Y TẾ – Y ĐỨC: “THUẬN MUA VỪA BÁN” hay “AO NHÀ VẪN HƠN”!? – Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế S.I.S Cần Thơ

Ngành Y… nếu cho phép tôi được nhận xét: Tôi cho rằng đây là một ngành nghề khó tiếp cận nhất và thật sự rất khó để có thể trở thành một “Thầy thuốc” một “Bác sĩ” đúng như mọi người hằng mong đợi…
Bởi vì, “chúng ta” và tôi cũng thế, mỗi khi bị ốm đau thì “luôn luôn” mong muốn “Thầy thuốc” của mình chẩn đoán sao cho đúng bệnh, điều trị sao cho khỏi bệnh, chăm sóc sau cho êm ái, nói năng phục vụ sao cho nhẹ nhàng, phòng bệnh thoải mái … với một nguy cơ rủi ro thấp nhất, thậm chí không chấp nhận rủi ro, với một thời gian nhanh nhất, và ngày nay… lại đi kèm với một chi phí thấp nhất… Nói chung về phía “Người bệnh chúng ta” hiện nay luôn mong mỏi một “sản phẩm” chất lượng tốt nhất chứ việc khám chữa bệnh không còn là sự ban phát như xưa kia thầy “hốt (bốc) cho vài thang” bằng cây cây cỏ hoa lá…  
Ngành y là khoa học nghiên cứu con người – một tác phẩm siêu việt của thượng đế và chẳng ai giống ai! Bởi vì ai cũng biết rằng: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” về “phần cứng” cho dù anh em một nhà, hay sinh đôi ra lò “cùng một xưởng” nhưng cấu tạo cơ thể cũng sẽ có nhiều điểm khác nhau; về “phần mềm” mổi người chúng ta lại hoàn toàn khác nhau trong cách suy nghĩ, tri thức, trình độ, quan điểm… theo một hệ điều hành riêng… không trùng lắp. Nói thế để chúng ta thấy được sự kỳ diệu của tạo hóa và sự khó khăn của ngành y! Tôi tin rằng sẽ còn nhiều triệu năm nữa loài người chúng ta mới thật sự giải mã được chính mình!
Ngành y đã làm gì để phục vụ sự mong mỏi của “chúng ta” và có phải đã giải mã cứu chữa được hết tật? Liệu khoa học đã có thể giúp con người “Cải tử hoàn sinh”? Câu trả lời ngay là chưa có! 
Chúng ta không phủ nhận những thành tựu của y học hiện đại thế giới trong những thập kỷ qua đã giải mã nhiều bí ẩn về bệnh tật và cứu chữa biết bao bệnh tật làm cho sức khỏe con người không ngừng được nâng cao. Đó là nhờ sự phối hợp và ứng dụng các thành tựu phát triển của khoa học kỹ thuật và y tế. Nhưng hiện nay thật ra mà nói việc phân định đúng sai tuyệt đối hay chứng minh đúng sai tuyệt đối trong y học cũng chỉ mang tính chất tương đối … Bởi vì mổi “Bác sĩ” thật sự là một nhà khoa học, hay là một quan tòa khi họ khám bệnh nhân, tùy theo kiến thức và kinh nghiệm họ có, tùy theo điều kiện mà họ có mà việc chỉ định điều trị có thể lại khác nhau! Điều này lý giải tại sao cùng một “người bệnh” nhưng khám bác này lại cho toa này… bác khác lại cho toa khác… Thậm chí là cùng một toa thuốc giống nhau nhưng toa bác này tôi uống hết bệnh, toa bác kia tôi uống không hết!!
Và đôi khi việc đúng sai trong ngành y là không thể phân định, và cũng có đôi khi việc đúng sai chỉ một mình bác sĩ biết hoặc sau một thời gian nghiệm lại mình mới hiểu…
Đơn cữ: cách đây 2 tuần có một bệnh nhân đột quỵ ở Miền Tây vào viện tỉnh nhà lúc nửa khuya vì yếu tay chân nói khó được bác sĩ đánh giá là “còn nhẹ” và cho nhập viện theo dõi tiếp. Đến 12h sau nhập viện người nhà gọi tôi nói bệnh nhân đã hôn mê sâu và định chuyển bệnh nhân vào bệnh viện đột quỵ tim mạch Cần thơ, tuy nhiên khi đi gần đến Cần Thơ, với 2 luồng ý kiến: 1- đi Sài Gòn; 2- ghé Cần Thơ … Cô điều dưỡng trên xe nói: (theo người nhà kể) “Bệnh nhân tạm ổn có thể lên Sài Gòn được…” Thế là xe cứu thương thẳng tiến SG và kết quả là cuộc gọi tiếp theo tại Sài Gòn: “Bác sĩ ơi ở đây quá tải không có chổ chen mông ổng nặng quá sắp tử vong bác sĩ cho về, tôi tiếc quá, phải chi lúc đi tôi ghé bác, nhưng bác ơi, bác làm ơn ráng cứu giúp, nếu trên đường về còn kịp tôi sẽ ghé qua bác xem coi còn cứu được không …” Thật sự trong lòng tôi hơi nuối tiếc, không biết nói sao… nhưng cũng khuyên bệnh nhân thôi thì chắc số ổng tới đó… thôi về đi… Và khi trời vừa sẫm tối, tiếng kêu thất thanh của còi xe cứu thương lao vào phòng cấp cứu S.I.S trước mắt tôi là một bệnh nhân Nam khoảng 60 tuổi đã không còn cơ hội vì não đã chết… tim còn đập; với tôi, thời gian vàng là tất cả… nhưng liệu chúng ta truy cứu và trách ai trong trường hợp này? Và có lẽ không ai là có lỗi cả! Mặc dù chúng ta biết rằng kiến thức ngày nay bệnh nhân đột quỵ nên được cứu chữa trong thời gian vàng là tốt nhất vì cơ hội sống còn là cao hơn! Nhưng đâu phải ai đến trong thời gian vàng cũng được cứu sống! Tôi chia sẻ và an ủi thân nhân… rồi tiếng còi, tiếng khóc lại vang lên trong niềm tuyệt vọng, bệnh nhân tử vong sau 24h đột quỵ.  
Y học thời hiện đại tất nhiên không tránh khỏi việc tính toán đầu tư tài chính, máy móc hiện đại… càng không thể bỏ qua việc tài chính thu chi, lời lỗ sống còn, mức sống người dân, nền kinh tế, an sinh xã hội, BHYT … Tùy theo từng “Ông chủ” của từng bệnh viện hay lớn hơn là “Ông chủ” của ngành y tế từng quốc gia mà “chúng ta những người dân” sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều, ví dụ:
“Ông chủ” ở các nền kinh tế phát triển mặc nhiên công chất xám được tính là cao nhất và có khi là “theo mặt khách hàng” theo quy tắc: “Thuận mua vừa bán” và ngành y tế cũng không ngoại lệ thậm chí họ còn xem đó là ngành nghề “Hái ra tiền” với sản phẩm là dịch vụ khám chữa bệnh và bệnh nhân là khách hàng, với “hệ thống” đại lý và nhân viên chào mời các dịch vụ “Khám chữa bệnh cao cấp…”
Điển hình như tại nước ta trong thời gian qua, mổi năm có khoảng vài trăm triệu đô đến tỷ đô chi phí ra nước ngoài khám chữa bệnh, chi phí thì cao quá cao, nhưng có phải là được kết quả như mong đợi? Xin thưa là không!
