Kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng Cộng sản Việt Nam – Đảng bộ Khối Dân – Chính – Đảng Thành phố Hồ Chí Minh

Tinh thần Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản sống mãi

 

Kỷ niệm 170 năm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (24/02/1848 – 24/02/2018)

 

 

Quan hệ sản xuất (QHSX) tư bản chủ nghĩa (TBCN) ra đời trong thế kỷ XVI. Sang thế kỷ XVIII, những điều kiện vật chất để chủ nghĩa tư bản (CNTB) chuyển từ công trường thủ công sang nền đại cơ khí đã dần hình thành. Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp ở nước Anh vào nửa sau thế kỷ XVIII và châu Âu sau đó, QHSX và lực lượng sản xuất (LLSX) đã có những chuyển biến căn bản. LLSX ngày càng mang tính xã hội hóa cao, do đó ngày càng mâu thuẫn gay gắt với QHSX thông qua những cuộc khủng hoảng thừa đẩy hàng loạt công nhân vào tình trạng thất nghiệp. Giai cấp công nhân bị bóc lột, bị bần cùng hóa và không ngừng đấu tranh để sống còn. Tiêu biểu cho sự phát triển của các phong trào vô sản là những cuộc khởi nghĩa của công nhân dệt ở Lion – Pháp (năm 1831 và năm 1843), ở Xiledi – Đức (năm 1844); Phong trào Hiến chương ở Anh (năm 1838-1848). Những phong trào trên là những sự kiện lịch sử chứng tỏ giai cấp công nhân là một lực lượng xã hội độc lập, với những yêu sách về chính trị riêng của giai cấp mình và bắt đầu trực diện chống lại kẻ thù giai cấp.

Một đòi hỏi bức thiết lúc bấy giờ là phải có một hệ thống lý luận soi đường và một cương lĩnh chính trị làm kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Đại hội II của Đồng minh những người Cộng sản được tổ chức từ ngày 29/11 đến 8/12/1847 đã giao cho Các Mác và Ăngghen soạn thảo cương lĩnh của Đồng Minh. Cương lĩnh đó chính là Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Vào ngày 24/02/1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã chính thức được công bố lại London. Lúc đầu Tuyên ngôn chỉ được in với số lượng khoảng 100 bản nhưng đã làm rung chuyển không chỉ giai cấp công nhân mà cả giai cấp tư sản đang làm mưa, làm gió thống trị thế giới khi ấy. Do đó, chỉ vài tuần sau, tác phẩm đã được tái bản với số lượng 1.000 bản và sau đó đã được in đi, in lại nhiều lần bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như: tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Ý, Tây Ban Nha, Ba Lan, v.v…với số lượng hàng triệu bản. Ngay từ năm 1888, Ăng ghen đã nhận định đây là “một tác phẩm phổ biến nhất, có tính chất quốc tế nhất trong toàn bộ sách báo xã hội chủ nghĩa, là cương lĩnh chung của hàng triệu công nhân từ Xiberi đến Caliphonia”. Lênin đã đánh giá về Tuyên ngôn “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng nhiều bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn bộ giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản gồm phần mở đầu và 4 chương: Tư sản và vô sản; Những người vô sản và những người Cộng sản; Văn học xã hội chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa; Thái độ của những người Cộng sản đối với các đảng đối lập khác.

