Ý nghĩa của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng đối với không chỉ chủ thể quyền sở hữu trí, chủ thể sản xuất, kinh doanh, ngườ tiêu dùng mà còn liên quan đến sử phát triển của Quốc gia.

1. Quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Theo Khoản 1 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 quy định:

“4. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.”

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là nhà nước và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ sử dụng các phương thức pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ của mình, chống lại mọi sự xâm phạm để giữ nguyên vẹn quyền sở hữu các đối tượng này.Quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ bằng các biện pháp hành chính, dân sự và hình sự. Trong đó chủ thể quyền có thể tự bảo vệ hoặc bằng hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua việc khởi kiện tại Toà án, hoặc gửi đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Thanh tra Khoa học và Công nghệ (nếu là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp), Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch (nếu là hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan), Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nếu là hành vi xâm phạm đối với giống cây trồng) hoặc gửi tới các cơ quan như: Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Hải quan, Quản lý thị trường

2. Ý nghĩa của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

a. Đối với chủ thể quyền sở hữu trí tuệ:

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khuyến khích sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của các cá nhân vào hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội.

b. Đối với chủ thể sản xuất, kinh doanh:

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ góp phần giảm thiểu tổn thất cho các nhà sản xuất kinh doanh và thúc đẩy họ sản xuất kinh doanh hợp pháp.

c. Đối với người tiêu dùng:

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả giúp cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn và được sử dụng các hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

d. Đối với Quốc gia:

Sở hữu trí tuệ đã được khẳng định là “một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế”, cho nên bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả sẽ tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút chuyển giao công nghệ và đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập như hiện nay, với sự luân chuyển mạnh mẽ, liên tục của các tài sản hữu hình cũng như các tài sản vô hình giữa các Quốc gia, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn góp phần bảo vệ lợi ích Quốc gia. Hơn nữa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn có ý nghĩa chính trị “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là nghĩa vụ bắt buộc, điều kiện tiên quyết đối với các Quốc gia là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới và với các Quốc gia đang muốn trử thành thành viên của Tổ chức này. Nhiều nước đặc biệt là các nước đang phát triển đã coi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là điều không thể thiếu để thiết lập các quan hệ thương mại, việc thực hiện không đầy đủ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có thể tạo ra sự căng thẳng về thương mại”.

Bên cạnh đó, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại lành mạnh trên phạm vi toàn cầu.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Luật sở hữu trí tuệ.

Luật Hoàng Anh