Yêu cầu về phẩm chất, năng lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí – truyền thông trong bối cảnh hiện nay

(LLCT&TT) Cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí là người chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản báo chí và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất, năng lực tốt là điều kiện tiên quyết và là nền tảng quản trị cơ quan báo chí – truyền thông thành công. Do đặc điểm của cơ quan báo chí, những người làm công tác lãnh đạo, quản lý phải có năng lực và phẩm chất đặc thù để nắm bắt và vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt, nghệ thuật… những quy luật về quá trình hoạt động của cơ quan báo chí nói chung và của từng thành viên trong cơ quan nói riêng. Trong bối cảnh cuộc cánh mạng công nghệ phát triển mạnh mẽ và công cuộc chuyển đổi số đã và đang tác động, ảnh hưởng sâu sắc thì yêu cầu cần xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí có đủ năng lực, phẩm chất để đáp ứng tình hình hiện nay càng trở nên cấp bách.

1. Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có phẩm chất vững vàng, luôn đảm bảo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí

Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có phẩm chất chính trị vững vàng, thực hiện các hoạt động quản lý dựa trên quan điểm, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đảm bảo lợi ích của cơ quan báo chí – truyền thông và cán bộ, phóng viên. Bản chất của hoạt động báo chí – truyền thông là hoạt động chính trị – xã hội. Cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, các tổ chức xã hội, do vậy người lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí trong mọi hoạt động phải tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích đã đề ra. Sản phẩm báo chí phải có tư duy tích cực, hướng tới lợi ích của Tổ quốc, nhân dân thì mới có ý nghĩa xã hội và được công chúng quan tâm.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải nhận thức đúng về nghề, về sứ mệnh của cơ quan báo chí – truyền thông, sứ mệnh của những người làm báo, về giá trị sản phẩm của cơ quan báo chí – truyền thông. Nhận thức đó được thể hiện một cách chuyên nghiệp trong tổ chức sản xuất, thẩm định và đăng tải thông tin. Họ tham gia vào toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm báo chí từ “đầu vào” đến “đầu ra”. Phẩm chất chính trị thể hiện bắt đầu ở khâu tổ chức, định hướng đề tài và tổ chức thực hiện: chọn những đề tài gì; góc độ tiếp cận sự kiện, vấn đề ra sao; đăng thời điểm nào; theo dõi và có phương án xử lý kịp thời những phản hồi từ phía công chúng.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí phải có nhạy cảm chính trị, nắm bắt được “thời tiết” chính trị để thông tin định hướng dư luận xã hội. Càng trong tình hình công nghệ phát triển, công chúng có điều kiện tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn, nhiều kênh khác nhau, thì vai trò định hướng, hướng dẫn dư luận của báo chí càng trở nên quan trọng. Báo chí không chỉ làm dịch vụ thông tin mà còn đóng vai trò liên kết xã hội, giúp con người có nhận thức đúng đắn, hành động đúng để chung tay xây dựng, cải tạo xã hội. Mỗi cơ quan báo chí, từ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình là cơ quan ngôn luận để cung cấp những thông tin đa dạng, nhiều chiều theo đúng tôn chỉ mục đích đề ra. Thời gian vừa qua có hiện tượng một số cơ quan báo chí hoạt động sai tôn chỉ, mục đích, vì lợi ích sẵn sàng lấn sân nhau, sa đà vào những thông tin không thuộc lĩnh vực, phạm vi hoạt động của mình.

Người đứng đầu cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm trong việc cử hoặc giao quyền cho cấp dưới  hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí. Cơ quan báo chí – truyền thông nếu thực hiện không nghiêm túc sẽ bị xử lý nghiêm.

Ngày 07.10.2020, thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Theo đó, các hình thức xử lý mới nghiêm hơn, mức phạt trước đây từ 10-20 triệu đồng giờ có thể lên tới 70 triệu đồng. Nghị định mới cũng áp dụng cả hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí từ 01 đến 12 tháng đối với hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong Giấy phép hoạt động báo chí. Ngày 18.12.020, Bộ Thông tin và Truyền thông có Công văn số 5026/BTTTT-CBC yêu cầu tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí. Công văn nêu rõ: Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí và người đứng đầu cơ quan báo chí đã được quy định tại Điều 15 và Điều 24 Luật Báo chí. Bên cạnh nhiệm vụ khác, công văn chỉ rõ cơ quan chủ quản phải chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích.

2. Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có chuyên môn nghề nghiệp báo chí – truyền thông

Cán bộ lãnh đạo, quản lý muốn thực hiện tốt trọng trách của mình phải hiểu nghề, thạo nghề, am hiểu lĩnh vực, công việc, nhiệm vụ mà mình theo dõi, phụ trách.

Sự phát triển của công nghệ cho phép sản phẩm báo chí chuyển tải thông tin một cách sáng tạo, đa dạng, đa nền tảng nhưng vẫn phải đảm bảo giá trị cốt lõi là nội dung. Sản phẩm báo chí phải đảm bảo những nguyên tắc nhất định. Sản phẩm báo chí không phải là biên bản, công văn tuyên truyền hay là sản phẩm dịch vụ, giải trí đơn thuần; mà là sản phẩm truyền thông đa chiều, hấp dẫn, giàu ý nghĩa xã hội, định hướng dư luận xã hội, vì lợi ích và sự phát triển, tiến bộ của đất nước, nhân dân…

Nghề nghiệp báo chí – truyền thông mang tính chất tổng hợp, do đó yêu cầu người quản lý ngoài chuyên môn báo chí phải có tri thức và kỹ năng tổng hợp về chính trị, kinh tế, pháp luật… Mặt khác, sản xuất sản phẩm báo chí bao gồm nhiều công đoạn phức tạp, có sự tham gia của nhiều loại hình lao động khác nhau. Là người điều phối từ “đầu vào” đến “đầu ra” của sản phẩm báo chí nên người lãnh đạo, quản lý phải nắm được toàn bộ các công đoạn đó. Không chỉ đạo suông mà người lãnh đạo, quản lý phải là người tham gia tổ chức, vận hành toàn bộ quy trình tổ chức, sản xuất. Sai sót ở khâu nào, công đoạn nào đều có trách nhiệm của lãnh đạo, quản lý.

Lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí có thể chia làm 3 cấp độ: lãnh đạo, quản lý cấp cao (Giám đốc; Phó Tổng Giám đốc; Tổng biên tập; Phó Tổng biên tập); lãnh đạo, quản lý cấp trung (Trưởng Ban hoặc Phó Ban, Vụ, Phòng…); lãnh đạo, quản lý cơ sở (trưởng nhóm; đội trưởng; kíp trưởng…). Để quy trình tổ chức sản xuất, biên tập chặt chẽ, chuyên nghiệp, tránh sai sót về nghiệp vụ, chính trị cần xây dựng quy chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, hợp lý. Người lãnh đạo, quản lý trong mắt xích nào, công đoạn nào phải chịu trách nhiệm trong từng mắt xích, công đoạn đó. Hiện nay nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng tòa soạn điện tử với quy trình biên tập khá thông minh. Bên cạnh trách nhiệm, chuyên môn nghề nghiệp của các cấp lãnh đạo, quản lý trong báo chí được thể hiện và lưu dấu ấn rõ ràng. Do vậy, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải có chuyên môn nghiệp vụ tốt để đảm bảo vận hành quy trình một cách hiệu quả.

Trên thực tế có hiện tượng một số lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí – truyền thông thiếu sự hiểu biết về nghề, thiếu sự chuyên nghiệp trong tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí- truyền thông dẫn đến quản lý phóng viên tác nghiệp kém hiệu quả và sản phẩm chưa đạt được những yêu cầu như công chúng mong đợi. Có trường hợp báo chí chạy theo những thông tin giật gân, câu khách, chạy đua với mạng xã hội, thiếu kiểm chứng thông tin… làm méo mó, lệch lạc hình ảnh của cơ quan báo chí – truyền thông.

3. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cần có tầm ảnh hưởng, có năng lực tổ chức, kết nối tập thể bên trong và bên ngoài cơ quan báo chí – truyền thông

Người lãnh đạo, quản lý đại diện cho cơ quan báo chí – truyền thông trong các hoạt động mang tính nghi thức, pháp lý; là hình ảnh, bộ mặt đối ngoại của cơ quan trong giao tiếp, phát ngôn và hợp tác công việc. Người lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí – truyền thông phải tạo được hình ảnh của mình và tạo được ảnh hưởng cá nhân trong các mối quan hệ với cả bên trong và bên ngoài cơ quan báo chí. Có thể nói, hình ảnh và thương hiệu cá nhân của người đứng đầu gắn liền với thương hiệu của cơ quan báo chí – truyền thông. Người lãnh đạo, quản lý báo chí ở các cấp độ cần thiết phải chuẩn bị tâm thế, kỹ năng để đảm trách công việc, tổ chức thực hiện và tạo dựng thương hiệu cho bản thân, cho cơ quan, cho các thành viên và đặc biệt cho sản phẩm của đơn vị mình.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong điều hành công việc phải tuân thủ những chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp đã được quy định trong điều luật, quy định của Nhà nước và nội quy của cơ quan. Ngay cả trong hành vi sinh hoạt, ứng xử, quan hệ… cũng phải tuân thủ những chuẩn mực nhất định của xã hội. Người lãnh đạo, quản lý phải là người đi đầu, làm gương thuyết phục và tạo sự tin cậy đối với cán bộ, nhân viên trong cơ quan. Bản thân cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có ước muốn, tích cực và tự nguyện gánh vác trách nhiệm làm công việc quản lý. Như vậy họ mới tạo được sự hứng thú trong công việc và tạo được động lực, ảnh hưởng đối với cấp dưới và thu được kết quả thông qua sự nỗ lực của cấp dưới.

Một vai trò điển hình của người lãnh đạo, quản lý là kết nối, liên kết cá nhân. Trước hết bản thân cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có khả năng làm việc với người khác, xây dựng được mối quan hệ, sự hợp tác trong công việc. Điều này tạo hiệu ứng ảnh hưởng tới hành vi của các thành viên, các ban, phòng, nhóm, kíp trong cơ quan. Mọi người được tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, hỗ trợ nhau, khuyến khích nhau làm việc vì mục tiêu chung của cơ quan báo chí – truyền thông.

Người lãnh đạo, quản lý phải có năng lực tổ chức, kết nối các khâu, các bộ phận trong cơ quan báo chí – truyền thông cùng tham gia vào hoạt động chung. Như đã nói ở trên, báo chí là hoạt động mang tính chất tập thể. Để sản xuất ra một sản phẩm báo chí có sự tham gia của các loại hình lao động khác nhau. Lãnh đạo, quản lý là lao động phức tạp, nhạy cảm vì nó tác động và ảnh hưởng tới nhiều người, nhiều việc trong một tổ chức; đặc biệt, những ảnh hưởng, tác động tới đối tượng tiếp nhận sản phẩm của cơ quan báo chí – truyền thông là các tầng lớp công chúng đông đảo, rộng khắp ngoài xã hội cũng như trên không gian mạng. Quản lý hiện đại tập trung vào hiệu quả công việc. Nguyên tắc đặt ra trong quản lý là giải quyết vấn đề một cách có hệ thống nhưng trên cơ sở hợp tác toàn diện và chuyên sâu. Người lãnh đạo, quản lý phải phối kết hợp được chuyên môn của từng loại hình lao động nhưng tùy từng tình huống phải ưu tiên những hoạt động, chuyên môn sâu theo mục đích của sản phẩm đầu ra.

Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đã phát triển theo xu hướng đa phương tiện. Tỉnh Quảng Ninh là một trong đơn vị đầu tiên xây dựng trung tâm Truyền thông Quảng Ninh bao gồm: báo in, đài phát thanh, truyền hình, tạp chí, cổng thông tin điện tử… Theo Quy hoạch báo chí, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân sẽ thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện. Với những cơ quan báo chí – truyền thông lớn như vậy, người quản lý phải có khả năng nắm được các công việc, nhiệm vụ từ tổng thể đến chi tiết; biết cách sắp xếp công việc một cách khoa học; đánh giá và sử dụng nhân lực hợp lý; xử lý, điều hòa và giải quyết tốt các mâu thuẫn, các vấn đề nảy sinh trong quá trình quản lý. Vai trò người lãnh đạo thể hiện qua việc tạo ra, duy trì và nâng cao động lực làm việc, cống hiến của người lao động hướng tới mục tiêu chung. Người quản lý đồng thời cũng phải có năng lực giao tiếp, cổ vũ, khuyến khích, tư vấn, giải quyết mâu thuẫn… qua đó mới gây được ảnh hưởng, sự tín nhiệm của mọi người. Làm được điều này, người lãnh đạo, quản lý phải có nghệ thuật, lựa chọn phong cách lãnh đạo (chuyên quyền, dân chủ, ủy quyền…) một cách linh hoạt, phù hợp với tình huống cụ thể sẽ đem lại hiệu quả cao.

Có năng lực ngoại giao; xây dựng và phát triển mối quan hệ rộng rãi, tốt đẹp với cá nhân, tập thể bên ngoài cũng là phẩm chất quan trọng của cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí – truyền thông. Điều này tạo cơ hội, điều kiện tốt trong tìm kiếm, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho sự hợp tác, phát triển của cơ quan báo chí – truyền thông về.

4. Cán bộ lãnh đạo, quản lý có tầm nhìn, có tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, luôn đổi mới

Tầm nhìn của người lãnh đạo, quản lý thể hiện qua nhận thức, định hướng về một về một mô hình, sứ mệnh của cơ quan báo chí – truyền thông trong tương lai dựa trên những điều kiện, tiềm năng, thời cơ, thách thức đặt ra.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo, quản lý có tầm nhìn không chỉ vẽ ra hình ảnh đó mà phải xác định đường đi, chiến lược phát triển, đồng thời truyền được cảm hứng, dẫn dắt mọi người cùng hành động, thực hiện. Tầm nhìn không dừng lại ở xu hướng nhất thời mà phải được xây dựng, phát triển, hiện thực hóa thành chiến lược dài hạn theo từng giai đoạn trong tương lai. Để hiện thực hóa tầm nhìn, nhà lãnh đạo, quản lý phải nghiên cứu tình hình, bối cảnh thực tế để xây dựng chiến lược phát triển. Lãnh đạo, quản lý phải nhận thức, phân tích được những tác động tích cực và tiêu cực từ các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ trong xây dựng chiến lược của cơ quan báo chí – truyền thông. Chiến lược càng cụ thể, rõ ràng, dựa trên căn cứ, dự báo chắc chắn sẽ tạo được niềm tin, sự kỳ vọng của các thành viên trong cơ quan. Có định hướng chiến lược phát triển rõ ràng các thành viên trong cơ quan sẽ xác định được vai trò, vị trí, nhiệm vụ của mình, cùng chung chí hướng, đồng lòng thực hiện mục tiêu mà cơ quan đặt ra.

Mỗi cấp lãnh đạo, quản lý từ cấp cao, cấp trung đến cấp cơ sở phải đặt rõ các mục tiêu, kế hoạch, có thông tin, được thực hiện và được kiểm tra nghiêm túc. Tầm nhìn của các cấp lãnh đạo, quản lý tỉ lệ thuận với vị trí, vai trò, trách nhiệm mà họ nắm giữ và có mối quan hệ gắn kết, tương tác với nhau. Lãnh đạo, quản lý cấp cao: nêu ý tưởng, quyết định, định hướng, điều hành; lãnh đạo, quản lý cấp trung: vận dụng tầm nhìn xây dựng chiến lược, lập kế hoạch tổng thể; lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở: hướng dẫn hành động, lập kế hoạch chi tiết, tác nghiệp cụ thể.

Người lãnh đạo, quản lý cấp cao đảm nhận vai trò thành lập “nhóm dẫn đường” đủ mạnh gồm những người có uy tín, chuyên môn, quyền lực, tin cậy, đoàn kết và hợp tác vì lợi ích chung.

Họ chính là những người nòng cốt, tích cực, chủ động, sẵn sàng tiên phong cho sự cách tân, đổi mới, sáng tạo tùy theo sự thay đổi của điều kiện môi trường. Lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí – truyền thông thiếu tầm nhìn hoặc tầm nhìn hạn hẹp sẽ đẩy cơ quan báo chí – truyền thông vào tình cảnh trì trệ, lối mòn, kém phát triển, có thể phá sản.

“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng phê duyệt là xu thế tất yếu hiện nay. Bên cạnh cơ hội, công cuộc chuyển đổi số cũng đang là thách thức đòi hỏi các cơ quan báo chí – truyền thông phải tích cực thay đổi để có thể tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút công chúng và thực hiện sứ mệnh của mình.

Mặt khác, hoạt động của cơ quan báo chí mang tính sáng tạo. Lao động báo chí vừa có tính khoa học vừa có tính nghệ thuật. Trong thế giới thông tin phẳng, cạnh tranh nổi bật nhất là sự khác biệt, độc đáo. Nội dung báo chí phải mới lạ, hấp dẫn được chuyển tải qua các nền tảng đa dạng, bằng hình thức và công nghệ truyền thông mới, hiện đại. Nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, các nhà lãnh đạo, quản lý không “dẫm chân tại chỗ” mà phải luôn chủ động, tích cực trong sáng tạo, làm mới mình.

Sự sáng tạo có ý nghĩa quyết định cho thành công của những người muốn trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí – truyền thông có hiệu quả trong tương lai. Để thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong tòa soạn, cần học cách tẩy rửa những bộ não đã trở nên thủ cựu(1).

5. Cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy và năng lực quản trị kinh doanh

Ngoài một số cơ quan báo chí – truyền thông được bao cấp về tài chính (bao cấp hoàn toàn hoặc một phần), còn lại tự chủ về tài chính, tự chủ hạch toán kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Chủ trương của Chính phủ, đến năm 2020, các đài phát thanh, truyền hình tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu và có cơ chế phù hợp để từng bước hình thành và phát triển ngành công nghiệp sản xuất nội dung trong nước(2). Theo Luật Báo chí (Điều 37), cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động liên kết trong lĩnh vực báo chí theo quy định của pháp luật(3).

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động kinh tế của cơ quan báo chí – truyền thông được xem như một điều kiện quan trọng để tồn tại. Do vậy, bên cạnh năng lực về chuyên môn, lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí – truyền thông phải có tư duy và năng lực quản trị kinh doanh báo chí – truyền thông. Cần phải theo sát thị trường, bắt kịp sự phát triển của công nghệ, trăn trở, tìm lời giải nghiêm túc, khoa học cho bài toán kinh tế đang đặt ra. Đặc biệt, lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí – truyền thông phải nhanh nhạy trong nắm bắt xu thế, học tập kinh nghiệm, áp dụng linh hoạt các phương thức, mô hình kinh doanh có hiệu quả trên thế giới hiện nay như: doanh thu từ độc giả; nội dung được trả tiền; doanh thu từ quảng cáo; doanh thu từ tổ chức từ thiện; kinh doanh bán lẻ; tổ chức sự kiện; thu phí hội viên; cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin; cung cấp dịch vụ truyền thông, quảng cáo; cung cấp dịch vụ dữ liệu; cấp phép thương hiệu; đầu tư(4)…

Báo chí là hoạt động chính trị – xã hội, sản phẩm báo chí cũng là sản phẩm văn hóa, chính trị, do vậy cán bộ lãnh đạo, quản lý phải định hướng các sản phẩm chí – truyền thông không được đặt mục đích kinh tế bằng mọi giá. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí – truyền thông phải có giải pháp cân đối, điều chỉnh, tránh tình trạng quá tập trung vào kinh doanh, dễ bị thương mại hoá, sai với tôn chỉ mục đích của báo chí là nhiệm vụ tuyên truyền. Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy./.

___________________

(1) Phương thức quản lý (cẩm nang dành cho các nhà quản lý báo chí), PMB và FOJO, 2009, tr.68.

(2) Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

(3) Điều 37, Luật Báo chí  2016.

(4) Những sáng tạo trong báo chí – Báo cáo toàn cầu 2019-2020, FIPP và Innovation Media Consulting (Thông tấn xã Việt Nam dịch), tr.7- 8.