Tổng quan du lịch huyện Hải Lăng

Huyện Hải Lăng nằm về phía Nam của tỉnh Quảng Trị, toàn huyện có 20 đơn vị hành chính(19 xã và 01 thị trấn), với dân số là 86.323 người. Trên địa bàn huyện có Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam đi qua. Là huyện nằm trên trục hành lang kinh tế Đông Tây của tỉnh Quảng Trị, thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu hàng hoá và phát triển hợp tác thương mại.

Kinh tế – xã hội của huyện đã có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 10,74%. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 12,7 triệu đồng/năm; về cơ cấu kinh tế: Nông – Lâm – thủy sản chiếm tỷ trọng 42,9%; Thương mại – Dịch vụ chiếm 37,4%; Công nghiệp – TTCN – xây dựng chiếm 19,7%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng CN-TTCN và TMDV. Đặc biệt trong những năm trở lại đây, lĩnh vực Thương mại – Dịch vụ và Du lịch đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, tiếp cận và thích ứng với cơ chế thị trường và giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Hoạt động kinh doanh thương mại của các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện ngày càng phong phú đa dạng, góp phần vào sự ổn định giá cả thị trường, kích thích sản xuất phát triển, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước. Việc phát triển Thương mại – Dịch vụ và Du lịch đã từng bước đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hoá trên địa bàn, tiếp cận một cách chủ động thị trường, đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân, kích thích cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy phát triển giữa các thành phần kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, thu hút một lực lượng lao động tương đối lớn trong xã hội.

Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư nâng cấp, một số công trình trọng điểm của huyện đã hoàn thành như dự án thủy lợi chống lũ cho vùng trũng Hải Lăng, dự án nang cấp hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn, nâng cấp các đê cát, các hồ. Hệ thống giao thông được đầu tư, các tuyến đường đến các điểm du lịch cơ bản đã hoàn thiện. Các di tích lịch sử, văn hoá quan trọng cơ bản đã được trùng tu, tôn tạo. Dịch vụ bưu chính viễn thông được mở rộng, đáp nhu cầu cho các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ và phát triển KT-XH của huyện.

* Tiềm năng Du lịch: Là huyện có nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú có thể phát triển nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch, được xác định là một mắt xích quan trọng trong cụm du lịch phía Nam của tỉnh mà trung tâm chủ yếu là Thành cổ Quảng Trị- La Vang – Trằm Trà Lộc.

– Du lịch thăm các di tích lịch sử và nhân văn: Là mảnh đất có bề dày lịch sử, đặc biệt là các di tích lịch sử nổi tiếng, dấu ấn của những năm tháng chiến tranh vĩ đại của đân tộc, huyện đã đầu tư xây dựng Nhà Bảo tàng đi vào hoạt động từ năm 2005. Toàn huyện có 71 di tích cấp tỉnh và 4 di tích cấp quốc gia, trong đó có nhiều di tích nổi tiếng hiện đang được trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa như: Đình làng Câu Nhi và danh nhân Bùi Dục Tài, Nhà thờ Long Hưng, ngả ba Long Hưng, di tích vụ thảm sát Mỹ Thủy, nhà thờ La Vang, nhà rường cổ ở làng Hội Kỳ(Hải Chánh) nơi lưu giữ những nét cổ xưa. Hệ thống các di tích lịch sử này được phân bố đan xen ở các địa phương, các vùng, nên thuận lợi cho việc khai thác để phát triển du lịch thăm các di tích lịch sử và nhân văn, kết hợp với du lịch văn hoá lễ hội.

–  Du lịch biển: Hải Lăng có bờ biển dài 13.5 km thuộc địa phận 2 xã Hải An và Hải Khê. Năm 1996 huyện đầu tư xây dựng bãi tắm Mỹ Thủy đi vào hoạt động phát huy hiệu quả tốt, vừa qua, tỉnh đã quy hoạch vào khu kinh tế Đông Nam gắn với cảng nước sâu Mỹ Thủy tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển du lịch biển.

– Du lịch sinh thái: Vùng gò đồi phía Tây có diện tích rừng tự nhiên lớn, vùng đồng bằng có nhiều trằm, các đầm, hồ chứa nước tự nhiên. Đặc biệt là Trằm Trà Lộc với bàu nước tự nhiên diện tích khoảng 10 ha, được bao bọc bởi rừng nguyên sinh với nhiều chủng loại cây quý tạo nên một cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn. Hải Lăng có nhiều sông như: Sông Nhùng, sông Ô Lâu, sông Bến Đá, sông Vĩnh Định.. chia cắt địa bàn thành nhiều vùng thuận lợi cho việc tưới tiêu phục vụ sản xuất Nông nghiệp. Thượng nguồn những con sông này cảnh quan đẹp và hấp dẫn có thể lập các tuor du lịch trên sông.

