Mảnh đất và con người Hải Lăng

     Hải Lăng là huyện cực Nam của tỉnh Quảng Trị, cách thành phố Đông Hà – trung tâm tỉnh lỵ khoảng 20 km về phía Nam. Là địa phương cuối cùng của tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng vào ngày 19/3/1975. Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 3 năm 1977 huyện Hải Lăng và huyện Triệu Phong hợp nhất thành huyện Triệu Hải, thuộc tỉnh Bình – Trị – Thiên (cũ). Tháng 7 năm 1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại, ngày 23/3/1990 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 91-HĐBT chia huyện Triệu Hải thành huyện Hải Lăng và Triệu Phong, từ đó Hải Lăng trở lại với tên gọi của chính mình.
         
     Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, vượt lên gian lao, thử thách, hơn 45 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Lăng đã đoàn kết, chung sức hàn gắn vết thương chiến tranh, huy động mọi nguồn lực để xây dựng quê hương vốn hoang tàn đổ nát, đầy rẫy những hố bom, bãi mìn thành một Hải Lăng đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ. Kinh tế tiếp tục phát triển, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, tiệm cận dần với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại. Lĩnh vực văn hoá – xã hội có nhiều tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố vững mạnh. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt được nhiều thành tựu nổi bật, bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc, đến nay có 11/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao…
     
     Hiện nay, Hải Lăng có 15 xã và 01 thị trấn với tổng diện tích tự nhiên là 42.692,53 ha, dân số có 23.109 hộ với 77.822 nhân khẩu. Là vùng đất phân hóa bởi địa hình khác biệt và phức tạp, gồm: Vùng đồi núi (55% diện tích tự nhiên), vùng đồng bằng (32%), vùng cồn cát, bãi cát ven biển (13%), được bao bọc và bồi đắp bởi hai con sông lớn vốn đi vào những trang thơ lịch sử, đó là dòng Ô Lâu- dòng sông của thi ca và dòng Vĩnh Định uốn khúc nên thơ, mảnh đất và con người Hải Lăng như có mạch nguồn sống và động lực để phát triển.

     Vốn có truyền thống đoàn kết từ lâu đời, người dân Hải Lăng thường xuyên sát cánh bên nhau để chống chọi với thiên tai, địch họa, chống giặc ngoại xâm và cùng lao động sản xuất, chung tay xây dựng quê hương Hải Lăng ngày càng giàu mạnh. Tính đến cuối năm 2020, Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (GRDP) đạt 12,05% , thu nhập bình quân đầu người đạt 58,7 triệu đồng, tổng thu NSNN trên địa bàn 5 năm (2015 – 2020) đạt 335 tỷ đồng, thu nội địa đạt 93 tỷ đồng. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Nông-lâm-ngư: 26,46%, giảm 9,74% (NQ: 26-27%); Công nghiệp – xây dựng: 37,65%, tăng 6,25% (NQ: 37-38%); Thương mại-dịch vụ: 35,89%, tăng 3,49% (NQ: 35-36%).

     Hải Lăng là nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa lâu đời như: 02 di tích lịch sử Chàm ở Hải Xuân, Hải Ba; miếu Ngô Văn Sở ở Hải Vĩnh; di tích Phú Long là nơi đầu tiên diễn ra hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (6/1937), là căn cứ cách mạng trong thời kỳ giành chính quyền tháng Tám 1945; ngã ba Long Hưng ghi lại chiến công của một đại đội quân giải phóng đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của Mỹ-Nguỵ trong 81 ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị “đỏ lửa” năm 1972. Toàn huyện có 80 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 75 di tích xếp hạng cấp Tỉnh và 04 di tích xếp hạng cấp Quốc gia là: Đình làng Câu Nhi, xã Hải Tân, vụ thảm sát Mỹ Thủy, xã Hải An, Nhà thờ Long Hưng và Ngã ba Long Hưng; hiện nay, đang đề nghị xếp hạng cấp Quốc gia đối với Di tích Dũng sỹ Phường Sắn, đề nghị xếp hạng di tích cấp Tỉnh đối với di tích Nhà rường cổ Hội Kỳ, xã Hải Chánh và khu mộ cổ họ Nguyễn Đức- thôn An thơ, xã Hải Hòa. Bên cạnh việc Hải Lăng được coi là một trong hai “vựa lúa” của tỉnh Quảng Trị với năng suất bình quân đạt trên 65 tạ/ha, nơi đây còn được biết đến bởi phong phú nét văn hóa ẩm thực như: bánh ướt làng Phương Lang, rượu gạo Kim Long, nước mắm Mỹ Thuỷ, canh ám làng Lam Thuỷ, mắm đam Trà Trì, cháo bánh canh Diên Sanh…

     Ngoài ra, còn có nhiều nét văn hóa, văn nghệ phong phú như: hò đập bắp ở Thượng Xá, nhạc cổ truyền bả trạo Phú Hải, xã Hải Ba… và các trò chơi dân gian như: bưng đá làng Hưng Nhơn, bắt lươn làng Trường Phước, chọi gà làng Diên Sanh, hội cù Đơn Quế và đua thuyền, vật, đẩy gậy…  
     Cán bộ và nhân dân Hải Lăng được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ; 20 tập thể và 07 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 221 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 3.513 liệt sĩ; 2.072 thương binh; 1.390 gia đình có công cách mạng; 01 nghĩa trang liệt sĩ trung tâm huyện và 11 nghĩa trang xã là nơi yên nghĩ trên 8.000 liệt sĩ trong cả nước; 17 nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ. Hải Lăng còn là quê hương của các danh nhân lịch sử và văn hóa như: Đặng Dung, tiến sĩ Bùi Dục Tài, Nguyễn Đức Hoan, Nguyễn Văn Hiển, Lê Mạnh Thát, Nguyễn Trừng, Trần Hoàn…
     Quê hương Hải Lăng tuy vẫn còn nghèo nhưng chứa đựng những nhân tố, những dáng vẻ, những hương vị riêng đậm nét, khiến mọi người không quên khi đã đến với mảnh đất này. Những thành tựu trên chặng đường hơn 45 năm sau ngày giải phóng, 30 năm lập lại và phát triển là minh chứng hùng hồn cho ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết, vượt khó đi lên của nhân dân huyện nhà và là nguồn lực nội sinh có ý nghĩa quan trọng, tạo thế và đà vững chắc để Hải Lăng tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025 và huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Trị vào năm 2030.

     Qua trang Thông tin điện tử huyện Hải Lăng, chúng tôi muốn giới thiệu một cách tổng thể về mảnh đất và con người thân thương Hải Lăng để các bạn hiểu thêm, tiếp tục cổ vũ, động viên, quan tâm và hỗ trợ để Hải Lăng tiếp tục đạt được những thành tựu hơn nữa trong thời gian tới.  

      Xin chân thành cảm ơn !

Source: https://evbn.org
Category: Địa Danh