Xung đột pháp luật 4 nguyên tắc giải quyết xung đột theo luật Việt Nam
Mục Lục
Xung đột pháp luật về hợp đồng theo luật Việt Nam và 4 nguyên tắc giải quyết xung đột
Ngày viết: 31/8/2021
Tác giả: Thảo Nguyễn
Trong quá trình tư vấn hợp đồng và giải quyết tranh chấp tại Tòa án/ Trọng tài, chúng tôi thấy có nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau trong các văn bản pháp luật. Điều này dẫn đến hiện tượng xung đột pháp luật về hợp đồng ngày càng trở nên phổ biến. Nguyên nhân là một hợp đồng có thể chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản luật khác nhau mà nội dung của chúng không thống nhất. Việc xác định xung đột pháp luật thường ít được chú ý khi các bên đàm phán và ký kết hợp đồng. Đa phần khi phát sinh tranh chấp, các bên mới quan tâm đến việc nhận diện xung đột pháp luật nhưng việc giải quyết xung đột đó cũng không dễ dàng. Qua bài viết này, BLawyers Vietnam nêu bên dưới một số vấn đề lưu ý đến xung đột pháp luật về hợp đồng và các nguyên tắc giải quyết xung đột.
1. Xung đột pháp luật về hợp đồng là gì?
Xung đột pháp luật về hợp đồng xảy ra khi một hợp đồng được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật và các văn bản pháp luật này chứa các nội dung mâu thuẫn, xung đột với nhau.
Ví dụ như là hợp đồng tín dụng được kí kết giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Hợp đồng tín dụng có thể thuộc phạm vi điều chỉnh của cả Bộ luật dân sự 2015 (“BLDS”), Luật thương mại 2005 (“LTM”) và Luật các Tổ chức Tín dụng 2010. Trường hợp các văn bản này quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì đây là hiện tượng xung đột pháp luật về hợp đồng.
2. Các nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng
Hiện nay, nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng chưa được pháp luật ghi nhận một cách cụ thể, chi tiết trong một văn bản nào. Tuy nhiên, có 4 nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật sau đây được thừa nhận rộng rãi và thường được xem xét áp dụng để giải quyết xung đột:
i. Nguyên tắc “ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế”
Luật Điều ước Quốc tế 2016 quy định: “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp”.
Như vậy, điều ước quốc tế được ưu tiên áp dụng so với văn bản quy phạm pháp luật trong nước. Ví dụ trường hợp hợp đồng giữa thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài mà nước đó là thành viên của Công ước viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (còn được gọi là CISG) thì CISG sẽ được ưu tiên áp dụng so với LTM.
ii. Nguyên tắc “ưu tiên áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”
Nguyên tắc này được hiểu là trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Theo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam thì Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất. Do đó, nếu có sự mâu thuẫn giữa Hiến pháp và các bộ luật, luật thì Hiến pháp sẽ được ưu tiên áp dụng.
iii. Nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật được ban hành sau”
Nguyên tắc này được ghi nhận tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Theo đó, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau sẽ được ưu tiên áp dụng.
Ví dụ, cùng là một nội dung nhưng được quy định khác nhau trong hai quyết định của Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh thì quyết định được ban hành sau sẽ được ưu tiên áp dụng.
iv. Nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành”
Nguyên tắc này được quy định rải rác trong các văn bản pháp luật.
Ví dụ trong BLDS có ghi nhận BLDS là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự. Còn trong LTM thì quy định: “hoạt động thương mại không được quy định trong LTM và trong các luật khác thì áp dụng quy định của BLDS”. Như vậy, có thể thấy BLDS là luật chung điều chỉnh toàn bộ các quan hệ pháp luật thuộc pháp luật dân sự. Còn LTM là luật chuyên ngành điều chỉnh các hoạt động thương mại cụ thể. Do đó, trường hợp một hợp đồng chịu sự điều chỉnh của cả BLDS và LTM thì LTM với tư cách là luật chuyên ngành sẽ được ưu tiên áp dụng, với điều kiện việc áp dụng này không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại BLDS.
3. Vận dụng nguyên tắc giải quyết xung đột trong trường hợp có xung đột pháp luật
Chúng tôi sẽ lấy ví dụ cụ thể trong lĩnh vực xây dựng. Trên thực tế, phần lớn các hợp đồng xây dựng có thể thuộc sự điều chỉnh của cả BLDS (luật chung), LTM (luật chuyên ngành) và Luật Xây dựng (“LXD”) (luật chuyên ngành đặc thù). Vấn đề đặt ra là văn bản nào sẽ được ưu tiên áp dụng khi có xung đột pháp luật. Có các quan điểm như sau:
a. Quan điểm 1: LXD sẽ được ưu tiên cao nhất, trường hợp LXD không có quy định thì LTM sẽ được áp dụng, nếu LTM cũng không có quy định thì BLDS mới được áp dụng. Quan điểm này phù hợp với nguyên tắc giải quyết xung đột được nêu tại mục 2.iv ở trên.
b. Quan điểm 2: LXD được ưu tiên áp dụng, nếu LXD không có quy định thì áp dụng BLDS, bỏ qua LTM. Cơ sở cho quan điểm này là vì LXD quy định “hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự”.
Quan điểm này cũng được thể hiện trong Công văn số 48/BXD-KTXD đề ngày 3/9/2019. Theo đó, các bên được quyền áp dụng mức phạt vi phạm cao hơn 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm đối với công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước. Điều này có nghĩa là trường hợp LXD không quy định mức phạt vi phạm tối đa thì sẽ áp dụng BLDS, bỏ qua quy định mức phạt vi phạm tối đa là 8% của LTM.
Hiện nay, việc có ưu tiên áp dụng LTM so với BLDS đối với trường hợp nêu trên hay không vẫn còn tồn tại nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, quan điểm thứ hai có vẻ như không phù hợp với nguyên tắc giải quyết xung đột được quy định tại Điều 4 của BLDS và Điều 4 của LTM.
Tóm lại, pháp luật vẫn chưa đưa ra những quy định rõ ràng, cụ thể để giải quyết triệt để các xung đột pháp luật về hợp đồng. Do đó, việc tìm hiểu kỹ lưỡng các quy định về hợp đồng sẽ giúp bảo vệ quyền lợi và hạn chế các tranh chấp có thể phát sinh.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ [email protected]. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!
Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm: