Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Hội An từ chính sách đến thực tiễn
Đoạn đường Trần Phú – Ảnh: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
Đoạn đường Trần Phú – Ảnh: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
Với định hướng đó, trong 21 năm qua kể từ ngày Khu phố cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 – 4/12/2020), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền thành phố Hội An, sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung ương, tỉnh Quảng Nam cùng bạn bè trong nước và quốc tế, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hoá Hội An đã có những bước tiến đáng kể trên nhiều phương diện. Có thể điểm qua một số chính sách, biện pháp mà chính quyền các cấp đã thực hiện nhằm bảo tồn vững chắc và phát huy bền vững di sản văn hóa Hội An.
– Chính sách phát triển kinh tế dựa trên nền tảng di sản: Từ những thập niên 80 – 90 của thế kỷ XX, Đảng bộ, chính quyền thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An) đã có những định hướng quan trọng nhằm bảo tồn di tích, di sản, trong đó có chủ trương dựa vào di sản để phát triển kinh tế và phát triển kinh tế để quay lại bồi đắp di sản. Tiêu biểu cho định hướng này là các Nghị quyết về Xây dựng Hội An thị xã văn hóa (1999), Xây dựng Hội An thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch (2009), Đề án sắp xếp buôn bán hàng rong trong Khu phố cổ (2017), Đề án Hội An nhân tình thuần hậu (2018)…
– Chính sách tạo điều kiện để người dân được hưởng lợi từ di sản: Với nhận thức rằng di sản sẽ khó có thể được bảo tồn nếu không góp phần cải thiện sinh kế của người dân nên từ rất sớm chính quyền địa phương đã quan tâm đến việc tạo điều kiện để người dân được hưởng lợi từ di sản. Chính sách này được thực hiện qua việc mở rộng phạm vi phát huy di sản ra các con đường trước đây rất vắng vẻ như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, khu vực An Hội… Các hoạt động dịch vụ phù hợp được khuyến khích phát triển trong Khu phố cổ. Các nghề thủ công truyền thống như làm lồng đèn, nghề may nhanh, chạm trổ, chế biến món ăn được tạo điều kiện hoạt động…
– Chính sách hỗ trợ để bảo tồn di sản: cùng với việc tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, Tỉnh, các tổ chức quốc tế để tu bổ di tích, từ năm 2006, UBND thị xã Hội An đã ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí để tu bổ các di tích thuộc sở hữu tư nhân, tập thể với mức từ 40% đến 75% tổng kinh phí đầu tư (các di tích thuộc sở hữu nhà nước thì đầu tư 100%). Mức hỗ trợ này dựa vào giá trị và vị trí của di tích, theo đó các di tích có giá trị càng cao và nằm ở vị trí khó khai thác, phát huy (trong kiệt, hẻm) thì mức hỗ trợ sẽ càng lớn. Nhờ cơ chế này nhiều di tích tư nhân, tập thể đã được cứu nguy kịp thời khỏi nguy cơ sụp đổ. Tuy vậy, vẫn có trường hợp chủ di tích do điều kiện kinh tế khó khăn không đủ sức tham gia kinh phí cùng nhà nước hoặc một số di tích thuộc sở hữu tập thể (nhà thờ tộc) không có người đứng ra chủ trì tu bổ. Trước tình hình đó, một biện pháp linh hoạt đã được thực hiện là nhà nước sẽ đầu tư 100% kinh phí đứng ra tu bổ, sau đó giao chủ di tích khai thác để thu hồi dần vốn đầu tư. Biện pháp này đã kịp thời cứu nguy một số di tích xuống cấp nghiêm trọng mà không kịp tu bổ sẽ có nguy cơ sụp đổ như nhà số 12 Nguyễn Thái Học, nhà thờ tộc Lâm số 120 Trần Phú…
Mặt khác, nhằm giữ gìn vẻ đẹp của hệ mái ngói trong Khu phố cổ, chính sách hỗ trợ thường xuyên để tu bổ các mái ngói âm dương của các di tích đã được chính quyền quan tâm thực hiện. Chính sách này đã giúp người dân có điều kiện kinh phí để phục hồi hệ mái ngói âm dương truyền thống, hạn chế tối đa việc tự ý thay đổi chủng loại vật liệu hệ mái, góp phần bảo tồn vẻ đẹp tổng quan của Khu phố cổ.
– Chính sách bảo tồn di sản dựa vào cộng đồng: Chính sách này được thực hiện bằng nhiều hành động cụ thể. Có thể kể trước hết là hành động nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị di sản và trách nhiệm chung tay bảo tồn di sản trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều cuộc triển lãm, nhiều chuyên đề báo nói, báo viết về di sản, nhiều ấn phẩm về các văn bản pháp quy liên quan đến di sản văn hóa, về lịch sử – văn hóa Hội An đã được in ấn, xuất bản; nhiều cuộc gặp mặt các chủ di tích để tham vấn ý kiến cho các chủ trương, chính sách bảo tồn của địa phương được tổ chức thường xuyên hàng năm. Khẩu hiệu “Di sản trong tay và trong tim chúng ta” đã trở thành lời kêu gọi đầy tâm huyết để cộng đồng dân cư gồm nhiều thành phần, lực lượng cùng nhau chung sức chung lòng gìn giữ và phát huy ngày càng tốt hơn di sản của cha ông để lại.
Đối với thế hệ trẻ, chương trình “Giáo dục di sản trong học đường”, hoạt động “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” đã được triển khai trong những năm gần đây và bắt đầu có sức hấp dẫn, phát huy được hiệu quả ở các cấp học Tiểu học và Trung học cơ sở. Hoạt động chung tay chăm sóc di tích; Đi tìm địa chỉ đỏ phối hợp giữa ngành Văn hóa, ngành Giáo dục, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố được thực hiện thường xuyên, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về di sản văn hóa trong thế hệ trẻ, trong học đường.
Việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên bảo tồn di sản được thực hiện từ năm 2011 với số lượng ban đầu là 23 người ở tại các Khối phố, tổ dân cư thuộc 3 phường Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô, địa bàn có Khu phố cổ. Đây là cánh tay nối dài của cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tại địa bàn cư trú chung tay bảo tồn di sản. Mạng lưới các tổ quản lý di tích ở vùng ngoài Khu phố cổ cũng được tổ chức, xây dựng và thường xuyên giữ mối quan hệ với đơn vị quản lý di sản trong các hoạt động bảo vệ di tích.
Chính sách dựa vào cộng đồng để bảo tồn di sản còn được thể hiện ở việc nghiên cứu, phục hồi các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương và chuyển giao cho các chủ thể thực hành di sản để tạo thành những sản phẩm văn hóa như lễ hội Cầu bông Trà Quế, lễ giỗ tổ Tiền hiền và nghề mộc Kim Bồng, lễ giỗ tổ nghề gốm Nam Diêu, lễ Cầu ngư ở Cửa Đại và ở Cù Lao Chàm… Sau khi trả về với cộng đồng chủ thể, sức sống, tính hấp dẫn của các hình thái văn hóa phi vật thể này được nâng cao rõ rệt…
Dưới tác động của các chủ trương, chính sách nêu trên, công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã đạt được những thành tựu đáng kể. Hàng năm có đến hơn 10 di tích được nhà nước đầu tư tu bổ và hàng trăm di tích do người dân tự đầu tư toàn bộ hoặc đóng góp một phần kinh phí để tu bổ. Khu phố cổ Hội An đã bước ra khỏi nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng và ngày càng được bảo tồn vững chắc. Các hoạt động kinh tế – xã hội dựa trên nền tảng di sản ngày càng phát triển, tạo điều kiện cải thiện đáng kể đời sống của các tầng lớp nhân dân. Nguồn thu từ hoạt động thương mại – dịch vụ – du lịch chiếm tỉ lệ 65% – 70% trong tổng thu ngân sách hàng năm của thành phố. Các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, phục hồi nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương và tạo nên sản phẩm du lịch thu hút khách. Thương hiệu di sản văn hóa Hội An ngày càng toả sáng và có sức hấp dẫn ngày càng lớn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Hiện nay, chính quyền và nhân dân thành phố Hội An đang tích cực khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một thảm hoạ có sức tàn phá mãnh liệt, khó lường nhưng hết sức cụ thể đối với công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Hội An. Hy vọng rằng với những kinh nghiệm tích luỹ được trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh và bạn bè gần xa, với quyết tâm cao của toàn thể cộng đồng, các hoạt động gắn với di sản nói chung, công tác bảo tồn di sản nói riêng sẽ vượt qua được khó khăn, trở lực, nhanh chóng phục hồi và tiếp tục có sự phát triển trong tình hình mới.
Source: https://evbn.org
Category: Địa Danh