Trong phần mở đầu, Mác và Ăng ghen nêu rõ lý do những người Cộng sản phải công bố bản tuyên ngôn này. Chủ nghĩa Cộng sản (CNCS) đã ra đời. Các thế lực phản động ở Châu Âu lúc ấy cho CNCS là một “bóng ma” và liên kết với nhau thành một “Liên minh thần thánh” để chống lại CNCS, tung ra những luận điệu xảo trá để bôi nhọ CNCS. Vì vậy, “đã đến lúc những người Cộng sản phải công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, ý đồ, mục đích của mình; và phải có một Tuyên ngôn của Đảng để đập lại câu chuyện hoang đường về một bóng ma Cộng sản”. Tuyên ngôn đã trình bày một cách sáng tỏ cơ sở lý luận, thế giới quan, cương lĩnh và sách lược của giai cấp vô sản; nêu rõ vai trò của giai cấp vố sản, vạch ra sự tất yếu của cách mạng vô sản. Hai ông cũng nêu rõ sách lược của Đảng Cộng sản, phê phán những trào lưu xã hội chủ nghĩa phản động, bảo thủ và không tưởng, đập tan những lời lẽ vu khống của giai cấp tư sản đối với những người vô sản. Tuyên ngôn khẳng định trong xã hội hiện đại, chỉ có giai cấp vô sản (GCVS) là giai cấp cách mạng nhất, kiên quyết nhất, triệt để nhất, có khả năng lật đổ CNTB, xây dựng xã hội mới. “Mục đích trước mắt của những người Cộng sản cũng là mục đích trước mắt của tất cả các đảng vô sản khác: “Tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”. Sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản là sự nghiệp của chính GCVS. GCVS chỉ có thể đạt mục đích bằng con đường đấu tranh giai cấp, dùng bạo lực cách mạng để lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, bởi trong cuộc cách mạng ấy, những người Cộng sản nếu mất chỉ là mất xiềng xích và được cả thế giới. Trong cuộc đấu tranh tự giải phóng, GCVS cần phải thiết lập được chính đảng của mình; sự ra đời của đảng cộng sản là tất yếu để đảm bảo cho GCVS hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Chỉ rõ con đường phát huy sức mạnh của đảng cộng sản trước hết là giữ vững và củng cố mối liên hệ giữa Đảng với giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động. Tuyên ngôn đã đưa ra một nhận xét sắc bén và đầy tinh thần lạc quan cách mạng: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”. Tuyên ngôn cũng chỉ rõ trách nhiệm nặng nề mà giai cấp công nhân (GCCN) và những người lao động phải thực hiện sau khi giành được chính quyền là từng bước cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới trên mọi lĩnh vực vì quyền lợi của nhân dân lao động. GCVS chỉ tự giải phóng được bản thân khi đồng thời giải phóng toàn thể những người lao động. Nguyên tắc sách lược chung của Đảng Cộng sản là ủng hộ mọi phong trào cách mạng chống chế độ đương thời và tập hợp các lực lượng dân chủ, nhưng những người Cộng sản phải luôn giữ vững tính độc lập của giai câp mình. Sự nghiệp giải phóng GCVS chỉ thực hiện được trong điều kiện GCVS các nước phải liên hiệp lại với lời kêu gọi “Vô sản các nước đoàn kết lại”.

Đây thực sự là bản cương lĩnh chính trị đầu tiên, là bản khai sinh của chủ nghĩa Cộng sản. Tuyên ngôn thể hiện cô đọng những bộ phận hợp thành của chủ nghĩa Mác. Do đó, đây là tác phẩm đánh dấu sự ra đời của Chủ nghĩa Mác nói chung, chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng, tổng hợp tất cả những kiến thức mới mẻ và đúng đắn mà Mác – Ăngghen đã tích lũy. Nhờ đó, Mác – Ăngghen đã phân tích sâu sắc chính xác quá khứ, hiện tại, tương lai của xã hội loài người. Khi tổng kết nguồn gốc của học thuyết Mác, Lê nin đã khẳng định Tuyên ngôn là người thừa kế chính đáng nhất của tất cả những cái tốt đẹp nhất mà loài người đã tạo ra hồi thế kỷ XIX “Tác phẩm này trình bày một cách hết sức sáng sủa và rõ ràng thế giới quan mới, chủ nghĩa duy vật triệt để – chủ nghĩa duy vật này bao quát cả lĩnh vực sinh hoạt xã hội – phép biện chứng với tư cách là học thuyết toàn diện nhất và sâu sắc nhất về sự phát triển, lý luận đấu tranh giai cấp và vai trò cách mạng – trong lịch sử toàn thế giới – của giai cấp vô sản, tức là giai cấp sáng tạo ra một xã hội mới, xã hội cộng sản”.

