Những điều cần biết về đặt ống thông tiểu

Đặt ống thông tiểu là thủ thuật đã và đang được dùng cho rất nhiều bệnh nhân. Điều đáng nói là không phải ai cũng hiểu rõ đối tượng cần thực hiện thủ thuật này và các vấn đề khác có liên quan đến thủ thuật. Trong phạm vi bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu kĩ hơn về những vấn đề ấy.

07/04/2022 | Mách bạn công thức lá trầu không chữa viêm đường tiết niệu hiệu quả
04/04/2022 | Viêm đường tiết niệu có tự khỏi không? Biện pháp điều trị là gì?
15/02/2022 | Chăm sóc nhiễm khuẩn tiết niệu trẻ sơ sinh cần lưu ý điều gì?

1. Những trường hợp chỉ định/chống chỉ định đặt ống thông tiểu

1.1. Thế nào là đặt ống thông tiểu?

Thủ thuật đặt ống thông tiểu giúp làm rỗng bàng quang để đưa nước tiểu ra ngoài

Thủ thuật đặt ống thông tiểu giúp làm rỗng bàng quang để đưa nước tiểu ra ngoài

Đặt ống thông tiểu là thủ thuật đặt một loại ống mềm vào trong bàng quang thông qua ống thông niệu đạo hoặc một lỗ nhỏ được tạo ra ở ống dẫn lưu bàng quang nhằm làm rỗng bàng quang và thu nước tiểu vào một túi thoát nước để đưa ra ngoài cơ thể. 

1.2. Chỉ định đặt ống thông tiểu

Thủ thuật đặt ống thông tiểu thường được dùng để làm rỗng bàng quang trước hoặc sau phẫu thuật hoặc để hỗ trợ điều trị một số bệnh lý. Thủ thuật này được chỉ định với những trường hợp:

– Ống dẫn nước tiểu bị tắc nghẽn do phì đại tuyến tiền liệt hoặc sẹo.

– Suy yếu bàng quang hoặc bí tiểu do tổn thương dây thần kinh.

– Dẫn lưu bàng quang trong lúc sinh với những trường hợp gây tê ngoài màng cứng.

– Dẫn lưu bàng quang đối với trong hoặc sau phẫu thuật một số bệnh lý.

– Đưa thuốc vào trực tiếp bàng quang.

– Điều trị chứng tiểu không kiểm soát khi đã áp dụng những cách khác không hiệu quả.

Việc đặt ống thông tiểu có thể sẽ chỉ là tạm thời và khi bàng quang rỗng nó sẽ được lấy ra. Ngoài ra, một số trường hợp cũng có thể được chỉ định đặt ống thông tiểu cố định nhiều tuần hoặc nhiều ngày.

1.3. Chống chỉ định đặt ống thông tiểu

Chống chỉ định đặt ống thông tiểu với những trường hợp sau:

– Chấn thương làm dập hoặc rách niệu đạo.

– Niệu đạo bị hẹp.

– Bị nhiễm khuẩn niệu đạo.

– Tuyến tiền liệt bị chấn thương.

– Đối với phụ nữ có thai, tuyệt đối không dùng ống thông cứng bằng kim loại.

2. Những điều cần lưu ý sau khi đặt ống thông tiểu

2.1. Điều gì có thể xảy ra?

Thời gian đặt ống thông tiểu càng dài thì càng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vì nó có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn có đường xâm nhập vào trong cơ thể. Hậu quả của tình trạng ấy chính là nhiễm trùng ở một số bộ phận như: niệu đạo, thận, bàng quang,… Các loại nhiễm trùng này được gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu.

Thủ thuật đặt ống thông tiểu thường được dùng để dẫn lưu bàng quang trong một số loại phẫu thuật bệnh lý 

Thủ thuật đặt ống thông tiểu thường được dùng để dẫn lưu bàng quang trong một số loại phẫu thuật bệnh lý 

Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu thường có triệu chứng:

– Đau ở xung quanh háng hoặc bụng dưới.

– Ớn lạnh, sốt.

– Cảm thấy mệt mỏi.

Ngoài ra, thủ thuật này đôi khi cũng có thể là nguyên nhân gây ra các vấn đề khác như tổn thương niệu đạo, ống thông bị tắc nghẽn hoặc rò rỉ, co thắt bàng quang,…

Một số rủi ro khác cũng có thể xảy ra nhưng ít hơn, gồm:

– Quá trình đưa ống thông vào gây chấn thương niệu đạo.