Tôi có một bệnh nhân khá thân, quê Miền Tây bị bệnh rất khó điều trị: Dị dạng mạch máu vùng vành tai, đã được phẫu thuật cột các động mạch vào khối dị dạng khoảng 10 năm trước, nhưng sau đó tái phát lại do tuần hoàn bàng hệ tăng sinh. Tôi gây tắc rất nhiều lần, chi phí mổi lần là vài chục triệu, sau đó bệnh nhân được mổ xoay vạc da thành công. Hơn 1 năm trước khối dị dạng chảy máu lại và bệnh nhân được tư vấn sang Singapore điều trị. Theo người nhà kể: “Lần đầu tiên chi phí gây tắc khoảng 2 tỷ đồng, các lần sau thấp hơn với trên dưới 1 tỷ, trong khoảng 1 năm qua gia đình em đã tốn hết gần 10 tỷ rồi bác ơi, với niềm tin là khỏi bệnh nhưng bây giờ bệnh còn nặng thêm mà gia đình thì đã hết tiền tài sản cầm cố vay nợ…. bác ráng giúp”! 
Tôi như không tin vào tai mình hỏi lại: 
– Em tốn 1 tỷ? 
– Dạ không gần 10 tỷ bác ơi! Họ nói là hết…
Tôi thật sự nghẹn ngào không biết nói sao, nhưng tôi biết chắc một điều là chi phí làm như thế ở Việt Nam thấp hơn nhiều và riêng trong ca này theo kinh nghiệm của tôi, phía Singapore đã ra tay hơn quá kể cả sử dụng vật liệu gây tắc là không phù hợp. Chất gây tắc hiện nay đã trở thành khối dị vật khổng lồ trên đầu thì vết thương không biết bao giờ lành được. Thật là nan giải nhưng không biết làm gì nữa đây! Bệnh nhân hiện giờ đang ở S.I.S, không đi Singapore nữa nhưng với tôi như là một gánh nặng ngàn cân! Biết trách ai đây khi họ làm việc theo quy tắc: “Thuận mua vừa bán?” Lấy y tế để làm kinh tế?  
Liệu chúng ta có nên tin vào những phương trời vô định? Thực hư chưa rõ đã vội tin hay thường “Nghe nói, nghe đồn…?” Và chúng ta phải làm gì để bệnh nhân “ở lại” với một niềm tin đúng đắn? 

Tình trạng hiện tại Bệnh nhân sau khi điều trị chi phí hơn 10 tỷ ở Singapore

Thiết nghĩ mổi người chúng ta cần trao dồi nhiều kiến thức, cập nhật tay nghề, tạo niềm tin cho ngành y tế Việt, tuyên truyền rộng rãi cho người bệnh hiểu rõ khi nào cần đi và đi đâu cho đúng cho tốt để tránh tiền mất tật mang và trước khi tư vấn bà con mình các bạn tư vấn cần tham khảo kỹ lưỡng hãy có lòng tự trọng và yêu nước: Hãy tự trả lời có thật là Việt Nam không làm được hay không? Đừng vì một chút lương bổng lợi ích cá nhân mà làm hại người khác, hay đôi khi vì tự ái nghề nghiệp sẽ làm tổn hại bệnh nhân. Nhất là các bạn trẻ ngành y hãy học thật nhiều… và luôn tôn trọng lịch sử kinh nghiệm người đi trước… Đôi khi “dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” như ông cha ta thường dạy.  
Hơn 200 năm trước đây, ở nước ta, đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã từng nói: “Suy nghĩ sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người: sống chết trong tay mình nắm, phúc họa trong một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng!”. Ông đã nêu lên những điều răn dạy rất cụ thể và sâu sắc mà thầy thuốc thường gặp, đến nay vẫn còn nguyên giá trị: Là người “Thầy Thuốc” phải có:
“Nhân – Minh – Đức – Trí – Lượng – Cần – Thành – Khiêm”: 
“Nhân ái – Sáng suốt – Đức độ – Hiểu biết – Rộng lượng – Cần cù – Thành thật – Khiêm tốn”.

Thân gửi các anh em đồng nghiệp và bạn bè!
Trần Chí Cường 
18/08/2019