Xung đột pháp luật trong tư pháp quốc tế là gì? Cho ví dụ

Xung đột pháp luật trong tư pháp quốc tế là gì? Giải quyết xung đột pháp luật bằng các biện pháp nào ? Và một số nội dung liên quan sẽ được công ty Luật TNHH Minh Khuê tổng hợp và biên tập trong bài viết dưới đây.

 

Luật sư tư vấn:

1. Khái niệm xung đột pháp luật trong tư pháp quốc tế

Xung đột pháp luật là hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong đó có thể sẽ xảy ra các kết quả không giống nhau, phụ thuộc vào việc hệ thống luật pháp nào được áp dụng. 

Ví dụ: Cùng điều chỉnh quan hệ hôn nhân gia đình trong việc quy định độ tuổi đăng ký kết hôn thì Luật Hôn nhân và gia đình tại Anh có quy định về độ tuổi kết hôn đối với nam và nữ là đủ 16 tuổi trong khi Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam thì quy định rằng nam từ đủ 20 và nữ từ đủ 18 tuổi mới đủ điều kiện về độ tuổi để kết hôn. Nếu công dân Anh và công dân Việt Nam đều trên 20 tuổi => kết hôn ở Anh theo luật Anh hay kết hôn ở Việt Nam theo luật Việt Nam đều không ảnh hưởng gì vì đều đáp ứng độ tuổi quy định. Nhưng giả sử, nếu công dân nam người Anh mới đủ 18 tuổi và công dân nữ người Việt mới 17 tuổi thì sao? Họ có được kết hôn không và pháp luật nước nào sẽ điều chỉnh vấn đề này ? Nếu kết hôn tại Việt Nam thì chắc chắn không được vì cả hai không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của luật Việt Nam. Nhưng nếu kết hôn ở Anh, việc kết hôn sẽ được thực hiện nhưng liệu có được pháp luật Việt Nam công nhận hay không? Theo quy định tại Điều 34 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, việc kết hôn này chỉ được cơ quan có thẩm quyền công nhận nếu: 

– Đủ điều kiện kết hôn.

– Việc ghi chú là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em.

– Không vi phạm điều cầm của pháp luật.

Như vậy, nhìn chung, xung đột pháp luật hiểu đơn giải là một vụ việc có yếu tố nước ngoài, cùng nằm trong sự điều chỉnh của pháp luật nhiều nước, cách giải quyết vấn đề khác nhau dẫn đến xung đột pháp luật.

 

2. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xung đột pháp luật là gì?

Hiện tượng xung đột pháp luật nói trên có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:

– Trên thực tế, mỗi nước có điều kiện cơ sở hạ tầng khác nhau, bởi vậy pháp luật của các nước được xây dựng trên các nền tảng đó cũng có sự khác nhau.

– Các điều kiện khác nhau về chính trị, kinh tế – xã hội phong tục tập quán, truyền thống lịch sử thậm chí là sự khác nhau về đặc điểm thể chất, tâm lý của công dân cũng dẫn đến sự khác nhau trong các quy định pháp luật cùng điều chỉnh một vấn đề.

 

3. Phạm vi xảy ra xung đột pháp luật

Về cơ bản, hiện tượng xung đột pháp luật chỉ xảy ra trong các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài thuộc lĩnh vực điều chỉnh của tư pháp quốc tế. Còn trong các lĩnh vực quan hệ pháp luật khác như hình sự hoặc hành chính, đặc biệt là hành chính không xảy ra xung đột pháp luật bởi vì:

– Những ngành luật đó gần như mang tính hiệu lực lãnh thổ rất nghiêm ngặt đặc biết là các vấn đề liên quan tới quyền tài phán công, chính trị quốc gia có tính lãnh thổ rất chất chẽ.

– Vì mang tính chất lãnh thổ chặt chẽ nên tất nhiên không một quốc gia nào muốn và cho phép áp dụng luật nước ngoài vào nội bộ của quốc gia mình.

– Trong các quan hệ về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp có yếu tố nước ngoài thường không làm phát sinh vấn đề xung đột pháp luật vì các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này mang tính tuyệt đối về lãnh thổ. Các quốc gia chỉ cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài để điều chỉnh các quan hệ trong trường hợp có điều ước quốc tế mà quốc gia đó đã tham gia kí kết đã quy định hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

 

4. Các phương pháp giải quyết xung đột pháp luật trong tư pháp quốc tế

Các phương pháp được xử dụng để giải quyết tình trạng xung đột pháp luật trong tư pháp quốc tế gồm: Phương pháp xung đột và phương pháp thực chất.

Phương pháp xung đột là phương pháp giải quyết được xây dựng dựa trên các quy phạm pháp luật xung đột. Nói một cách đơn giản thì phương pháp xung đột là phương pháp sử dụng các quy phạm xung đột để giải quyết tình trạng xung đột pháp luật. 

Quy phạm xung đột là các quy phạm pháp luật không quy định sẵn các quyền, nghĩa vụ các biện pháp chế tài đối với các chủ thể tham gia tư pháp quốc tế mà nó chỉ có vai trò xác định hệ thống pháp luật nước nào sẽ được áp dụng. Nói đơn giản, quy phạm xung đột là các điều luật có nội dung chỉ dẫn tới việc sẽ áp dụng pháp luật nước nào để giải quyết tranh chấp. Ví dụ: khoản 2 Điều 680 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“Việc thực hiện quyền thừa kế đổi với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.

Đây là một quy phạm xung đột điển hình. Nhìn vào điều luật này chúng ta sẽ không thể ngay lập tức giải quyết tranh chấp về quyền thừa kế trong trường hợp bất động sản ở Anh hay ở Mĩ mà phải tìm xem quy định này nằm trong văn bản pháp luật nào của Anh hoặc Mĩ. Tức là từ quy phạm xung đột, ta tìm được quy phạm thực chất trực tiếp điều chỉnh vấn đề từ đó vấn đề được giải quyết => xung đột pháp luật được giải quyết.

Mặc dù không giải quyết được ngay lập tức tranh chấp nhưng phương pháp xung đột là phương pháp phổ biến và đặc thù của tư pháp quốc tế được hầu hết các quốc gia áp dụng. 

Phương pháp thực chất: Phương pháp được xây dựng trên cơ sở hệ thống các quy phạm thực chất trực tiếp giải quyết các quan hệ dân sự quốc tế, điều này có ý nghĩa là nó trực tiếp phân định quyền và nghĩa vụ rõ ràng giữa các bên tham gia. Nói đơn giản là sử dụng các Điều luật có sẵn để giải quyết tranh chấp.

Các quy phạm thực chất (hay các điều luật có sẵn) là quy phạm định rõ ràng các quyền, nghĩa vụ, biện pháp, chế tài đối với các chủ thể tham gia quan hệ tư pháp quốc tế xảy ra, nếu có sẵn quy phạm thực chất để áp dụng thì các đương sự cũng như cơ quan có thẩm quyền căn cứ ngay vào quy phạm để xác định được vấn đề mà họ đang quan tâm mà không cần phải thông qua một khâu trung gian nào.

Các thức xây dựng các quy phạm thực chất:

– Các quốc gia cùng thống nhất trong các ĐƯQT, tập quán quốc tế, án lệ quốc tế.

– Nội luật hoá các quy định thực chất trong ĐƯQT hoặc tập quán, án lệ quốc tế vào văn bản pháp luật quốc gia.

 

5. Khái quát về quy phạm pháp luật xung đột – đặc trưng của tư pháp quốc tế

5.1 Cấu tạo của quy phạm pháp luật xung đột:

Quy phạm pháp luật xung đột (quy phạm xung đột) được cơ cấu bởi hai bộ phận: phần phạm vi và phần hệ thuộc.

– Phạm vi là phần quy định quy phạm xung đột này được áp dụng cho loại quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nào: hôn nhân, thừa kế, hợp đồng, thông thường hay đứng ở đầu câu.

Ví dụ: khoản 2 Điều 680 Bộ luật dân sự năm 2015 nêu trên quy định:

“Việc thực hiện quyền thừa kế đổi với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.

Thì phần gạch chân chính là phần phạm vi: quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài ở đây là quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài.

– Phần hệ thuộc là phần quy định chỉ ra luật pháp nước nào được áp dụng để giải quyết quan hệ pháp luật đã ghi ở phần phạm vi. Cũng từ ví dụ nêu trên thì phần chữ nghiêng in đậm là phần hệ thuộc, chỉ ra sẽ áp dụng hệ thống pháp luật nước nào để giải quyết.