Từ bóng ma ám ảnh châu Âu, GCCN và lao động quốc tế đã bước lên vũ đài chính trị khẳng định sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của mình trong Công xã pari (1871). “Bóng ma” ấy đã làm nên cuộc cách mạng XHCN tháng Mười Nga vĩ đại rung chuyển thế giới, mở ra thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. “Bóng ma” ấy đã trở thành một hệ thống trên thế giới có tác dụng cổ vũ, giúp đỡ, động viên các quốc gia thuộc địa đứng lên đấu trang giành lại độc lập cho mình v.v…Điều ấy đã khẳng định chân lý và sức sống vĩ đại của chủ nghĩa Mác.

Sau sự kiện Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực chống cộng trên thế giới đã hô hoán về sự cáo chung của chủ nghĩa Mác. Người ta gán cho Mác rất nhiều sai lầm. Các nhà tư tưởng, các nhà chính trị của tư sản vội vã lên tiếng rêu rao về sự diệt vong của chủ nghĩa Cộng sản. Điều ấy không có gì lạ, bởi ngay từ khi mới ra đời ở châu Âu vào nửa đầu thế kỷ XIX, học thuyết này đã bị xem là “Bóng ma ám ảnh châu Âu”. Vì vậy, nó có bị chống đối cũng là điều đương nhiên và dễ hiểu. Chỉ có một điều hơi “khó hiểu” là ngay trong đội ngũ những người Cộng sản, trong đó có những người đã từng giữ trọng trách lớn, có những người từng là những “môn đồ trung thành” của chủ nghĩa Mác thì nay đã vội vã “đổi màu”, cho rằng học thuyết này đã lỗi thời.

Một trong những nguy cơ rất lớn hiện nay không chỉ là sự chống phá của các thế lực thù địch thông qua “Diễn biến hòa bình”, “Bạo loạn lật đổ” mà còn là nguy cơ “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Một số người hiện nay hình như ngại nói về chủ nghĩa Mác, ngại nói về chủ nghĩa xã hội. Cá biệt, có những người còn cảm thấy ngượng ngùng khi nói về điều ấy và cho rằng sao cũng được, cứ miễn là dân giàu, nước mạnh. Ước vọng về một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng hẳn nhiên là mong mỏi hết sức chính đáng, nhưng để có một đất nước hùng cường phải được xây dựng trên nền móng vững chắc, một trong những nền móng ấy là hệ tư tưởng chủ đạo dẫn dắt đất nước và dân tộc ấy. Đối với Việt Nam, hệ tư tưởng này chính là Chủ nghĩa Mác – Lê nin được áp dụng phù hợp với lịch sử và thực tiễn cách mạng Việt Nam thông qua tư tưởng Hồ Chí Minh. Để chống phá, xuyên tạc hệ tư tưởng của chủ nghĩa xã hội, nhiều người thường dẫn ra những sai lầm, khuyết điểm mà Liên Xô và Đông Âu vấp phải trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội mà không thấy rằng đó chỉ là sự sụp đổ của một mô hình trong thực tế – một mô hình máy móc, rập khuôn, không đúng với bản chất của chủ nghĩa Mác chứ không phải sự sụp đổ của một hệ tư tưởng. CNXH vẫn đang có sức hấp dẫn chinh phục hàng tỷ người trên hành tinh và dù có đi theo chủ nghĩa Mác hay không thì nhiều quốc gia gần như đã đoạn tuyệt với phương cách bóc lột của CNTB mà Ăngghen đã viết trong tác phẩm “Tình cảnh của giai cấp công nhân Anh”.

Mặc dù phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn thử thách, thế nhưng không phải như những thế lực thù địch, phản động đã vội vàng huyênh hoang “về sự cáo chung của chủ nghĩa Mác” mà ngược lại, những tư tưởng của Mác vẫn còn nguyên giá trị. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn còn nguyên giá trị. Sở dĩ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản có sức sống lâu bền và giá trị to lớn bởi nội dung của nó mang tính cách mạng và khoa học sâu sắc. Những người sáng lập chủ nghĩa Mác – bằng thiên tài của mình – đã sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để luận giải một cách khoa học về quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, đặc biệt là học thuyết về hình thái kinh tế – xã hội; về vị trí và ý nghĩa quan trọng của sản xuất vật chất cũng như vai trò của kiến trúc thượng tầng; về quá trình phát sinh, phát triển và sự tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản; về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong đấu tranh nhằm xây dựng một xã hội tương lai tốt đẹp. Lê nin đã khẳng định “Tuyên ngôn trình bày một cách hết sức sáng sủa và rõ ràng thế giới quan mới, chủ nghĩa duy vật triệt để – chủ nghĩa duy vật này bao quát cả lĩnh vực sinh hoạt xã hội – phép biện chứng với tư cách là học thuyết toàn diện nhất và sâu sắc nhất về sự phát triển, lý luận đấu tranh giai cấp và vai trò cách mạng – trong lịch sử toàn thế giới – của giai cấp vô sản, tức là một giai cấp sáng tạo ra một xã hội mới, xã hội cộng sản”.

Giới học giả trên thế giới vẫn đang không ngừng nghiên cứu về chủ nghĩa Mác. Năm 1995, một đại hội quốc tế về Mác đã được tổ chức tại Pari quy tụ hơn 500 đại biểu là những nhà chính trị, nhà triết học trên thế giới; các đại biểu đã thống nhất đánh giá: “Gương mặt Mác vẫn là biểu tượng của sự phủ nhận trật tự đang thống trị và tư tưởng của Mác vẫn giữ nguyên tầm quan trọng của nó trong thế giới hiện đại”. Nhà triết học tư sản đương đại người Pháp Giắc Đeriđa (Jacques Derrida) trong tác phẩm Những bóng ma của Mác đã khẳng định “Không có tương lai nếu không có Mác, không có các di sản của Mác…Mác là nhà tư tưởng của thế kỷ XXI”. Một nhà khoa học Mỹ, người được giải thưởng Nobel về kinh tế đã từng phát biểu: “Mác là một nhân vật quá lớn để chúng tôi không thể để dành riêng Mác cho những người cộng sản”.

Từ những năm hai mươi của thế kỷ trước, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và chủ nghĩa Mác – Lê nin đã được Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào Việt Nam. Tuyên ngôn đã được dịch ra tiếng Việt và được nhiều chiến sĩ cách mạng truyền tay nhau nghiên cứu, kể cả trong tù. Cũng chính nhờ ánh sáng chỉ lối, đưa đường của chủ nghĩa Mác – Lê nin mà Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam; Người khẳng định “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Nội dung và tư tưởng của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn còn nguyên giá trị, bởi nó cung cấp thế giới quan và phương pháp giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hiện nay. Hiện nay, mặc dù CNTB đã thay đổi tự điều chỉnh rất nhiều; nền kinh tế TBCN ngày nay đã phát triển đến một trình độ cao, tạo ra lực lượng sản xuất khổng lồ, nhưng mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất vẫn diễn ra hết sức gay gắt; CNTB đã phải thường xuyên đương đầu với những cuộc khủng hoảng nặng nề với nhiều nguy cơ suy thoái và nạn thất nghiệp của hàng chục triệu người. Cho nên, luận điểm của Mác và Ăng ghen về nền công nghiệp lớn hiện đại tạo ra những tiền đề vật chất và xã hội để thủ tiêu chế độ người bóc lột người vẫn giữ nguyên giá trị khoa học.

Đảng ta khẳng định kiên định chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề nguyên tắc số một, là nhiệm vụ hàng đầu trong toàn bộ công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng – được vũ trang bằng lý luận của chủ nghĩa Mác, nhân dân ta đã chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, đã và đang đạt được những thành quả to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Với sự kiên định chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phát triển một cách tốt nhất, khoa học nhất những nguyên lý của chủ nghĩa Mác, nhất định Đảng và nhân dân ta sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” nhằm biến lý tưởng nhân văn cao đẹp của Tuyên ngôn từng bước trở thành hiện thực.

Những giá trị bền vững của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản mãi mãi có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn lớn lao đối với giai cấp công nhân nước ta cũng như giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.

 

             Vũ Trung Kiên

 

 

 

 

 

CÁC TIN BÀI KHÁC: