Lễ hội truyền thống của người Mường
1. Di sản văn hóa phi vật thể loại hình Lễ hội truyền thống.
Lễ hội truyền thống là hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang tính tổng hợp, nẩy sinh từ lịch sử, gắn với chu trình sản xuất và đời sống xã hội của cộng đồng, được cộng đồng sáng tạo và thực hành bằng các nghi lễ và hoạt động văn hóa để bày tỏ ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp, tưởng nhớ nhân vật có thật hoặc truyền thuyết có công với cộng đồng. Lễ hội có thể đánh dấu thời điểm chuyển mùa, sự kiện trong nông lịch hay các giai đoạn trong cuộc đời một con người. Việt Nam đã tách Lễ hội truyền thồng thành một loại hình riêng. Trong khi UNESCO gộp loại hình lễ hội vào chung với loại hình Tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội.
Lễ hội là loại hình di sản văn hóa phi vật thể có tính tổng hợp và có tính cộng đồng rất cao. Trong loại hình lễ hội truyền thống có thể bao gồm nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác như: Nghệ thuật trình diễn dân gian, Tri thức dân gian, Nghề thủ công…
Lễ hội truyền thống là loại hình di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện nhiều nhất ở các địa phương với 233 lễ hội, chiếm 63,2% loại hình di sản lễ hội. Lễ hội truyền thống ở Phú Thọ mang đặc trưng tiêu biểu của lễ hội vùng đất Tổ, rất phong phú, đa dạng, có nguồn gốc lịch sử từ xa xưa, tái hiện những sinh hoạt nông nghiệp, sự kiện lịch sử, với những nghi lễ, trò diễn đầy sức cuốn hút được lễ hội thiêng liêng hóa như những nghi thức tưởng niệm, thờ cúng các Vua Hùng đã có công dựng nước, các nhân vật lịch sử đã có công với dân với nước, những người khai thiên lập địa, dựng làng, dựng nước; thể hiện tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ thành hoàng, tín ngưỡng thờ tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu… Lễ hội truyền thống thường được tổ chức trong dịp mùa xuân và mùa thu, rất phong phú, đa dạng từ quy trình thực hành các nghi lễ đến lễ vật dâng cúng thần linh, trò diễn dân gian và đáp ứng một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân. Nhiều lễ hội đã trở thành biểu tượng văn hoá tâm linh, độc đáo có một không hai của dân tộc Việt Nam như: Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, Lễ hội Trò Trám …. Mang nhiều yếu tố của lễ hội người Việt, nhưng lễ hội truyền thống ở Phú Thọ lại mang những sắc thái văn hóa cổ đặc sắc với nét văn hóa gốc, ngày càng hấp dẫn, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, cân bằng đời sống tâm linh và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, lễ hội truyền thống vùng đất Tổ giữ vai trò đặc biệt trong kho tàng lễ hội dân gian Việt Nam.
2. Lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thanh Sơn (xếp theo A, B, C địa danh xã, thị trấn).
2.1. Lễ hội đình Khoang, xã Hương Cần:
Đình Khoang thờ Đức Thánh Tản Viên, nhân vật lịch sử thời Hùng Vương dựng nước cùng thân mẫu của ngài là bà Đinh Thị Đen.
Đình Khoang là một trong hệ thống các di tích thờ Tản Viên sơn thánh của đồng bào Mường nói riêng, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói chung. Tản Viên được coi là hình ảnh tiêu biểu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, hầu hết các ngôi đình của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn,Yên Lập đều thờ Đức Thánh Tản Viên. Tương truyền, Tản Viên đã nhiều lần đánh đuổi giặc ở Hương Cần, khi thắng trận rút quân về Tất Thắng để khao quân. Làng Tất Thắng xây đình Cả, làng Hương Cần xây đình Khoang để thờ Tản Viên.
Đình Khoang xưa được dựng bằng các loại gỗ quý, là một trong những ngôi đình to đẹp và là niềm tự hào của dân làng. Năm 1948, ngôi đình bị hư hỏng kiến trúc, năm 2010 được phục hồi lại trên vị trí nền móng cũ với kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 2 tòa: Đại bái và Hậu cung.Mặc dù là di tích mới được phục hồi, không bảo lưu được kiến trúc cổ nhưng đình Khoang vẫn giữ được các yếu tố của công trình kiến trúc tôn giáo, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ cũng như công năng của di tích.
Các kỳ tiệc lệ trong năm (lịch âm) của đình Khoang: Lễ khai hạ ngày mùng 7 tháng Giêng; lễ chính ngày 15 tháng Giêng; lễ cơm mới ngày mùng 10 tháng 10 và lễ đóng cửa rừng ngày 25 tháng Chạp
Trong đó, kỳ tiệc lệ chính ngày 15 tháng Giêng, tương truyền đó là ngày sinh của Đức Thánh Tản. Để chuẩn bị cho ngày lễ chính, mọi công việc được dân làng chuẩn bị chu đáo từ trước Tết Nguyên Đán.
Đúng giờ Mùi (từ 13h – 15h), dân làng tập trung ra đình làm lễ cáo tế, sau đó, ông thủ từ sẽ cử các đôi nam thanh, nữ tú ra giếng múc nước cho vào các sanh đồng, các ống nứa đặt lên kiệu rước về đình làng để đến sáng ngày 15 lấy nước đó chuẩn bị lễ vật cúng thần. Sáng ngày 15 dân làng sẽ mổ lợn đen tuyền, mổ trâu và đồ xôi ngũ sắc. Sau khi lễ vật được chuẩn bị xong, đến giờ ngọ ban tế sẽ bắt đầu làm lễ. Khi lễ xong, lợn đen được chia làm 2 phần, một phần làm cỗ trên cho các vị chức sắc phần còn lại là của các vị thủ từ, các xuất đinh đã đóng góp tiền mua lễ cùng hưởng. Riêng thịt trâu được ngả ra làm cỗ cho dân làng cùng hưởng ngay tại đình.
Sau phần nghi lễ trang nghiêm thành kính là đến phần hội với các nội dung như: Diễn tấu cồng chiêng, ném còn, bắn nỏ, đu trà…
– Diễn tấu cồng chiêng: Dàn cồng chiêng của làng Khoang xã Hương Cần gồm có 7 chiếc tương đương với 7 vía của Đức Thánh Tản (ở những nơi khác dàn cồng chiêng thường có 12 chiếc, ứng với 12 tháng trong năm). Người sử dụng chiêng là những cô gái chưa chồng, con nhà khá giả. Khi chơi cồng chiêng người chơi mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, gồm áo pắn, váy đen, đầu đội khăn trắng, cổ đeo vòng bạc và thắt lưng nhiều hoạ tiết. Người Mường ở Hương Cần dùng dùi để đánh chiêng. Dùi thường được làm bằng gỗ tốt, có tiện một đầu to, dài 35-40cm, đầu được bịt vải đỏ.
Cồng chiêng là một phần hồn của người Mường, có mặt ở khắp mọi nơi, mọi thời điểm đáng nhớ trong cuộc đời. Chính vì vậy, xưa kia ở Hương Cần hầu như nhà nào cũng có cồng chiêng, nhà ít thì có một chiếc, nhà nhiều thì có cả bộ; Xưa, cả bản, già trẻ, trai gái đều đánh chiêng. Nhưng hiện nay, văn hoá cồng chiêng của người Mường nói chung và người Mường ở Hương Cần nói riêng đang dần bị mai một.
– Ném còn là trò chơi tín ngưỡng hấp dẫn của trai gái trong dịp hội làng. Quả còn to bằng bàn tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông. Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre (hoặc vầu) cao trên đỉnh có vòng còn hình tròn (khung còn), khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho sức mạnh của mặt trời), mặt kia dán giấy màu vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Mở đầu cuộc chơi là phần nghi lễ, ông từ dâng hai quả còn làm lễ giữa trời đất, cầu cho bản làng yên vui, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no ấm. Sau phần lễ ông từ cầm hai quả còn đã được ban phép tung lên cho mọi người tranh cướp, khai cuộc ném còn. Sau đó các quả còn khác của các gia đình mới được tung lên như chim én. Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt vào vòng còn trên đỉnh cột là người thắng cuộc. Trước khi khép hội, ông từ còn rạch hai quả cầu thiêng lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm của những bàn tay nam nữ (âm – dương). Ném còn làm cho người trong cuộc hào hứng, người đứng ngoài reo hò cổ vũ khiến không khí cuộc chơi rất sôi nổi, hấp dẫn. Ném còn là trò chơi không những thu hút nam nữ thanh niên mà nhiều người lớn tuổi cũng rất thích.
– Bắn nỏ là trò chơi tiêu biểu cho tinh thần thượng võ của đồng bào các dân tộc. Trong những lần đi rừng họ thường mang theo nỏ để săn thú do đó từ các cụ già đến thanh thiếu niên đều sử dụng rất thạo. Những người tham gia bắn nỏ thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ việc chọn vật liệu làm nỏ, căng dây, vót tên và tập các động tác bắn cho thật thuần thục. Đối tượng của trò chơi này là những thợ săn có tiếng, là những thiện xạ dùng nỏ săn bắn chim thú cho gia đình. Cũng có một số tay nỏ là những thanh niên khoẻ mạnh, ham thích môn bắn nỏ nhằm luyện tập sức khoẻ và bảo tồn môn thể thao truyền thống.
Trò chơi bắn nỏ được tổ chức trên bãi đất rộng. Lợi thế của trò chơi này là những người chơi ai cũng được sử dụng nỏ riêng của mình để quen với tay nỏ mà bắn trúng đích và được thử để chọn những tư thế, thử nỏ theo kinh nghiệm riêng của mình. Người thắng cuộc là người có nhiều mũi tên bắn trúng đích nhất.
– Đu trà: Sau khi được lý trưởng phân công làm đu, các nam thanh niên sẽ chọn những cây tre tốt để dựng đu. Đúng ngày 27 Tết thầy mo sẽ cúng trình đu, sau đấy các nam thanh nữ tú có tình cảm với nhau sẽ cùng chơi đu. Đây là một cách để họ tìm hiểu nhau, nếu sau đó đôi nào ưng thuận lấy nhau sẽ ra tắm chung ở suối Khoang (Tiếng Mường gọi là Phai Khoang) còn được gọi là suối Giao Duyên.
Hội làng là việc của toàn cộng đồng, là trách nhiệm của mọi thành viên trong làng xã. Vui như hội, đông như hội, đoàn kết như hội và cũng chỉ ở hội làng mọi quyền lợi vật chất, tinh thần của mọi người là như nhau, không có sự phân biệt đẳng cấp, tuổi tác… Nên mọi người đều có chung một tâm niệm, ý nghĩ hướng thiện, cầu mong sự hạnh phúc ấm no, yên vui, hoà thuận, mọi bất hoà đều được bỏ qua. Và cũng qua hội làng để giáo dục truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc mình cho các thế hệ trẻ.
Ngày nay, hội làng tuy chưa được tổ chức được các trò chơi đặc sắc của người Mường như: diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống nhưng bên cạnh phần lễ thể hiện sự tôn nghiêm thành kính đối với vị thần của làng mình, hội đình Khoang còn có các môn thể thao như: bóng đá, cầu lông, kéo co… không chỉ thu hút được đông đảo nhân dân trong vùng mà còn thu hút được nhân dân các vùng lân cận .
2.2. Lễ hội đình Chung, xã Giáp Lai:
Đình Chung, xã Giáp Lai thờ Đức Thánh Tản, nhân vật lịch sử thời kỳ Hùng Vương dựng nước và thân mẫu là bà Đinh Thị Đen. Truyền thuyết lịch sử về Tản Viên Sơn Thánh có nhiều dị bản khác nhau, gắn liền với sự kiện lịch sử cụ thể của từng vùng như Tản Viên chống lũ lụt, săn bắt, đánh cá, trồng lúa, chữa bệnh… trong đó nổi bật hơn cả là truyền thuyết Hùng Vương kén rể và Tản Viên sơn thánh là người tài cao, đức lớn đã xứng đáng là con rể vua Hùng thứ 18. Tản Viên sơn thánh được coi là hình ảnh tiêu biểu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt.
Tản Viên Sơn Thánh là thần, hơn thế nữa lại là thần “bất tử”. Ngài là vị thần khai sáng văn hóa, vị anh hùng chống lũ lụt, anh hùng chống giặc ngoại xâm, là vị thần liên minh các bộ tộc Việt – Mường, mãi mãi đi vào tâm thức của người dân đất Việt. Nhiều nơi đã lập đình, đền thờ Tản Viên để ghi nhớ công lao của ngài trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Dân làng Giáp Lai dựng đình Chung để thờ Tản Viên và suy tôn Tản Viên Sơn Thánh là thành hoàng làng.
Lễ hội đình Chung được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của người Mường bản địa. Đây là dịp để dân làng tỏ lòng biết ơn đối với thành hoàng làng, người đã có công bảo vệ, che chở cho dân chúng.
Chuẩn bị vào ngày hội, làng xóm được quét dọn sạch sẽ, mọi nhà đều gọn gàng, ngăn nắp, đình được quét dọn, đồ thờ được bao sái, người làng sắm đồ tế lễ… Khi lá cờ thần được dựng lên ở sân đình thì không khí linh thiêng đã bao trùm khắp nơi, với ý nghĩa đón rước và thỉnh thần về dự hội làng, hâm hưởng lễ vật; đồng thời là dịp để dân làng chúc tụng thần, bày tỏ lòng biết ơn đối với thần và cầu mong thần bảo hộ cho dân làng như đã báo hộ che chở trước đó.
Người dân trong làng tránh các hoạt động gây huyên náo, ầm ĩ, phân công ngươì sửa soạn lễ vật, người khiêng kiệu, người rước cờ, tàn, lọng… Để chuẩn bị cho ngày lễ chính, mọi công việc đã được chuẩn bị chu đáo từ trước tết. Ban tế có 16 người, trong đó có 1 chủ tế, còn đọc văn là những vị kỳ mục, chức dịch luân phiên nhau. Ban tế là những người làm việc nhà Thánh, đại diện cho dân, phải là người đức độ trong sạch, gia đình song toàn, không vướng tang, con cái làm ăn phát đạt, được nhân dân tín nhiệm bầu ra. Trước ngày làm lễ tế, những người trong đội tế phải tắm gội, ăn mặc chỉnh tề ra làm lễ. Năm nào được mùa thì mổ trâu, bò và năm nào mất mùa thì chỉ mổ lợn, gà làm lễ vật dâng lên cúng thần. Lễ vật này các suất đinh trong làng phải cùng nhau đóng góp. Theo lệ làng đồ lễ ấy sau khi cúng thần xong sẽ biếu ông chủ tế, lý trưởng, tiên thứ chỉ, số còn lại được bày thành cỗ để cho toàn thể dân làng cùng thụ lộc. Phần lễ có tế và rước kiệu từ văn chỉ về đình. Khi tế đội tế phải mặc áo thụng, đội mũ, đi hia.
Nếu như lễ được tổ chức nghiêm ngặt ở chốn đình chung thì trái lại hội là nơi sinh hoạt dân dã phóng khoáng diễn ra trên sân đình để dân làng cùng tham gia. Với khuôn viên rộng rãi, hội làng Đình Chung với những trò chơi dân gian đặc sắc của đồng bào Mường như: Ném còn, đẩy gậy, múa mỡi, bắn nỏ không những thu hút được nhân dân trong vùng mà con em địa phương đang sinh sống, học tập và công tác xa quê cũng nhớ ngày tìm về, dân chúng các vùng lân cận cũng tìm sang vui hội.
