Di tích cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi – Đất nước – Con người – Báo Quảng Ngãi
(QNĐT)- Khởi nghĩa Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi là cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, do Đảng lãnh đạo và tổ chức, nổ ra vào ngày 28/8/1959 tại huyện Trà Bồng (nay là huyện Tây Trà và huyện Trà Bồng) sau đó lan nhanh ra khắp miền Tây tỉnh Quảng Ngãi. Sự kiện lịch sử này đánh dấu một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Quảng Ngãi, có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào cách mạng của nhân dân vùng Nam Trung Bộ và cả miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
[ link ( ) ]
Miền tây tỉnh Quảng Ngãi bao gồm các huyện miền núi và một số xã, thôn phía tây các huyện đồng bằng, chiếm hơn 2/3 diện tích toàn tỉnh, là địa bàn cư trú lâu đời của các tộc người thiểu số H’re, Cor và Kadong. Vào thời điểm diễn ra cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (tháng 8/1959), Trà Bồng là 1 trong 4 huyện miền núi (Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Trà Bồng) của tỉnh Quảng Ngãi.
Bạn đang đọc: Di tích cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi – Đất nước – Con người – Báo Quảng Ngãi
Bảo tàng Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi |
Ngược dòng lịch sử, năm 1832 (Minh Mạng thứ 13), khi tỉnh Quảng Ngãi được thành lập, vùng núi rừng phía tây có 4 đơn vị lãnh thổ gọi là nguồn (nguyên), đó là: Đà Bồng (nay là các huyện Trà Bồng, Tây Trà), Thanh Cù (trước đó có tên Cù Bà, nay là 2 huyện Sơn Hà, Sơn Tây), Phụ An (trước có tên Phụ Ba, Phụ Bà Địa, nay là huyện Minh Long), An Ba (nay là huyện Ba Tơ). Đà Bồng lần lượt đổi gọi là Thanh Bồng, rồi Trà Bồng. Đơn vị nguồn cũng đổi thành đồn, rồi châu. Dưới châu có các tổng, dưới tổng là sách. Trước cuộc Cách mạng tháng Tám – 1945, châu Trà Bồng có 3 tổng, 34 sách.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, châu Trà Bồng đổi là huyện Trà Bồng. Các sách được sắp xếp lại thành đơn vị xã, nhập thêm một số làng phía tây huyện Bình Sơn, hình thành 13 xã là Trà Khê, Trà Phong, Trà Quân, Trà Lâm, Trà Giang, Trà Thanh, Trà Lãnh, Trà Nham, Trà Thuỷ, Trà Sơn, Trà Xuân, Trà Phú, Trà Bình. Năm 1951, 3 xã Trà Xuân, Trà Phú, Trà Bình (nguyên là các làng Xuân Khương, Đông Phú, Vinh Hòa thời Pháp thuộc) giao về lại huyện Bình Sơn, hợp thành xã Bình Lâm.
Từ sau 1954, chính quyền Sài Gòn tiếp quản, đến giữa năm 1958, đổi huyện Trà Bồng thành quận Trà Bồng, đổi tên các xã, nhưng vẫn lấy chữ Trà làm đầu: Xã Trà Xuân đổi thành Trà Khương; xã Trà Giang đổi thành Trà Nhỉ; xã Trà Thuỷ đổi thành Trà Bắc; xã Trà Sơn đổi thành Trà Lang; xã Trà Thanh đổi thành Trà Đoài; xã Trà Lâm đổi thành Trà Binh; xã Trà Lãnh đổi thành Trà Trung; xã Trà Nham đổi thành Trà Thượng; xã Trà Quân đổi thành Trà Hương; xã Trà Khê đổi thành Trà Hoa; xã Trà Phong đổi thành Trà Thạnh. Quận lỵ đặt ở xã Trà Khương, nay là thị trấn Trà Xuân).
