước là cơ sở để khẳng định sự đúng đắn của các nguyên lý cơ bản được nêu trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, là sự thể hiện sinh động của tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong hiện thực và khả năng đi đến thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội, mặc dù đang trải qua nhiều thách thức.

Ở Việt Nam, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản được xuất bản vào những năm 1945-1946, sau đó được tái bản nhiều lần. Đối với cách mạng Việt Nam, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản nói riêng, Chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam dẫn đường. Kể từ ngày thành lập đến nay, hơn 93 năm qua, Đảng cộng sản Việt Nam đã vạch ra đường lối chiến lược giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản mà Mác, Ăngghen đã chỉ ra trong Tuyên ngôn. Đảng ta đã vận dụng tư tưởng cách mạng không ngừng của Mác, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời luôn thấm nhuần tinh thần biện chứng của Tuyên ngôn để vận dụng sáng tạo trong quá trình xây dựng và bảo vệ xã hội mới, cũng như trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và đã đạt được những thành tựu rất to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.

Tuyên ngôn của Đảng cộng sản còn đặt nền tảng tư tưởng cho những vấn đề về Đảng và xây dựng, phát triển Đảng Cộng sản Việt Nam ngang tầm nhiệm vụ.

Từ khi ra đời vào ngày 03/02/1930 đến nay, thực tế lịch sử đã minh chứng sinh động rằng: Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là điều kiện tiên quyết cho mọi thắng lợi vẻ vang của cách mạng nước nhà. Đồng thời sự lãnh đạo của Đảng là xu thế lịch sử tất yếu trong quá trình tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ của đất nước và nhân dân ta. Đối với công tác xây dựng Đảng, Đảng ta đã và đang khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao bản chất giai cấp công nhân là tư tưởng xuyên suốt nhằm đảm bảo cho Đảng ta hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên đường hội nhập, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ”.

Kỷ niệm 175 năm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, chúng ta càng tiếp tục tin tưởng, nâng cao lòng tự hào về Đảng ta, về con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Tuấn Anh