– Ném còn là trò chơi tín ngưỡng hấp dẫn của trai gái trong dịp hội làng. Quả còn to bằng bàn tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông. Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre (hoặc vầu) cao trên đỉnh có vòng còn hình tròn (khung còn), khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho sức mạnh của mặt trời), mặt kia dán giấy màu vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Mở đầu cuộc chơi là phần nghi lễ, ông từ dâng hai quả còn làm lễ giữa trời đất, cầu cho bản làng yên vui, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no ấm. Sau phần lễ ông từ cầm hai quả còn đã được ban phép tung lên cho mọi người tranh cướp, khai cuộc ném còn. Sau đó các quả còn khác của các gia đình mới được tung lên như chim én. Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt vào vòng còn trên đỉnh cột là người thắng cuộc. Trước khi khép hội, ông từ còn rạch hai quả cầu thiêng lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm của những bàn tay nam nữ (âm – dương). Ném còn làm cho người trong cuộc hào hứng, người đứng ngoài reo hò cổ vũ khiến không khí cuộc chơi rất sôi nổi, hấp dẫn. Ném còn là trò chơi không những thu hút nam nữ thanh niên mà nhiều người lớn tuổi cũng rất thích.
– Đẩy gậy: Vừa là trò chơi dân gian, vừa là môn thể thao truyền thống. Đây là một trong những hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào Mường, Đối với môn đẩy gậy không chỉ thu hút sự tham gia của những chàng trai trẻ mà thu hút cả người già, những ai không đủ sức tham gia thì làm khán giả để cổ vũ động viên cho người thi.
Gậy thi đấu được làm bằng tre già ( thường là tre đực) thẳng hoặc những thanh gỗ tốt được bào nhẵn có chiều dài khoảng 2m, đường kính 0,04 – 0,05m, sơn hai màu đỏ và trắng. Người chơi mặc trang phục truyền thống, thắt đại xanh đỏ bước vào vòng tròn, hai người cầm đầu gậy còn trọng tài cầm giữa gậy. Khi tiếng chiêng, trống cùng tiếng còi hiệu lệnh của trọng tài vang lên thì cuộc thi bắt đầu. Trong vòng tròn hai thanh niên lực lưỡng đang cố gắng dùng hết sức để đẩy đối thủ ra khỏi vạch thi đấu. Tiếng chiêng trống cùng tiếng reo hò cổ vũ của khán giả như tiếp thêm sức mạnh các vận động viên. Theo luật thi đấu thì bên nào chân chạm vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc, mỗi trận đấu thường diễn ra 3 hiệp, ai thắng 2 hiệp là người thắng cuộc. Phần thưởng trong cuộc thi không lớn chỉ mang tính chất động viên khích lệ tinh thần. Đẩy gậy là môn thể thao cần đến sức khoẻ và sự khéo léo của vận động viên. Sau cuộc thi đấu các đối thủ lại khoác tay nhau cùng nâng chén rượu mừng, đó chính là nét đẹp trong văn hoá ngày hội. Từ đó càng thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các bản làng.
– Múa mỡi: là một trong những điệu múa đặc trưng của người Muờng trong dịp lễ hội. Đối tượng được mời trong điệu muá này là thầy mo. Nhạc cụ phục vụ cho múa là bốn ống nứa do bốn diễn viên cầm dùng đầu ống xuống sàn nhà được tạo thành âm thanh; một chiếc trống cái và một chiêng đồng đánh theo nhịp múa; một cây bông làm bằng vải hoặc giấy và có một mâm hoa quả có hương nhuỵ làm tăng thêm sự linh thiêng cho các đường múa của vị mường mo. Mọi người vui vẻ múa quanh thầy mo, động tác múa thể hiện động tác gặt lúa, mời cơm, mời rượu, rồi một số động tác săn bắn, bắt cá suối, trồng bông dệt vải… còn thầy mo làm động tác ngồi uống rượu nghiêng ngả theo các các nhịp múa. Múa mỡi thể hiện chất lãng mạn của con người, con người luôn cầu mong có thần linh phù trợ để hoà nhập với đất trời làm cho mùa màng tươi tốt, chim thú đầy đồng, nhà nhà vui tươi khoẻ mạnh.
Đến với hội làng Đình Chung, mọi người dân được vui chơi thoả thích không bị ràng buộc vì lễ nghi tôn giáo, đẳng cấp, dân tộc và tuổi tác. Sau những ngày làm việc vất vả dân làng háo hức chờ đón hội, để rồi sau những ngày hội vui vẻ ấy họ lại được tiếp thêm sức mạnh làm việc hăng say hơn. Ngoài phần vui chơi gặp gỡ bạn bè họ còn được “một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần”, vì vậy hội làng rất đông vui và nhộn nhịp. Trong những ngày hội diễn ra, không khí trong làng tưng bừng hẳn lên và tình làng nghĩa xóm cũng chân tình khăng khít hơn.
Lễ hội đình Chung trở thành điểm tựa tâm linh không thể thiếu của đồng bào Mường Giáp Lai.
2.3. Lễ hội đình Lương Nha, xã Lương Nha:
Đình Lương Nha thờ Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh – các nhân vật lịch sử huyền thoại thời Hùng Vương thứ 18. Tản Viên Sơn được coi như hình ảnh tiêu biểu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, là vị thần đứng đầu trong tín ngưỡng tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Trải qua nhiều thế hệ, người dân Lương Nha nói riêng, Phú Thọ nói chung một lòng tôn kính ngưỡng mộ Thánh Tản Viên và lập đình thờ ông. Còn về Cao Sơn, Quý Minh thì Cao Sơn và Quý Minh là hai anh em ruột, là em họ của Tản Viên Sơn Thánh và cũng là tướng lĩnh thời Hùng Vương thứ 18. Sau khi đánh thắng quân Thục, Cao Sơn và Quý Minh tâu với vua xin đi du ngoạn khắp thiên hạ để chọn đất lập sinh từ. Hai ông đi đến làng Lương Nha, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, trấn Hưng Hóa thấy nơi đây non xanh, thủy tú, song ngòi uốn lượn là nơi đất tốt không đâu bằng. Hai ông bèn cho quân lập sinh từ, mở tiệc khao quân và cho dân làng Lương Nha vàng bạc để phụng thờ lập đền miếu sau này bốn mùa hương tỏa.
Hàng năm đình Lương Nha có các kỳ tiệc lệ như sau:
Ngày 13 tháng Giêng là kỳ tiệc chính có rước kiệu, tế lễ. phần hội có đánh đu, ném còn, hát đúm. Đặc biệt trong ngày hội này chính là hội đua chải bằng thuyền nan. Hội đua chải bằng thuyền nan được chuẩn bị chu đáo gồm 10 thuyền nan. Và 1 chiếc thuyền được kết ở giữa sông, trên thuyền có mô hình chiếc đình và bát nhang. Khi chiêng trống nổi lên, mọi người sẽ làm lễ tế thần Tản Viên và thủy thần sông Đà (vì xã Lương Nha nằm ven sông Đà).
Điểm khác trong hội đua chải ở Lương Nha với hội đua chải của người Kinh đó là lễ hội đua chải ở đây có cả con gái đua thuyền (người kinh thì chỉ có nam giới đua). Trong 10 thuyền bơi thì có 5 thuyền của nam, 5 thuyền của nữ. Mỗi thuyền có 3 cắng 6 tay chèo. Những người tham gia hội đua phải là người bơi giỏi và có thể lặn dưới nước hàng giờ, phòng khi gặp nạn đắm thuyền trong cuộc thi. Khi có hiệu lệnh, cả 10 chiếc thuyền cùng xuất phát giữa tiếng trống chiêng râm ran, giục giã cùng tiếng reo hò dậy đất và âm vang sông nước làm cho cuộc đua thêm khí thế hào hùng. Từ bờ, thuyền bơi ra giữa sông, lượn 3 vòng quanh chiếc thuyền có mô hình đình rồi bơi sang ngang cướp cờ. Lễ hội đua chải bằng thuyền nan ở Lương Nha là một trò chơi vui và là dịp để rèn luyện sức khỏe. Đây là dịp để biểu dương sức mạnh của đồng đội, một hoạt động thể thao mang tinh thần thượng võ truyền thống đem lại niềm tự hào cho toàn thể cộng đồng người dân Lương Nha. Song đây cũng là một nghi thức để người dân địa phương cầu cho mùa màng tốt tươi.
Ngoài ra, trong năm đình Lương Nha còn có các kỳ tiệc như: ngày 10/10 âm lịch là tiệc xôi mới; ngày 25/11 âm lịch tế lễ tại đình.
2.4. Lễ hội đình Lưa, xã Tân Lập:
Đình Lưa được xây dựng trên một đồi gò cao, thuộc thôn Lưa Hạ, xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn. Đây là một trong số những di tích vùng sông Đà. Hiện nay ngôi đình này không còn lưu giữ được ngọc phả ghi chép về vị thành hoàng của làng Lưa mà chỉ còn duy nhất một bản duệ huệ nói về vị “Tản Viên Sơn” được ghi chép lại. Căn cứ vào việc phân vùng văn hoá dân gian và qua các tư liệu có thể khẳng định rằng đình Lưa thờ Tản Viên Sơn Thánh. Tản Viên Sơn là người tài cao, đức lớn và được coi như hình ảnh tiêu biểu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Thời ấy ở động Lăng Sương, bên bờ sông Đà, có hai vợ chồng ông Nguyễn Cao Hành và vợ là Đinh Thị Đen sinh được một người con trai, dáng mạo khôi ngô, tuấn tú khác thường. Ông bà đặt tên con là Nguyễn Tuấn. Năm Nguyễn Tuấn lên 6 tuổi thì cha chết, bà vợ làm lễ chôn cất cho chồng. Năm Nguyễn Tuấn lên 7 tuổi, hai mẹ con dắt nhau lên núi Tản Viên kết bạn với bà lão tên là Ma Thị. Được 3 năm nghĩ đến mồ mả lại về quê cũ Lăng Sương và đổi tên là Nguyễn Tùng. Năm 12 tuổi Nguyễn Tùng đi học tại nhà cụ Dương Đường tiên sinh dạy thành thần đồng. Hằng ngày, Nguyễn Tùng vẫn lên núi Tản hái củi để lấy tiền nuôi mẹ. Năm 16 tuổi mẹ mất, Nguyễn Tùng làm lễ mai táng cho mẹ sau đó ở núi Tản với bà lão Ma Thị. Một hôm lên núi đẵn một cây gỗ to dài rồi về báo người cùng động lên khiêng, nhưng lên đến nơi lại thấy cây gỗ đó xanh tươi. Nguyễn Tùng thấy làm lạ đẵn lại một lần nữa, sau đó giả vờ về, rồi phục luôn ở đó để xem thế nào. Đến đêm chợt thấy một ông già mình cao một trượng mày râu trắng muốt, đầu đội mũ hoa, mình mặc áo quần, lưng thắt đai, chân đi nhẹ lướt trên mây, tay cầm một gậy trúc… theo sau là một hề đồng cầm lệnh bằng vàng đánh liền ba hồi trống. Ông già mồm niệm thần chú rồi cầm gậy chú, chợt thấy một trận cuồng phong nổi lên, mây mù mịt như có phép thần biến hoá, trời đất đảo lộn, cây gỗ bị đẵn dựng lên sống lại. Nguyễn Tùng trông thấy rõ ràng, lập tức chạy lại chỗ cây gỗ hai tay ôm ông già hỏi rằng: Cụ già ở đâu đến, tên là gì? Nỡ tiếc một cây gỗ để nhân dân đói rách sao? Cụ già nói: Ta là Sơn Tinh đại thần, là Thái Bạch tinh tử vi thiên tướng, vâng mệnh Ngọc Hoàng xuống coi núi này, nay cây này là cây ngô đồng gỗ quý của nước Nam, mọc ở núi Tản không thể đẵn được cho nên ta phải giữ lấy cây ngọc thụ này, cầu mong cho núi sông vững mạnh quốc gia thịnh trị lâu dài, cho nhà ngươi được thấy ngày thái bình. Nguyễn Tùng cúi đầu lễ tạ, nguyện xin được giao lĩnh trượng và thần chú để cứu người đời sinh tử, để báo ơn cha mẹ, thần tướng nghe nói khen là đạo hiếu và nhìn thấy người phi thường, nên lấy lĩnh trượng và thần chú trao cho dặn rằng: Chỉ đầu thượng thì sống người, chỉ đầu dưới thì trừ ác hại, chỉ núi núi lở, chỉ nước nước cạn rất linh nghiệm diệu huyền phải cẩn thận không được coi thường. Dặn xong Thái Bạch thần bay lên trời rồi biến mất.
Nói về triều Hùng Duệ Vương, nhà vua sinh được 20 hoàng tử và 6 công chúa nhưng đề mất sớm, chỉ còn hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Tiên Dung kết duyên với Chử Đồng Tử còn Ngọc Hoa vua cha cho kén rể. Tản Viên đua tài với Thuỷ Tinh và chiến thắng lấy được công chúa Ngọc Hoa. Duệ Vương liền truyền ngôi cho con rể là Tản Viên Sơn Thánh. Sau khi lên ngôi, Tản Viên đã lập nên rất nhiều chiến công trong việc đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ ghi công trạng của Tản Viên. Nhân dân làng Lưa dựng đình thờ Tản Viên và suy tôn Tản Viên là thành hoàng làng. Đình Lưa thờ Tản Viên trên ban thờ cao nhất ở đình. Ngoài ra đình Lưa còn thờ thổ công quan lang người đã khai sáng vùng đất này.
Đình Lưa được khôi phục lại trên nền móng cũ năm 1996 trên một gò đất cao. Xung quanh gò đình là những ruộng lúa bao bọc. Đình làm theo hướng Đông Nam nên rất mát mẻ, thoáng đãng, có 3 gian nhỏ kiểu nhà 4 mái. Gian chính giữa được làm theo kiểu thượng cung làm ban thờ cách nền 1,8m. Trên thượng cung đặt khám thờ Tản Viên Sơn, xung quanh bưng ván kín. Ngôi đình được xây dựng theo kiến trúc dân gian gồm 3 gian, 4 hàng chân cột gỗ. Qua các nguồn tư liệu có thể xác định rằng đình Lưa được khởi dựng từ thời Lê đến thời Nguyễn bị giặc Pháp đốt phá, chỉ còn lại nền móng. Dân làng dựng lại ngôi dình ở vị trí ngày nay. Do chiến tranh, do thiên nhiên tàn phá nên ngôi đình Lưa Hạ không còn nữa. Đến năm 1996, một số con cháu dòng họ Đinh đã quyên góp để dựng lại ngôi đình Lưa có kiến trúc như hiện nay trên nền móng cũ của ngôi đình thời Nguyễn.
Đình Lưa còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý trong đó kho tư liệu Hán Nôm khá phong phú về thể loại như Bản hương ước, bản chúc thư, bản Duệ hiệu Đức Thánh Tản Viên… Đây là một nguồn tư liệu giúp cho các nhà nghiên cứu lịch sử tìm hiểu dân tộc học của một làng văn hoá vùng dân tộc ít người miền núi Thanh Sơn, Phú Thọ. Ngoài ra trong đình còn giữ được những di vật gỗ: án gian, khám thờ và một số di vật bằng chất liệu đồng, vải…
Lễ hội đình Lưa hàng năm có 5 kỳ tế lễ (âm lịch) như sau:
Ngày 7 tháng Giêng: Tiết khai xuân cho dân làng Vinh an, tổ chức hội ném còn, chơi đu xe…
Ngày 12 tháng 2: Chính tiệc tổ, chức lễ mừng công Tản Viên thắng trận, dân làng mở hội rước cờ, rước kiệu, hát ví, giã đuống đánh các bài cồng chiêng của dân tộc Mường, đêm hát chèo cổ.
