Xuân Diệu – Nhà thơ tình lớn
Nhà thơ nữ lừng danh, bà Bra-gri-a-ma ở chân núi Vi-to-sa (Bungari) khi tuyển thơ tình trên thế giới, bà đã khoe với các bạn Việt Nam: “Tôi mở đầu tuyển tập hàng trăm tác giả này bằng nhà thơ Nga Puskin và kết thúc bằng nhà thơ Xuân Diệu – Việt Nam, Xuân Diệu là nhà thơ tình lớn của phương Đông vậy!”.
Xuân Diệu đã nổi danh từ “Thơ Thơ – 1938” với lời tựa của Thế Lữ: “Ở tình cảnh nào, Xuân Diệu cũng có lời mềm mại hoặc sáng lạn, đê mê, hoặc là lả lơi sung sướng, hoặc buồn bã thiết tha như tiếng thở than tận cõi sâu kín của tâm hồn… Hát lên những tiếng đẹp đẽ ngọt ngào đã yên ủi được chúng ta trong cuộc đời hiện thực”.
Xuân Diệu sinh năm 1916. Họ Ngô. Thuở nhỏ ông học chữ Nho, chữ Quốc ngữ và cả tiếng Pháp với cha là “ông đồ” xứ Nghệ Tĩnh, quê ở làng Trảo Nha nên ông có bút hiệu là Trảo Nha, Xuân Diệu thường nói với tôi: “Trảo Nha là nanh vuốt đó!”. Năm học ở Quy Nhơn – quê ngoại – đỗ bằng thành chung 1934. Ra Hà Nội 1935 học tú tài phần nhất, phần hai học ở Huế 1937. Từ 1938-1940 dạy học ở Hà Nội. Đến năm 1940 làm tham tán thương chính (hải quan) ở Nhà Đoàn tỉnh Mỹ Tho. Năm 1944, ra Hà Nội cùng Huy Cận tham gia hoạt động Việt Minh. Và ở Hà Nội cho đến cuối đời, ông mất vào mùa đông 1985 với 69 tuổi đời, nhưng đã để lại một di sản văn học đồ sộ, 49 tác phẩm thơ văn là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật Đức.
Tôi cũng có nhiều kỷ niệm với Xuân Diệu lúc tập kết ra Bắc. Xuân Diệu là nhà thơ nổi tiếng, đại biểu Quốc hội, lại là nhà văn viết bút ký chính luận tài hoa. Khi ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi phụ trách buổi phát thanh vào Nam. Tôi thường đến nhà ông “gõ cửa” đặt bài. Văn của ông trong sáng, giàu hình tượng dễ thuyết phục văn nghệ sĩ, trí thức miền Nam. Ông thường cắm cúi làm việc. Bàn viết với hoa tươi, ông như một con ong thợ miệt mài bên trang giấy, sáng nào ông cũng tập thể dục, rồi ngồi vào bàn viết đến khuya. Ngày ngày đều như thế. Mỗi lần tôi đến, ông lại ngẩng đầu lên: “Mình đang viết bài trả nợ cho cậu đây!”.
Vào khoảng cuối năm 1968, giặc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt vào vùng “Cán xoong” Khu 4 cũ bằng hải quân và không quân. Có lần tôi cùng ông đi từ Hà Nội vào Vĩnh Linh tháp tùng đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam do bác sỹ Phùng Văn Cung dẫn đầu ra thăm miền Bắc. Đêm đêm chúng tôi ngủ chung dưới hầm địa đạo, hoặc trong các trận địa pháo cao xạ. Nhiều đêm Xuân Diệu đọc thơ và nói chuyện phục vụ đồng bào, chiến sỹ, giáo viên, học trò vùng có chiến sự. Tôi là người được nhiều lần nghe ông bình thơ, có khi ông thường bảo tôi: “Tuấn đi ngủ sớm, hôm nay mình vẫn đọc thơ cho chiến sỹ như lần trước”.
Cả cuộc đời thơ của ông, ông như người diễn viên, diễn giả về thơ đến trên 500 lần. Tô Hoài nói: Đây là thói quen rất quý của anh, bao nhiêu năm tôi đi thực tế cùng Xuân Diệu vẫn thế. Có lần chúng tôi lên huyện Giằng (Quảng Nam) sáng sớm qua huyện Đại Lộc. Tôi hỏi nay đi đâu? Anh nói, đi nói chuyện thơ với giáo viên toàn huyện. Vài lần ông được mời sang tận Paris nói chuyện với giáo sư, sinh viên Đại học Sóc-bon về “Sự đóng góp của thơ Pháp vào thơ Việt”, kể cả các diễn đàn hội nghị các nhà văn châu Á và hòa bình thế giới, ông không bỏ lỡ dịp trên thi đàn thế giới nói chuyện thơ Việt Nam kháng chiến.
Những ngày công tác cùng ông ở Khu 4, vùng giặc Mỹ đánh phá ác liệt, đêm đêm ông vẫn che đèn đọc sách, cả sách Tây, sách Tàu, sách ta, hoặc dịch, hoặc sáng tác, ghi chép. Và ông bảo ban tôi bao kinh nghiệm sống, kinh nghiệm viết. Mỗi lần viết bài, ông “tận dụng” nói chuyện, đưa đài phát thanh đọc, và in báo địa phương (nếu hợp) và in báo Trung ương, rồi in sách. Ông “thâm canh” như vậy! Ông khuyên tôi văn ôn võ luyện, rèn mãi sẽ thành.
