Xuất khẩu gỗ và đồ gỗ hướng tới kỷ lục 16 tỷ USD
Theo Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu lâm sản trong 11 tháng năm 2022 đã đạt 15,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến xuất khẩu lâm sản cả năm 2022 sẽ vươn tới mốc kỷ lục 17 tỷ USD.
ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG CHÍNH CỦA NGÀNH LÂM SẢN
Trong ngành lâm nghiệp – lâm sản, ngoại tệ đem về chủ yếu từ xuất khẩu gỗ và đồ gỗ. Năm 2021, trong số 15,87 tỷ USD xuất khẩu lâm sản, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ chiếm tới 14,8 tỷ USD.
“Tăng trưởng giá trị xuất khẩu gỗ và đồ gỗ năm 2021 lên tới 19,7% so với năm 2020. Năm 2022, dự kiến tăng trưởng giá trị xuất khẩu gỗ và đồ gỗ chỉ đạt 7,3% so với năm 2021, nhưng cũng sẽ đưa ngành gỗ lên mốc kỷ lục mới 16 tỷ USD”.
TS. Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Forest Trends.
Nhóm nghiên cứu các Hiệp hội Gỗ và Tổ chức Forest Trends vừa đưa ra bản báo cáo Xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 10 tháng của năm 2022. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2022 tăng 15,2% so với cùng kỳ 2021.
Trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ (mã hàng HS 94) chiếm 63% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ nguyên liệu (mã hàng HS 44) chiếm 31%, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Các mặt hàng quan trọng mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là đồ gỗ thuộc nhóm HS 94, trong khi mặt hàng quan trọng xuất khẩu sang Trung Quốc là dăm gỗ và xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản là viên nén, dăm gỗ và đồ gỗ.
Trong năm 2022 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh từ tháng 1 tới tháng 8, trung bình đạt trên 1,3 tỷ USD/tháng. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu bắt đầu giảm từ tháng 9/2022, chỉ đạt mức trung bình 1,1 tỷ USD/tháng.
Đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều thị trường nhập khẩu chính nhóm hàng này của Việt Nam như Mỹ, EU, Anh đều chịu áp lực lạm phát cao, khiến nhu cầu tiêu thụ nhóm hàng này chậm lại.
Do đó, mức độ tăng trưởng về trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ đã chững lại, đạt 8,5 tỷ USD trong 10 tháng, chỉ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021 (trong cùng kỳ năm 2021 nhóm hàng này đạt tốc độ tăng trưởng là 21,7%), chiếm 62,8% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Lượng gỗ dán xuất khẩu trong 10 tháng là hơn 2,22 triệu m3, giảm hơn 15% so với cùng kỳ 2021. Giá trị xuất khẩu gỗ dán trong 10 tháng của năm 2022 đạt gần 866 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ 2021. Từ tháng 5/2022, giá gỗ dán xuất khẩu đã giảm liên tục từ mức hơn 417 USD/m3 về còn hơn 324 USD/m3 vào tháng 10/2022. Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia và Nhật Bản là các thị trường chính tiêu thụ gỗ dán của Việt Nam
Các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh bao gồm dăm gỗ, viên nén. Các mặt hàng có sự tụt giảm về xuất khẩu bao gồm ván bóc và ghế ngồi.
Trong 10 tháng đầu 2022 khối lượng dăm gỗ xuất khẩu đạt 13,51 triệu tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ 2021, tương đương hơn 99% tổng lượng xuất khẩu của năm 2021. Giá trị xuất khẩu dăm gỗ trong 10 tháng đạt 2,35 tỷ USD; tăng 61,6% so với
Lượng xuất khẩu viên nén tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Trong 10 tháng đầu năm 2022 lượng xuất khẩu đạt gần 3,9 triệu tấn, tăng 34% so với cùng kỳ 2021, tương đương hơn 111% tổng lượng xuất khẩu của năm 2021.
Giá trị xuất khẩu viên nén 10 tháng 2022 đạt 602,7 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ 2021, tương đương gần 146% tổng kim ngạch của năm 2021.
Giá viên nén xuất khẩu đã tăng liên tục từ tháng 6/2021 và đạt đỉnh điểm là hơn 170 USD/tấn vào tháng 10/2022, tăng gần 60% so với mức giá của tháng 5/2021. Lượng viên nén xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 95% trong tổng lượng viên nén xuất khẩu của Việt Nam.
XUẤT SIÊU ƯỚC ĐẠT TRÊN 12 TỶ USD
Về chiều nhập khẩu, trong 10 tháng của năm 2022 kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào Việt Nam đạt 2,65 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ 2021.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ nguyên liệu (mã HS44) chiếm 86,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 10% so với cùng kỳ 2021. Nhập khẩu nhóm đồ gỗ (HS94) chỉ chiếm 9,6% và giảm 13,4 % so với cùng kỳ năm trước; phần còn lại là các sản phẩm khác.
Những tháng đầu năm 2022 kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thấp, nguyên nhân chính là do sức mua đầu năm giảm. Kim ngạch nhập khẩu sau đó tăng nhanh, bình quân đạt trên 300 triệu USD/tháng. Tuy nhiên, nhập khẩu ngành hàng này lại bắt đầu giảm từ tháng 9/2022.
Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc lớn nhất, sau đó là Mỹ, Camerooon và các nước khác. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu phổ biến từ Trung Quốc là các loại ván và đồ gỗ, từ Mỹ và Cameroon là gỗ tròn và xẻ, từ Thái Lan là các loại ván.
Gỗ tròn, gỗ xẻ, veneer là các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn. Trừ mặt hàng gỗ tròn có kim ngạch nhập khẩu tăng, tất cả các mặt hàng chính nhập khẩu vào Việt Nam đầu 2022 có kim ngạch giảm so với kim ngạch cùng kỳ của năm trước.
“Dự kiến cả năm 2022, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,1-3,2 tỷ USD. Ngành gỗ cả năm sẽ xuất siêu khoảng 12,8-12,9 tỷ USD”.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
Kim ngạch nhập khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ chiếm trên 60% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trong 10 tháng, chủ yếu từ các nguồn: Hoa Kỳ, Bỉ, Papua New Guinea và Congo.
Lượng gỗ xẻ nhập khẩu trong 10 tháng 2022 chỉ bằng 95% so với lượng nhập cùng kỳ của năm trước, chủ yếu từ các nguồn: Lào và Cameroon, Hoa kỳ, Brazil, Chile và New Zealand.
Trong 10 tháng của năm 2022 Việt Nam nhập hơn 305 ngàn m3 gỗ dán, giảm 35,4% so với cùng kỳ 2021. Giá trị nhập khẩu trong 10 tháng 2022 đạt hơn 153 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ 2021.
Giá gỗ dán nhập khẩu trung bình tăng nhanh từ cuối năm 2021 và đạt đỉnh ở mức hơn 560 USD/m3 vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, sau đó giá giảm mạnh liên tục, chỉ còn mức hơn 430 USD/m3 vào tháng 10/2022.
Nguồn cung gỗ dán quan trọng nhất cho Việt Nam là Trung Quốc. Trong 10 tháng đầu 2022 lượng cung và kim ngạch nhập khẩu từ nguồn này lần lượt chiếm 88,27% và 84,46% tổng thị trường nhập khẩu.