Ý nghĩa của văn hóa đọc
Thứ Năm 09/04/2015 , 06:12 (GMT+7)
Văn hoá đọc là một khái niệm có hai nghĩa, một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp.
* Xin cho biết, văn hóa đọc được hiểu là gì?
Đặng Văn Hợp, Mường La, Sơn La
Văn hoá đọc là một khái niệm có hai nghĩa, một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp.
Ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý Nhà nước.
Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này cũng gồm ba thành phần: Thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.
Văn hoá đọc ở nghĩa rộng là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các nhà quản lý và cơ quan quản lý Nhà nước, ứng xử đọc của cộng đồng xã hội và ứng xử đọc của mỗi cá nhân trong xã hội.
Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các nhà quản lý và cơ quan quản lý Nhà nước là chính sách, đường lối và ứng xử hàng ngày nhằm phát triển nền văn hoá đọc.
Các hoạt động này đều nhằm tạo ra hành lang pháp lý phát triển tài liệu đọc có giá trị và lành mạnh cho mọi người đọc khác nhau và sự thuận tiện của tài liệu đọc đến với người đọc (thông qua các cửa hàng sách và các loại hình thư viện, phòng đọc sách).
Ứng xử đọc của cộng đồng xã hội còn phải kể tới truyền thống văn hoá của xã hội hay nói chính xác hơn là truyền thống văn hoá tôn vinh người viết sách, người đọc sách và người truyền thụ kiến thức (kể cả giáo dục kỹ năng đọc và hướng dẫn đọc).
Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân trong xã hội là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc của mỗi người. Trước hết cần tạo ra và phát triển thói quen đọc suốt cuộc đời cho mỗi người.
Xây dựng thói quen đọc phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ, ở nhiều nước người ta bắt đầu thực hiện từ tuổi trước khi đến trường, do các bậc cha mẹ thực hiện.
Còn trong suốt cuộc đời đi học và sau khi ra đời là quá trình học tập và rèn luyện các kỹ năng đọc. Trong suốt quá trình học tập, mỗi cá nhân phát hiện ra sở thích đọc của chính họ để phát huy sở trường và hạn chế những sở đoản.
Mục đích cuối cùng của kỹ năng đọc là đọc có hiệu quả cao nhất, nắm chắc nội dung cốt lõi và biết vận dụng những điều đã đọc được vào cuộc sống của chính người đọc.
Ở nước ta trong mấy chục năm qua, văn hoá đọc đã có những bước phát triển vượt bậc. Điều đó thể hiện ở nhiều con số thống kê.
Trước năm 1975, cả hai miền Bắc và Nam xuất bản hàng năm được khoảng chưa đầy 4.000 tên sách, ngày nay hàng năm xuất bản khoảng xấp xỉ 25.000 tên sách, tăng gấp 6 lần, gần đây tốc độ gia tăng hàng năm khoảng 10%.
Cả nước hiện nay đang xuất bản khoảng gần 1.000 đầu báo, tạp chí, nhiều tờ báo có số lượng xuất bản mỗi số lên tới 500.000 bản.
Ngày nay hệ thống thư viện công cộng đã phát triển từ tỉnh tới huyện và đang vươn tới nhiều xã trên toàn quốc, khắp từ Bắc tới Nam, bao gồm 64 thư viện tỉnh, 587 thư viện huyện và khoảng 10.000 thư viện và tủ sách cơ sở ở xã.
Trong loại thư viện phục vụ công chúng rộng rãi còn phải kể tới 10.000 tủ sách pháp luật xã và cũng khoảng trên 10.000 điểm bưu điện văn hoá xã.
Tại các vùng nông thôn Việt Nam đã có khoảng 3 vạn điểm đọc sách báo cho người dân. Cho đến nay chúng ta đã có 12.000 cửa hàng sách và nhà sách tư nhân.
Tuy vậy công tác xuất bản có xu hướng cho ra đời các bộ sách dày trên nhiều lĩnh vực, thực chất chỉ nhằm vào những người đọc có thu nhập cao trong xã hội…
Tuy số lượng sách hàng năm đã đạt khoảng 26.000 tên sách, nhưng có tới 80% là sách giáo khoa, giáo trình.
Cũng không thể không kể tới sự xuất hiện của Internet trong đời sống xã hội chúng ta trong mười năm qua, đã tạo ra một phương thức đọc hiện đại, với một lượng thông tin, tri thức khổng lồ.
Tốc độ phát triển thuê bao đường truyền Internet và tỷ lệ dân chúng sử dụng Internet của chúng ta đạt một tỷ lệ cao so với khu vực châu Á.