– Dùng ống thông nhiều lần gây ra mô sẹo khiến cho niệu đạo bị hẹp.

– Đặt ống thông không đúng cách làm chấn thương bàng quang.

– Dùng ống thông tiểu trong nhiều năm có thể làm phát triển sỏi bàng quang.

2.2. Chăm sóc bệnh nhân đặt ống thông tiểu như thế nào?

Bệnh nhân được đặt ống thông tiểu khi xuất viện nên hỏi bác sĩ về thời điểm an toàn để có thể quay trở lại với các hoạt động thường ngày như: bơi lội, tập thể dục, đi làm, quan hệ tình dục,… Những trường hợp phải đặt ống thông tiểu trong thời gian dài thì trước khi bệnh nhân xuất viện, người chăm sóc cần hỏi bác sĩ để biết chính xác cách tháo lắp, thay thế và các vấn đề liên quan đến chăm sóc bệnh nhân có ống thông tiểu.

Trong quá trình chăm sóc ống thông tiểu ở nhà, bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân cần lưu ý:

– Cần làm rỗng túi nước tiểu trước khi nó bị đầy, tốt nhất nên dùng van đóng mở để nước tiểu được thoát ra ngoài đều đặn trong ngày, tránh tình trạng có quá nhiều nước tiểu tích tụ trong bàng quang.

– Nên dùng một chiếc túi gom nước tiểu có kích thước to hơn vào ban đêm và nên đặt túi ở gần sàn hoặc trên giá đỡ bên cạnh giường để lấy nước tiểu khi người bệnh ngủ.

– Tối thiểu 3 tháng cần phải rút và thay thế ống thông 1 lần.

Khi thay ống thông, người chăm sóc bệnh nhân cần thực hiện đúng thao tác, bảo quản thiết bị đúng chuẩn. Ống thông tiểu chỉ được sử dụng trong thời gian nhất định đã được bác sĩ chỉ định, tránh để quá dễ dẫn tới nhiễm trùng.

Đặt ống thông tiểu

Nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc thay ống thông tiểu tại nhà cần liên hệ với nhân viên y tế để được trợ giúp

Với những trường hợp được chỉ định đặt ống thông tiểu trong thời gian dài, để giảm thiểu rủi ro, người chăm sóc bệnh nhân nên chú ý:

– Hàng ngày cần dùng xà phòng và nước nhẹ nhàng rửa vùng da nơi luồn ống thông vào cho sạch.

– Trước và sau khi chạm tay vào thiết bị đặt ống thông tiểu hãy nhớ dùng xà phòng và nước ấm để rửa sạch tay.

– Đảm bảo uống đủ nước để màu nước tiểu luôn trong hoặc vàng nhạt.

– Tăng cường bổ sung chất xơ qua các loại trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt để tránh cho người bệnh không bị táo bón.

– Không để ống thông bị uốn cong hay gấp khúc.

2.3. Lưu ý không thể bỏ qua

Khi bệnh nhân được đặt ống thông tiểu tại nhà xuất hiện những triệu chứng sau đây, tốt nhất nên gọi cấp cứu hoặc tìm cách đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế thật sớm:

– Bàng quang bị co thắt thường xuyên hoặc trầm trọng.

– Xung quanh các mép có hiện tượng rò rỉ nước tiểu hoặc bị tắc ống thông.

– Đi tiểu phát hiện có đốm máu trong nước tiểu.

– Đi đại tiện bị ra máu màu đỏ tươi.

– Có triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu như ớn lạnh, sốt, đau bụng dưới,…

– Rơi ống thông ra ngoài.

– Gặp khó khăn khi thay hay lắp đặt ống thông tiểu.

Mong rằng những chia sẻ trên đây đã giúp bạn đọc hiểu hơn về đối tượng nào cần hay không nên đặt ống thông tiểu cũng như cách chăm sóc người bệnh tại nhà để tránh được rủi ro không đáng có. Nếu vẫn còn thắc mắc xung quanh thủ thuật này, bạn đọc có thể gọi trực tiếp đến số điện thoại 1900 56 56 56 để được đội ngũ chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp.