KHI NÀO NÊN PHẪU THUẬT U PHÌ ĐẠI TUYẾN TIỀN LIỆT

20/06/2022 (GMT+7)

Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh lý thường gặp ở nam giới độ tuổi từ 50 trở lên. Bệnh thường đi kèm với bệnh tim mạch, hô hấp, đái tháo đường…. Điều đó đặt ra không ít băn khoăn cho người bệnh: khi nào phải mổ tiền liệt tuyến và chọn phương pháp phẫu thuật nào nào?

1. Biểu hiện bệnh lý ở tuyến tiền liệt

     Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ, có kích thước khoảng 10 – 20g và chỉ có ở nam giới. Vị trí của tuyến tiền liệt nằm sát dưới cổ bàng quang, bọc xung quanh đoạn niệu đạo tại vị trí nối với cổ bàng quang. Khi tuyến này bị phì đại do một nguyên nhân nào đó (ví dụ: viêm nhiễm, ung thư…), sẽ dẫn đến hẹp và tắc lòng niệu đạo do chèn ép, gây ra những biểu hiện bất thường khi nam giới đi tiểu tiện. Nếu để tình trạng này kéo dài, điều trị muộn sẽ ảnh hưởng xấu đến bàng quang, thận, chức năng sinh dục và nguy hiểm đến tính mạng.

     Biểu hiện đặc trưng của bệnh lý tuyến tiền liệt: Tiểu khó, tiểu nhiều lần, bí tiểu. Các biểu hiện khác: sau khi tiểu tiện không cảm thấy thoải mái mà vẫn còn cảm giác muốn đi tiểu, có thể tiểu ra máu, nhiễm trùng tiểu. Các biểu hiện này tiến triển từ từ, đa số bệnh nhân sẽ thích nghi dần và khó nhận ra. Biểu hiện của bệnh không tỉ lệ thuận với kích thước khối u.

2. Phì đại tiền liệt tuyến: Khi nào cần mổ?

     Sau khi bệnh nhân được thăm khám, thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán thì bác sĩ sẽ đưa ra kết luận là nên điều trị nội khoa hay phải phẫu thuật phì đại tiền liệt tuyến. Ngày nay có nhiều loại thuốc giúp cải thiện tình trạng rối loạn đi tiểu của bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt, cũng như có nhiều phương pháp can thiệp ngoại khoa khác nhau. Nhìn chung, tùy theo thể trạng của bệnh nhân, kích thước của u và u này có gây biến chứng gì lên đường tiết niệu hay chưa… mà các bác sĩ sẽ lựa chọn hướng điều trị thích hợp.

Điều trị nội khoa bằng thuốc và theo dõi trong thời gian dài là xu hướng chung trong điều trị bệnh phì đại tiền liệt tuyến hiện nay, chỉ khi nào việc điều trị nội khoa thất bại hoặc biến chứng ung thư thì bác sĩ mới đặt vấn đề mổ tiền liệt tuyến.

3. Các phương pháp mổ u xơ tuyến tiền liệt tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương

Mổ u phì đại tuyến tiền liệt được chỉ định khi khối u xơ đã gây ra biến chứng hoặc khi điều trị nội khoa thất bại. Có nhiều phương pháp mổ u phì đại tuyến tiền liệt nhưng chủ yếu là phẫu thuật cắt đốt nội soi thông qua đường niệu đạo hoặc mổ bóc u xơ qua đường bụng.

Hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương áp dụng một số phương pháp phẫu thuật Phì đại tiền liệt tuyến bao gồm:

3.1. Nội soi bốc hơi u tuyến tiền liệt bằng laser

Đối tượng chỉ định:

– Bệnh nhân bí đái hoàn toàn, kể cả sau rút ống thông niệu đạo.

– Bí đái không hoàn toàn có nước tiểu tồn dư sau khi đi tiểu, điều trị nội thất bại.

– Đái máu tái diễn do u phì đại tuyến tiền liệt

– Túi thừa bàng quang, sỏi bàng quang do u phì đại tuyến tiền liệt

– Nhiễm khuẩn niệu tái diễn.

– U phì đại tuyến tiền liệt làm ảnh hưởng tới sức khỏe, giấc ngủ hoặc cản trở nghề nghiệp.

Ưu điểm của kỹ thuật:

– Phẫu thuật bốc hơi u phì đại tuyến tiền liệt bằng laser, là kỹ thuật phát triển trên nền kỹ thuật cắt u tuyến tiền liệt qua niệu đạo bằng dao đơn cực, lưỡng cực, vốn đã là kỹ thuật ít xâm lấn, đi theo đường tự nhiên, thay thế cho mổ mở bóc u tuyến tiền liệt có nhiều biến chứng, xâm lấn nhiều ở bệnh nhân thường là cao tuổi.

– Bằng nhiệt năng gây đông vón, bốc hơi của Laser, quá trình mổ u tuyến tiền liệt cầm máu tốt hơn, ít bị chảy máu, hồi phục nhanh, giảm các nguy cơ hẹp cổ bàng quang, rối loạn cơ thắt sau mổ.

– Bệnh nhân có thể rút thông tiểu sau 1 ngày, ra viện ngày sau 2-3 ngày.

Quy trình thực hiện:

Bệnh nhân đến khám trước mổ -> khám, xét nghiệm-> có chỉ định phẫu thuật và đủ điều kiện phẫu thuật -> nhập viện khoa ngoại -> chuẩn bị phẫu thuật -> phẫu thuật -> theo dõi và chăm sóc sau mổ -> đủ điều kiện xuất viện -> xuất viện

3.2. phẫu thuật nội soi cắt u phì đại tuyến tiền liệt

Đối tượng chỉ định:

Chỉ định tuyệt đối: U phì đại tuyến tiền liệt gây ra các biến chứng sau

– Bí tiểu tái phát

– Nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát

– Tiểu máu tái phát

– Suy thận ngược dòng

– Sỏi bàng quang, túi thừa bàng quang

Chỉ định tương đối:

– U phì đại tuyến tiền liệt gây triệu chứng mức độ trung bình hoặc nặng và thất bại với điều trị nội khoa

– Đo niệu dòng đồ: Tốc độ dòng tiểu tối đa < 12 ml/s (Qmax<12 ml/s)

Ưu điểm của kỹ thuật:

– Phẫu thuật cắt u tuyến tiền liệt qua niệu đạo bằng dao đơn cực vốn đã là kỹ thuật ít xâm lấn, đi theo đường tự nhiên, thay thế cho mổ mở bóc u tuyến tiền liệt có nhiều biến chứng, xâm lấn nhiều ở bệnh nhân thường là cao tuổi.

– Bệnh nhân rút sonde sau 4-5 ngày

Quy trình thực hiện:

Bệnh nhân đến khám trước mổ -> khám, xét nghiệm-> có chỉ định phẫu thuật và đủ điều kiện phẫu thuật -> nhập viện khoa ngoại -> chuẩn bị phẫu thuật -> phẫu thuật -> theo dõi và chăm sóc sau mổ -> đủ điều kiện xuất viện -> xuất viện