Ngày 7 tháng 7: Lễ thượng điền
Ngày 25 tháng 12: Lễ khoá cửa rừng cho dân bản ăn Tết vui vẻ.
Ngày 10 tháng 10: Lễ Cơm mới
Những năm trước Cách mạng, lễ hội Đình Lưa được tổ chức đều đặn. Đặc biệt là những năm dân làng được mùa bội thu thì việc tễ lễ, hội làng được tổ chức lớn kéo dài từ 2 đến 3 ngày như Hội rước cờ, đây là lễ hội tiêu biểu của làng Lưa Hạ.
Hội rước cờ mừng chiến thắng của Tản Viên được tổ chức ngày 12 tháng 2. Bãi chạy cờ được bố trí trước cửa đình rộng và bằng phẳng. ở giữa sân cắm một cớ ngũ sắc hình vuông cỡ lớn. Xung quanh có 3 lá cờ đuôi nheo do 3 người là những thanh niên trai tráng, khoẻ mạnh cầm cờ. Khi tiếng trống được điểm vang lên thì 3 người vác cờ lên vai chạy vòng quanh lá cờ lớn ở giữa sân theo nhịp trống đánh, cứ như vậy chạy đến khi nào 3 người vác cờ tập trung lại điểm trống. Mọi người tụ tại đây mừng thắng trận. Lễ hội rước cờ ở đình Lưa diễn tả lại sự chiến thắng của Tản Viên sau khi thắng trận trở về làm lễ khao dân làng và binh sĩ. Đây là trò diễn vui, khoẻ dựa trên truyền thuyết về Tản Viên Sơn.
Lễ hội đình Lưa đã thu hút đông đảo cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn. Đây là lễ hội mang hình thức sinh hoạt văn hoá cổ truyền cần được bảo tồn và phát huy. Với giá trị và ý nghĩa của di tích, di tích và lễ hội đình Lưa cần được sự quan tâm của các Cấp, các ngành để nơi đây thực sự trở thành một điểm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Đồng thời cũng là việc làm thiết thực góp phần giáo dục truyền thống yêu nước của cha ông ta đối với thế hệ trẻ vùng đồng bào dân tộc.
2.5. Lễ hội đình Cả, xã Tất Thắng:
Đình Cả là một ngôi đình có dấu ấn sâu sắc với nhân dân xã Tất Thắng và quanh vùng. Từ trước đến nay, đình Cả luôn là địa điểm sinh hoạt văn hoá của dân tộc Mường nói riêng và các dân tộc trong sinh sống trên địa bàn huyện Thanh Sơn nói chung.
Đình Cả thờ Tản Viên Sơn Thánh – thời Hùng Vương dựng nước. Di tích nằm trong hệ thống di tích vùng sông Đà, hướng về núi Tản (Ba Vì) thờ Tản Viên, người anh hùng dân tộc thời dựng nước. Đình Cả, xã Tất Thắng không có tư liệu văn bản, bia kí ghi lại năm tháng xây dựng đình. Song qua thư tịch, truyền thuyết và chuyện kể dân gian, thì sau khi Tản Viên đánh giặc Thục đại thắng trong cuộc nội chiến Hùng- Thục trở về doanh sở cùng binh sỹ và dân bản mở hội ăn mừng rồi trở về cung sở tại chân núi Ba Vì (đền Đông cung nay). Nhân dân quanh vùng đều lập đền thờ, miếu thờ, thờ vọng để ghi dấu nhân vật lịch sử thời Hùng Vương là Tản Viên Sơn Thánh.
Đình Cả bắt nguồn từ quán nhỏ cùng với đền miếu dọc dải sông Đà, hướng về núi Tản (Ba Vì). Sau đó nhân dân đông, làm ăn thịnh đạt mới xây dựng miếu thờ (cách đình Cả hiện nay 150 m). Khoảng thế kỷ XV – XVI, nhân dân xây dựng đình làng (đình Cả hay đình Chiềng) và tôn Tản Viên là thành hoàng làng rước thờ tại đình. Ngôi đình được xây dựng trên thế đất cao giữa trung tâm dân bản, “xóm Chiềng gần xóm Đình, xóm Giữa, xóm Nương, xóm Cấm (trước là nơi rừng rậm không ai dám vào), xóm Đồn (nơi quan lang xây đền ở đó).
Đình Cả dựng theo hướng Nam, hướng về núi Tản, kiến trúc kiểu chữ Đinh ( J ) 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung. Đại đình cấu trúc 4 mái đao cong, chính giữa nóc đại đình có rồng chầu mặt nguyệt, 2 đỉnh bờ nóc phù điêu hai con ly đang tư thế phi về chính giữa. Trước thượng cung có xà rồng chạm trổ long mã, mỗi bước cốn mê hậu cung, bức cốn nách đại đình cùng với đầy đủ đầu bẩy đều chạm trổ với nhiều đề tài phong phú. Xung quanh xây tường bao loan khuân viên đình, trước đình có 2 cột tán cao và 2 cửa cùng cánh phong 2 bên rất bề thế uy nghiêm. Khuôn viên đình tiếp giáp với đường làng, phía Đông đình cách 100m hiện còn một giếng cổ, tương truyền là nơi Tản Viên cho đào để lấy nước nuôi quân khi dừng chân tại đây, đồng thời dân làng dùng nước giếng trong sinh hoạt (đánh dấu sự quần cư của người Việt – Mường).
Đình Cả có ý nghĩa giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đình còn giữ được một số tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá. Đồng thời đình Cả hiện còn bảo lưu được những phong tục tập quán cổ truyền, mang bản sắc văn hoá dân tộc đậm nét.
Xuân thu nhị kỳ, đình Cả có 3 kỳ tiệc lệ trong năm:
Ngày 15 tháng Giêng: Lễ Thượng nguyên, làm lễ thánh, ngày này tổ chức hội ném còn, không rước sắc.
Ngày 12 tháng 6 (âm lịch): Mừng công Tản Viên thắng trận.
Ngày 12 tháng 11 (âm lịch): Ngày sinh của Thành hoàng và là ngày tổng kết năm cũ chuyển sang năm mới (hội mùa trong năm). Phần lễ vật phụ thuộc hàng năm đóng góp theo đinh gồm: Lễ hàn hâm: Xôi, gà, rượu (rượu mộng) hiện còn bình thờ tại đình; lễ lớn: bò, trâu, lợn gọi là xính lễ; 12 bát chè hoa (gạo rang thành bông trộn mật); 1 đĩa cơm nén ( gạo tẻ) đặt trên đĩa cơm nén 1 con cá trôi hoặc cá thiểu.
Tế lễ tại đình Cả 3 ngày lễ, còn rước sắc ra đình từ sớm 11, rước từ nhà ông từ ra đình, đến chiều 12 lại rước về nhà ông từ. Sau khi rước sắc và tế lễ, nhân dân mở hội làng 3 năm 1 lần với các trò chơi như: đánh trống đồng, múa mỡi, ném còn, hát đối (hát ví), múa trống đu (trống đùa), giã đuống, đánh các bài cồng chiêng dân tộc Mường…
Múa Mỡi: Múa Mỡi của đồng bào Mường Tất Thắng cũng như của đồng bào dân tộc Mường Thanh Sơn, Yên Lập gồm những tiết mục: Múa hương với một nam múa, rồi cầm tay nữ mời vào múa thành cặp; múa bắn cung (mũi tên là que hương cháy đỏ), người con trai bắn mũi hương vào người con gái nào, người con gái sẽ múa thành cặp với người chàng trai; Múa khăn đai: Một cặp nam nữ, khăn dài đầu có tua, khăn cầm tay hoặc quàng qua cổ, cùng múa; Múa gươm, múa roi: Tiết mục này chỉ có nam tham gia, cũng chia thành cặp và càng nhiều người múa càng đẹp, càng rộn ràng. Gươm và roi dập vào nhau theo tiếng “cắc” của trống và tiếng “cộc” của ống theo tiết tấu nhịp ba: “tung tung cắc”, “tinh tinh cộc”… Múa càng rộn ràng, nhịp trống và ống càng dồn mau theo tiết tấu “tung tung cắc, tung tung tung cắc!”, “tung cắc, tung tung cắc”
Múa roi và múa gươm vừa dứt, trai gái chuyển sang cuộc hát ném còn ngay trên sân múa, không khác phần hát đúm của Xoan. Sau vài cặp ném còn, lại tiếp tục múa. Ngoài hát và múa, người ta còn tổ chức các tiết mục múa phụ cho thêm vui như căng dây thừng rồi bò qua hoặc nhảy dây.
Hội ném còn: Hội ném còn tổ chức trước cổng đình là cả bãi đất rộng. Chính giữa đối với cổng đình, dân làng trồng một cây tre đường kính 15 cm, cao 13m, trên ngọn tre có buộc chiếc vòng tròn bằng tre vót tròn đường kính 45 cm. Phía trong có một vòng tròn nhỏ đường kính 20 cm được bịt bằng giấy đỏ (chú ý cây tre phải còn ngọn tre và lá tre bay phấp phới như ngọn lau giữa không trung), 6 quả còn hình thang vuông, làm bằng vải nhiều màu, trong bọc cám hay cát (kích thước vừa trong lòng bàn tay), 4 góc của quả còn đính 4 tua vải dài 50 cm (4 mầu) gọi là đuôi còn, đuôi còn có tác dụng định hướng khi quả còn bay và là vật trang trí cho quả còn thêm đẹp. Trước khi vào hội nén còn, cụ trưởng làng đồng thời là chủ tế của đình, đem 5 quả còn lên đình thắp hương làm lễ, sau 3 hồi trống chiêng. Cụ chủ tế đem còn ra bãi ném mỗi bên 1 quả (khoảng cách giữa 2 bên cách cột còn 15 m) và công bố hội ném còn bắt đầu. Trai gái chia nhau mỗi bên 6 người tung quả còn cho nhau, vừa tung vừa hát giao duyên. Phụ hoạ cùng nam nữ ném còn có tất cả mọi người dân trong làng chia nhau đứng 2 bên tham dự, hoà chung tiếng hò reo, chiêng trống vang dội cả 1 vùng. Cứ như thế họ ném còn tiếp diễn, người đứng bên này ném cho người bên kia, ai đỡ được còn ném tiếp, cứ thế quả còn được truyền cho nhau trong thời gian không quy định. Nếu cứ ném thủng vòng tròn là được giải và hội ném còn kết thúc bằng tiếng hò reo vang, tán thưởng của mọi người, chúc mừng người được giải năm đó được nhiều may mắn và thần, thành hoàng làng ban lộc.
Diễn tấu cồng chiêng: Đánh cồng chiêng của đồng bào Mường Tất Thắng cũng như đồng bào Mường các vùng Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn. Dàn cồng cũng có dàn cồng đơn và dàn cồng kép; hình thức đánh cầm tay hoặc treo, với 4 bài (còn được gọi là 4 điệu): “Đi đường”; ” Bông trắng, bông vàng”(hay còn được gọi là “chờ tôi với đợi tôi cùng”); “Chúc rượu” và “Dã bạn”.
Chàm đuống: Chàm đuống còn gọi là giã đuống hay đâm đuống. Nghệ thuật giã đuống được khởi nguồn từ cuộc sống lao động của đồng bào Mường huyện Thanh Sơn. Vì lẽ đó nên chúng ta gặp rất nhiều xã ở huyện Thanh Sơn có cái tên xóm Chiềng, ví dụ: Chiềng Tất Thắng, Chiềng Cự Đồng, chiềng Cự Thắng, chiềng Xuân Đài… và ở đâu có Mường gốc là ở đó có đuống.
Đuống chính là loại cối đài dùng để giã lúa, giã lúa là nét sinh hoạt lao động thường nhật của đồng bào Mường. Từ giã lúa, giã đuống đã được nâng lên trở thành nghệ thuật. Một đội giã đuống có thể từ 3 người, 5 người, 7 người, một người đứng cái còn lại đứng theo đôi đối diện. Người cầm cái giã Đuống ở thế đảo tạo nên những nhịp rơi tự do làm cho bài. Giã đuống có một tiếng tùng giã bằng đầu chày, ba tiếng đập ngang chày vào thành đuống tạo nên ba tiếng cắc cắc cắc. Tiếng cắc này khi giã lúa làm cho những hạt gạo hoặc hạt lúa dính ở đầu chày rơi xuống, những tiếng cắc này tạo nên sự thay đổi âm sắc, biến điệu thang âm làm cho nhịp đuống rộn ràng hơn. Giã Đuống là màn diễn tấu mang tính nghệ thuật cao nhưng hơi tốn sức lực, do vậy mỗi màn diễn tấu chỉ kéo dài từ 8 đến 10 phút.
Hò đu: Hò đu trong hội làng Tất Thắng nói riêng và của đồng bào dân tộc người Mường nói chung là một loại hát thơ lục bát, đây là loại hò giao thế (đối đáp giao duyên) được tổ chức vào mùa xuân. Giữa một khoảng đất rộng người ta dựng một cây đu được làm hoàn toàn bằng gỗ đó là loại gỗ tốt. Đu được coi là sân khấu quay để cho các đôi trai gái thể hiện sự tài tình, tinh tuý, linh hoạt trong lối hò giao thế. Hò đu được tổ chức vào mùa xuân trong cả ngày và đêm, thường kéo dài hết mùa xuân, đó là lúc thời vụ nông nhàn.
Múa trống đu: Đua tiếng Mường nghĩa là đùa, múa trống đua tức là trống đùa. Múa trống đu đầu tiên chỉ có trong gia đình từ gõ trống, múa trống để dỗ con, xuất phát từ một tích trò khá li kỳ của đồng bào dân tộc Mường, sau này múa trống đua dần dần nâng lên thành nghệ thuật. Những động tác gõ trống, múa trống lăn trống, xoay trống, tung trống đã thể hiện tình cảm của người cha trong nỗi nhớ vợ thương con. Múa trống đua đã trở thành niềm vui, niềm an ủi, động viên, còn là nhịp cầu gắn bó giữa các thế hệ. Một đội múa trống đua thường có: Một người đóng vai bố, một người đóng vai con, một người gõ trống khẩu, một người gõ phách và một người thổi kèn sôna. Múa trống đua được chia làm 3 phần: phần mở đầu giới thiệu trống đó chính là màn giáo đầu trình diễn màn đùa trống (bố gõ con gõ); phần phát triển phô diễn nghệ thuật tung trống, lăn trống, xoay trống, múa trống, đây là phần biểu diễn hay nhất thể hiện trình độ nghệ thuật của hai cha con người gõ trống; phần thứ ba là màn kết chào múa trống đua.
Lễ hạ điền: Lễ hạ điền được tiến hành vào ngày làm lễ do ông thầy mo định. Có được ngày tốt rồi, nhà lang báo cho dân bản biết rồi vào tối hôm trước lế, trai gái trẻ già kéo nhau đến nhà lang.
Khi làm lễ, ông mo khấn cầu:
“Thuận mưa, thuận gió
Cho ló (lúa) được mùa
Sây bông tốt trái
Bông con vừa bằng vòi hái
Bông cái vừa bằng đuôi con trâu
Lấy xôi đắp bờ ruộng sâu
Lấy chùi (đùi) gà đắp bờ ruộng cao
Ló nhiều làm giàu cho bản”
Sau đó, ông mo “rang” cho người già nghe, còn trai gái hát ví, “chàm đuống” cho đến quá nửa đêm mới đi ngủ và ngủ ngay tại nhà lang. Sáng ra trở dậy, họ cùng nhau đi nhổ mạ, cấy lúa cho nhà lang, rồi ăn uống. Từ hôm sau toàn dân bản mới cấy ruộng nhà mình. Ở xã Tất Thắng, khi trời hạn hán, làm lễ, thầy mo phải làm lễ cúng gọi vía lúa, lời skêu cầu thiết tha hơn:
“Lúa ở mường trời
Lời mường con kêu
Lúa về mường này làm giàu làm có
Bao nhiêu khốn khó bay về mường xa
Hỡi lúa nếp, lúa tẻ
Nghe lời mường ta kêu gọi
Bông con vừa bằng vòi hái
Bông cái vừa bằng đuôi con trâu
Lúa về đây làm giàu cho dân bản
Lúa về đây làm cho dân bản no lòng
Lúa ơi, lúa à…”
Lễ hội đình Cả, xóm Chiềng, xã Tất Thắng với những trò chơi dân gian rất vui nhộn, lành mạnh sau những tháng ngày lao động mệt nhọc, có dịp tụ hội để đua tài, được lưu truyền trong nền văn hoá dân gian của dân tộc, ngày càng được phát huy trong nhận thức bảo tồn văn hoá dân tộc. Lễ hội đình Cả giàu tính dân tộc, đậm nét truyền thống của địa phương, nên di tích có tác dụng cho việc nghiên cứu lịch sử dân tộc, phong tục lễ hội của dân tộc Mường. Phục vụ cho việc xây dựng nền văn hoá mới, làng xã văn hoá. Di tích lịch sử có giá trị bảo lưu được tín ngưỡng vùng dân tộc miền núi Thanh Sơn, trong kho tàng văn hoá dân gian vùng đất Tổ.
2.6. Lễ hội đình Tế, xã Tất Thắng:
Đình Tế còn gọi là đình Con Voi, vì đình lấy tên làng Tế để gọi tên đình. Còn tên “Đình Con Voi” do tên gọi phổ thông của dân làng vì trước cửa đình ở hai bên có đắp nổi hình đôi voi phục. Đình Con Voi nằm giữa làng Tế, đình được xây dựng trên một khu đất cao, rộng khoảng 1500m2. Phía Đông là núi Tản, phía Nam là dãy núi Lưỡi Hái, phía Bắc là núi Ba Chi, phía Tây là núi Đá vôi. Đình hướng về núi Tản (hướng Đông Nam), cách dòng chảy sông Đà 10km, đình tựa lưng vào núi Ba Chi. Đình Tế được xếp hạng cấp tỉnh tại quyết định Số 203/QĐ-UB ngày19/1/2001 của UBND tỉnh Phú Thọ.
Đình Tế thờ Tản Viên sơn thánh thời Hùng Vương, ngoài ra đình còn thờ các vị thần: Đức Mẫu Mẹ (sinh ra Tản Viên Sơn), Ngọc Hoa công chúa, Đức chúa ngàn Ba Chi thành hoàng bản thổ, Chúa ngàn núi Lưỡi Hái, Quan lang (Chăn Tẩy Ty Chiêu Thảo).
Hành trạng của vị thánh Tản Viên như sau: Đời Hùng Vương thứ 18 là Hùng Duệ Vương đóng đô ở Bạch Hạc – Việt Trì đặt tên nước là Văn Lang. Vua là một người đại lược hùng tài, thông minh, mẫn cán, thừa hưởng cơ đồ của các vua trước, mà tiếp tục bồi đắp rất thịnh. Trong thì sửa sang văn đức, ngoài thì phòng bị biên thuỳ, nhằm giữ việc yên dân làm trọng, thời bấy giờ ở động Lăng Sương (xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy nay) sinh ra Tản Viên trong một gia đình nghèo khó, hàng ngày phải lên núi Tản hái củi để lấy tiền nuôi mẹ, nuôi thân. Một hôm lên rừng gái củi gặp tiên ông cho gậy thần để cứu giúp muôn dân. Lại nói về triều Hùng Duệ Vương theo ý trời mà hết. Hùng Dụê Vương sinh được 20 hoàng tử và 6 công chúa nhưng đều mất sớm chỉ còn 2 công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Tiên Dung kết duyên với Chử Đồng Tử, còn Ngọc Hoa vua cho kén để cầu hiền. Tản Viên đã đua tài với Thủy Tinh và chiến thắng lấy được công chúa Ngọc Hoa (theo truyền thuyết Sơn Tinh- Thuỷ Tinh) Duệ Vương liền truyền ngôi cho con rể là Tản Viên Sơn Thánh. Bấy giờ Bộ chủ Ai Lao là Thục Phán, cũng là tông phái họ Hùng, nghe được tin ấy Thục Phán cùng các nước láng giềng, đem quân tiến đánh để giành ngôi.
Thư từ biên ải báo về, Hùng Duệ Vương vô cùng lo lắng liền cho gọi Tản Viên bàn kế đánh giặc. Tản Viên liều triệu vời các tường tài và mang binh đi tuần tiễu các đạo để phòng giặc, đồng thời điều binh đốc xuất các mặt mà đánh. Đi đến đâu được dân trang hưởng ứng. Đến trại Cự Thắng, Tản Viên thấy địa thế đựp như rồng chầu hổ phục, dưới chân là những dòng suối nhỏ chảy bao quanh, bốn phía đều như thành luỹ, che chắn bỏi những rặng núi cao, rừng rậm. Tản Viên bèn truyền lệnh dựng doanh sở tập hợp binh sỹ chuẩn bị đánh Thục. Từ đây Tản Viên xuất trận và đã chiến thắng trở về. Nhân dân vui mừng chào đón Tản Viên, Tản Viên truyền lệnh mở hội khao quân và dân bản ăn mừng chiến thắng. Sau đó Tản Viên ra bái tạ nơi Thánh Mẫu đặt chân sinh ra mình (tương truyền rằng nơi đây Thánh Mẫu đi hái củi, ướm chân mình vào phiến đá về có thai sinh ra Thánh Tản, hiện còn phiến đá in chân người tại đây. Nhân dân lập miếu thờ gọi là miếu thờ (gọi là miếu Thánh Mẫu).
Truyền tụng về Tản Viên Sơn Thánh được nhân dân trong vùng lập đền thờ ghi dấu sự nghiệp lớn của Tản Viên trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Sau đó nhân dân dựng đình thờ và tôn Tản Viên Sơn là thành hoàng và thờ tại đình gọi là đình Tế…
Đình Tế được xây dựng sau khi làng hình thành với tài khai phá, chiêu dân lập ấp của các dòng họ Bùi – Lã – Nguyên – Đinh. Họ đều là dân tộc từ Cao Phong (Hòa Bình) đến đây sinh cơ lập nghiệp. Sau cách mạng tháng Tám thành công, Đình Con Voi là nơi cán bộ cách mạng tước đoạt và tuyên bố giải tán chính quyền phong kiến đế quốc, thiết lập chính quyền cách mạng. Đình Con Voi có vinh dự là nơi bầu cử quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, tại xã Hưng Thắng cũ (nay là xã Tất Thắng).
Hội xuân đình Tế tiệc chính vào ngày 8 tháng Giêng: Phần lễ được dân làng dâng hương, hoa, vật phẩm tỏ lóng thành kính cầu mong Đức Thánh Tản ban phúc lành cho muôn dân mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt. Phần lễ thì như vậy còn phần hội có nhiều trò chơi đa dạng, phong phú như: ném còn, hái úi, kéo co, chọi gà vật dân tộc, đánh đu, hát rang, hát ví, hò đu….
Ném đúm: (hay còn gọi là ném còn): Vào ngày hội, người ta chọn 1 điểm làm bãi còn, ở giữa tròng cây hóp hoặc tre. Vòng này được bịt giấy trắng hay giấy màu. Quả đúm đầu tiên xiên qua lần giấy dó và bay qua vòng. Trai gái hai bên, tung quả đúm cho nhau qua vòng tre, vừa tung vừa hát đối đáp giao duyên. Có khi trai gái tung còn không có vòng tre và ném thẳng cho nhau bắt. Chơi còn, là hình thức chơi vui ngày xuân của nam nữ thanh niên các dân tộc miền núi, nhưng Phú Thọ một số làng người kinh cũng mở hội ném đúm.
Quả đúm thường chỉ nhỏ như quả trứng ngỗng hay quả cam, đặt vừa lòng bàn tay. Loại hình tròn còn gọi là cầu hay văn vẻ hơn là quả tú cầu; cầu vuông còn đính vải màu ở bốn góc. Phần đuôi đúm không chỉ là vật trang trí cho đẹp mắt mà còn để quả đúm định hướng khi bay. Quả đúm vào cũng bọc bằng vải nhưng bên trong có thể là cát, mạt cưa cám hay thóc ở trong.
Kéo co: Kéo co là một trò chơi tập thể, vui khoẻ rất phổ biến ở hội làng. Trò chơi này không đòi hỏi nhiều công phu luyện tập như đấu vật, không đòi hỏi sức lực cường tráng và sự tranh cướp quyết liệt như cướp cầu đánh phết mà cũng không gây thương tích cho thân thể như trò đánh quân. Kéo co là một trò chơi rất giản dị và đầy tiếng vui cười, ở Phú Thọ thường chơi trò kéo co bằng dây song nhưng cũng có nơi kéo dây tre. Người chơi chia làm hai bên, thi nhau kéo sợi dây song dài khoảng 20m về bên mình. Quãng giữa dây có buộc túm vải màu đỏ làm chuẩn; chuẩn đó đặt ngang với vạch vôi hay vòng vôi trên mặt đất. Khi kéo chuẩn vải sẽ di chuyển vạch vôi và nhích về phía bên nào kéo khoẻ hơn. Cái vui ở đây là bên thắng cuộc thường bị ngã vì bên thua buông tay và đã ngã là ngã “chổng cẳng”, người nọ đè lên người kia.
Đu quay: Đu gồm có 4 cột gỗ, 2 quá giang, 1 trục quay. Thường được thiết kế 4 người hoặc 8 người chơi một lúc, thường là từng đôi nam nữ vừa đu vừa hát đang hoặc tình tự với nhau.
Đu trà và hò đu: Đu trà gồm có 4 cây tre chọn 4 góc (tùy theo có thể làm cao hay thấp). Hò đu của đồng bào Mường là một loại hát thơ lục bát, đây là loại hò giao thế (đối đáp giao duyên) được tổ chức vào mùa xuân. Giữa một khoảng đất rộng, người ta dựng một cây đu gọi là đu xe hay đu quay (còn gọi là đu cọn vì nó giống như hình cái cọn guồng nước của đồng bào miền núi), gồm 4 cột với 2 cột cái cao khoảng 4,5m và 2 cột con cao khoảng 4 m; trục đu (còn gọi là cối đu) dài khoảng 3,5m đến 4 m, đường kính khoảng 0,2m. Đu được các thợ mộc cừ khôi tạo dựng (ở đồng bào Mường vùng Thanh Sơn làm đu bằng tre và gọi là đu trà; đồng bào Mường vùng Yên Lập làm đu bằng loại gỗ tốt); guồng quay của đu tạo hình lục giác, có 6 quang đu để cho 3 đôi nam nữ cùng ngồi; có càng đu để cho 2 người nam giới khỏe mạnh thay nhau đạp cho đu quay đều. Đu được coi là sân khấu để cho các đôi trai gái, nam nữ thể hiện sự tài tình, tinh túy, linh hoạt trong lối hò giao thế: “ Khen ai khéo dựng đu này; Để cho trai gái chơi ngày chơi đêm”.
Trước khi vào hò đu, các bản đăng ký để ghép đôi hò đu với nhau, trong số 6 người dự thi thì chia làm 3 cặp, mỗi cặp một nam một nữ. Một điểm khác với đu bay là ai đã lên đu cọn là phải hò (hát). Thường thì bản nào đứng chủ thì là nữ, khách mới là nam; phải là người vừa giỏi việc làng, đảm việc nhà, vừa có tài ứng khẩu nhanh, thông minh, hoạt bát, lanh lợi. Sau khi bắt thăm các cặp, 3 đôi nam nữ ngồi lên đu và đối diện nhau theo từng cặp. Chuẩn bị xong, trưởng bản gõ một hồi trống, dứt tiếng trống thì cuộc hò đu bắt đầu, theo thứ tự lần lượt đôi số 1 đến đôi số 3. Người đạp đu cho đu quay với tốc độ vừa phải. Vào cuộc thi, chủ nhà là người nữ được quyền đưa ra những câu hỏi, câu đố để người nam trả lời và người nam cũng có quyền đưa ra những câu hỏi, câu đố để nữ trả lời. Các vế đối thường là những câu hò về quê quán, gia cảnh, việc làm, tính nết, quan hệ…Hò đu không có bài bản, trình tự được sắp đặt sẵn mà phụ thuộc vào chủ thể hỏi về vấn đề gì…. Lối hát thơ trong hò Đu chủ yếu là thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể với nghệ thuật ẩn dụ, ví von, so sánh như:
Sông ngân chưa kịp bắc cầu
Ruột tằm chín khúc héo sầu như vo
Thi hò đu sẽ loại trực tiếp, người thắng cuộc sẽ đi tiếp vào vòng sau. Nghiên cứu về tính chất và kết cấu âm nhạc thì hò Đu chính là hát Ví đối đáp giao duyên, dùng cây đu làm sân khấu, cũng như hò sông nước họ dùng thuyền hoặc có những tộc người đợi phiên chợ để được hát đối đáp và chọn bạn đời trăm năm.
Lễ hạ điền (lễ đánh cồng cầu lúa): Lễ hạ điền được tổ chức vào vụ mùa hàng năm, sau khi dân làng đã bừa ruộng ngẫu và chuẩn bị cấy. Dân làng tuỳ tâm góp lễ. Khi xin được âm dương (hai đồng tiền 1 sấp 1 ngửa). Sau đó 1 thanh niên chưa vợ, gia đình không có tang vác cây nêu (hoặc 1 cây tre hay hóp) và một cái cọc ra ruộng. Sau đó 1 nữ thanh niên chưa chồng cấy quanh cây nêu. Tục truyền rằng sau khi hạ điền 3 hôm dân làng mới được cấy. Khi hạn hán, thầy mo phải làm lễ cúng gọi Vía lúa, lời kêu cầu rất tha thiết:
“Lúa ở Mường trời
Lời Mường con kêu con gọi
Lúa về Mường này làm giàu làm có
Bao nhiêu khốn khó bay về Mường xa
Hỡi lúa nếp, lúa tẻ
Nghe lời Mường ta kêu gọi
Bông con vừa bằng vòi hái
Bông cái vừa bằng đuôi con trâu
Lúa về đây làm giàu cho dân bản
Lúa về đây làm cho dân bản no lòng
Lúa ơi, lúa à, lúa ơi, lúa à…”
Như vậy, lễ hạ điền với nghi thức cầu thánh thần được cử hành nghi thức ở đình. Còn nghi thức cầu mùa thì cử hành ngay thực địa trên một thửa ruộng định sẵn, mặc dầu chỉ là những hành động tượng trưng. Cây nêu tiêu biểu cho cây vũ trụ nối liền trời – đất, âm – dương giao hoà sinh sôi. Người xuống cấy lúa mở đầu thời vụ dù là đàn ông – dương tính hay đàn bà – âm tính cũng đều mang tính tượng trưng cho sự sinh sôi (mẹ lúa) hoặc sức mạnh của nguồn sinh sôi (chúa đồng, chủ ruộng, lão ông hạnh phúc vẹn toàn). Lễ hội đình Tế là lễ hội đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường được đông đảo nhân dân và du khách gần xa tham gia hưởng ứng, tâm thành về với cội nguồn mong cầu nhà nhà ấm no, quốc gia hưng thịnh.
