Trấn Bình Đài (Thành Mang Cá) – Thành Phố Huế

Trấn Bình Đài (Thành Mang Cá) ( TP Huế )

 quân đội, Khu công sự, Địa danh lịch sử

Trấn Bình Đài được xây dựng cùng thời với kinh thành. Lúc đầu (1805), thành được đắp bằng đất đào từ sông hộ thành. Cuối thời Gia Long đến giữa thời Minh Mạng thì được xây ốp gạch. Thành cũng được xây theo kiểu Vauban. Mặt bằng hình mang cá nên có tên gọi là đồn mang cá. Trấn Bình Đài có chu vi 1048m, cao 5,1m, dày gần 15m, phòng lộ chạy dọc theo ngoài chân thành rộng 7,5m, hào chung quanh rộng 32m và sâu 4,25m. Vì thành này mang tính quân sự, nên bên trong không có cung điện hay công trình kiến trúc văn hóa. Về mặt quân sự, có thể xem Trấn Bình Đài là pháo đài thứ 25 của Kinh thành Huế. Thời nhà Nguyễn, thành được trang bị 3 dàn súng đại bác, kho đạn và điếm canh. Mặt thành có 6 hệ thông bật thềm rộng 3,35m để đi lên. Trấn Bình Đài có 2 cửa: Trấn Bình Môn (nằm giữa pháo đài Bắc Định và Đông Bình của Kinh Thành) và Trường Định Môn. Cả 2 cửa đều không có vọng lâu. Riêng Trường Định Môn trổ ra phía nam Trấn Bình Đài. Cửa có kích thước nhỏ hẹp hơn so với các cửa khác của Kinh thành, lối đi rộng 2m, vòm cửa cao 3m. Cửa này dùng cho quân lính phòng thủ ở thành phụ xuất quân phản kích để bảo vệ mặt đông và đông bắc Kinh thành.
Lúc xây dựng Kinh thành Phú Xuân, vua Gia Long muốn xây dựng một tòa thành có mặt đông nam giáp với sông Hương, nhưng góc đông bắc cũng phải giáp với khúc uốn của sông Hương ở thị trấn Bao Vinh. Vì đây là khúc sông có độ uốn cao nên các tàu lớn của đối phương phải đi về phía bờ lỡ (bờ của Trấn Bình Đài) để không bị mắc cạn. Cho nên Kinh thành phải giáp với khúc sông này để ngăn chặn các tàu thuyền của đối phương tiến gần đến mặt đông nam – mặt chính của Kinh Thành. Tuy nhiên, núi Ngự Bình đã được chọn làm tiền áng cho Kinh thành nên trục đường Dũng Đạo của Kinh thành đi qua pháo đài chính nam và chiếu thẳng lên tâm của núi Ngự Bình không được xê dịch. Vì vậy nếu nới rộng Kinh thành về hai bên tả hữu để góc đông bắc giáp với khúc uốn của sông Hương ở Bao Vinh thì góc đông nam của Kinh thành sẽ chạm sông Hương và bị khuyết ở Đông Ba. Chính vì vậy vua Gia Long đã quy hoạch Kinh thành vừa đủ để không bị khuyết ở góc đông nam, còn khúc uốn ở Bao Vinh được bổ sung thêm một thành phụ là Trấn Bình Đài.
Thời Gia Long, thành phụ này có tên Thái Bình Đài, thông với Kinh thành qua cửa Thái Bình Môn. Năm 1836, vua Minh Mạng đổi tên thành Trấn Bình Đài và Trấn Bình Môn. Năm 1883, Trấn Hải thành ở cửa biển Thuận An bị thất thủ, thông qua điều V hiệp ước Patenôtre (Giáp Thân, 1884), triều đình Đồng Khánh phải nhường cho Pháp Trấn Bình Đài và một phần góc đông bắc Kinh thành để Pháp xây dựng doanh trại, đồn bót, bệnh xá, nhà nguyện… Đồng thời, Pháp còn xây thêm bức tường cao để ngăn phần nhượng địa ở góc đông bắc với phần còn lại của Kinh thành. Vì phần đất nhượng địa của Pháp ở trong Kinh thành lớn hơn diện tích Trấn Bình Đài nên dân địa phương thường gọi phần đất nhượng địa trong Kinh thành là Mang Cá lớn còn Trấn Bình Đài là Mang Cá nhỏ.

Các thành phố lân cận:

Toạ độ:   16°29’23″N   107°34’37″E

Source: https://evbn.org
Category: Địa Danh