Harland Sanders là ai? Cuộc đời, sự nghiệp của “cha đẻ” KFC Harland Sanders

KFC là thương hiệu đồ ăn nhanh có độ phủ sóng trên khắp thế giới với món gà rán nổi tiếng toàn cầu. Thế nhưng, ít ai biết rằng, đằng sau sự thành công của KFC là cả một câu chuyện dài, nhiều bi kịch và lắm đắng cay của người “cha đẻ” đã khai sinh ra nó.

Vậy “cha đẻ” của KFC là ai? Cuộc đời, sự nghiệp của ông có gì đáng chú ý? Đừng bỏ lỡ những thông tin thú vị trong bài viết sau đây bạn nhé!

Harland Sanders là ai?

Harland Sanders (1890 – 1980) thường được biết đến là Đại tá Sanders, là người đã sáng chế ra món gà rán theo công thức đặc biệt “11 loại thảo mộc và gia vị”, hiện là món chính trong thực đơn của chuỗi nhà hàng ăn nhanh nổi tiếng thế giới KFC (được viết tắt từ những chữ cái đầu của cụm từ tiếng anh Kentucky Fried Chicken)

KFC chuyên về các sản phẩm gà rán có trụ sở đặt tại Louisville Kentucky, là chuỗi nhà hàng lớn thứ hai thế giới về doanh thu, tính đến tháng 12 năm 2015 chỉ sau McDonald’s với hệ thống tổng cộng gần 20 000 nhà hàng tại 123 quốc gia và vùng lãnh thổ. KFC là một trong những thương hiệu trực thuộc Yum!Brands – một tập đoàn cũng sở hữu chuỗi nhà hàng Pizza Hut và Taco Bell.

Tóm tắt tiểu sử

Harland Sanders sinh ngày 9 tháng 9 năm 1890 tại Henryville, Indiana, Mỹ. Harland Sanders mồ côi cha khi chỉ mới 6 tuổi, ông phải tự lập, cùng với mẹ của mình chăm sóc cho 2 người em nhỏ. Tuổi thơ nghèo khó khiến ông phải bỏ dở việc học khi mới 16 tuổi và bắt đầu bươn chải để mưu sinh.

Ông chủ KFC đã rất không may mắn khi bị đuổi việc 4 lần trong một năm. Ông kết hôn năm 18 tuổi khi gặp được người phụ nữ của đời mình. Những tưởng cuộc hôn nhân này sẽ lâu bền và cuộc đời ông sau khi kết hôn sẽ  sang một trang mới nhưng chỉ sau 2 năm, cuộc hôn này đã đổ vỡ khi vợ ông đề nghị ly hôn và kiên quyết giành quyền nuôi con về mình.

Sự nghiệp

Vận may vẫn chưa một lần mỉm cười với Harland Sanders khi ông liên tiếp bị từ chối khi đi xin việc, hết lần này đến lần khác. Vượt qua bi kịch gia đình và những khó khăn khi đó, ông vẫn kiên trì xin việc tại một quán café, vừa nấu ăn vừa rửa chén để có thể tự nuôi sống bản thân.

Năm 40 tuổi, Harland Sanders bắt đầu cảm thấy gắn bó hơn với công việc nấu nướng. Sự gắn bó, đam mê này có lẽ xuất phát từ những năm tháng ông làm ở quán café kia. Nó thôi thúc ông nảy ra những ý tưởng chế biến các món ăn nhanh với nhiều loại nước sốt hoàn hảo phục vụ đối tượng khách hàng là những người dừng chân ở trạm xăng ở Corbin, bang Kentucky nơi ông làm việc. Ngày đó, vì chưa có nhà hàng nên những vị khách phải ăn trên những chiếc bàn đặt tạm bợ ở trạm xăng.

Ngay sau đó, ông đã sáng tạo ra “món ăn thay thế bữa ăn ở nhà” dành cho những gia đình bận rộn, đó chính là món gà rán vô cùng đặc biệt được tẩm ướp từ nhiều loại gia vị và thảo mộc khác nhau. Món ăn thần thánh này đã đáp trả những tâm huyết của Harland Sanders khi nó trở nên nổi tiếng và rất được ưa chuộng vào thập niên 30 của thế kỷ trước.

Tưởng chừng như cuộc đời của ông chủ KFC bắt đầu khởi sắc từ đây thì đến năm 1950, dự án về đường cao tốc liên bang cùng với sự sụt giảm nghiêm trọng của nền kinh tế lại là lý do khiến Harland Sanders buộc phải bán lại toàn bộ tài sản ở Corbin với số tiền chỉ đủ tiền nộp thuế và tài sản duy nhất còn lại với ông chỉ là tờ Séc 105 USD trợ cấp thất nghiệp từ xã hội.

Người đàn ông sau mấy chục năm lặn lội bươn chải mưu sinh giờ chỉ có vỏn vẹn 105 đô. Sự thất bại này đã khiến Harland Sanders từng có ý định tự tử. Và rồi, Harland Sanders đã lạc quan hơn khi nhận ra rằng, ông có thể mất tất cả nhưng có một điều ông làm tốt hơn hẳn những người khác, đó là nấu ăn.

Ở cái tuổi nghỉ ngơi rồi nhưng Harland Sanders lại một lần nữa theo đuổi công việc nấu nướng. Với tất cả số tiền mà mình có, ông đã rong ruổi khắp nơi và tìm kiếm cơ hội kinh doanh cho mình. Bằng niềm đam mê và kinh nghiệm của mình, ông đã tạo ra công thức chế biến món gà rán và những gói gia vị đặc biệt, gõ cửa từng nhà hàng để bán công thức chế biến gà rán cho các chủ cửa hàng trên khắp nước Mỹ.

Có lẽ, mọi thứ đều chưa bao giờ là dễ dàng với người đàn ông đã qua tuổi 65 này. Harland Sanders đã bị từ chối 1009 lần với 1009 lần hụt hẫng, thất vọng đến tột cùng. Những tưởng ông sẽ bỏ cuộc sau những lần bị từ chối đó nhưng sự đam mê, lòng kiên trì đã vực dậy Harland Sanders lúc đó. Ông vẫn bền bỉ với công thức chế biến món gà rán của mình và cuối cùng cũng nhận được cái gật đầu sau1009 lần bị từ chối.

Và rồi, thành công đến với Harland Sanders một cách âm ỉ, từng chút, từng chút một cho đến năm 1964, ông đã sở hữu hơn 600 cửa hàng nhượng quyền kinh doanh thương hiệu gà rán của mình.

Harland Sanders sau đó đã bán công ty của mình cho một nhóm các nhà đầu tư do John Y.Brown Jr và Jack C.Massey với giá 2 triệu đô. Tuy nhiên, ông vẫn giữ quyền kiểm soát hoạt động tại Canada và trở thành đại sứ thương hiệu cho KFC

Trong những năm cuối đời, ông cực kì phê phán các món ăn được phục vụ bởi các nhà hàng KFC, vì ông tin rằng họ đã cắt giảm chi phí và cho phép chất lượng món ăn xuống cấp.

Cuộc đời, những thất bại và thành công của Harland Sanders thực sự là một câu chuyện truyền cảm hứng về khởi nghiệp, lập nghiệp. Có lẽ trong chúng ta, sẽ rất ít ai có đủ sự kiên nhẫn sau khi bị từ chối đến 1009 lần. Nhưng Harland Sanders đã làm được điều phi thường đó để ngày hôm nay, thế giới vẫn nhắc về ông như một “huyền thoại” trong ngành công nghiệp ăn uống, đặc biệt là đồ ăn nhanh. Harland Sanders đã chứng minh cho một chân lý bất hủ, rằng chưa bao giờ là quá muộn để bắt đầu và thành công sẽ luôn dành chỗ cho những ai biết nỗ lực. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!