2.7. Lễ hội đình Thạch Khoán, xã Thạch Khoán:
Thạch Khoán là xã miền núi thuộc huyện Thanh Sơn. Phía Đông giáp xã Tân Phương, phía Nam giáp xã La Phù ( huyện Thanh Thủy); Phía Tây giáp xã Thục Luyện, phía Bắc giáp xã Giáp Lai ( huyện Thanh Sơn).
Mặc dù đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhân dân Thạch Khoán vốn có truyền thống yêu nước ngay từ những ngày đầu lập làng. Đặc biệt vào thế kỷ 15, Thạch Khoán đã có những người con như Đinh Công Mộc đứng lên làm thủ lĩnh kêu gọi nhân dân chiến đấu chống quân Minh để bảo vệ quê hương giành độc lập dân tộc cho đất nước Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh giải phóng đất nước, cư dân làng Thạch Khoán dù là người Mường song về bản chất vẫn là con cháu người Việt Cổ có chung một lối sống và phong tục tập quán cổ truyền thờ cúng tổ tiên và thờ cúng những vị anh hùng dân tộc có công dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Làng Thạch Khoán còn bảo tồn được ngôi đình cổ khá đồ sộ nằm giữa một vùng núi đồi, một bản làng yên tĩnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đình Thạch Khoán thờ Tản Viên Sơn là người có công lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước thời Hùng Vương thứ 18. Đình Thạch Khoán phối thờ 4 vị thổ tù họ Đinh là người làng Thạch Khoán đã có công đánh đuổi giặc Minh thế kỷ 15 đó là Đinh Công Mộc, Đinh Công Tốt, Đinh Công Nhạ, Đinh Công Thái. Công lao to lớn của người thủ lĩnh Đinh Công Mộc, một vị tù trưởng Mường được sử sách ghi chép khá nhiều. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: ” Đinh Công Mộc người huyện Thanh Thủy, có công giúp Lê Thái Tổ, được giao chức Đại tướng quân Vũ quận công, quản lãnh binh dân bản xứ, lúc chết, người sở tại lập đền thờ”. Lại chép: ” Đền đại tướng quân họ Đinh ở xã Thiết Khoán, huyện Thanh Thủy, thần họ Đinh, tên là Mộc”.
Đình Thạch Khoán còn lưu giữ cuốn văn tế ghi: … Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn còn có thủ lĩnh địa phương Đinh Công Mộc. Ông là người Mường làng Thạch Khoán ( nay là xã Thạch Khoán – huyện Thanh Sơn) đã lãnh đạo dân binh vùng Thanh Sơn, Thanh Thủy chống nhau với quan quân nhà Minh đến cướp phá bản làng. Đinh Công Mộc được Lê Thái Tổ phong tước: Vũ quận công, sai quản lĩnh hương binh bản xứ. Khi ông mất, 5 làng thuộc Thanh Sơn và Tam Thanh ( nay là Thanh Thủy và Tam Nông) lập đền thờ ông. Ông mất vào ngày 15/7 Âm lịch.
Đình Thạch Khoán là ngôi đình cổ có nguồn gốc xây dựng từ rất sớm và được trùng tu lớn vào đầu thế kỷ19. Đây là ngôi đình cổ duy nhất của huyện miền núi Thanh Sơn còn bảo tồn được kiến trúc cũng như lễ hội truyền thống. Đình Thạch Khoán còn giữ nguyên được kết cấu kiến trúc gỗ được làm theo kiểu chữ nhất, gồm một tòa 5 gian, 2 dĩ được trang trí các bức chạm nghệ thuật điêu khắc gỗ ở gian chính giữa đình là chủ yếu với nội dung đề tài ” Tứ linh” thể hiện ước mong cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp. Có thể nói, đình Thạch Khoán là một di sản văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Mường, đồng thời ngôi đình cũng là trung tâm sinh hoạt văn hoá tinh thần của cộng đồng làng xã, nơi tổ chức lễ hội truyền thống. Hàng năm lễ hội đình làng Thạch Khoán được tổ chức vào 2 ngày: Ngày 24/ Giêng (Cáo tiệc) và ngày 25/Giêng (Chính tiệc).
Thường thì năm nào làng Thạch Khoán cũng tổ chức lễ hội với các nghi lễ truyền thống để tưởng nhớ công đức của các vị thành hoàng làng đã có công dựng nước và giữ nước như: Tế lễ, rước sắc và tổ chức các trò chơi dân gian ném đúm (còn gọi là ném còn) đu bay, cờ người, cờ bỏi … Các trò chơi dân gian là những trò diễn, vui chơi đua tài, thi khéo của hội làng Thạch Khoán. Đồng thời cũng là một trò chơi mang hình thức sinh hoạt văn hoá đặc sắc của người Mường trên địa bàn miền núi Thanh Sơn. Song dân làng Thạch Khoán cũng đưa ra những qui định chung: Những năm chẵn và năm được mùa thì mở hội lớn để mọi người dân được vui chơi tắm mình vào các trò chơi giải trí, để cầu may, cầu lành, cầu mùa màng bội thu…
Ngày chính tiệc 25 tháng Giêng tổ chức rước kiệu từ đình đến nhà ông chủ tế (tức già làng) để rước sắc và ông chủ tế ra đình Thạch Khoán tế lễ. Các cụ trong ban tế thực hiện đúng tuần tự nghi lễ tế 3 tuần. Tế lễ song tổ chức các trò chơi ở trước cổng đình và sân đình:
Ném còn: Vào ngày hội ban tổ chức chọn điểm làm bãi còn và trồng cây đu ở trước cổng đình Thạch Khoán. Bãi còn ở giữa trồng một cây tre cao 13m, trên ngọn buộc một chiếc vòng bằng tre đường kính 0,50m, vòng này được bịt bằng giấy trắng hay giấy màu. Quả còn hình tròn hay hình vuông làm bằng vải, trong bọc cám hay cát, thóc… Có kích thước nhỏ như quả cam, quả trứng ngỗng đặt vừa lòng bàn tay. Các quả cầu được đính những tua vải màu xanh, màu đỏ… gọi là đuôi còn. Đuôi còn không chỉ làm vật trang trí cho đẹp mắt mà còn có tác dụng hướng cho quả còn bay.
Trước khi vào cuộc ném còn cụ chủ tế đem 6 quả còn vào đình làm lễ, sau 3 hồi trống, cụ chủ tế đem còn ra bãi ném, trai gái chia nhau đứng hai bên đứng cách cột còn 15m, mỗi bên 3 quả còn và ông chủ tế tuyên bố hội ném còn bắt đầu. Hai bên tung quả còn cho nhau vừa tung vừa hát đối đáp giao duyên. Đứng xem xung quanh bãi còn có mọi người dân trong làng, hoà chung là những tiếng reo hò, chiêng trống vang dội cả một vùng. Cứ như thế hội ném còn tiếp diễn người bên này ném cho người bên kia, ai đỡ được quả còn ném tiếp, cứ thế ai ném trúng quả còn là được giải và hội ném còn kết thúc trong tiếng reo hò tán thưởng của mọi người và người được giải năm đó sẽ được nhiều may mắn, thần hoàng làng ban lộc cho.
Đu bay: Là một hình thức vui chơi truyền thống ở hội làng Thạch Khoán dành cho thanh niên nam nữ chưa vợ chưa chồng. Đây là hình thức vui chơi lành mạnh thu hút đông đảo nam nữ thanh niên đến với hội làng trong dịp đầu xuân và cũng từ hội đu này nhiều đôi đu đã nên vợ nên chồng. Cây đu được làm bằng bốn cây tre trồng bốn góc theo hình vuông, đầu tre chụm vào nhau đóng then ngang, trông như hình gọng vó, có một chốt ngang ở đu xỏ, hai cây tre thả dọc xuống, buộc một bàn ngang bằng gỗ để đặt chân. Khi đánh đu, một trai và một gái cùng lên đứng chung một bàn đạp quay mặt vào nhau, tay cùng vịn vào hai cây tre thả dọc làm thân đu. Người chơi đu dùng sức dún cho đu bay thật bổng, thật cao, đưa trao từ bên nọ sang bên kia như quả lắc đồng hồ. Đây là trò chơi đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, có sức dún và phải không chóng mặt, không buồn nôn khi đu cao, bay tít và lối chơi này không thích hợp với người già, người đứng tuổi. Chơi đu thường là chơi đôi, một nam một nữ chưa vợ chưa chồng. Chính vì vậy, đu bay chỉ phù hợp với lứa tuổi nam nữ thanh niên mà thôi.
Có thể nói, lễ hội đình làng Thạch Khoán là một hình thức vui chơi hội đám tiêu biểu, dễ hòa nhập, có sức cuốn hút đông đảo nhân dân trong vùng tham gia. Với ý nghĩa lịch sử văn hóa này đã khẳng định đình Thạch Khoán và lễ hội truyền thống là nét đẹp văn hóa của vùng đất Tổ. Thiết nghĩ, lễ hội đình Thạch Khoán được bảo tồn, phát huy sẽ là điểm đến cho du khách tham quan theo các tua du lịch về miền lễ hội cội nguồn Việt Nam.
2.8. Lễ hội đền Nhà Bà, thị trấn Thanh Sơn:
Đền Nhà Bà thờ bà Chúa Ong, người đã có công giúp đỡ dân, dạy dân cày cấy, nuôi trồng và bà cũng là vị tướng có công dẹp giặc. Về tên gọi bà Chúa Ong, theo ngày 20/10/1973 của Ty Văn hóa Vĩnh Phú ghi chép về nữ thần được thờ tại đền Nhà Bà khi mất đã hóa thành con ong. Đồng thời, theo các cụ cao niên, người Mường quan niệm đàn ong phải có chúa, bà là người đứng đầu dân Mường nơi đây nên gọi bà là bà Chúa Ong.
Hiện tại đền Nhà Bà không còn sắc phong. Theo lời kể ông Đinh Công Sắc (sinh năm 1933), khi xưa ông nội và bố ông là ông từ của đền Nhà Bà. Năm 1947, chạy giặc Pháp, có gửi sắc phong vào đình giáp Hạ (đình thờ ông Đinh Công Ngự, có công dẹp giặc và phối thờ bà Chúa Ong), đình bị giặc Pháp đốt cháy, vì vậy mà mất sắc phong. Nghe các cụ kể lại, đền thờ bà Chúa Ong, người có công dạy dân trồng trọt, chăn nuôi, cũng là một vị tướng có công dẹp giặc. Nhân dân nhớ công ơn bà, dựng đền thờ phụng, hàng năm cúng lễ tưởng nhớ công ơn bà.
Cũng theo tư liệu kiểm kê ngày 20/10/1973 ghi chép về lịch sử thờ tự, tài liệu hiện vật liên quan, tình trạng đền Nhà Bà và theo lời kể của ông Trịnh Quốc Tiến (sinh năm 1960, Trưởng phố Ba Mỏ) cho biết: “Từ xa xưa lâu lắm, trời đất hạn hán dân tình đói khổ. Mọi người trong vùng thường xuyên cầu trời đất phù hộ. Ở xứ làng Hạ lúc bấy giờ, có vợ chồng ở lâu mà không có con. Một hôm cụ bà đi vào rừng, thấy vết chân to, ướm thử chân mình vào. Trở về nhà, bà có mang, 2 ông bà mừng rỡ. Bà sinh hạ được một người con gái, khi chào đời cô gái đã biết nói, biết đi, xin đi cứu dân. Cô đi đến chân trời, bái tạ rồi biến mình thành ong, bay lên núi Tản Viên, cứu dân làng khỏi hạn hán. Dân làng biết ơn, lập đền thờ”.
Như vậy, lịch sử, hành trạng vị thần được thờ tại đền Nhà Bà là những truyền thuyết được lưu truyền lâu đời trong nhân dân. Nhân vật được thờ là vị nữ thần có lai lịch thần bí, vừa có yếu tố thiên nhiên vừa có yếu tố con người và yếu tố huyền bí hóa. Đền Nhà Bà – thờ bà Chúa Ong – ra đời từ trong cuộc sống đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, với cường quyền đè nén với ngoại xâm tàn bạo, gắn bó trực tiếp với cộng đồng dân cư. Theo dòng chảy lịch sử lâu đời của nó, ngôi đền với tín ngưỡng thờ Mẫu – một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời của người Việt đã phát triển thành tín ngưỡng tam phủ, tứ phủ, có sự gắn bó tự nhiên gần gũi với nhân dân lao động cho đến ngày hôm nay.
Gắn với di tích là những giá trị văn hoá phi vật thể của đồng bào dân tộc Mường tại Thanh Sơn, Phú Thọ, tiêu biểu là lễ hội dân gian truyền thống với nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương sớm được khôi phục lại các ngày lễ hội theo truyền thống, để tiếp tục duy trì và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của địa phương.
Ngày mùng 1 tháng Giêng: Ông từ ra đền thắp hương tại đền sau đó mới về nhà thắp hương. Trước đó, ngày 30 tháng Chạp, dân làng cử người ra quét dọn đền, lấy cát sạch trong suối để thay chân hương.
Ngày mùng 7 tháng Giêng: Lễ khai xuân, mở cửa rừng. Lễ vật trong ngày này có xôi, thịt lợn, gà và bánh chưng. Ông từ lên đền, cúng và dân làng xung quanh đến thắp hương. Tập tục từ xưa đến nay vẫn duy trì.
Ngày 12/2 (âm lịch): Ngày giỗ bà Chúa Ong, kỳ tiệc lệ chính. Kỳ tiệc lệ này được dân làng duy trì thường xuyên hàng năm đến trước những năm kháng chiến chống Pháp. Đền Nhà Bà bị phá hỏng năm 1952, sau đó được dựng lại nhưng lễ hội không được tổ chức như trước, chỉ còn duy trì cúng tế, thắp hương ngày tuần tiết.