 

5.2 Cách thức xây dựng quy phạm xung đột:

– Thứ nhất, quy phạm xung đột có thể được xây dưng bằng cách ác quốc gia tự ban hành các quy phạm xung đột trong hệ thống pháp luật nước mình để hướng dẫn chọn luật áp dụng để chủ động trong việc điều chỉnh các quan hệ tư pháp quốc tế trong khi chưa xây dựng được đầy đủ các quy phạm thực chất thống nhất.

– Thứ hai, các nước cùng nhau kí kết các điều ước quốc tế, hiệp định hợp tác, tương trợ để xây dựng lên các quy phạm xung đột thống nhất.

 

5.2 Phân loại quy phạm xung đột:

– Căn cứ vào kĩ thuật xây dựng quy phạm thì quy phạm xung đột được chia thành hai loại: Quy phạm xung đột một bên (hay còn gọi là quy phạm xung đột một chiều) và quy phạm xung đột hai bên(hay quy phạm xung đột hai chiều).

Quy phạm xung đột một chiều là quy phạm xung đột chỉ ra việc áp dụng luật của một nước cụ thể và đó chính là nước đã ban hành ra quy phạm. Ví dụ: khoản 2 Đièu 675 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Điều 675. Xác định cá nhân mất tích hoặc chết

2. Việc xác định tại Việt Nam một cá nhân mất tích hoặc chết theo pháp luật Việt Nam.

Quy phạm xung đột hai chiều đây là những quy phạm đề ra nguyên tắc chung để cơ quan tư pháp có thẩm quyền lựa chọn áp dụng luật của một nước nào đó để điều chỉnh đối với quan hệ tương ứng. VD khoản 1 Điều 675 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 675. Xác định cá nhân mất tích hoặc chết

1. Việc xác định một cá nhân mất tích hoặc chết tuân theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch vào thời điểm trước khi có tin tức cuối cùng về người đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

– Căn cứ vào tính chất của quy phạm xung đột có quy phạm xung đột mệnh lệnh (bắt buộc phải tuân theo) và quy phạm xung đột tuỳ nghi (được lựa chọn). 

Đề so sánh sự khác biệt giữa quy phạm xung đột mệnh lệnh và quy phạm xung đột tuỳ nghi, mời quý khách hàng tham khảo mục 6 bài viết: Xung đột pháp luật là gì ? Nguyên nhân, giải pháp giải quyết xung đột pháp luật

 

6. Các hệ thuộc luật cơ bản trong tư pháp quốc tế.

Hiện nay, trong tư pháp quốc tế có một số hệ thuộc cơ bản gồm: Luật nhân thân, Luật nơi có vật, Luật quốc tịch pháp nhân, Luật nơi thực hiện hành vi, Luật do các bên ký hợp đồng lựa chọn, Luật tiền tệ, Luật Toà án.

Luật nhân thân gồm Luật quốc tịch – luật của quốc gia nơi mà đương sự là công dân và Luật cư trú – Luật nơi mà đương sự cư trú, sinh sống, làm việc ổn định.

Luật quốc tịch pháp nhân chính là luật của quốc gia mà pháp nhân đó mang quốc tịch.

Luật nơi có vật tức là vật đang tồn tại ở nước nào thì luật nước đó sẽ áp dụng trong vụ việc mà vật đó là đối tượng hướng tới.

Luật do các bên giao kết hợp đồng lựa chọn được hiểu là pháp luật trong quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế, đặc biệt là trong buôn bán và hàng hải quốc tế cho phép các bên tham gia các quan hệ đã được lựa chọn hệ thống pháp luật để áp dụng.

Luật nơi thực hiện hành vi có khá nhiều hệ thuộc luật áp dụng như: Luật nơi ký kết hợp đồng, Luật nơi thực hiện nghĩa vụ, Luật nước người bán, Luật nơi xảy ra hành vi vi phạm,…

Luật tiền tệ được hiểu là khi kí kết hợp đồng các bên thoả thuận thanh toán bằng một đơn vị tiền tệ nhất định do đó các vấn đề liên quan đến tiền tệ đó được giải quyết theo luật pháp của nước ban hành và lưu thông đồng tiền đó. 

Luật Toà án được hiểu là pháp luật của nước có toà án thẩm quyền. Toà án có thẩm quyền khi giải quyết vụ việc chỉ áp dụng pháp luật nước mình (cả nội dung và hình thức).

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.