Y đức trong môi trường xã hội hiện nay

Đạo đức ngành Y (Y đức) đã ra đời, tồn tại và phát triển cùng với sự ra đời và phát triển của nền Y học Việt Nam. Y đức được thể hiện và liên hệ chặt chẽ với công việc hàng ngày của người làm công tác y tế, đồng thời tuân theo sự phát triển của xã hội.

Ngày nay, Y đức không còn là vấn đề riêng của ngành y tế, mà là một thành tố của đạo đức xã hội, một trong những truyền thống văn hóa cao đẹp của dân tộc ta. Thực trạng về Y đức hiện nay, một vấn đề đã thu hút sự chú ý của nhiều người, nhiều ngành nghề khác nhau với những quan điểm, nhận thức và thái độ khác nhau.

Để nâng cao Y đức không chỉ là sự hô hào chung chung mà phải nghiên cứu, xem xét và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự sa sút về đạo đức của một số thầy thuốc và nhân viên y tế trong giai đoạn vừa qua.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, ngành y tế cũng không tách khỏi cái chung của toàn xã hội. Cần phải tìm hiểu, xem xét những nguyên nhân xuất phát từ vai trò quản lý nhà nước về y tế, các chính sách, cơ chế của dịch vụ khám chữa bệnh, tác động của các tổ chức xã hội và mỗi người dân đối với ngành, đến những nguyên nhân từ sự chuyển đổi cơ chế nền kinh tế, sự phát triển kinh tế xã hội, khả năng đảm bảo mức sống và điều kiện làm việc của người thầy thuốc, để từ đó có thể ngăn chặn kịp thời và hiệu quả sự sa sút đạo đức của một bộ phận không nhỏ những người làm công tác y tế trong giai đoạn hiện nay.

Vấn đề đặt ra là: nhận quà biếu của người nhà bệnh nhân có giảm sút đạo đức người thầy thuốc hay không?

Thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi từ quản lý kinh tế theo cơ chế quan liêu bao cấp, sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã có những tác động và ảnh hưởng nhất định đến ngành y tế nói chung và Y đức nói riêng.

Từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20, nhà nước đã có chính sách thu một phần viện phí nhằm tạo thêm nguồn lực tài chính cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Ngoài những tác động tích cực của chính sách, giúp các cơ sở y tế có thêm kinh phí để mua máy móc, thiết bị để chẩn đoán và điều trị tốt hơn, đồng thời phần nào hỗ trợ đời sống cán bộ nhân viên y tế. Tuy nhiên, đã nảy sinh một số vấn đề liên quan tới Y đức. Mặt trái của cơ chế thị trường tác động không nhỏ đến thái độ phục vụ của nhân viên y tế, đặc biệt là thái độ đối với những người bệnh nghèo. Bên cạnh đó đã xuất hiện một bộ phận những người có thu nhập cao hơn, với suy nghĩ để được thụ hưởng các dịch vụ y tế và sự chăm sóc y tế tốt nhất, bằng mọi cách sử dụng đồng tiền để chi phối và dần dà những hiện tượng tiêu cực, đút lót nhân viên y tế đã trở thành phổ biến. Tâm lý người bệnh chỉ thực sự yên tâm điều trị khi đã “phong bao” được cho thầy thuốc, đồng thời người thầy thuốc dần dần sẽ coi đó là một việc làm như một thông lệ để xua tan đi sự mặc cảm, so sánh với quá trình đào tạo, điều kiện làm việc cũng như thu nhập của các ngành nghề khác trong xã hội.

Sự kính trọng vốn có của xã hội với những người thầy thuốc không hề thay đổi, nhưng quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc trong cơ chế thị trường cũng đã có những chuyển đổi nhất định. Khi đồng tiền được xen vào giữa quan hệ thầy thuốc và người bệnh, điều phối những khó khăn trong đời sống của họ, đã có tác động đến tinh thần, thái độ phục vụ của họ đối với người bệnh. Để có thể đưa ra kết luận đúng đắn về bản chất của vấn đề nhận hay không nhận quà biếu của bệnh nhân, chúng ta đồng thời quan tâm đến yếu tố xã hội mang tính truyền thống dân tộc và cơ chế hoạt động nền kinh tế của đất nước hiện nay, đặc biệt đối với ngành y là các cơ sở y tế công.

Lòng kính trọng, sự “đền ơn đáp nghĩa” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Từ xa xưa khi việc chữa bệnh còn thuần túy là một việc làm nhân đạo”cứu nhân độ thế”, người thầy thuốc lúc đó là những thầy lang hành nghề nhằm mục tiêu duy nhất là chữa bệnh cứu người và mưu sinh một cách giản dị. Cái được là giá trị đạo đức và nhân cách người thầy: người bệnh sau khi được cứu chữa, nhớ ơn thầy thuốc sâu nặng, coi thầy thuốc như người đã sinh ra mình lần thứ hai, hoặc nhớ ơn thầy thuốc bằng cách lễ tạ bằng hiện vật, đó là những món quà gần gũi, giản dị do chính bàn tay người bệnh hoặc gia đình làm ra như: gạo, ngô, khoai, sắn, con gà, cân cá….có gì cho nấy. Một thực tế được thừa nhận rằng người thầy thuốc ngày đó nếu không xuất phát từ những gia đình khá giả, thì đây chính là nguồn sống để duy trì việc “sinh nhai”. Việc người bệnh biếu quà khi đó cũng rất tự nhiên như là một cách tỏ lòng biết ơn của họ với người thầy thuốc và không có sự đòi hỏi nhũng nhiễu, yêu sách từ phía thầy thuốc.

Nếu sau thời gian điều trị tại bệnh viện, người bệnh ra viện trong tình trạng sức khỏe được hồi phục. Người nhà bệnh nhân thực sự chứng kiến tinh thần thái độ phục vụ tận tâm, tận lực của những người thầy thuốc và không hề có sự đòi hỏi, gợi ý của thầy thuốc thì việc bệnh nhân và người nhà tự nguyện đến cảm ơn cán bộ nhân viên y tế là một tình cảm hết sức tự nhiên, phù hợp với bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc ta. Có thể nói lúc này là sự quan tâm chia sẻ của xã hội đối với ngành y tế bằng vật chất, được thể hiện bởi gia đình người bệnh. Nếu từ chối thì phải chăng chúng ta đã phụ tấm lòng chân thành của người bệnh và càng làm xa thêm khoảng cách giữa người thầy thuốc với bệnh nhân. Vấn đề cần quan tâm ở đây là sự công khai minh bạch và sự phân chia những món quà cho các nhân viên y tế có phù hợp hay chưa?. Điều quan trọng là vai trò quản lý, nhằm tránh việc lợi dụng cơ sở y tế và vị trí công tác để tăng thu nhập từ lợi ích nhóm của mọi thành phần trong các cơ sở y tế hiện nay, đặc biệt là các bệnh viện ở các khu vực đô thị.

Nghề Y là một ngành nghề đặc biệt. Cần quan tâm cải thiện và đảm bảo đời sống vật chất cho cán bộ y tế, bởi lẽ Y đức không thể giữ gìn, tồn tại và phát triển bền vững nếu thu nhập của cán bộ nhân viên y tế quá thấp. Ngành y tế luôn đòi hỏi một quá trình đào tạo, nâng cao kiến thức nghiệp vụ liên tục để đáp ứng công việc. Ngoài các học vị trong hệ thống đào tạo của Bộ giáo dục như Thạc sĩ và Tiến sĩ, ngành y tế có thêm các loại hình đào tạo sau đại học như chuyên khoa định hướng, chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2. Tuy nhiên cho đến nay, có lẽ chúng ta vẫn chưa có chính sách ưu đãi hợp lý về “lương” cho các đối tượng này.

Trong nền môi trường xã hội hiện nay, khi mà sức lao động đã trở thành hàng hóa thì việc trả công một cách tương xứng với giá trị sức lao động, kết quả lao động theo đặc thù nghề nghiệp là vấn đề cần được quan tâm hơn. Một câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý là: tại sao trong các cơ sở y tế tư nhân không có hiện tượng ‘phong bì’ hay ‘sách nhiễu’./.

BS. CK2. Phạm Đình Hùng – BV. PHCN TW