Địa đạo Củ Chi “địa chỉ đỏ” giáo dục quốc phòng và an ninh

(QK7 Online) – Giáo dục truyền thống dân tộc thông qua phát huy giá trị di tích lịch sử về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nội dung, hình thức quan trọng của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Với tầm vóc, giá trị lịch sử về quân sự, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của con người vùng “đất thép”, Địa đạo Củ Chi là “địa chỉ đỏ” để giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng.

Du khách thăm quan Khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi. Ảnh : CTV

Địa đạo Củ Chi thuộc huyện Củ Chi, hình thành từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1948). Từ năm 1961, khi Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn – Gia Định chọn Củ Chi làm căn cứ, thì hệ thống địa đạo càng phát triển. Với ý chí quật cường, sáng tạo, bền bỉ, quân và dân Củ Chi xây dựng hệ thống địa đạo dài hơn 200 km, với các công trình liên hoàn, như: chiến hào, kho tàng, khu làm việc, nghỉ ngơi…
 
Để Khu di tích luôn là địa chỉ đỏ trong giáo dục quốc phòng và an ninh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Khu Di tích nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ trong bảo tồn, tôn tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng phục vụ.
 
Trước hết, tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng bộ và chuyên nghiệp. Nguồn nhân lực Khu Di tích cơ bản được lựa chọn tại địa phương, ưu tiên con, em các đối tượng chính sách, gắn bó, hiểu biết, tự hào về truyền thống quê hương, có tinh thần phục vụ tốt. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao kiến thức về truyền thống cách mạng của địa phương, lịch sử của địa đạo, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ… Đồng thời, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công nhân viên, nhất là lực lượng lao động trực tiếp, giúp họ yên tâm, gắn bó với đơn vị, nỗ lực trong công tác.
 
Chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức hội nghị, lễ hội, các đợt giao, nhận quân của các địa phương, đơn vị; báo công của các tổ chức, đoàn thể quần chúng, các doanh nghiệp… nhằm khơi dậy truyền thống, tinh thần kiên cường, bất khuất, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh chống quân xâm lược, bảo vệ căn cứ địa cách mạng và khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.
 
Phát huy giá trị các hiện vật lịch sử, tạo các điểm nhấn và sự tương tác với các đối tượng. Nổi bật giữa địa đạo Củ Chi là Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược – nơi lưu danh hơn 45.000 liệt sĩ khắp cả nước chiến đấu, hy sinh tại Sài Gòn – Gia Định và những người con của Sài Gòn – Gia Định hy sinh trên khắp cả nước. Đền Tưởng niệm là quần thể hài hòa, tầm vóc, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam với nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Đây là nơi các tổ chức chính trị – xã hội thường tổ chức học tập, báo công, về nguồn, lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên và sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng. Khu vùng giải phóng Củ Chi, tái hiện sống động, không gian, cảnh quan cùng sinh hoạt và chiến đấu của một làng vùng giải phóng Củ Chi từ năm 1961 đến năm 1975. Xem phim 3D mô phỏng chiến dịch Cedar Falls – trận càn lớn nhất của quân đội Mỹ vào vùng “Tam giác sắt” năm 1967; tham quan hệ thống địa đạo, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt dưới lòng đất, tạo cho các đối tượng cảm giác như được hòa mình vào không khí vùng đất này trong những ngày kháng chiến, cứu nước. Qua đó, tạo nên sự đồng cảm, xúc cảm mạnh mẽ về một vùng quê thanh bình chịu nhiều mất mát do chiến tranh tàn phá; cảm nhận sâu sắc tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, trí tuệ của quân và dân Củ Chi trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương. Như lời bài văn bia “Moi ruột đất ẩn sâu vào lòng đất, trái tim thành chiến hào, ánh mắt hóa vì sao, bàn tay thành lưỡi kiếm…”.
 
Nâng cao chất lượng phục vụ và đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào các hoạt động quản lý, tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ không những ở địa phương, mà còn đối với cả thế hệ trẻ Việt Nam; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, quyết định giữ gìn Khu Di tích là “địa chỉ đỏ” trong giáo dục quốc phòng và an ninh. Ban Giám đốc tổ chức tốt công tác đón tiếp, phục vụ các đoàn đến tham quan, học tập, hội thảo khoa học, đặc biệt kiều bào có dịp về thăm quê hương và Khu di tích. Đồng thời, yêu cầu tất cả nhân viên phục vụ với tinh thần tận tụy, thân thiện, nhiệt tình, lịch sự… hóa thân thành những chủ nhân trực tiếp xây dựng địa đạo, dựa vào thế trận liên hoàn, hiểm yếu của địa đạo để chiến đấu với quân thù bảo vệ cách mạng, bảo vệ quê hương. Để đồng bào cả nước, nhất là thế hệ trẻ hiểu cặn kẽ về địa đạo Củ Chi – căn cứ địa cách mạng có một không hai trên thế giới, Ban Giám đốc Khu Di tích mời các cựu chiến binh từng chiến đấu trên mảnh đất này kể chuyện, trả lời các câu hỏi về quá trình xây dựng, chiến đấu và bám trụ trong điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt của chiến trường, nhằm khơi dậy truyền thống hào hùng, ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân Củ Chi, nâng cao khả năng cảm nhận cho đồng bào, nhất là thế hệ trẻ. Cùng với đó, thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục cho các đoàn đến đây học tập, nghiên cứu, hội thảo, du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, trùng tu, thuyết trình giá trị của công trình và giá trị nghệ thuật quân sự của Địa đạo. Nhờ những nỗ lực đó, số lượng các đoàn tham quan, học tập, hội thảo… nhất là các đoàn học sinh, sinh viên của các trường trên địa bàn và các huyện, tỉnh, thành phố lân cận đến Địa đạo hằng năm ngày càng nhiều.

Đại tá Lê Văn Phước
Giám đốc Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi

Source: https://evbn.org
Category: Địa Danh