Lễ hội trước những năm kháng chiến chống Pháp: Chuẩn bị cho ngày hội làng, ngày giỗ bà Chúa Ong, tập tục lâu đời dân làng mỗi năm cắt cử một hộ làm “Nhà hóa”. “Nhà hóa” được lựa chọn lần lượt qua mỗi năm, các nhà có danh tiếng trong làng mới được chọn làm nhà hóa. “Nhà hóa” chịu trách nhiệm nuôi lợn, gà, trồng lúa đến ngày giỗ bà Chúa Ong, lợn từ 50kg trở lên để mổ thịt, làm bánh trôi, bánh dùng cúng giỗ. Từ ngày 11/2, trai tân, gái tú tập trung ở “Nhà hóa” để giã bột, làm bánh. Gạo để thổi xôi, làm bột làm bánh đều trồng trên ruộng cúng của đền, hàng năm được phân cho “nhà hóa” trông nom. Lễ vật dâng cúng giỗ bà Chúa Ong trong kỳ tiệc lệ gồm có: Thủ lợn, xôi, gà và cỗ chay
Cỗ chay có bánh trôi, bánh dùng. Bánh trôi tượng trưng cho các vì sao. Bánh dùng tượng trưng cho mặt trăng. Dân làng tập trung ở “nhà hóa” làm bánh từ hôm trước, tối 11/2 lên đền cúng cáo. Sáng sớm hôm sau mổ lợn, thổi xôi, sắp lễ thủ lợn cùng bánh trôi, bánh dùng rước lên đền. Lễ rước khoảng 8h bắt đầu đi từ “nhà hóa”, kiệu rước là kiệu bát cống. Trên kiệu đặt xôi, thủ lợn, 5 đĩa bánh trôi, 5 đĩa bánh dùng, rước vào đền, chuyển lên thượng cung. Ngoài 5 đĩa bánh trôi, 5 đĩa bánh dùng bày trên thượng cung, dưới dàn thượng cung bày 50 đĩa bánh mỗi loại (50 đĩa bánh trôi, 50 đĩa bánh dùng) và các lễ vật của các hộ dân. Giỗ bà Chúa Ong trên đền xong dân làng mới được ăn bánh trôi ở nhà mình. Sau khi tế lễ, hạ lộc chia cho tất cả mọi người.
Tế lễ tại đền có đội tế nam gồm 11 người. Gồm có: Ông chủ tế mặc áo gấm màu xanh, khăn xếp, đi hài, các thành viên khác của đội tế mặc áo the, khăn xếp. Tế gồm 5 tuần, có dàn nhạc phụ họa gồm sáo, nhị, trống, chiêng. Trong cúng tế tại đền cũng như sinh hoạt trong dân làng không có cấm kỵ gì ngoại trừ kiêng gọi con Ong mà gọi là con Gio, con Khoái (gio là con ong mật, khoái là ong bò vẽ).
Trong ngày hội 12/2 có tổ chức các trò chơi dân gian hấp dẫn như: Ném còn, đánh vật, chọi gà…
Ném còn: Đây là trò chơi yêu thích của nam nữ dân tộc Mường trong dịp hội xuân. Đây không chỉ là trò giải trí mà còn là hình thức giao duyên mang màu sắc nghi lễ, cộng đồng để cầu chúc một năm mới no đủ, trai gái thành đôi. Vào dịp lễ hội, dân làng dựng ngoài sân đền một cây tre cao khoảng 15 – 20m, trên ngọn cây có một vòng tròn uốn bằng tren non, đường kính 30 – 50cm, dán giấy đỏ hồng tâm. Cột thường được dựng theo hướng Đông – Tây với ý nghĩa âm – dương hòa hợp. Cách chơi còn gợi ý nghĩa phồn thực khi quả còn bay trúng vòng tròn, xé thủng miếng giấy đỏ hồng tâm bịt kín vòng tròn. Quả còn hình cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong thường được nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải). Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Trước khi vào hội ném còn, ông chủ từ đem 5 quả còn lên bàn thờ chính làm lễ, xin thần rồi đem ra bãi ném còn.
Người xưa quan niệm đây là trò chơi phong tục, cầu lộc, cầu duyên. Nếu ai ném quả còn làm thủng tâm sẽ thắng cuộc, đồng thời dân làng cũng sung sướng, vì như vậy là điềm báo năm nay làng sẽ được mùa và may mắn. Nếu năm nào còn không lọt thì phải thi ném lại vì sợ mất mùa. Quả còn nào trúng đích sẽ được đem về thờ tại đình hay được cắt nhỏ chia cho dân làng để lên bàn thờ hoặc đem rắc ngoài ruộng với hy vọng cầu một mùa vụ bội thu.
Ném còn mang đậm màu sắc giao duyên nam nữ, khi quả còn trở thành vật trao chuyển tình cảm của nam và nữ. Khi đó, người con gái được phép bày tỏ với bàn dân thiên hạ biết người trong lòng mình bằng cách ném quả cầu vào tay người con trai ấy. Việc đỡ còn, nhận còn cũng chính là cách mà người con trai đáp lại tình cảm của người con gái.
Đấu vật: Đấu vật là một trò chơi dân gian mang tính cổ truyền ở hầu hết các tỉnh miền Bắc, miền quê Thanh Sơn, Phú Thọ cũng không là ngoại lệ. Ngay từ thời xa xưa, vật đã được coi là một phương pháp dùng để luyện sức, đo tài, chọn người ra giúp dân giúp nước. Đô vật khi dự vật mình trần trùng trục và chỉ đóng một chiếc khố. Trước khi vật, hai đối thủ cùng nhau lên đài, múa tay co chân, đi lại rình miếng lẫn nhau. Sau đó họ xông vào ôm lấy nhau mà vật. Có hai người làm nhiệm vụ phất cờ và đánh trống trong lúc các đối thủ vật nhau. Người đánh trống cầm một chiếc trống khẩu ghé vào tai các đô vật đánh ba tiếng một như để khuyến khích thúc giục. Người phất cầm cờ cán dài để ngăn cản người xem khỏi lấn vào sân vật và phất cờ theo nhịp trống khi có người thắng cuộc để cổ động người thắng.
Những ngày đầu của mùa Xuân thuở thanh bình hay những buổi hội hè, dân làng thường tổ chức những cuộc vui, trong đó có đấu vật. Trống vật nổi lên là có sức thu hút mọi người, già, trẻ, gái, trai, đủ mọi tầng lớp nô nức đến bao quanh sới vật. Đánh vật đã trở thành một tục lệ, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Ngày hội làng diễn ra tại đền Nhà bà, các đô vật tại làng và cả các giáp xung quanh về đấu vật. Giải thưởng cho các đô vật bằng tiền, giải tuy ít chủ yếu là lấy may, lấy vui đầu năm.
Ngày mùng 10/10 (âm lịch): Lễ cơm mới, lễ vật có gạo cơm mới, xôi thịt và có cốm làm từ lúa còn xanh, đem luộc rồi phơi khô, cho vào rang cho nổ vỏ. Bỏ vỏ, đem đi xôi lại, đóng vào khuôn thành bánh cốm, dâng lên làm lễ vật cúng bà Chúa Ong.
Ngoài ra, hàng tháng vào mùng một và ngày rằm đều có thắp hương tại đền. Hiện nay, tại đền Nhà Bà duy trì việc sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thường xuyên, ngày hội làng hay các kỳ tiệc lệ đều có lễ thắp hương kính cáo, tưởng nhớ đến Bà chúa Ong và các vị thần. Các trò chơi dân gian chưa được khôi phục lại cùng một số tập quán dân gian trong tổ chức hội làng xưa. Đây cũng là mong mỏi của nhân dân địa phương được duy trì những tập quán tốt đẹp của ông cha để lại.
2.9. Lễ hội đình Bản Thôn, xã Yên Sơn:
Đình Bản Thôn được xây dựng tại khu Mố, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm huyện Thanh Sơn 40 km.
Di tích thờ Tản Viên sơn thánh – Tản Viên Sơn Thánh tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai. Cùng với Thánh Gióng – tượng trưng cho tinh thần chống giặc ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ; Chử Đồng Tử – tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân và sự sung túc giàu có, và Liễu Hạnh công chúa – tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, phúc đức, sự thịnh vượng, văn thơ, được nhân dân tôn là bốn vị thánh không bao giờ chết “Tứ bất tử”. Và trong tín ngưỡng “Tứ bất tử” ấy, Tản Viên Sơn Thánh được tôn là “đệ nhất bất tử”. Hầu hết các ngôi đình của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập đều thờ Đức Thánh Tản Viên.
Qua tư liệu Thần tích thần sắc và lời kể của các cụ cao niên, trước đây trong một năm đình Bản Thôn có các kỳ tiệc lệ như sau (tính theo âm lịch):
Kỳ tiệc ngày mùng 7 tháng Giêng: Cầu mở cửa rừng.
Kỳ tiệc rằm tháng Giêng: Đại tiệc.
Kỳ tiệc mùng 5 tháng 5: Tết đoan ngọ
Kỳ tiệc mùng 10 tháng 10: Cơm mới
Kỳ tiệc 27 tháng 12: Đóng cửa rừng.
Trong đó kỳ tiệc ngày rằm tháng Giêng tương truyền là ngày sinh Đức Thánh Tản, đây là kỳ đại tiệc của đình Bản Thôn, được tổ chức linh đình, trọng thể với đầy đủ phần lễ và phần hội.
Ngay từ trong năm đã phải họp bàn về việc lựa chọn đội tế cắt cử người chuẩn bị lễ vật.
Về đội tế, lựa chọn những người quang quẻ, không tang bụi, còn cả vợ chồng, có cả con trai, con gái. Đội tế có 12 người, có 1 người chủ tế, 2 người chấp đăng, 6 người phụng tửu, 2 người xướng tế (Đông xướng, Tây xướng) và 1 người hành văn. Những người đã được lựa chọn vào đội tế, trước ngày tiệc phải chay tịnh, không trai gái, không ăn những thứ đồ ôi thiu và các con vật chết.
Về lễ vật, theo lệ làng ngày đại tiệc phải mổ trâu, lợn, gà và các thứ bánh: bánh ống (bang tày), bánh ông trăng (bánh giầy), bánh uôi, bánh nẳng. Để lễ vật được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, lềnh trưởng phải phân công cụ thể cho các phe các giáp.
Ngày 14 tháng Giêng, đến giờ Ngọ làm lễ cáo tế. Lễ vật chỉ đơn giản là cơi trầu, chén nước. Sau khi thủ từ xin quẻ âm dương xong là bắt đầu vào hội.
Lúc này tại nhà lềnh trưởng, các giáp bắt đầu chuẩn bị lễ vật cho ngày 15.
Tối ngày 14, tại đình có tổ chức hát Chèo.
Rạng sáng ngày 15, sau khi lễ vật đã chuẩn bị xong, được bày biện trên ban thờ thánh đến giờ Mão thì bắt đầu làm lễ rước. Hành trình của đoàn rước đi từ đình ra núi Tu Tinh. Thành phần đoàn rước gồm: đi đầu là đội bát âm, sau là ngai đặt trên kiệu do 8 nam thanh niên khiêng, có bố trí thêm 4 người thay. Ngai có che tàn, lọng – do 2 người cầm, lễ đặt trên kiệu, phía trước ngai. Tiếp sau cờ là đội tế và quan viên. Sau cuối là dân làng.
Tương truyền, núi Tu Tinh là nơi sinh ra Đức Thánh Tản nên khi gần đến chân núi, đoàn rước dừng lại. Lúc này thủ từ làm lễ thắp hương, xin âm dương xong là đoàn rước lại trở về đình. Sau khi đoàn rước về đến đình thì bắt đầu làm làm lễ tế. Nghi thức tế trang nghiêm, thể hiện sự tôn kính của dân làng đối với thần, nghi thức tế gồm các bước:
Sau tiếng “Khởi chinh cổ”, trống chiêng cùng đánh, các thành viên đội tế lần lượt ai vào việc ấy: ra vị trí cây quán tẩy để lau tay (đối với các chấp sự), rửa tay (đối với chủ tế); kiểm tra lễ vật trong cung đã đầy đủ hay chưa, sửa sang lễ vật cho ngay ngắn; sau khi đảm bảo lễ vật đã đầy đủ, các ông chủ tế, bồi tế về đứng tại vị trí đã được quy định sẵn và chủ tế làm thủ tục dâng hương.
Quan trọng nhất của phần lễ chính là nội dung hiến lễ (dâng lễ) có 3 tuần hiến lễ: hành sơ hiến lễ; hành á hiến lễ; hành chung hiến lễ. Các tuần hiến lễ này đều được làm giống theo sự điều khiển của 2 ông Đông xướng, Tây xướng. Sau phần hành chung hiến lễ là ẩm phúc và thụ tộ (chủ tế nhận lộc thần linh ban, chủ tế ăn một miếng thịt, 1 miếng xôi và uống 1 ngụm rượu).
Sau dâng lễ là đến phần đọc chúc, hóa chúc. Hóa chúc xong những người tham gia tế làm lễ tất và đến đây là kết thúc phần lễ.
Sau phần lễ là đến phần hội. Phần hội được tổ chức ngay tại sân đình. Tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã vang lên, vừa thúc dục vừa hấp dẫn không chỉ đối với người làng mà còn cả làng bạn xung quanh và khách thập phương đến đua tài, đua sức với các trò chơi đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường như:
– Ném còn: là trò chơi tín ngưỡng hấp dẫn của trai gái trong dịp hội làng. Quả còn to bằng bàn tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông. Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre (hoặc vầu) cao trên đỉnh có vòng còn hình tròn (khung còn), khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho sức mạnh của mặt trời), mặt kia dán giấy màu vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Mở đầu cuộc chơi là phần nghi lễ, ông từ dâng hai quả còn làm lễ giữa trời đất, cầu cho bản làng yên vui, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no ấm.. Sau đó các quả còn khác của các gia đình mới được tung lên như chim én. Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt vào vòng còn trên đỉnh cột là người thắng cuộc. Trước khi khép hội, ông từ còn rạch hai quả còn thiêng lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may mắn. Ném còn làm cho người trong cuộc hào hứng, người đứng ngoài reo hò cổ vũ khiến không khí cuộc chơi rất sôi nổi, hấp dẫn. Ném còn là trò chơi không những thu hút nam nữ thanh niên mà nhiều người lớn tuổi cũng rất thích.
– Bắn nỏ: Là trò chơi tiêu biểu cho tinh thần thượng võ của đồng bào các dân tộc. Trong những lần đi rừng họ thường mang theo nỏ để săn thú do đó từ các cụ già đến thanh thiếu niên đều sử dụng rất thạo. Những người tham gia bắn nỏ thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ việc chọn vật liệu làm nỏ, căng dây, vót tên và tập các động tác bắn cho thật thuần thục. Đối tượng của trò chơi này là những thợ săn có tiếng, là những thiện xạ dùng nỏ săn bắn chim thú cho gia đình. Cũng có một số tay nỏ là những thanh niên khoẻ mạnh, ham thích môn bắn nỏ nhằm luyện tập sức khoẻ và bảo tồn môn thể thao truyền thống.
Trò chơi bắn nỏ được tổ chức trên bãi đất rộng. Lợi thế của trò chơi này là những người chơi ai cũng được sử dụng nỏ riêng của mình để quen với tay nỏ mà bắn trúng đích và được thử để chọn những tư thế, thử nỏ theo kinh nghiệm riêng của mình. Người thắng cuộc là người có nhiều mũi tên bắn trúng đích nhất.
– Đẩy gậy: Vừa là trò chơi dân gian, vừa là môn thể thao truyền thống. Đây là một trong những hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào Mường, Đối với môn đẩy gậy không chỉ thu hút sự tham gia của những chàng trai trẻ mà thu hút cả người già, những ai không đủ sức tham gia thì làm khán giả để cổ vũ động viên cho người thi.
