Xuất bản ở Nam bộ giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX

 21:47 | Thứ tư, 02/06/2021
 0

Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX là thời kỳ Pháp xâm lược, thống trị Việt Nam nói chung và Nam bộ nói riêng. Theo đó, nhiều vấn đề xã hội mới xuất hiện, mà sự hình thành phát triển công nghệ in mới đóng một vai trò quan trọng vào quá trình hiện đại hóa của văn hóa ở nước ta.

Từ đầu thế kỷ XIX trở về trước, việc phổ biến kiến thức ở Việt Nam rất hạn hẹp, phần vì chữ Hán chữ Nôm khó học, phần quan trọng khác vì kỹ thuật in ấn, sản xuất giấy còn nhiều hạn chế. Đến cuối thế kỷ XIX, nhưng hạn chế về kỹ thuật in ấn và sản xuất giấy được khắc phục đáng kể nhờ vào công nghệ của phương Tây. Theo đó, chữ quốc ngữ mẫu tự latin, sách vở, báo chí được in ấn, lưu hành rộng rãi, giúp cho việc học hành, phổ biến kiến thức rộng rãi, nhanh chóng, dân trí nhờ vậy mà được nâng cao hơn.

Hiện tại, các thư viện lớn ở Việt Nam vẫn còn giữ được khá nhiều ấn phẩm được in từ cuối thế kỷ XIX, có nguồn gốc xuất xứ khác nhau, từ Paris, Hongkong cho đến các nhà in trong nước từ Bắc vào Nam, với nhiều thứ tiếng khác nhau: Pháp, Hán, Nôm, quốc ngữ, cũng không hiếm ấn phẩm song ngữ: Hán – quốc ngữ, Pháp – quốc ngữ. Điều này thể hiện sự phong phú trong tình hình in ấn, đồng thời cũng thể hiện đặc thù chuyển đổi từ nền văn hóa cũ sang nền văn hóa mới của nước ta giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.

Tình hình xuất bản và phát hành cuối thế kỷ XIX

In ấn xuất bản là một hoạt động quan trọng của xã hội, ở nước ta nghề in cũng có từ lâu đời, đến cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX bắt đầu phát triển mạnh mẽ theo công nghệ mới. Thế nhưng việc tìm hiểu, nghiên cứu về hoạt động in ấn xuất bản của Việt Nam cho đến hiện tại vẫn còn rất hạn chế, chỉ có thể tìm thấy một ít thông tin rải rác trên sách báo.

Về hoạt động xuất bản ở Nam bộ cuối thế kỷ XIX, trên tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta là Gia Định Báo, số 24 năm 1890 đưa tin: “Ông Lamache, là tùy biện thơ toán tại dinh hiệp lý, bây giờ bỏ đi làm việc tại nhà in quản hạt, thế cho ông Goursaud về nghỉ”.

Giai đoạn cuối thế kỷ XIX, các nhà in chủ yếu ở Nam bộ do người Pháp thành lập và đứng tên. Việc in ấn và phát hành sách báo lúc này có sự tham gia tích cực của tư nhân, “nhà hàng”, nổi tiếng như các “Bản in nhà hàng C. Guilland et Martion” ở Sài Gòn. Một loạt ấn phẩm của Trương Vĩnh Ký đã được in ấn và phát hành tại đây, như: Thơ dạy làm dâu, Bất cượng chớ cượng làm chi, Huấn nữ ca, Trương Lưu hầu phú, Nữ tắc in năm 1882; Học trò khó phú và Grammaire de la langue Annamite (1883), Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca (1884), Phú bần truyện diễn ca và Kiếp phong trần (1885).

Phần lớn sách báo Trương Vĩnh Ký làm ra đều nhắm đến đối tượng thiếu niên sơ học. Tờ “Thông loại khóa trình” và “Sự loại thông khảo” do Trương Vĩnh Ký chủ trương năm 1888-1889 tuy không phải là “sách giáo khoa” song cũng là loại tài liệu tham khảo hữu ích dành cho việc giáo dục trẻ em.

Ở đây, Trương Vĩnh Ký vừa phổ biến Nho học bằng cách diễn Hán văn ra chữ quốc ngữ thông qua hình thức thơ ca và văn vấn đáp, vừa phổ biến Tây học, dạy Pháp văn bằng cách dạy đọc và giải nghĩa từng từ cùng với việc dịch một số mẩu chuyện ngắn từ Pháp văn ra tiếng Việt. Trong số đó, phần Nho văn chiếm vị trí áp đảo so với Pháp văn. Các ấn phẩm khác đại khái cũng theo chủ trương tinh thần ấy. Việc làm này của Trương Vĩnh Ký sau đó được Trương Minh Ký kế thừa tiếp tục một cách tích cực và hữu hiệu.

Cuối quyển Thi pháp nhập môn của Trương Minh Ký do Impremerie Commerciale Rex ấn hành năm 1898 tại Sài Gòn, có kê một danh sách những ấn phẩm đã in và đang phát hành thời bấy giờ, có giá bán kèm theo.

Cụ thể như sau:

  • Fable de Lafontaine: 0$50.
  • Télémaque (traduction): 0.10.
  • De Saigon à Paris (Như Tây nhựt trình): 0.50.
  • Exposition Universelle (Chư quấc thoại hội có hình): 0.50.
  • Ricche et Pauvre (Phú bần truyện): 0.10.
  • Méthode pour apprendre l’Annamite (Tập dạy học tiếng An Nam): 0.20.
  • Cours gradué de langue francaise (Pháp học tân lương): 2.50.
  • Cours de chinois (Ấu học khải mông): 0.20.
  • Emtretions sur la Piété liliale (Hiếu kinh diễn nghĩa): 0.20.
  • Petite Etude (Tiểu học gia ngôn): 0.20.
  • Morceaux choisis de littérature chinoise (Cổ văn chơn bửu): 0.20.
  • Préceptes de morate chinoise (Khuyến hiếu ca): 0.10.
  • Tresor poétique chinois (Ca từ diễn nghĩa): 0.10.
  • Tragédie de Joseph (Tuồng Joseph): 0.10.
  • Tragédie de Bá Ấp Khảo (Tuồng phong thần Bá Ấp Khảo): 0.10.
  • Tragédie de Kim Vân Kiều (Tuồng Kim Vân Kiều, ba thứ): 0.50.
  • Syllabaire quốc ngữ (Vần quốc ngữ có hình): 0.10.
  • Premìeres lectures enfantines (Quốc ngữ sơ giai có hình): 0.10.
  • Traité de versitication Annamite (Thi pháp nhập môn): 0.20.
  • Cours de Chinois (3e partie) (Tiểu học tập sớ): 0.50.

Phần cuối ghi chú thêm: “Các thứ sách kể trên nầy để bán tại nhà Trương Thế Tải ở Sài Gòn. Ai muốn mua thì gửi bạc đến đó, và để tên họ cùng chỗ mình ở cho rõ, thì có người gói sách lại cho chẳng sai”.

“Thế Tải” là “tên tự” của Trương Minh Ký (1855-1900) và toàn bộ sách trên đều do ông soạn, một ít được Guilland et Martinon in và phần lớn do Rey et Curiol in từ năm 1884 đến 1899 tại Sài Gòn.

Từ các thông tin trên, chúng ta có thể đi đến nhận xét một số vấn đề về xuất bản ở Nam bộ cuối thế kỷ XIX như sau: Thứ nhất, về ngôn ngữ văn tự, bấy giờ có đủ ca ba thứ chữ: Quốc ngữ, Hán, Pháp trong đó chủ yếu là sách quốc ngữ có nhan đề chữ Pháp và chữ Hán kèm theo, nhưng chữ Pháp được in giữa bìa như là nhan đề chính, dù thực ra bên hoàn toàn chỉ là chữ quốc ngữ;

Thứ hai, về nội dung, đề tài, gồm có truyện thơ, sách học chữ quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp dành cho những người mới bắt đầu mà đối tượng chính là thiếu niên, ngoài ra còn nhiều loại văn bản tuồng lấy tích từ Truyện Kiều, tuồng lấy tích từ truyện Tàu (tuồng Bá Ấp Khảo lấy tích từ Phong thần diễn nghĩa), tuồng lấy tích từ Kinh Thánh vừa có tinh cách giải trí vừa có tính cách như một phương thức truyền đạo Công giáo (Tuồng Joseph).

Đặc biệt, yếu tố “Thái Tây” ở đây thể hiện rõ nhất trong sách dịch từ Pháp văn sang thơ lục bát quốc ngữ truyện phiêu lưu của Télémaque và truyện ngụ ngôn Lafontaine. Tức là yếu tố “lạ”, “ngoại lai” từ văn học phương Tây đã vào Nam bộ cuối thế kỷ XIX thông qua một hình thức gần gũi quen thuộc nhất với người đương thời là truyện thơ lục bát. Đây là bước “trung chuyển” quan trọng để việc truyền bá văn hóa phương Tây vào Việt Nam cũng như quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây của người Việt Nam được diễn ra thuận lợi, ít gặp cản trở nhất.

Phát hành là hoạt động gắn liền với xuất bản, vì thế nó cũng được quảng bá rộng rãi đến công chúng, mà báo chí là một kênh cực kỳ quan trọng mới ra đời cuối thế kỷ XIX, bản thân báo chí cũng là một ấn phẩm phổ biến và thiết yếu trong thời kỳ này vừa với tên gọi “báo” vừa với tên gọi “nhựt trình”, trong đó tên gọi “nhựt trình” phổ biến hơn.

Như một mẩu tin được in trên tờ Gia Định Báo qua rất nhiều số trong năm 1890, ví dụ số 40: “Nhựt trình bên sở đề hình trong cõi Đông Dương, nal judiciaire de l’Indo-Chine của quan Chưởng lý đề hình in ra trong ấy đem lý luật tòa kêu án Sài Gòn về việc người Lang Sa, người bổn quấc, cùng về hình phạt làm sao, lại đem những giấy châu tri về việc đại cái bên tòa, bây giờ đương in. Xấp nào làm trước trong tháng janvier 1890 thì mới rồi, còn các xấp trong các tháng trễ thì cũng gần rồi. Giá mua nhựt trình ấy định ra như sau đây: Một năm 6 đồng bạc, sáu tháng 3 đồng rưỡi. Hễ ai mua cho tới ngày mồng 1 septembre năm nay, thì sẽ kể từ ngày mồng 1 janvier mà phát, như để quá ngày ấy thì kể y kỳ sáu thang theo lệ. Ai mua thì phải tới tại phòng tư dinh hiệp lý cho người ta biên tên”.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX xuất hiện nhà in Nouvelle hay Nouvelle Albert Portail với các ấn phẩm tiếng Pháp thấy xuất hiện cả ở “Paris”, Phnom-penh và “Saigon”, tác giả gồm cả người Việt và người Pháp. Ví dụ: Cours gradué de langue francaise: en 100 lecons (Trương Minh Ký, Saigon, 1893), Situation du Christianisme en Cochinchine à la fin du XIXe siècle (Saigon, 1898, nói về tình hình đạo Kitô ở Nam kỳ cuối thế kỷ 19), La Franc–Maconnerie du Grand Orient de France (Paris, 1897). Sang đầu thế kỷ XX, Nouvelle xuất bản nhiều ấn phẩm khác.

Việc dịch thuật giữ một vai trò trọng yếu trong sự hình thành các từ ngữ, khái niệm hay thuật ngữ mới. Nhưng cuối thế kỷ XIX do xuất bản còn hạn chế, các ấn phẩm lại chủ yếu phục vụ cho mục đích phổ biến chữ quốc ngữ và giáo dục tiểu học, nên việc du nhập và tạo từ mới vẫn chưa có nhiều đột phá. Tình hình này sẽ thay đổi khi bước sang đầu thế kỷ XX, với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí và xuất bản, rồi các phong trào cải cách xã hội diễn ra sôi nổi, rộng khắp.

Tình hình xuất bản và phát hành đầu thế kỷ XX

Đầu thế kỷ XX, báo chí nở rộ ở Nam bộ, theo đó, các thông tin về xuất bản cũng phong phú hơn nhiều so với giai đoạn trước. Trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn số 670 năm 1919 có đăng thông báo Nhắn với bạn đồng bang nội dung như sau: “Chúng tôi đặng vinh hạnh mà hay tin rằng đồng bang ta trong sáu tỉnh nay cũng đã đồng lòng đề xướng tuyệt giao thương mãi với khách trú mà vãn hồi quyền lợi cho bản xứ. Các châu thành lớn nhỏ thảy đều chung vốn lập cuộc mua bán cùng nhau chẳng chịu đến tiệm khách trú nữa; thật là một cơ hội hạnh phúc của dân tộc ta vô cùng.

Ấy vậy tôi xin nhắc bạn đồng bang ta trong mấy làng mấy chợ và chỗ nào có trường học nên đến nhà in Imprimerie de l’Union mà mua sỉ các thứ giấy viết mực, đồ dùng về văn phòng tứ bửu nhứt hạng mà bán ra cho đồng bang ta dùng, khỏi đến khách trú mà mua mắc. Vẫn nhà in Union là một nhà in rất lớn tại Sài Gòn, và lại của người An Nam ta làm chủ, giá rẻ hơn các chỗ.

Đồng bang ta hãy xem tiệm của M. Bùi Quang Nho mà ngày nay đồ sộ tại hạt Bến Tre đó là sở dĩ trước hết cũng khởi ra mà bán đủ các thứ giấy viết mực và các thứ sổ, sách, thơ, tuồng, truyện chữ quốc ngữ mà nên. Huống ngày nay là ngày của đồng bang ta tuyệt giao với khách trú, binh vực nhau mà làm ăn thì lại càng dễ hơn ông Bùi Quang Nho khi mới sáng tạo. Ấy vậy mấy tiệm An Nam ta đây đang lo lập ra nên gởi thơ mà thương nghị với M. Nguyễn Văn Của, Rue Catinat 155, 157 Sài Gòn, giá rẻ hơn các chỗ là có ý giúp sức cho đồng bang ta buôn bán mau thạnh vượng”.

Tiếp đó, bản thông báo này lại kê ra “các món hàng tại nhà in” Union của Nguyễn Văn Của, toàn bằng Pháp văn. Có thể vì đương thời người ta chưa tìm, chưa Việt hóa được hết các từ ngữ tên gọi đồ đồ dùng văn phòng và dụng cụ học tập mới có xuất xứ từ phương Tây như bút chì, máy tính, gim kẹp… nên mới liệt kê toàn bằng tiếng Pháp như vậy.

Ngoài đầu tư nhà in, Nguyễn Văn Của còn kinh doanh khách sạn, riêng trong hoạt động xuất bản, ông không chỉ ấn hàng sách báo, mà còn nhiều loại ấn phẩm khác, như bản hát, lời rao, giấy hát… Điều này được chứng thực thông qua bài tố cáo Nguyễn Văn Của mượn việc công để tư lợi, nhan đề Xin hãy mở đàng tra xét của tòa soạn Lục Tinh Tân Văn, đăng trên số 610 năm 1919: “M. Nguyễn Văn Của xướng lập nghĩa vụ, trợ giúp quốc gia đâu chưa thấy, đà thấy ngài tư lợi cho nhà – nhà nào? – nhà in cùa ngài, nhà ngủ của ngài; in những bản hát, những lời rao, in giấy hát, in… in… in giống gì nữa đó, tính năm bảy trăm đồng”.

Phát Toán cũng là một nhà in tiếng tăm ở Sài Gòn đầu thế kỷ XX, Lời kính cáo: “Kính tỏ cùng quới ông, quới bà, đặng rõ: Tôi là Phát Toán, khi trước có hùn với ông Lê Văn Nghi, mà buôn bán làm nhà in; Nay tôi hết hùn. Tôi nghĩ vì đã lâu năm buôn bán, làm nghề nhà in, đặng thạnh lợi là nhờ ơn quới ông quới bà hảo tâm tưởng tình tôi là bạn đồng bang, nên tới lui mua bán nhiều, mới đặng ra bề thế, tôi tuy là thôi làm nghề đó mặc lòng, song ơn còn tạc dạ, nên phải kính đôi lời mà cám tạ ơn chư vị.

Bây giờ tôi dọn về ngang chợ mới Sài Gòn, đàng Espane, môn bài số 72, Phát Toán, trong tiệm có bán đủ thứ thơ, tuồng, truyện, sử chữ quốc ngữ; có đủ các kiển tượng ảnh lớn nhỏ, làm bằng thạch cao, lại có các thứ khánh (lầu) đặng để tượng ảnh vào mà thờ, kiển nào cũng có, tượng ảnh thì sơn son, thếp vàng rất tốt, khánh thì vẽ vời bằng nước vàng, có chỉ niền bông hoa rất đẹp; Có hình làm bằng thạch cao để mà gắn vô mấy đầu cột nhà bằng đá gạch, cũng có đủ các kiểu lớn nhỏ; Tiệm tôi có mướn thợ sẵn, như vị nào có tượng ảnh cũ, hoặc, bể, gãy, muốn sửa lại với sơn thiếp cho ra mới thì đặng, còn vị nào muốn chưng diện nhà cửa, dọn salon có huê lệ cây lá, chim chóc, hoặc là lên tượng âm dung ông bà cha mẹ, hoặc là mồ mả có bông hoa rực rỡ thì xin đến tiệm tôi thương nghị giá cả, vì tôi có thợ giỏi và người vẽ hay.

Tôi xin chư vị tưởng tình tôi là bạn xưa nay, tới lui mua bán với tôi cũng như mấy năm trước, thật tôi lấy làm cảm ơn lắm; tôi nhứt nguyện ăn nhẹ giá; còn vị nào cần dùng muốn mua vật chi thì xin gởi thơ đến nơi tôi; hễ tôi gặp thơ thì mau mau gởi đồ lại chẳng dám bỏ qua hay là chậm trễ”.

Thông tin này không cho biết cụ thể về tình hình xuất bản của Phát Toán, nhưng cho biết hoạt động của một nhà in bấy giờ không chỉ có in ấn phát hành sách, mà còn bao gồm buôn bán kinh doanh các mặt hàng khác phụ thêm như bán tranh tượng.

Việc phát hành các ấn phẩm không chỉ do các nhà in, mà các tòa báo ngoài ấn hành báo cũng in và phát hành các ấn phẩm khác để tăng doanh thu. Ví dụ, thông báo Những sách của bản xã in ra in bán rồi của Lục Tỉnh Tân Văn số 515 năm 1918, kèm theo đó là danh sách cụ thể: Sơ học luân lý của Trần Trọng Kim (0$30), Thơ La Fontaine diễn nôm của Nguyễn Văn Vĩnh (quyển 1 giá 0.10 và quyển 2 giá 0.05), Chuyện trẻ con của Perrault do Nguyễn Văn Vĩnh diễn nôm (0.10), Sư phạm giáo khoa của Trần Trọng Kim (0.30), Nam sử sơ học của Trần Trọng Kim (0.30), Ấu học tập đọc của Nguyễn Đỗ Mục (0.10), Tiểu học tập đọc của Nguyễn Đỗ Mục (0.10), Văn quốc ngữ của Phạm Văn Hữu (0.25), Ấu học cách trí độc bản của Trần Văn Quang (0.20), Ấu học luân lý tập đọc của Nguyễn Đỗ Mục (0.10).

Như vậy, chúng ta thấy, nếu như cuối thế kỷ XIX các sách phát hành ở Nam bộ chủ yếu là do người miền Nam soạn, thì đến giai đoạn này đã có nhiều sách của người miền Bắc nổi tiếng đương thời như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh soạn được phát hành trong Nam. Điều này chứng tỏ hoạt động xuất bản và phát hành đầu thế kỷ XX ở Nam bộ đã có sự mở rộng và liên thông với các tỉnh thành miền ngoài. Có thể tìm thấy nhiều bằng chứng khác để khẳng định việc giao lưu giao thương rộng rãi Bắc – Nam trong thị trường xuất bản và phát hành, như:

Công Luận Báo số 406 năm 1926 có mẩu quảng cáo hiệu Thanh My (địa chỉ 110 Rue Guynemer, Sài Gòn): “Bổn tiệm bán sách, truyện của ông Phan Bội Châu. Bán các thư sách, truyện và tiểu thuyết mới xuất bản ở ngoài bắc gửi vô. Bán sỉ và lẻ. Đóng các thứ giầy tây, nam đủ kiểu hạp lối kim thời, và có salon hớt tóc. Kính mời”.

Tin Sách rất có ích cho các nhà thương mãi trên Phụ Nữ Tân Văn số 16 năm 1929: “Phép biên chép sổ sách buôn bán của ông Đỗ Văn Y soạn. Sách nầy viết bằng quốc ngữ, chỉ rành rẽ về cách biên chép sổ sách, dễ coi dễ hiểu, các nhà thương mãi nên mua dùng. Giá mỗi cuốn 1$00, có bán tại nhà M. Đỗ Văn Y Cần Thơ”.

Cũng trên số báo này có mục Tin mới trong làng văn đăng danh sách các ấn phẩm do “tác giả gởi tặng”, bao gồm nhiều nơi trong cả nước: Thời bịnh luận (Quốc hoa tùng san), Danh nhơn dật sự (115 rue du Coton Hà Nội), Trưng Nữ Vương tân kịch (Trần Quang Hiển, thú y ở Gia Định), Chinh phụ ngâm khúc dẫn giải (Nguyễn Đỗ Mục), Hoa ngữ chỉ nam dạy tiếng Quảng Đông (Lê Quảng Nhựt ở Hà Nội), Khách không nhà – lịch sử tiểu thuyết (Hoài Sơn), Gan đàn bà – lịch sử tiểu thuyết (Mai Linh), Hoa ngữ vấn đáp (Phan Bội Châu, Duy Tân thơ xã, 43 đường d’Ariès Sài Gòn xuất bản), Sách quốc ngữ dạy trẻ (Hoài Nam Tử), Văn đàn bảo giám (Trần Trung Viên), Bài hát nhà quê (Á Nam Trần Tuấn Khải), Sách chơi năm xuân năm Kỷ Tỵ, Nữ anh hùng (Kim Giang dịch), Ngụ ngôn tập đọc. Trong đó, 5 đầu sách cuối có bán tại Nam Ký thư quán ở Hà Nội (số 17, đường Francis Garnier). Tiếp theo là các sách: La Tasse de Poison tức bản kịch Chén thuốc độc của Vũ Đình Long được Georges Cordier dịch ra tiếng Pháp, Tiếu lâm Nhựt Bổn, Bước đời ăn cướp (Nguyễn Thế Sử dịch), Hán Việt thông thoại tự vị (Đỗ Văn Đáp, nhà in Trường Phát Nam Định số 60 rue du Fer).

Tin Giới thiệu sách mới, trên Công Luận Báo số 833 năm 1928 giới thiệu sách xuất bản ở Hà Nội: “Bổn báo có tiếp được một quyển sách nhan đề: Những đều trông thấy của ông Vũ Công Định soạn xuất bản ở Quốc Dân Thư Xã Hà Nội, giá bán 0$12. Sách ấy toàn là bài đoản bình về hiện tình xã hội lời thì ít mà ý tưởng thì nhiều, thật là thứ sách có ảnh hưởng tốt cho quốc dân ta vậy. Bổn báo sẽ rút đăng một hai bài để giới thiệu cùng độc giả, đặng biết sơ cái nội dung sách ấy mà mua”.

Đáng chú ý nhất là tin Tin Đức Thư Xã cáo bạch trên Hà Thành Ngọ Báo số 480 năm 1929, giúp chúng ta hình dung được một phần cụ thể về tình hình xuất bản đương thời của một nhà in lớn trên các mặt: số lượng bản in, giá bán, các đầu sách, thực tế tiêu thụ, nhu cầu của người tiêu dùng, cách thức khai thác bản thảo…: “Gần đây sách Quốc âm xuất hiện biết bao nhiêu, mà tiếc thay sách có ích rất ít, đọc đã không bổ ích mà lại có khi hại cho những óc non, nên ngày nay bổn xã, nhờ ơn đồng bào chiếu cố, đặng thạnh vượng, chấn chỉnh lại việc xuất bản, lựa những sách văn chương, những tiểu thuyết bảo tồn phong hóa của các nhà viết có danh Trung, Nam, Bắc, mà mua bổn quyền dầu giá cao cũng mua. Vậy trong đồng bào, vị nào viết sách đọc rồi không hổ với lương tâm mà không đủ lực hay không tiện bề xuất bản bán muốn nhường bổn quyền xin viết thơ cho bổn xã mà thương lượng”.

Những loại bản thảo mà thư xã này hoan nghênh là “những sách ghi chép về sự các nước hay sự tình người xưa. Nay trong nước Nam hay các nước mà đáng làm gương cho người đời soi chung; những sách lược dịch những khoa học các nước văn minh, mà hạp thích cho người An Nam”, “những tiểu thuyết có ảnh hưởng cho sự học vấn và sự bảo tồn nền phong hóa nước nhà”.

Đặc biệt, phần ghi chú của tin quảng cáo này lưu ý đến những sách dịch thuật, đặt để những từ khoa học có nguồn gốc nước ngoài mà trong nước chưa có, rồi lưu ý người sáng tác tiểu thuyết về cách chọn lựa từ ngữ thế nào để người lớn trẻ con, người miền nam người miền bắc đều hiểu được: “Những tên các tiếng trong khoa học mà nước Nam không có, phải đặt tên riêng thế nào cho sau này có thể phổ thông trong nước được”, “Những tiếng dùng trong sách tiểu thuyết cần phải lựa chữ cho trong Nam ngoài Bắc, người đều hiểu được và những chữ thường dùng cho trẻ mới học coi cũng hiểu. Những tên chữ nho cần phải tránh không nên dùng quen, nhưng cũng phải giải nghĩa cho người đời sau dễ hiểu”.

Thư xã này còn là đại lý phát hành những sách của các thư quán thư xã khác, như: Gương kim cổ của Tân Thanh Niên Tùng Thơ; Cường quốc chánh thể, Xã hội luận, Thực dân lịch sử, Chính trị nước Trung Hoa, Văn minh Âu Mỹ, Phụ nữ vận động, Trí khôn, Đông Tây văn hóa, Dân tộc của Quan Hải Tùng Thơ; Vua anh hùng, Vượt biển ra khơi, Khai quốc vĩ nhơn, Ngục trung ký sự, Tân quốc dân, Thần cộng hòa của Cường Học Thơ Xã; Nữ anh tài, Kim tú cầu, Giám hồ nữ hiệp, Gia đình giáo dục của Nữ Lưu Thơ Quán; Cao đẳng quốc dân của Duy Tân Thơ Xã và “lựa các sách Bắc kỳ có giá trị của các thơ xã khác”. Ở đây, Tín Đức Thư Xã cũng giới thiệu một loạt các ấn phẩm mình đang có như sau:

Sách mới và đang in: Giáo phụ tề gia, Cay đắng mùi đời, Nhơn tình ấm lạnh, Tam quốc, Sách giậy nấu ăn theo phép An Nam, Tài mạnh tương đố, Thất hiệp ngũ nghĩa, Kẻ làm người chịu.

Sách đã xuất bản còn lưu lại số lượng lớn, bán rẻ. Về tiểu thuyết: 2.000 quyển Bèo mây tan hiệp, 5.000 quyển Cô ba tranh, 3.000 quyển Cái lụy kim tiền, 1.000 quyển Cô năm nào, 2.000 quyển Gái chính chuyên hai chồng, 3.000 quyển Lã phi hùng, 2.000 quyển Lá thơ rơi, 2.000 quyển Lòng người nham hiểm, 2.000 quyển Một mối tư, 500 quyển Mộng hoa, 2.000 quyển Nghĩa hiệp kỳ duyên, 2.000 quyển Nặng lời non nước, 1.000 quyển Nặng gánh chung tình, 2.000 quyển Người mặt nạ, 10.000 quyển Oan hồn yếu tử, 4.000 quyển Bình vỡ hương tan, 2.000 quyển Thanh niên bửu giám, 2.000 quyển Trương Vĩnh Ký hành trạng, 500 quyển Thùng thơ bí mật, 1.000 quyển Tình là giây oan, 800 Một chữ trinh, 500 cuốn Xã hội chủ nghĩa.

Về truyện Tàu diễn nghĩa: 12.000 quyển Phấn trang lâu, 3.000 quyển Dương Văn Quảng bình Nam.

Về thơ: 800 quyển Tam quốc – Huê Dung đạo diễn ca, 500 quyển Vậy mới phải, 600 quyển Ma y thần tướng.

Về tuồng cải lương: 1.000 quyển Bửu cảnh trùng duyên, 2.000 quyển La Thông tảo Bắc, 1.000 quyển Mai Trần tái ngộ, 1.000 quyển Quả báo kỳ duyên, 1.000 quyển Tây Thi, 8.000 quyển Mạnh Lệ Quân, 1.500 quyển Sĩ long hội ước, 1.500 quyển Xử báo đao Từ Hải Thọ, 2.000 quyển Vương Sồ phối hiệp.

Ngoài ra, còn nhiều sách khác, “ngài nào muốn mua sỉ mua lẻ xin viết thơ hỏi mục lục”.

Có thể nói báo chí đóng một vai trò quan trọng trong việc quảng cáo và phát hành các ấn phẩm từ các nhà in, nhà xuất bản, thư quán… Tin sách là một mục khá thường xuyên của các báo mà chúng ta có thể tìm hiểu và khai thác thông tin để hình dung được hoạt động xuất bản, phát hành ở Sài Gòn. Ví dụ:

Tin Sách hữu ích đăng trên Lục Tỉnh Tân Văn số 516 năm 1918: “Ông F.H. Schneider, là người đáng cho là tổ việc nhà in bên Đông Dương, mới in ra, theo cuộc phổ thông giáo khoa thơ xã, một bộ sách rõ là hữu ích cho hết thảy những kẻ nào chuyên nghề điển khí hay là có ý thích việc thông hiểu cách dùng điển khí khi làm nguồn cội mầu nhiệm sức mạnh. Người làm sách hiệu Thiệt hành điển học ấy là người đồng quán cùng chúng ta, quí danh Alexix Lân, bác sĩ điển học, cựu học sanh trường kị nghệ và chế tạo. Sách nầy trọn bộ là tám cuốn, giải thích đủ phương điển học chuyên môn.

Một cách rất khiêm nhượng, người làm sách lại cắt nghĩa trong bài tựa cùng chúng ta rằng chẳng dám nào có ý muốn những kẻ cố công mà ao ước cải lương tấn bộ trong nghề nghiệp của mình. Chúng tôi cũng một ý kiến với ông Lân, rằng sách Thiệt hành điển học sẽ đắc đại công đức cùng những kẻ cố công bổn quốc trong nghề điển khí; nhưng mà chúng tôi lại tưởng rằng hết thảy mọi người, từ kẻ sang trong thiên hạ mà muốn lịch thiệp những việc tấn hóa trong môn bác học trí tri, cho đến những người trong đạo nghệ cùng kẻ khác vui thích theo công cuộc điển khí, thì cũng đều tim ra đại ích lợi trong pho sách hay nầy. Vả lại sách như vầy là nên phát rải ra cho các trường xứ ta, ai ai cũng đều hiểu đặng, vì người làm sách đã gia công diễn dịch ra hai thứ tiếng Pháp cùng Việt, cũng thấy am tường”.

Lục Tỉnh Tân Văn số 514 năm 1918 giới thiệu sách Đồng âm tự vị của Nguyễn Văn Mai: “Trong sách nầy có đủ những chữ khó viét, hoặc chữ đồng âm cùng chữ không nhằm đồng âm, mà phải viết dấu hỏi hay là dấu ngã, hoặc viết d hay là g ở trước, c hay là t, có g hay là không g ở sau. Nhơn có lời châu thị của quan Đốc học chánh, ngày 31 aout 1916, dạy rằng: Đến các khoa thi tới đây, thì trong những bài hạch về tiếng An Nam quan giám khảo chấm vở hết sức nghiêm. Vậy nên tôi ngụ ý dọn bổn này, ngõ hầu giúp các trò viết chữ quốc ngữ cho rúng theo tự điển Génibrel và Paulus Của. Hễ có nghi ngại chữ nào, lật quyển nầy ra mà coi, thì viết không sai. Bán tại tiệm Quỳnh Mỹ, 20 rue Courbet (chợ Bến Thành mới), và các nhà in và nhà sách An Nam tại Sài Gòn”.

Lời rao trên Công Luận Báo số 508 năm 1922: “Nay tôi diễn dịch Sử ký nầy đặng giúp vui cho bạn sách đèn và cho mấy em còn ở trong trường hiểu biết tích sử ký nước Cao Man từ khai bờ cõi cho đến đương kiêm Quốc vương Sisowat. Để bán tại nhà in M. Joseph Nguyễn Văn Viết 69, Rue d’Ormay Sài Gòn, bán sỉ và bán lẻ giá 0$50”.

Công Luận Báo ra ngày 20.11.1923 cho biết: “Imprimerie du Centre Louis Minh, 76 Boulevard Bonnard, Sài Gòn. Nhà in Imprimerie du Centre có đủ các thứ chữ Tây, Quốc ngữ, An Nam lớn nhỏ đều có, đã in màu mà giá lại rẻ. Tại đây có đóng sách đủ kiểu và bán giấy”.

Tin Sách mới xuất bản, Công Luận Báo số 404 năm 1926 giới thiệu sách Sa Đéc nhơn vật chí do Nguyễn Văn Dần soạn “mới xuất bản, sách dày 232 trương có 64 hình ảnh phong cảnh đẹp đẽ và nhơn vật trong tỉnh Sa Đéc. Nhiều cổ tích, lịch sử quan công thần cựu trào và tân trào; tiểu truyện các cự tộc danh giá. Tích đâu có hình ảnh rõ ràng đó, nên xem cho biết. Giá mỗi cuốn là 1$50, ở xa gởi thêm 2 cắc tiền cước gởi đi. Hỏi mua tại tác giả là M. Nguyễn Văn Dần, 115 rue Verdun, Sài Gòn. Tại tiệm Thái Thạnh, chủ nhơn là M. Nguyễn Văn Cứng, 1 rue Roland Garros, Sài Gòn. Có trữ bán tại Sa Đéc nơi tiệm M. Trương Văn Hanh, ở làng Tân Qui Đông, nhà in M. Hà Phước Tường. Tại Cần Thơ nơi nhà in Imprimerie de l’Ouest”.

Công Luận Báo số 406 năm 1926 đăng mẩu quảng cáo: Tụng từ thể lệ (lai nghi ngày 16 Mars 1910, in lần 2) là sách hướng dẫn “lập thể lệ trong việc tranh tụng về bộ vụ của người An Nam” do người Pháp là ông biện lý Paul Dufilho soạn in và bán tại nhà in L’Imprimerie Moderne (địa chỉ 146, Rue Pellerin, Sài Gòn).

Tin Sách mới xuất bản, Công Luận Báo số 623 năm 1927: “Tuồng hát cải lương Mạnh Lệ Quân giả trai, trong có 15 tấm hình của ban hát Tài Đồng Ban đóng trò, in bằng thứ giấy thiệt trắng láng, xưa nay chưa thấy có cuốn sách nào coi ngộ như vậy. Sách dày 50 trương, trong có 50 bài ca rất hay và dễ ca lắm. Giá mỗi cuốn 0$60. Tiếu thuyết Cảnh đoạn trường, truyện đã hay, văn lại lanh lẹ, dày 94 trương, cỡ 13 x 18, giá mỗi cuốn 0$30. Hai cuốn sách trên nầy, tác giả là M. Trương Quang Tiền đã bán bổn quyền cho bổn xã. Ngài nào muốn mua sỉ hay mua lẻ xin do nơi người xuất bản là Từ Duy Quán, Tín Đức Thư Xã, 37 rue Sabourain, Sài Gòn”.

Năm 1929, báo Phụ Nữ Tân Văn ra đời và trong việc trưng cầu ý kiến về chương trình kế hoạch hoạt động của báo, ông Cao Văn Chánh đã đề xuất một số ý tưởng với bài Thơ trả lời cho bà Nguyễn Đức Nhuận chủ báo P.N.T.V. về vấn đề Phụ nữ. Trong đó có mục 2 và 3 liên quan đến xuất bản và phát hành như sau: “Mở ra những thơ quán lớn lao để phát hành những thứ sách phổ thông cho bọn nữ tử dùng”, “Gầy dựng một tờ báo để mai chiều cổ võ, thức tỉnh tất cả nữ đồng bào, khiến cho họ lưu ý đến công việc của xã hội”.

Phụ Nữ Tân Văn số 11 năm 1929 cho biết: Nhà in và bán sách Joseph Nguyễn Văn Viết et Fils lập nam 1900 tại đường d’Ormay số nhà 85 Sài Gòn. In sách và đóng sách. In đủ các thứ sổ bộ và giấy tờ buôn bán thiệp mời đám cưới, tân gia, thiệp tang, truyện, tiểu thuyết và lãnh khắc con dấu bằng đồng và caoutchone. Bán các thứ thơ, tuồng, truyện, sử, giấy, viết, mực và các thứ sách cho học trò các nhà trường. Ai mua sỉ về bán lại sẽ đặng huê hồng rất nhiều hơn các nhà khác. Xin mua thử một lần thì biết”.

Tin Sách mới xuất bản của Tín Đức Thư Xã, trên Phụ Nữ Tân Văn số 11 năm 1929: “Hoa ngữ chỉ nam (sách dạy tiếng Quảng Đông dịch theo tiếng Bắc kỳ) 0$70; An Quảng tân biên (dịch theo tiếng Nam kỳ) 1$80; Nguyễn Công Trứ: bản sao tập các thứ thơ của ông và có chú thích 0$95; Bạch mẫu đơn, truyện Tàu 1$40; Tam quốc trọn bộ 8$00; Một chữ trinh 0$25; Tích tà qui chánh 0$50; Lòng người nham hiểm 0&20; Nghĩa hiệp kỳ duyên 0$20. Ít ngày nữa sẽ có: Kẻ làm người chịu, tác giả Hồ Biểu Chánh; Thất hiệp ngũ nghĩa cuốn thứ 4; Cao đẳng thanh niên đang in”.

Bài Phương danh của các nhà công thương kỹ nghệ cho hội chợ đồ trên Phụ Nữ Tân Văn số 134 năm 1932 thấy có kể tên một số nhà in và nhà sách ở Sài Gòn đáng lưu ý. Phần quà tặng của các cơ sở này cũng giúp chúng ta có thêm thông tin về hoạt động của chúng:

  • Nhà in Joseph Viết tặng: 1 cái hộp bằng bạc để đựng đồ thêu, may; 1 bộ Tam quốc; 1 bộ Tái sanh duyên.
  • Tín Đức thư xã (37 – 38 đường Sabourain) tặng: 5 bộ truyện Hết hoạn nạn tới đoàn viên, 10 cuốn Có vay có trả, 10 cuốn Ông thầy tuồng.
  • Nhà in C. Ardin tặng: 2 đĩa đựng tàn thuốc.
  • Nhà in và nhà bán sách A. Portail tặng: 2 cái đĩa gạt tàn thuốc.
  • Bà Đoàn Trung Còn tặng: 3 quyển Phật đời xưa, 3 quyển Truyện Phật Thích Ca, 3 quyển Du lịch xứ Phật, 3 quyển Triết lý nhà Phật, 3 quyển Lịch sử nhà Phật.

Tuy khá tự do, nhưng hoạt động xuất bản và báo chí thời kỳ này vẫn chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của chính quyền cai trị. Vì thế nhiều tờ báo bị đóng cửa, nhiều bài báo bị cắt chữ, nhiều ấn phẩm bị cấm xuất bản, cấm lưu hành hay bị tịch thu vì ảnh hưởng đến chính trị hoặc luân lý đạo đức. Ví dụ tin Sách bị cấm đăng trên Hà Thành Ngọ Báo số 107 nam 1927: “Quyển Dân tộc chủ nghĩa (Nationalisme) của M. Nhượng Tống dịch thì nay có lệnh cấm phát hành tại địa hạt xứ Bắc kỳ”.

Tin Sách bị cấm trên Hà Thành Ngọ Báo số 435 năm 1928 liên quan đến tác giả và nhà in ở miền Nam: “Quan Thống sứ Bắc kỳ vừa ký nghị định cấm không cho lưu hành ở xứ Bắc kỳ hai quyền sách này: 1. Hai Bà Trưng của M. Nguyễn An Ninh soạn in ở nhà in Bảo Tồn, 2. Luân lý vấn đáp của cụ Phan Bội Châu soạn do Duy Tân Thư Xã xuất bản cũng in ờ nhà in Bảo Tồn”.

Năm 1929, trên Hà Thành Ngọ Báo số 488 đăng tin Sách bị cấm: “Có nghị định quan Thống sứ cấm không được mang vào, phát, bán và oa trữ trong địa hạt xứ Bắc kỳ cuốn sách Trung đông chiến sử, tác giả Bồi Khâm Chi, MM Vân Hạc và Song Đồng dịch, Nam Ký Thư Quán 17 phố Bờ Hồ xuất bản và nhà in Mạc Đình Tích 57 phố Hàng Nón đứng in”.

Hay tin Các báo sách bị cấm lưu hành ở Đông Dương trên Tràng An báo số 72 năm 1935: “Chánh phủ đdịnh ra lệnh cấm những báo và sách này lưu hành ở Đông Dương: Kiou Koue Pao viết bằng chữ nho (Le auvetage de la Patrie) xuất bản ở Paris; Che Miai Tche Pao (Lumière du monde, viết bằng chữ nho xuất bản ở Thượng Hải; sách Destin d’empier cuốn thứ nhất”. Hoặc nhiều trường hợp khác ở Nam bộ như các tiểu thuyết của Nguyễn Văn Vinh, sách chính trị của Trần Hữu Độ, “dâm thư” của Lê Hoằng Mưu…

Trên đây là một vài hoạt động cụ thể của việc xuất bản và phát hành ở Nam bộ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX dựa vào những thông tin mà chúng tôi tìm kiếm được trên các tờ báo. Chắc hẳn còn rất ít ỏi, sơ sài so với sự đa dạng phong phú của thực tế xuất bản ở Nam bộ đương thời, hy vọng vấn đề này sẽ được nhiều người quan tâm khác tiếp tục tìm hiểu, giới thiệu để chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về lịch sử xuất bản ở Nam bộ nói riêng cũng như ở Việt Nam nói chung.

Cổ Mộ