Giá trị cốt lõi là gì? Tại sao doanh nghiệp cần xây dựng giá trị cốt lõi?
“Giá trị cốt lõi là gì?” là câu hỏi rất được quan tâm trong kinh doanh, nhất là đối với những doanh nghiệp lớn bởi lẽ, việc xác định giá trị cốt lõi là một trong khâu quan trọng để tạo nên thương hiệu.
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về giá trị cốt lõi qua bài viết sau đây bạn nhé!
Giá trị cốt lõi là gì?
Có rất nhiều những định nghĩa khác nhau về giá trị cốt lõi gọi tắt là(GTCL) nói chung và GTCL của doanh nghiệp nói riêng, có thể nhắc đến một số cách định nghĩa như sau:
– Các giá trị cốt lõi là tất cả những gì được công ty coi là không thể trả bằng tiền hay không thể thay đổi. Các GTCL tạo ra một nền tảng để hình thành nên nội quy của công ty
– Giá trị cốt lõi là một hệ thống niềm tin ảnh hưởng tới cách cư xử giữa con người với con người hay giữa các nhóm người với nhau, những “giá trị cốt lõi” là linh hồn của tổ chức, là những giá trị hiệu quả đã ăn sâu vào trong tổ chức. GTCL giúp hình thành nên tâm lý tổ chức, từ đó có thể ủng hộ hay loại bỏ tâm lí cá nhân.
– Giá trị cốt lõi là những nguyên tắc hướng dẫn thiết yếu và lâu dài, giúp định hướng những quyết định và hành động của một tổ chức. GTCL không phải là những hành động mang tính văn hóa hay hoạt động cụ thể, không được xây dựng nên vì mục tiêu tài chính hoặc những động cơ lợi ích ngắn hạn. Tổ chức sẽ mong muốn giữ lại những GTCL thậm chí ngay cả khi nhiệm vụ đã thay đổi.
– Giá trị cốt lõi là những nguyên lí thiết yếu và mang tính lâu dài của một tổ chức, trong đó tập hợp các quy tắc hướng dẫn rất nhỏ có ảnh hưởng sâu sắc tới cách mà mọi người trong tổ chức suy nghĩ và hành động.
Nhìn chung, giá trị cốt lõi không quan tâm đến yếu tố dư luận, nó có giá trị thực chất và có tầm quan trọng rất lớn đối với những người ở bên trong tổ chức. GTCL rất có chiều sâu. Các giá trị này rất ít khi thay đổi theo sự thay đổi của thị trường. Mặt khác, thường thì các tổ chức sẽ thay đổi thị trường nếu cần thiết để duy trì các GTCL thực tế của tổ chức mình.
Tại sao doanh nghiệp lại phải xây dựng giá trị cốt lõi?
Không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn đã có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước lại phải xây dựng cho mình những giá trị cốt lõi riêng.
Những GTCL của doanh nghiệp được tạo lập là vì những lí do chủ yếu sau đây:
– Thứ nhất, giá trị cốt lõi đóng vai trò là nền tảng, là chuẩn mực định hướng, chỉ đạo toàn bộ hành vi ứng xử nơi làm việc. Các GTCL của nhân viên tại nơi làm việc, cùng với kinh nghiệm của họ, chúng kết hợp với nhau tạo thành văn hóa doanh nghiệp.
– Thứ hai, giá trị cốt lõi là động lực cho những quyết sách của doanh nghiệp, đặc biệt là những quyết sách khó khăn. Ví dụ, nếu “trách nhiệm” là một trong những “giá trị cốt lõi” của doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó sẵn sàng công khai xin lỗi và chịu trách nhiệm bồi thường hoàn toàn đối với việc cho ra thị trường một lô sản phẩm kém chất lượng.
– Thứ ba, giá trị cốt lõi là thước đo giúp khách hàng, đối tác nhận diện công ty một cách rõ ràng và chi tiết hơn. Chỉ cần nhìn vào thái độ phục vụ của nhân viên là khách hàng, đối tác có thể biết nhân viên đó của doanh nghiệp X bởi GTCL của doanh nghiệp này là “tinh thần phục vụ”
– Thứ tư, giá trị cốt lõi hình thành nên tầm nhìn của tổ chức, là nền tảng để thu hút và giữ chân những nhân viên chất lượng cho doanh nghiệp. Trên thực tế, hầu hết khi muốn đầu quân cho một doanh nghiệp, mỗi ứng viên đều quan tâm đến hình ảnh, đạo đức của công ty mà mình sẽ cống hiến.
Giá trị cốt lõi của một số doanh nghiệp hàng đầu
* Vingroup
Giá trị cốt lõi của Vingroup thể hiện qua 6 chữ “TÍN, TÂM, TRÍ, TỐC, TINH, NhÂN”
– TÍN: Vingroup đặt chữ TÍN lên vị trí hàng đầu, lấy chứ TÍN làm vũ khí cạnh tranh và bảo vệ chữ TÍN như bảo vệ danh dự của chính mình.
