Mẫu hợp đồng thuê mặt bằng chi tiết chặt chẽ nhất
Cùng với việc phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sự nở rộ của các loại hình dịch vụ, nhu cầu thuê mướn mặt bằng ngày càng tăng lên. Khi thuê mặt bằng, người thuê và người cho thuê phải cùng nhau lập ra và ký kết vào bản hợp đồng thuê mặt bằng. Vậy hợp đồng thuê mặt bằng là gì? Cách viết hợp đồng thuê mặt bằng như thế nào cho chuẩn xác? Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến hợp đồng cho thuê mặt bằng nhé!
Hợp đồng thuê mặt bằng là gì?
Hợp đồng thuê mặt bằng là loại hợp đồng dân sự được sử dụng phổ biến hiện nay, không còn xa lạ với nhiều người nhưng thường người đi thuê mặt bằng nhiều khi không quá để tâm đến các điều khoản khi ký kết ngoài thời hạn cho thuê, giá cả thuê nên khi xảy ra tranh chấp phải chịu nhận phần thiệt thòi về mình.
Đây là một văn bản giao kèo được ký kết giữa bên cho thuê mặt bằng và bên đi thuê mặt bằng để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Theo đó, bên cho thuê giao cho bên thuê toàn quyền sử dụng mặt bằng trong một khoảng thời gian nhất định, còn bên thuê mặt bằng có trách nhiệm trả tiền cho bên cho thuê đầy đủ, đúng hạn như cam kết giữa hai bên.
Không chỉ riêng thuê mặt bằng, bất kỳ hoạt động thuê mướn, kinh doanh, giao dịch mua bán tài sản nào, chúng ta cần soạn thảo những bản hợp đồng rõ ràng , cùng nhau ký kết để tránh những tranh chấp phát sinh không đáng có và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Do đó, ký kết hợp đồng vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của cả hai bên.
Theo quy định của luật pháp hiện hành thì loại hợp đồng dân sự này không bắt buộc phải công chứng, song các hợp đồng có thời hạn từ 06 tháng trở lên bắt buộc phải được công chứng và đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với các mặt bằng có giá trị lớn, bao gồm nhiều tài sản, trong hợp đồng có nhiều điều khoản ràng buộc, nhiều giao kèo thỏa thuận thì hai bên nên đi công chứng để đảm bảo cơ sở pháp lý cho bản hợp đồng.
Mặt bằng là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành bại của hoạt động sản xuất, kinh doanh nên bên thuê cần lưu ý tìm hiểu kỹ về mặt bằng và chủ sở hữu mặt bằng trước khi ký kết giao kèo, tránh “xôi hỏng bỏng không”. Một lưu ý nữa là bạn cũng thường phải đặt cọc một khoản tiền ít nhất bằng 3 tháng tiền thuê, hãy viết giấy biên nhận hoặc hợp đồng đặt cọc trong trường hợp này nhé. Trong các văn bản đó nhớ ghi rõ số tiền đặt cọc và cách xử lý khoản tiền cọc này khi kết thúc hợp đồng.
Cách viết hợp đồng thuê mặt bằng
Cũng như hợp đồng cho thuê nhà ở hay nhiều hợp đồng khác, hiện nay, việc soạn thảo hợp đồng thuê mặt bằng đã trở nên dễ dàng hơn nhiều, với nhiều mẫu sẵn có. Trong nội dung phần này của bài viết, mình chỉ xin lưu ý các bạn một vài chi tiết khi soạn thảo hợp đồng này để đảm bảo đầy đủ nội dung và tính pháp lý của nó nhé!
Phần đầu của hợp đồng thuê mặt bằng
– Nêu rõ căn cứ lập hợp đồng; ngày tháng; địa điểm ký kết hợp đồng.
– Thông tin bên thuê và cho thuê cần đầy đủ: họ tên, năm sinh; số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước, ngày cấp, nơi cấp; hộ khẩu thường trú, nơi ở hiện nay; điện thoại.
Nếu tài sản cho thuê là đứng tên hai vợ chồng hay có đồng sở hữu thì phải nêu đủ thông tin của các thành viên đứng tên trong sổ. Trường hợp ủy quyền thì phải có giấy xác nhận. Bên thuê cần kiểm tra đầy đủ giấy tờ chứng minh tư cách sở hữu mặt bằng của bên thuê, tránh bị phá vỡ kế hoạch kinh doanh vì rắc rối không đáng có này. Nếu mặt bằng cho thuê là của chung của hai vợ chồng mà chỉ có một bên ký thì bên kia hoàn toàn có thể khiếu kiện và vô hiệu hóa những điều khoản người kia đã ký.
Nếu bên thuê hay bên cho thuê là doanh nghiệp thì cần nêu thêm: tên công ty, trụ sở; mã số thuế; số tài khoản ngân hàng, tên ngân hàng.
Phần nội dung chính của hợp đồng thuê mặt bằng
Đây là phần chứa những điều khoản cụ thể mà hai bên sẽ thỏa thuận với nhau và có trách nhiệm thực hiện trong suốt quá trình thuê và cho thuê. Các điều khoản thỏa thuận nên viết đầy đủ nhưng ngắn gọn, rõ ràng và tuân theo quy định của pháp luật.
– Thông tin mặt bằng cho thuê: ghi rõ diện tích, địa chỉ cụ thể của mặt bằng và đặc điểm của mặt bằng: số tầng, tình trạng điện, nước và các cơ sở vật chất, tài sản khác gắn với mặt bằng đó.
Bên thuê cần kiểm tra cẩn thận giấy tờ và tình trạng thực tế mặt bằng trước khi nhận xem có chính xác không.
– Thời gian cam kết thuê mặt bằng: thỏa thuận cần ghi rõ thời hạn cho thuê là bao lâu, kể thời điểm nào đến thời điểm nào.
– Số tiền thuê mặt bằng phải trả và cách thức trả
+ Giá thuê nhà: ghi rõ giá thuê theo thỏa thuận bằng chữ và bằng số; giá thuê đã bao gồm đã bao gồm các điện, nước, internet, dọn vệ sinh, an ninh, thuế nhà đất… hay chưa? Nếu chưa thì bên nào sẽ chi trả và chi trả cho ai? Giá thuê nhà cam kết tăng hay không tăng? Vào thời điểm nào? Tăng ra sao?…
+ Phương thức thanh toán, thời điểm thanh toán cũng cần được nêu chi tiết, tiền đóng theo tháng, quý hay năm vào ngày nào? Thanh toán tiền mặt hay chuyển khoản?
– Các thỏa thuận khác
Các điều khoản về quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên với nhau cần thỏa thuận cụ thể:
+ Điều khoản đền bù nếu một trong hai bên nhà vi phạm hợp đồng: bên thuê thay đổi kết cấu nhà ở, chậm thanh toán . . .
+ Điều khoản về đơn phương chấm dứt hợp đồng, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, gia hạn hợp đồng . .
Phần cuối: Hai thuê và bên cho thuê cùng ký, ghi rõ họ tên vào hợp đồng.
Tải mẫu hợp đồng thuê mặt bằng
Trong phần cuối bài viết này, mình xin gửi các bạn mẫu hợp đồng thuê mặt bằng chuẩn xác nhất cho các bạn tham khảo.
Hi vọng rằng bài viết giúp ích các bạn phần nào khi tìm hiểu về việc thuê mặt bằng ở và cách soạn thảo nội dung hợp đồng thuê mặt bằng.