– Năm 2010 huyện Hải Lăng đã được UBND tỉnh công nhận huyện điển hình văn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được khơi dậy. Nhiều lễ hội truyền thống và văn hóa dân gian được khôi phục và duy trì hàng năm, tạo thêm sự phong phú và đa dạng về văn hóa, thể thao như: Hội hoa xuân của làng Văn Quỹ, làng Câu Nhi – Hải Tân; Hội cù Làng Kim Long – Hải Quế và Làng Cổ Lũy – Hải Ba; Hội Bưng đá Làng Hưng Nhơn – Hải Hòa; Hội Vật Làng Thâm Khê, làng Trung An – Hải Khê .v.v… Hội Đua thuyền của huyện và nhiều làng, xã khác đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Phong trào văn hóa, văn nghệ được phát triển rộng khắp. Tổ chức thường xuyên các hội thi CLB văn nghệ, hội diễn nghệ thuật quần chúng các đơn vị văn hóa. Sáng tác thêm 22 ca khúc hát về Hải Lăng, sưu tầm, sáng tác thơ ca hò vè về quê hương Hải Lăng. Nhiều cơ quan và hầu hết các trường học đều đã xây dựng được các thiết chế văn hóa như sân thể thao, thư viện và tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao một cách sôi nổi.

Huyện đã tổ chức thành công Lễ hội văn hóa hàng năm vào ngày 19/3 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng phong phú, thu hút hàng chục ngàn người đến tham dự. Đặc biệt là hội đua thuyền truyền thống đã tạo sự quan tâm và để lại ấn tượng tốt đẹp trong cán bộ và nhân dân trong và ngoài huyện.

Cùng với sự phát triển của du lịch, các loại hình dịch vụ được hình thành, các làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển với  những sản phẩm nổi tiếng của miền quê như: Nón lá, thêu ren, dệt xăm lưới, mộc mỹ nghệ. Các món ăn ẩm thực ở Hải Lăng được nhiều người biết đến như: Cháo bộ Diên Sanh, bánh ướt Phương Lang, canh ám làng Lam Thủy, mắm đam làng Trà Trì, bánh lọc Mỹ Chánh, rượu Kim Long, nước mắm Mỹ Thuỷ, ruốc bột Thâm Khê…

– Công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch được quan tâm, UBND huyện đã chỉ đạo làm các phim tài liệu, phóng sự giới thiệu về mãnh đất và con người Hải Lăng như “Hải Lăng một lần đến”, “Phía Nam Ô Lâu”, lễ hội văn hóa huyện và lễ hội các địa phương để giới thiệu về huyện và hình ảnh du lịch Hải Lăng.

* Định hướng phát triển du lịch của huyện:

– Tăng cường quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch của huyện cho các công ty, các đơn vị kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh để thu hút đầu tư và bố trí các tour du lịch về trên địa bàn huyện nhằm thu hút lượng du khách. Mở rộng các ngành nghề dịch vụ, phát triển các sản phẩm truyền thống; khôi phục các nét văn hóa truyền thống, dân gian, ẩm thực, các lễ hội trên địa bàn.

– Tổ chức quy hoạch và làm tốt công tác quản lý quy hoạch phát triển du lịch. Ưu tiên quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng các khu dịch vụ trên tuyến La Vang- Khu sinh thái Trà Lộc-Bãi tắm Mỹ Thủy để phát huy lợi thế và đón đầu những cơ hội trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây.

– Tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tôn tạo các di tích văn hóa, di tích lịch sử cách mạng ngang tầm với ý nghĩa lịch sử của nó. Phát triển du lịch với nhiều loại hình, khu vui chơi, giải trí, khách sạn… tạo điểm dừng chân cho du khách.

– Quan tâm công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch và dịch vụ du lịch đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao nhu cầu của du khách và công tác quản lý nhà nước về Du lịch.

– Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp; làm tốt công tác an ninh trật tự, tạo được ấn tượng sâu sắc cho du khách mỗi lần đến với Hải Lăng.  

Source: https://evbn.org
Category: Địa Danh