Di tích đồn Eo Chim (xã Trà Lãnh) |
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng kháng chiến cắt 4 xã có người Cor sinh sống của huyện Sơn Hà (phía nam núi Cà Đam) là Sơn Thọ, Sơn Hiệp, Sơn Bùi, Sơn Tân nhập vào Trà Bồng, đổi tên thành Trà Thọ, Trà Hiệp, Trà Bùi, Trà Tân. Có thời, các xã đông bắc được cắt thành khu I, các xã quanh núi Cà Đam được tách lập thành khu II, các xã phía tây huyện cắt lập khu IX, trực thuộc vùng căn cứ địa của Tỉnh uỷ.
Sau năm 1975, qua nhiều lần tách nhập các xã và định lại ranh giới các huyện, đến cuối năm 2003, Trà Bồng có 19 xã, thị trấn: Trà Thanh, Trà Khê, Trà Quân, Trà Phong, Trà Thọ, Trà Hiệp, Trà Lâm, Trà Lãnh, Trà Thuỷ, Trà Sơn, Trà Nham, Trà Bùi, Trà Giang, Trà Phú, Trà Bình, Trà Tân, Trà Trung, Trà Xinh và thị trấn Trà Xuân.
Cuối năm 2003, 9 xã phía tây huyện (Trà Phong, Trà Quân, Trà Khê, Trà Thanh, Trà Thọ, Trà Lãnh, Trà Nham, Trà Xinh, Trà Trung) tách lập thành huyện mới Tây Trà. Huyện Trà Bồng còn lại 10 xã, thị trấn.
Tóm tắt quá trình biến đổi hành chính như vậy cũng đồng thời khẳng định địa danh Trà Bồng gắn với cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi cũng như những truyền thống văn hóa tốt đẹp của mảnh đất mệnh danh là “miền hương quế” là tài sản chung của cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống ở huyện Tây Trà và huyện Trà Bồng hôm nay.
Tháng 8 năm 2004, nhân kỷ niệm 45 năm cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (28/8/1959 – 28/8/2004), Viện Sử học Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức hội thảo khoa học “Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi” với sự tham gia của nhiều cơ quan khoa học, các nhà sử học, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, nhiều tướng lĩnh cùng các vị từng là thành viên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Báo cáo tổng kết hội thảo của đại diện Viện Sử học Việt Nam đã khẳng định một số vấn đề về diễn tiến, quy mô, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm từ cuộc khỏi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, tựu trung như sau:
Cuộc khởi nghĩa ở Trà Bồng nổ ra vào rạng sáng ngày 28/8/1959, đầu tiên là ở xã Trà Phong, sau đó nhanh chóng lan đến các xã Trà Khê, Trà Nham, Trà Quân, Trà Lãnh.
Làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa là đơn vị 339, các nhóm vũ trang, các đội du kích từ các trại bí mật. Đồng bào khẩn trương truyền tin, phá đường chặn địch. Núi rừng sáng đỏ màu cờ cách mạng. Kinh hoàng trước sức mạnh của nhân dân, bộ máy thôn xã của chính quyền Sài Gòn nhanh chóng tan rã. Lực lượng khởi nghĩa thừa thắng xông lên, làm chủ núi rừng, bao vây và làm tê liệt đối phương tại khu vực quận lỵ.
Khởi nghĩa thắng lợi, nhân dân bầu ra UBND tự quản và thông qua danh sách đội du kích xã, tổ chức bố phòng, làm chủ thôn xã, có kế hoạch toàn dân chiến đấu, bảo vệ căn cứ, bảo vệ vùng giải phóng.
Từ Trà Bồng, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan ra khắp các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ và miền Tây Quảng Ngãi, với tinh thần tiến công như vũ bão, diệt ác, phá kìm, thiết lập chính quyền cách mạng. Các UBND tự quản lần lượt ra đời, chỉ trong một thời gian ngắn vùng đất rộng lớn miền tây Quảng Ngãi được giải phóng.
Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi nổ ra và giành thắng lợi to lớn là một trong những cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của đồng bào các dân tộc ở vùng căn cứ miền núi Trung bộ; một cuộc khởi nghĩa mang tính quần chúng rộng rãi, diễn ra trên địa bàn rộng khắp miền núi của tỉnh, có sự tham gia của đồng bào 4 dân tộc anh em Cor, Cà Dong, H’re và Kinh.
Thắng lợi của khởi nghĩa Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi là thắng lợi của quan điểm dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, dùng bạo lực của quần chúng chống lại bạo lực của kẻ thù, từ đấu tranh chính trị chuyển sang kết hợp với các hình thức đấu tranh có vũ trang để tự vệ, từ xây dựng lực lượng chính trị tiến lên xây dựng lực lượng vũ trang, từng bước chiến thắng kẻ thù.
Thắng lợi ấy đã “mở đầu trang sử đấu tranh chính trị và vũ trang song song, là đỉnh cao nhất của phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Ngãi lúc bấy giờ… Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi có giá trị lớn vì đã cung cấp nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc vận dụng Nghị quyết 15, không chỉ ở Quảng Ngãi mà ở trong toàn Khu” (Võ Chí Công – Nguyên Chủ tịch nước, Nguyên Bí thư Khu ủy V).
Diễu binh chào mừng 50 năm Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. |
Thắng lợi thể hiện sinh động tính chủ động, nhạy bén, sáng tạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, phù hợp với tình hình cách mạng miền Nam nói chung, tỉnh nhà nói riêng trong giai đoạn sau 1954; thể hiện tình đoàn kết của nhân dân các dân tộc anh em dưới ngọn cờ của Đảng là không gì lay chuyển nổi, đồng thời là sự kế tục truyền thống yêu nước và đặc biệt là truyền thống khởi nghĩa Ba Tơ anh hùng.
Quần thể di tích khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi gồm nhiều điểm di tích nằm ở 8 xã, thị trấn thuộc huyện Tây Trà và huyện Trà Bồng, đó là các địa điểm: Gò Rô (xã Trà Phong), Nước Xoay (Trà Thọ), đồn Eo Chim (Trà Lãnh), đồn Làng Ngãi (Trà Thọ) đồn Tà Lạt (Trà Lâm), đồn Đá Liếp (Trà Hiệp), đồn Xây dựng (Trà Sơn), Lô cốt trung tâm (thị trấn Trà Xuân)…
Ngày 30/12/1991, Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Di tích cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, tại Quyết định số 2307 – QĐ. Từ 1999, Bảo tàng Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi đã được xây dựng làm nơi trưng bày hình ảnh, hiện vật về cuộc khởi nghĩa. Tại 8 điểm di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã xây dựng các bia bảng hướng dẫn, giới thiệu.
Xem thêm: Di tích khu lưu niệm Vùng than Cẩm Phả
Bia di tích Gò Rô. |
Về Trà Bồng – Tây Trà, du khách không chỉ được dịp thăm thú các di tích gợi nhớ những ngày khởi nghĩa hào hùng mà còn được thưởng ngoạn một vùng thiên nhiên kỳ thú với thắng cảnh núi Cà Đăm (Vân phong túc vũ) rạng ngời trong nắng sớm, thác Xeng Bay tung bọt nước trắng trời… Những trải nghiệm dân tộc học lý thú khi được hòa mình vào đời sống hồn hậu của đồng bào Cor; lễ hội điện Trường Bà độc đáo, dung hợp sâu sắc văn hóa Chăm – Hoa – Việt… Tất cả như thể chờ đợi, gọi mời. Tất cả ẩn chứa trong tên gọi Miền hương quế!
3/7/2012
Lê Hồng Khánh
Đón đọc kỳ tới: Di tích vụ thảm sát Bình Hòa.
Source: https://evbn.org
Category: Địa Danh