– TÂM: chữ TÂM là một trong những nền tảng quan trọng trong kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội ở tiêu chuẩn cao nhất; đặt khách hàng làm trung tâm và lợi ích của khách hàng lên hàng đầu, chăm sóc khách hàng bằng sự tự nguyện…
– TRÍ: Vingroup coi sáng tạo là sức sống, là đòn bẩy phát triển, nhằm tạo ra những giá trị khác biệt và bản sắc riêng trong mỗi gói sản phẩm – dịch vụ; đề cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật; đề cao chủ trương “Doanh nghiệp học tập”…
– TỐC: Vingroup lấy “tốc độ, hiệu quả trong từng hành động” làm tôn chỉ, mục đích và lấy “Quyết định nhanh – Đầu tư nhanh – Triển khai nhanh – Bán hàng nhanh – Thay đổi và thích ứng nhanh…” làm giá trị bản sắc; đề cao khát vọng tiên phong và xác định “Vinh quang thuộc về người về đích đúng hẹn”…
– TINH: Vingroup mong muốn xây dựng một đội ngũ nhân sự tinh gọn, tập hợp những con người tinh hoa để tạo nên những sản phẩm – dịch vụ tinh hoa; quan niệm: Hệ thống của mình phải giống như một người khỏe mạnh, săn chắc và không có mỡ thừa…
– NHÂN: Xây dựng các mối quan hệ với khách hàng, đối tác, đồng nghiệp, nhà đầu tư và xã hội bằng sự thiện chí, nhân văn, nhân ái; coi người lao động là tào sản quý giá; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo và nhân văn…
* Vinamilk
Để “Trở thành biểu tượng niềm tin hàng đầu Việt Nam về sản phẩm dinh dưỡng và sức khỏe phục vụ cuộc sống con người”, Vinamilk xây dựng những giá trị cốt lõi đó là:
– Chính trực: liêm chính, trung thực, minh bạch trong ứng xử và giải quyết tất cả các giao dịch
– Tôn trọng: Tôn trọng bản thân – đồng nghiệp – công ty – đối tác; hợp tác trọng sự tôn trọng
– Công bằng: Công bằng với nhân viên – khách hàng – nhà cung cấp; làm việc với sự công bằng
– Đạo đức: Tôn trọng các tiêu chuẩn đã được thiết lập và hành động một cách đạo đức
– Tuân thủ: tuân thủ pháp luật, Bộ quy tắc ứng xử, các quy chế, chính sách, quy định của công ty
* SAMSUNG
Tập đoàn SAMSUNG xây dựng cho mình những giá trị cốt lõi làm tôn chỉ hoạt động, đó là:
– Con người: xác định con người là nền tảng làm nên sự thành công của doanh nghiệp.
– Chất lượng: Tại Samsung, mọi hoạt động đều xuất phát từ lòng đam mê và cam kết không ngừng nghỉ đạt chất lượng hoàn hảo trong mọi sản phẩm và dịch vụ.
– Thay đổi: xác định tầm nhìn cho tương lai, nhận định xu hướng và các nhu cầu thị trường là một trong những yếu tố cần thiết để phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho cuộc sống của con người.
– Chính trực: Sự chính trực và đạo đức kinh doanh là nền tảng cho mọi hoạt động của Samsung
– Cùng phát triển: Không chỉ là một doanh nghiệp, Samsung cam kết trở thành một công dân có trách nhiệm với xã hội và môi trường tại cộng đồng và quốc gia đang hoạt động.
* APPLE
Giá trị cốt lõi của Apple được thể hiện qua những phát biểu dưới đây:
– Chúng tôi tin rằng, chúng tôi có mặt trên trái đất này là để tạo ra những sản phẩm tuyệt vời sẽ thay đổi thế giới.
– Chúng tôi tin vào sự đơn giản, không phải sự phức tạp
– Chúng tôi tin rằng chúng tôi cần sở hữu và kiểm soát các công nghệ chính đằng sau các sản phẩm mà chúng tôi tạo ra
– Chúng tôi chỉ tham gia vào các thị trường mà chúng tôi có thể đóng góp đáng kể
– Chúng tôi nói không với hàng ngàn dự án ở bên ngoài để chúng tôi có thể tập trung vào một số dự án thực sự quan trọng và có ý nghĩa đối với chúng tôi
– Chúng tôi tin tưởng vào sự hợp tác sâu sắc và sự cộng tác giữa các cá nhân trong tập thể. Chính điều này cho phép chúng tôi đổi mới theo cách mà những người khác không thể.
– Chúng tôi không chấp nhận bất cứ điều gì thiếu tính ưu việt trong mỗi nhóm của công ty và chúng tôi có sự tự tin để thừa nhận khi chúng tôi sai và can đảm thay đổi.
Qua những tổng hợp trên đây, các bạn có thể hiểu thêm về giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Hi vọng rằng, các bạn sẽ tìm thấy cho mình những thông tin tham khảo hữu ích.