Bữa nọ cũng ở Khu 4, một chiều im tiếng súng, tôi và ông tìm ra một bến sông, mua trái chuối hoặc chất tươi gì bồi dưỡng, vì suốt cả tuần ngồi xe bị táo bón. Và kia một chiếc cầu nhỏ ở phía Nam Đồng Hới, nói là chiếc cống thì đúng hơn vì chỉ 10m chiều dài – mà hàng trăm hố bom lỗ chỗ hai bên đầu cầu. Thế rồi máy bay ào đến. Tôi và ông chui xuống một hố bom nấp. Máy bay lại rải đạn tứ tung, may không việc gì. Xuân Diệu nói: “Nếu cậu chết mình cũng phải bị kỷ luật đấy, vì bỏ đoàn trốn đi”. Tôi nói: “Anh mới là vốn quý, tài sản của quốc gia, còn em có ăn nhằm gì!”. Thế là hai anh em cùng níu tay, đỡ nhau dậy và cười vui.
Nhìn chiếc cầu đung đưa rất yếu, anh bảo tôi làm mấy câu thơ và anh nói: “Tuấn làm thơ được đấy, sao không làm”. Tôi thưa: “Anh là thi bá, thi hào, còn tôi có thể đọc vài câu ca dao thôi. Tôi đọc bài hát ru của ngoại tôi lúc nhỏ: Qua cầu, cầu yếu phải nương. Chầu rày bạn cũ thôi thương mình rồi…”. Xuân Diệu bảo: “Hay, ồ hay quá, câu này mình chưa nghe, chờ mình rút sổ tay ghi nhé!”, rồi tôi tiếp:
Tai nghe bạn cũ có đôi
Trong lòng nóng nảy như vôi mới bầm
Nắm tay bạn cũ khóc thầm
Chầu rày hương đã xa trầm, trầm ơi!
Xuân Diệu bảo: “Hay quá! Ông bà mình xa xưa yêu nhau tha thiết, thiết tha lắm!”. Rồi anh khẽ ngâm:
Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ, không thương một kẻ nào?
Tác phong của Xuân Diệu là thế! Anh là Viện sĩ Hàn lâm nghệ thuật của quê hương Gớt, Bétôven, của Hêgen và của Mác mà anh đi học từng câu ca của quần chúng như thế! Như nhà thơ Tố Hữu đã đánh giá khi Xuân Diệu mất: “Xuân Diệu là một nhà thơ lớn, đặc sắc, độc đáo của nền thơ hiện đại Việt Nam… cho tới nay và những năm tháng trước mắt liệu có ai vượt được Xuân Diệu trong lĩnh vực thơ tình? Và không ai có thể thay thế được Xuân Diệu”.
Năm mươi năm làm thơ ông đã xuất bản được 17 tập thơ. Trong đó có 400 bài thơ tình chưa in, 7 tập truyện ngắn và bút ký, phê bình tiểu luận về thơ 19 tập và 6 tập dịch thơ của các thi hào trên thế giới như Na-dim Hit-mét (1962), Mai-a-cốp-xky (1967), Đi-mi-trô-va (1968), Tagore (1956), Ni-cơ-la Ghi-den (1982). Và các công trình nghiên cứu về các nhà thơ lớn của Việt Nam như: Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Trần Tuấn Khải và bao nhà thơ cổ điển, hiện đại khác. Thơ và tác phẩm của ông được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới. Ông trở thành nhịp cầu của kho tình thơ cả loài người. Và theo Chế Lan Viên: “Xuân Diệu là cả một viện nghiên cứu văn học trong anh”.
Nhà văn lão thành Nguyễn Tuân hôm tang lễ đã xúc động thốt lên: “Nhà thơ Xuân Diệu mất đi, thấy có mang theo một mảng đời văn tôi”, nhà thơ Hoàng Trung Thông nói hộ cho bao người: “Đau lòng thay! Mất một nhà thơ lớn. Mất một người bạn và về thơ anh là bậc đàn anh của tôi”.
Có lần Vũ Quần Phương vào bệnh viện thăm ông lúc ông sắp xa lìa nhân thế. Vũ Quần Phương ý định cùng Hữu Nhuận làm tuyển phê bình thơ của Xuân Diệu, hỏi ông về sức khỏe. Xuân Diệu bảo: “Yếu – rồi anh nói nhỏ, nhưng chưa biết thế nào đâu. Tuyển tập phê bình của mình đến đâu rồi? Bao giờ Phấn thông vàng tái bản. Như mình, như anh Lưu Trọng Lư, in được thì in, đừng bắt “xếp hàng”!
Cho đến lúc gần ra đi, thi hào Xuân Diệu vẫn lạc quan:
Hãy để cho tôi được giã từ
Vẫy chào cõi thực để vào hư
Trong hơi thở chót dâng trời đất
Cũng vẫn si tình đến ngất ngư.
Xuân Diệu đã sống mãi với tên đường, tên trường, tên các công trình văn hóa ở quê hương Bình Định, Hà Tĩnh và Mỹ Tho, những nơi ông đã từng sinh sống và các phố thuộc các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Huế cũng đặt tên ông