Hướng dẫn cách lựa chọn phương án tối ưu khi giải quyết vấn đề | VNPT School

Trước khi lựa chọn các phương án tối ưu, bạn cần phải xây dựng tiêu chí đánh giá giải pháp. Khi xây dựng các tiêu chí đánh giá, bạn cần xem xét những câu hỏi sau đây:

  • Những phương tiên vật chất của tổ chức của bạn có làm cho các phương án trở nên không thực hiện được?
  • Tổ chức của bạn có khả năng đáp ứng chi phí theo phương án này không?
  • Lãnh đạo của bạn có nói rằng một số phương án nào đó không thể chấp nhận được hay không?

Xây dựng các tiêu chí đánh giá cho các phương án là việc làm khó, tùy từng vấn đề khác nhau mà người ta thiết kế các tiêu chí đánh giá khác nhau. Tổng quan nhất có thể có các tiêu chí sau:

  • Lợi ích: Liệu giải pháp này sẽ hiệu quả như thế nào, mức độ mong muốn thay đổi khi thực hiện giải pháp. Liệu vấn đề được cải thiện tới mức nào khi thực hiện giải pháp này.
  • Kinh phí: Nguồn lực khi thực hiện giải pháp cao hay thấp. Các nguồn lực này bao gồm: kinh phí, nguồn lực con người.
  • Thời gian: Thời gian thực thi giải pháp sẽ nhanh hay chậm, cần bao lâu thời gian để thực hiện giải pháp, những tác nhân nào có thể gây trì hoãn.
  • Tính khả thi: Phương án này có dễ thực hiện không, liệu có các rào cản nào có thể ngăn trở khi thực hiện phương án hay không?
  • Rủi ro: Xem xét những rủi ro liên quan đến kết quả mong đợi, những rủi ro có thể xảy ra và mức độ thiệt hại được đo lường như thế nào?
  • Khía cạnh đạo đức khi thực thi, liệu có vấn đề về luật pháp hay vấn đề đạo đức cần xem xét không?

Tùy từng vấn đề khác nhau mà mức độ quan trọng các tiêu chí cũng được đánh giá khác nhau. Tùy vào cơ cấu, nguồn lực của tổ chức và mức độ đặc trưng của từng vấn đề mà chúng ta cho trọng số nhất định.

Hướng dẫn cách lựa chọn phương án tối ưu khi giải quyết vấn đề

Đo lường lựa chọn giữa các giải pháp

Chúng ta đưa ra ưu nhược điểm của giải pháp hay còn gọi là nghiên cứu tính khả thi của giải pháp. Một giải pháp bao giờ cũng có hai mặt của nó: mặt mạnh và mặt yếu.

Cần xác định rõ từng giải pháp:

  • Giải quyết được mặt nào của vấn đề và chưa giải quyết được vấn đề?
  • Giải pháp có tính khả thi đối với vấn đề đưa ra hay không?
  • Giải pháp có giải quyết được vấn đề trọng tâm của vấn đề hay không?
  • Lựa chọn giải pháp có rủi ro thấp nhất.

Sau khi liệt kê các lựa chọn hãy đánh giá một cách khách quan cho dù hay hay dở. Cân nhắc mọi tiêu chí, kể cả khi có một giải pháp tưởng chừng thích hợp nhưng khả năng hạn chế, hoặc khó được mọi người chấp nhận hoặc là giải pháp đó có thể lại tạo ra những vấn đề khác mà ta không lường trước được hết, thì giải pháp đó vẫn chưa phải hay nhất.

Lường trước những rủi ro khi chọn giải pháp

Bất kì một giải pháp nào được lựa chọn đều có rủi ro, rủi ro là điều bình thường mà chúng ta phải biết chấp nhận. Có những rủi ro mà chúng ta không thể kiểm soát được, tuy nhiên cách tốt nhất là chúng ta liệt kê hết tất cả các rủi ro và các giải pháp giải quyết khi gặp rủi ro.

Để đánh giá tốt một rủi ro, cần phải lưu ý 2 đặc điểm chính của nó là: Hậu quả mang lại và xác suất rủi ro xảy ra. Có những rủi ro có xác suất cực thấp, nhưng hậu quả lại vô cùng to lớn, ngược lại có những rủi ro có xác suất cao, nhưng hậu quả thì không nghiêm trọng.

Lựa chọn các giải pháp ra quyết định

Ma trận ra quyết định là một công cụ biến đổi dữ liệu từ dạng định tính sang định lượng, bằng cách sử dụng các tiêu chí đánh giá. Để xây dựng một ma trân ra quyết định, bạn phải:

  • Xác định phương án mà bạn có.
  • Quyết định các tiêu chí sẽ sử dụng.
  • Lựa chọn mức độ quan trọng hay tỷ trọng cho từng tiêu chí.
  • Tính toán từng phương án theo các tiêu chí và tỷ trọng, sau đó quyết định phương án tốt nhất.