Gậy thi đấu được làm bằng tre già ( thường là tre đực) thẳng hoặc những thanh gỗ tốt được bào nhẵn có chiều dài khoảng 2m, đường kính 0,04 – 0,05m, sơn hai màu đỏ và trắng. Người chơi mặc trang phục truyền thống, thắt đại xanh đỏ bước vào vòng tròn, hai người cầm đầu gậy còn trọng tài cầm giữa gậy. Khi tiếng chiêng, trống cùng tiếng còi hiệu lệnh của trọng tài vang lên thì cuộc thi bắt đầu. Trong vòng tròn hai thanh niên lực lưỡng đang cố gắng dùng hết sức để đẩy đối thủ ra khỏi vạch thi đấu. Tiếng chiêng trống cùng tiếng reo hò cổ vũ của khán giả như tiếp thêm sức mạnh các vận động viên. Theo luật thi đấu thì bên nào chân chạm vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc, mỗi trận đấu thường diễn ra 3 hiệp, ai thắng 2 hiệp là người thắng cuộc. Phần thưởng trong cuộc thi không lớn chỉ mang tính chất động viên khích lệ tinh thần. Đẩy gậy là môn thể thao cần đến sức khoẻ và sự khéo léo của vận động viên. Sau cuộc thi đấu các đối thủ lại khoác tay nhau cùng nâng chén rượu mừng, đó chính là nét đẹp trong văn hoá ngày hội. Từ đó càng thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các bản làng. Người dự hội đua nhau vui chơi vừa để thi thố tài năng lại vừa để thử vận may và giành giật giải.
Lễ hội kết thúc, phần lễ vật sau khi đã chia cho những người có chức sắc trong làng, thì dân làng ăn uống cùng nhau trừ những người có tang, những người có tội và phụ nữ.
Trải qua thời gian lịch sử, lễ hội đình Bản Thôn đã bị gián đoạn, không tổ chức từ những năm của thập kỷ 50 (thế kỷ XX). Năm 2014, UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản số 5389/UBND-VX1, ngày 16/12/2014 về việc cho phép khôi phục lễ hội truyền thống đình Bản Thôn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân địa phương. Tuy nhiên do điều kiện của địa phương còn nhiều khó khăn, lễ hội bị gián đoạn nhiều năm chưa tổ chức nên lễ hội đình Bản Thôn đã có ít nhiều sự thay đổi. Ngày nay, để phù hợp với điều kiện của địa phương đến ngày tiệc chính của đình Bản Thôn UBND xã chuẩn bị: ván xôi gà, hoa quả…để lãnh đạo và nhân dân địa phương với tấm lòng thành kính, dâng nén nhang tưởng nhớ người có công với dân với nước và cầu mong thần phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, dân làng mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Ngoài ra còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: bóng bàn, cầu lông, giao lưu văn nghệ thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Lễ hội đình Bản Thôn không chỉ nhắc nhở mọi người luôn hướng về cội nguồn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức đối với người đã có công với dân với nước. Mà thông qua các hoạt động của lễ hội người dân gắn bó với nhau hơn. Đó cũng là dịp để mọi người nhất là thế hệ trẻ lại có dịp để tìm hiểu, tưởng nhớ công lao, bày tỏ lòng tôn kính với vị thần của làng mình. Từ đó mỗi người đều có ý thức, trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại.
2.10. Lễ hội đình Thủ Rồng, xã Yên Lãng:
Đình Thủ Rồng thờ Tản Viên Sơn Thánh với truyền thuyết huyền thoại vào đời Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương), nhà vua có hai người con gái, người chị tên là Tiên Dung lấy chồng là Chử Đồng Tử, còn người em vua cho xây lầu bên ngoài thành để kén rể. Một hôm có hai người là Sơn Tinh và Thủy Tinh ở bể Nam Hải đến cầu hôn. Cả hai cùng tài giỏi, Vua Hùng không biết chọn ai, nên thách cưới với: “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” và ra điều kiện: Nếu ai đưa lễ vật đến trước thì Vua gả con gái cho. Nhờ có sách ước, Sơn Tinh đã thực hiện đúng yêu cầu của nhà Vua và được lấy công chúa Ngọc Hoa làm vợ. Lúc này Sơn Tinh được Vua Hùng tin dùng và có ý muốn nhường ngôi cho. Biết tin ấy, Thục Phán là chủ bộ lạc Tây Âu đã đem quân tới đánh chiếm nước Văn Lang để cướp ngôi. Cuộc chiến tranh Hùng-Thục xảy ra ác liệt và Tản Viên đã được Vua Hùng cử đi dẹp loạn. Tản Viên theo đường phía Tây tiến binh qua đất Yên Lãng-Thể Cần. Nơi đây đất đai bằng phẳng, phì nhiêu nên cho quân lính dừng nghỉ chân. Sau này chính nơi Sơn Thánh dừng chân, nhân dân đã lập đình thờ muôn đời hương hỏa.
Tản Viên Sơn Thánh được coi là hình ảnh tiêu biểu trong sự nghiệp dựng nước giữ nước của dân tộc Việt. Hầu hết các ngôi đình của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập đều thờ Đức Thánh Tản Viên. Trải qua bao thế hệ, người dân Phú Thọ nói chung, và người dân Yên Lãng nói riêng một lòng tôn kính, ngưỡng mộ vị Thánh Tản Viên Sơn. Hàng năm dân làng Yên Lãng cùng với dân các vùng lân cận đều mở lễ hội tưng bừng để tưởng niệm vị anh hùng huyền thoại của dân tộc ta.
Ngoài ra trong di tích còn thờ Cao Sơn, Quý Minh. Hai người vừa là em họ, vừa là tướng lĩnh của Tản Viên đã có công dẹp giặc Thục bảo vệ bờ cõi nhà Hùng. Đồng thời trong di tích còn thờ người có công chiêu dân lập làng, được tôn là thành hoàng, bản thổ.
Trong năm đình Thủ Rồng có các kỳ tiệc lệ sau:
– Lễ hội ngày 15/2 âm lịch
– Lễ Tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch
– Lễ cơm mới 10/10 âm lịch
Lễ hội chính của đình vào rằm tháng 2. Trước kia lễ hội truyền thống của đình Thủ Rồng được tổ chức như sau:
Ngay từ trong năm dân làng đã họp bàn về việc chuẩn bị đội tế cũng như lễ vật cho ngày lễ hội. Đội tế gồm 12 người (Chủ tế, Đông – Tây xướng, 02 bồi tế, 02 quan viên 01 đọc chúc, 04 chủ từ). Tuổi của đội tế trên 50 tuổi. Lễ vật phải có trâu. Mỗi làng mổ 1con trâu, trâu chọn trong xóm, do phó lí của làng chọn ở nhà người giàu, gọi là nhà lang. Ngoài trâu ra còn có lễ xôi gà, hoa quả.
Trâu được mổ từ ngày 14, chiều 14/2 rước ngai về cúng cáo tế (Ngai rước từ đình ra Ngả Hai – cách đình 500m về phía Đông, đó là nơi Tản Viên dừng thuyền ngắm núi non – rồi lại rước về, trên đường đi có nghỉ 02 lần để chạy cờ.
Đội hình đoàn rước như sau: đi đầu là đội bát âm, sau là ngai đặt trên kiệu do 8 nam thanh niên khiêng, có bố trí thêm 4 người thay. Ngai có che tàn, lọng – do 2 người cầm, lễ đặt trên kiệu, phía trước ngai. Tiếp sau ngai 14 người nam thanh nữ tú (07 nam, 07 nữ) chạy cờ, nam áo xanh, nữ áo vàng không có tay, có chít đai lưng và đai đầu, khi kiệu dừng thì cầm cờ chạy xung quanh kiệu, không có múa cờ. Tiếp sau cờ là chủ tế và quan viên, chủ từ. Sau cuối là dân làng.
Đến Ngả Hai làm lễ cúng. Trải chiếu đặt lễ gồm xôi, gà, hoa quả, bánh (chưng vuông nhỏ, bánh ốc từ gạo nếp để cả hạt ngâm gạo, gói bánh rồi đồ; bánh uôi còn gọi là bánh vặn làm từ gạo nếp xay, nhào bột nặn xoắn vào nhau, gói lá chuối rồi đồ. Bánh chưng thì xếp lẻ, bánh ốc và uôi thì xâu thành xâu tròn). Bánh này sắp mâm riêng. Đây là lễ đón thánh.
Đón thánh về rồi cáo tế cúng thánh. Sau tổ chức rước văn, bằng kiệu đón thánh, đến nhà người viết văn. Đội hình trên vẫn duy trì nhưng không có chạy cờ lúc đi, khi về chạy cờ 2 hoặc 3 lần tùy theo quãng đường. Văn để trên ngai. Đến đình chuyển văn vào trong đình đặt ở án gian dưới thượng cung.
Sáng 15/2, sớm phải rước ván (cỗ lễ, gồm 06 ván xôi, rượu, gà; 01 ván xôi trứng gồm 22 quả trứng luộc chín, 03 quả trứng sống ) ở khu được phân công về đình. Rước bằng 06 bàn xà, mỗi bàn xà do 1 nam, 1 nữ khênh, cử đại diện đi đầu. Đến cổng đình, tất cả ra đón, làm lễ trao – nhận, kiểm duyệt đồ lễ. Rước vào đình đặt tất trên thượng cung, ván trứng để giữa, 6 ván còn lại xếp xung quanh theo hàng bậc. Về đình làm tế chính. Chủ tế quần trắng – áo đỏ, mũ đỏ, đai đỏ, hài đỏ. Thành phần quan viên, nam thanh nữ tú, gồm 7 nam áo quan xanh, mũ đen, hài đen, đai đen; 7 nữ, trang phục áo quan vàng, mũ vàng, đai vàng, hài đỏ. Kiểu áo tế quan có tay, quần trắng.
Vật dụng tế: Chiếu chải làm 05 chiếu từ ngoài vào trong. Chiếu thứ 5 là chiếu thánh, không ai được đứng. Chủ tế và quan viên từ chiếu thứ tư trở ra. Chiếu nọ sát chiếu kia, không chồng lên nhau, chiếu có chữ Thọ đỏ.
Sau khi tế đủ 3 tuần, chủ tế hóa chúc ở chiếu 5. Khi hoá chúc văn, tế quan phải cầm chúc đang được hoá trên tay không được để cho rơi xuống đất. Nếu để chúc chưa được hoá mà rơi xuống đất thì dân làng năm đó không được may mắn vì để lời cầu của 1 năm rơi vãi. Hoá chúc xong chủ tế, bồi tế, các chấp sự vái 4 vái rồi đi ra, buổi tế lễ kết thúc. Sau đó các cụ hương lão, hương lý, chức sắc, kỳ mục, nhân dân lần lượt vào làm lễ.
Hội đình Thủ Rồng với các trò chơi đặc sắc của người Mường như: ném còn, bắn nỏ…
– Ném còn là trò chơi tín ngưỡng hấp dẫn của trai gái trong dịp hội làng. Quả còn to bằng bàn tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông. Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre (hoặc vầu) cao trên đỉnh có vòng còn hình tròn (khung còn), khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho sức mạnh của mặt trời), mặt kia dán giấy màu vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Mở đầu cuộc chơi là phần nghi lễ, ông từ dâng hai quả còn làm lễ giữa trời đất, cầu cho bản làng yên vui, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no ấm. Sau phần lễ ông từ cầm hai quả còn đã được ban phép tung lên cho mọi người tranh cướp, khai cuộc ném còn. Sau đó các quả còn khác của các gia đình mới được tung lên như chim én. Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt vào vòng còn trên đỉnh cột là người thắng cuộc. Trước khi khép hội, ông từ còn rạch hai quả cầu thiêng lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm của những bàn tay nam nữ (âm – dương). Ném còn làm cho người trong cuộc hào hứng, người đứng ngoài reo hò cổ vũ khiến không khí cuộc chơi rất sôi nổi, hấp dẫn. Ném còn là trò chơi không những thu hút nam nữ thanh niên mà nhiều người lớn tuổi cũng rất thích.
– Bắn nỏ là trò chơi tiêu biểu cho tinh thần thượng võ của đồng bào các dân tộc. Trong những lần đi rừng họ thường mang theo nỏ để săn thú do đó từ các cụ già đến thanh thiếu niên đều sử dụng rất thạo. Những người tham gia bắn nỏ thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ việc chọn vật liệu làm nỏ, căng dây, vót tên và tập các động tác bắn cho thật thuần thục. Đối tượng của trò chơi này là những thợ săn có tiếng, là những thiện xạ dùng nỏ săn bắn chim thú cho gia đình. Cũng có một số tay nỏ là những thanh niên khoẻ mạnh, ham thích môn bắn nỏ nhằm luyện tập sức khoẻ và bảo tồn môn thể thao truyền thống. Trò chơi bắn nỏ được tổ chức trên bãi đất rộng. Lợi thế của trò chơi này là những người chơi ai cũng được sử dụng nỏ riêng của mình để quen với tay nỏ mà bắn trúng đích và được thử để chọn những tư thế, thử nỏ theo kinh nghiệm riêng của mình. Người thắng cuộc là người có nhiều mũi tên bắn trúng đích nhất.
Ngày nay, lễ hội truyền thống đình Thủ Rồng tuy chưa thật đầy đủ như trước đây, hội làng tuy chưa tổ chức được các diễn xướng đặc sắc của người Mường như: diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, hát rang hát ví… nhưng bên cạnh phần lễ thể hiện sự tôn nghiêm thành kính đối với các vị thần của làng mình, hội đình Thủ Rồng còn có các môn thể thao như: bóng đá, cầu long, kéo co… không chỉ thu hút được đông đảo nhân dân trong vùng mà còn thu hút được nhân dân các vùng lân cận.
Đây là không gian văn hóa để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường như hát rang, hát ví, diễn xướng cồng chiêng và các trò chơi dân gian như ném còn, bắn nỏ, đu trà… Những giá trị văn hóa phi vật thể ấy cùng với ngôi đình là minh chứng cho một vùng quê giàu truyền thống văn hóa nằm trong hệ thống các di tích văn hóa thời kì Hùng Vương dựng nước.
2.11. Lễ hội đình Vỏ Trong, xã Yên Lương:
Đình Vỏ Trong là một trong số di tích còn sót lại của huyện Thanh Sơn còn bảo lưu được giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể. Đình Vỏ Trong được xây dựng từ thời Lê, trùng tu vào thời Nguyễn và khôi phục lại trên nền móng cũ năm 1987 trên khu đất bằng phẳng ở xóm Trại xã Yên Lương, có diện tích mặt bằng đình là 644m2, nhìn quay theo hướng Tây Nam. Xung quanh đình là khu dân cư đông đúc bao bọc. Theo các cụ truyền lại thì xưa kia đình được làm theo kiểu kiến trúc chữ Đinh (J) gồm đại bái 3 gian, 2 dĩ, hậu cung 2 gian 1 dĩ, kết cấu khung cứng bằng gỗ tứ thiết, với hệ thống cột 6 hàng chân bề thế, dưới chân các cột được kê đá, các phiến đá kê chân cột đều được đục hình cánh sen. Thức gỗ trong đình đều ăn khớp với nhau bằng các xàm, mộng mẹo chắc chắn, có các cốn được chạm khắc hình con giống, mái lợp ngói mũi hài, xung quanh được xây dựng bằng táng ong vữa mật loại vật liệu truyền thống của vùng trung du bắc bộ. Qua khảo sát cụ thể thì hiện tại trong khuôn viên di tích còn rất nhiều đá kê chân cột và những viên táng ong đã vỡ. Ngôi đình cổ không còn, đến năm 1987 nhân dân phục hồi lại ngôi đình hiện nay trên nền móng cũ. Đình Vỏ Trong gồm 1 toà 5 gian 2 dĩ thờ dọc, xung quanh lịa ván kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc ít người, các cột và kèo được làm từ gỗ nhóm 3, nhóm 4, mái lợp ngói sông cầu. Gian giữa được bố trí ván sàn thượng cung, cách mặt nền 1,3m xung quanh thưng ván, bên trên đặt 3 cỗ long ngai bài vị của Tản Viên và Cao Sơn, Quí Minh. Nhìn chung đình Vỏ Trong không còn kiến trúc cổ chỉ còn lại các dấu tích như: đá kê chân cột, đá ong…minh chứng cho sự phục hồi ngôi đình hiện nay dựa trên nền tảng của ngôi đình cổ xưa kia. Đình Vỏ Trong được gọi theo tên địa danh cổ của làng Vỏ Trong, xưa kia xóm Vỏ có làng Vỏ Trong, làng Vỏ Ngoài, từ Vỏ ấy được khởi đầu là Vở – xóm bên này suối, xóm trung tâm, sau này dân cư đông đúc tách ra sang bên kia suối: Vở Trong và Vở Ngoài về sau được Việt hoá thành Vỏ Trong, Vỏ Ngoài.
Đình Vỏ Trong còn có tên gọi khác là đình Ngũ Hành vì có 5 xóm cùng thờ: Xóm Quê, xóm Soi, xóm Mô Hang, xóm Vực, xóm Pheo thuộc các bản Mường của xã Yên Lương. Ngoài kiến trúc, di tích đình Vỏ Trong còn bảo lưu được hệ thống di vật, cổ vật, hiện vật phong phú như: sắc phong, ngọc phả, lư hương gốm thổ hà, bát hương sứ, long ngai, bài vị…đều có giá trị khoa học, lịch sử, nghệ thuật giúp cho chúng ta có sự hiểu biết về giá trị trên các đồ thờ ở giai đoạn lịch sử của từng thời đại. Di sản văn hoá phi vật thể cũng được người dân bản Mường Yên Lương bảo lưu, gìn giữ, đặc biệt là lễ hội truyền thống liên quan đến tướng lĩnh thời Hùng Vương. Theo thần tích, thần sắc làng Yên Lãng (nay là Yên Lương), tổng Yên Lãng, châu Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, ký hiệu TT-TS FQ4o 13/XVI- 26, dầy 7 trang và cuốn hương ước dầy 8 trang được lưu giữ tại Viện thông tin khoa học xã hội thì đình Vỏ Trong thờ Tản Viên Sơn tam vị tôn thần (Tản Viên, Cao Sơn, Quí Minh) bộ tướng của vua Hùng Duệ Vương (Vua Hùng thứ 18) giúp vua dẹp giặc Thục bảo vệ bờ cõi. Thần tích nói rõ rằng: Vua Hùng Duệ Vương – vua Hùng thứ 18 tuổi cao, lại không có hoàng tử kế nghiệp. Quân Thục liên tiếp cướp phá, xâm lấn bờ cõi nhà Hùng. Vua Duệ vương rất lo lắng, bèn triệu tập quân thần văn võ trong triều bàn cách chống giặc, đồng thời cho triệu con rể là Tản Viên Sơn đến hỏi kế đánh Thục. Tản Viên Sơn tâu rằng: Hơn hai ngàn năm, các đời làm vua, nhân đức dày còn thấm vào xương tuỷ mọi người. Nay nước giàu dân mạnh, uy tín của bệ hạ ra ngoài bốn bể. Quân Thục không tự biết mình dám ngang nhiên ngông cuồng ý đồ cướp ngôi, cướp nước. Vì việc nghĩa bệ hạ lo gì không đánh được giặc Thục. Thần xin lãnh ba vạn binh hùng, tướng mạnh đi dẹp Thục. Vua cả mừng liền trao linh quang thần nỏ và tuyển chọn tướng tài, quân giỏi giao cho Tản Viên đi dẹp giặc. Vua Duệ vương lại có thơ động viên quân rằng:
Cờ xí từng hàng cửa ngọ môn
Ba quân thống nhất một can tràng
Ngựa đi sức mạnh nhanh như gió
Hổ tướng đâu hiền tuyết lạnh nhan
Ngàn dặm đường xa ngàn dặm nhớ
Một lần li biệt một lần thương
Kiếm cung việc cũng anh hùng trước
Không sợ gian nan đó lẽ thường.
Lúc đó quân Thục từ Ai Lao tiến đến núi Quỳnh Nhai gần địa phủ Sơn Tây và trấn Tây Cung. Tản Viên Sơn theo hướng tây tiến binh qua đất Yên Lãng, Thể Cần … Đến Nội Châu nổi trống trận giàn thế trận, xuống hịch cho các phiên thần lấy lính phiên điều theo từng địa phận ứng chiến. Lúc đó Tản Viên Sơn lệnh cho hai vạn hùng binh thẳng đến núi Quỳnh Nhai cách năm mươi dặm reo hò mà đánh. Tướng Thục nghe thấy liền đem hết ba mươi vạn binh đánh nhau với Tản Viên. Quân Tản Viên giả vờ thua rút về phục ở hai bên núi Thiên Quy gần đến Mộc Châu. Tản Viên Sơn ngồi trên núi Mộc Châu hô thần trượng, thần trượng dài năm trượng, tức khắc trời nổi gió to, mây bay mù mịt quân Thục sợ hãi, quân Tản Viên thừa thế xông lên đánh tan quân Thục, quân Thục đại bại. Tin thắng trận của Tản Viên Sơn về đến triều đình, Vua Duệ vương mừng công chào đón Sơn Thánh, ban thưởng cho các tướng lĩnh cùng Sơn Thánh đã lập công, Vua bèn có thơ rằng:
Quả nhân không bị nhục người xưa
Vất vả bao công tướng nước nhà
Muôn dặm tinh kỳ cần gắng sức
Đầy trời mưa gió nhuộm chinh hoà
Quả nhiên cung kiếm tan hồn giặc
Lấy lại giang sơn giữ nước nhà
Được hai năm sau quân Thục mang hận thù đã cầu viện lân bang chuẩn bị tinh binh một trăm vạn người, ngựa khoảng tám nghìn con chia làm năm đạo quân. Một đạo chính ba mươi vạn quân, ngựa năm nghìn con theo mười châu từ con đường núi Quỳnh Nhai đi ra. Một đạo tả mười vạn tinh binh, ngựa một nghìn con theo đường Lạng Sơn châu vạn đi ra. Một đạo hữu hai mươi vạn tinh binh, ngựa một nghìn con theo đường đại Nam châu đi ra. Một đạo đi đường thuỷ, ba nghìn chiếc tàu thuyền, lính thuỷ ba mươi vạn quân đi theo đường Hoan Châu, hội quân ở Thống hải khẩu, đường thuỷ bộ cùng ngựa thuyền cùng tiến nhanh thế quân Thục rất lớn. Vua Duệ vương rất lo lắng, bèn triệu các đại thần đến hỏi. Các đại thần nhìn nhau không có thế gì chống giặc. Tản Viên Sơn Thánh tâu rằng: Trước đây nhà Thục ngông cuồng đem quân xâm chiếm nước ta, uy trời sấm sét đã tan, may nhờ độ khoan dung của thiên hoàng đã không phải vỡ bầy nát tổ. Nay không biết hối lỗi lại muốn làm càn đem càng con bọ ngựa để ngăn xe coi như đứt đốt một cái lông vậy. Bệ hạ không phải lo việc binh đao thần xin phụng sự. Vua Duệ vương hỏi rằng: Việc thăng toàn miếu đường định như thế nào? Sơn thánh tâu: Việc toàn quyền không thể dự sẵn, lúc biến cố không thể tính được trước thần xin năm vạn hùng binh việc quân cơ nhất định sẽ liệu xong.
Vua Duệ vương bằng lòng đáp ứng quân cơ giao cho Sơn Thánh, đem hàng vạn voi ngựa theo đường chính đến các châu đóng giữ. Sai Quí Minh linh lang binh quân phục quốc đại tướng quân nay là tả kiên thần chấn ở động Sơn Thần Tây Bắc sau con đường châu Đại Nam ém sau quân Thục. Sai Phục Quốc Ma Vương đại thân anh linh nhất lòng hào kiệt tướng quân nay tức là hữu kiên thần Cao Sơn ứng chiến thuỷ đạo hội ở cửa bể Thống Môn hải khẩu kiêm cả đất Ái Châu để chặn Thục. Sơn Thánh đích thân chỉ huy theo đường núi, kéo quân đi cả ngày lẫn đêm hơn năm mươi dặm thẳng tiến đến doanh trại của quân Thục, lúc đó hợp cùng với Tả kiên thần và hữu kiên thần là Cao Sơn và Quí Minh dàn thế trận bao vây quân Thục. Hai bên giao chiến chưa đầy một ngày quân Thục đã đại bại. Từ đó thiên hạ thái bình quốc gia hưng thịnh… Sau khi Tản Viên Sơn Thánh dẹp xong giặc Thục, ca khúc khải hoàn, được vua Duệ vương phong nhạc phủ kiêm thượng đẳng thần. Tản Viên Sơn Thánh về ngự tại núi Tản. Một ngày kia trời quang mây tạnh Sơn Thánh nhìn sang phía Tây núi Tản thấy núi đồi trùng trùng điệp điệp, non xanh nước biếc lại thấy có ngọn núi cao, ngọn núi thấp hơn, hệt như núi Mẫu Tử, Sơn Thánh đã ngự thuyền rồng vượt sông Đà sang ngòi Lạc, đến đất Yên Lãng đậu thuyền rồng tại một khúc ngòi có phong cảnh đẹp nhất, nơi đây xưa kia quân sỹ đã đi qua, đất đai bằng phẳng phì nhiêu, lại có núi đá nhấp nhô, thạch sơn cận thuỷ. Sau này chính nơi Sơn Thánh dừng chân nhân dân đã lập đình thờ muôn đời hương hoả. Như vậy đình Vỏ Trong thờ các tướng lĩnh thời kỳ Hùng Vương đã có công dẹp giặc Thục bảo vệ bờ cõi nhà Hùng. Hàng năm các tiệc lệ và lễ hội truyền thống diễn ra vào các ngày:
Ngày 7 tháng giêng (âm lịch) có lễ khai hạ, tiết khai xuân: Dân làng tổ chức tế lễ, hội ném còn, chơi đu, hò đu…
Ngày 12/2 (âm lịch) lễ chính trong năm, dân làng tổ chức lễ mừng công Tản Viên thắng trận, dân làng mở hội rước cờ, rước kiệu, hát ví, hát rang, giã đuống, diễn tấu cồng chiêng của người Mường…
Hội rước cờ mừng chiến thắng của Tản Viên được diễn ra náo nức trong không khí vui tươi, phấn khởi của toàn dân. Bãi chạy cờ phía trước cửa đình rộng chừng 300m2, được được dân làng dọn dẹp sạch sẽ từ những ngày hôm trước. Giữa sân cắm cờ ngũ sắc hình vuông cỡ lớn: xanh, đỏ, trắng, vàng, đen tương ứng với ngũ hành Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Xung quanh cờ ngũ sắc được bố trí 3 thanh niên trai tráng, khoẻ mạnh cầm cờ đuôi nheo. Sau khi làm thủ tục tế lễ tại đình, ông chủ tế cùng quan viên làng xã ra sân để chơi hội. Khi tiếng trống của ông chủ tế điểm vang lên thì 3 thanh niên vác cờ lên vai chạy vòng quanh lá cờ lớn ở giữa sân hội, cứ chạy theo nhịp trống tấu, trống cái đánh dồn, chạy đến khi thấm mệt thì 3 thanh niên hội tụ lại cờ ngũ sắc và dân làng đứng xem vòng ngoài đổ dồn đến để ăn mừng, chia vui. Sau đó ông chủ tế và quan viên cuốn lá cờ ngũ sắc đặt lên kiệu rước vào đình đồng thời đặt trang trọng lên phía trước long ngai để tiếp tục hội năm sau. Lễ hội rước cờ đình Vỏ Trong diễn tả lại sự chiến thắng mừng công của Tản Viên sau khi thắng trận trở về.
Ngoài lễ hội chính còn có các ngày tiệc lệ (âm lịch)khác cầu cho dân bản Mường luôn được may mắn trong năm: Ngày 15 tháng 7 lễ thượng điền, cầu cho dân làng được phong đăng hoà cốc. Ngày 10 tháng 10 lễ cơm mới. Ngày 25 tháng Chạp: Lễ khoá cửa rừng để dân làng ăn tết vui vẻ.
Lễ hội đình Vỏ Trong là sự biểu hiện lòng tôn kính của dân làng đối với đức thánh Tản và bộ tướng của ngài, sự kết hợp trong tín ngưỡng thờ tự truyền thống và tín ngưỡng thờ các vị nhân thần, thiên thần đã làm nên giá trị tâm linh đặc biệt của di tích và cho ra đời di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu. Lễ hội rước cờ mừng công của đình Vỏ Trong cũng là một nét sinh hoạt văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường, qua đó nói lên nguyện vọng, ước mơ chính đáng của người dân vùng đồng bào dân tộc ít người trước cuộc sống đầy những khó khăn, gian khổ họ mong muốn thần che chở, phù trợ họ vượt qua. Do đó lễ hội truyền thống đình Vỏ Trong thu hút được đông đảo du khách thập phương, đặc biệt là người dân bản Mường tham dự.
Nhìn chung, gắn bó với tục thờ cúng tổ tiên của người Mường trong đó người có công khai sơn lập quốc, Thánh Tản Viên Sơn là nhân vật được đồng bào tôn thờ bao đời nay. 10/11 di tích đã được nhà nước xếp hạng của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thanh Sơn đều thờ đức Thánh Tản. Chương trình quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đòi hỏi vừa huy động sự tham gia tối đa của cả cộng đồng trong việc giữ gìn, sáng tạo và chuyển giao di sản, vừa phải nâng cao năng lực quản lý của các cấp trong việc bảo vệ di sản để việc bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành hình mẫu trong công tác quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đối với đồng bào Mường vừa thiêng liêng, cụ thể, là điểm tựa tinh thần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc cùng nhau dựng nước và giữ nước. Thực tế cho thấy, đồng bào Mường Thanh Sơn bảo tồn khá tốt các loại hình di sản văn hóa gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Để tiếp tục duy trì, phát huy và khai thác tốt các giá trị của di tích lịch sử văn hóa trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Thanh Sơn nói chung, đồng bào dân tộc Mường nói riêng tiếp tục chú trọng công tác quy hoạch tổng thể giữa bảo tồn, tôn tạo di tích, đặc biệt là đầu tư khu di tích gắn với phát triển du lịch thông qua việc tổ chức lễ hội; phối hợp chặt chẽ với địa phương để xây dựng ý thức bảo vệ trong quần chúng. Phát huy sức mạnh của các cấp, ngành, toàn dân tham gia tôn tạo, phát triển di tích gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đẩy mạnh phong trào xã hội hóa; phát triển du lịch, thu hút mọi nguồn đầu tư cho phát triển du lịch văn hóa của huyện, góp phần làm cho di tích trở thành cầu nối quan trọng của du lịch cội nguồn. Và với đồng bào Mường, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa quê hương mình cũng là một cách để không gian văn hóa Hùng Vương được duy trì bền vững./.
Xem thêm: Lễ hội chùa Hương – Wikipedia tiếng Việt
Source: https://evbn.org
Category: Lễ Hội