Xu thế già hóa dân số và giải pháp để người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn

Già hóa dân số đến nhanh

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo Tổng cục Thống kê năm 2019, dân số Việt Nam năm 2009 là 85,85 triệu người thì có 7,45 triệu (chiếm 8,68% tổng dân số) là người cao tuổi, đến thời điểm năm 2019 với dân số 96,21 triệu người, số người cao tuổi đã đạt 11,41 triệu (chiếm 11,86% tổng dân số). Chỉ trong 10 năm, tổng dân số tăng 1,14%/năm thì dân số cao tuổi tăng tới 4,35%/năm.  

Xu thế già hóa dân số và giải pháp để người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn   - Ảnh 1.

Khám sức khỏe cho người cao tuổi. Ảnh: Dương Hải

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số cao tuổi từ 60 tuổi trở lên sẽ đạt 17,28 triệu người (chiếm 16,53% dân số) vào năm 2029; 22,29 triệu người (chiếm 20,21% dân số) vào năm 2039. Đến năm 2069, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ có 31,69 triệu người, chiếm 27,11% dân số. Vào năm 2036, dự báo tỷ lệ người từ 65 tuổi ở Việt Nam đạt 14,17% tổng dân số với gần 15,46 triệu người.

Theo thực hành quốc tế, một quốc gia bước vào thời kỳ dân số già khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20% tổng dân số hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 14% tổng dân số. Như vậy, Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn “dân số già” vào năm 2036.

Số liệu trên cho thấy, già hóa dân số Việt Nam diễn ra nhanh hơn so với nhịp độ tăng dân số, thời gian để Việt Nam chuẩn bị thích ứng với dân số già ngắn hơn nhiều so với các nước khác. Già hóa dân số nhanh đi kèm với các vấn đề kinh tế – xã hội cần phải giải quyết như việc làm, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và vấn đề an sinh xã hội. 

Chuẩn bị thích ứng với già hóa dân số

Già hoá dân số nhanh là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải có những bước chuẩn bị và giải quyết trong thời gian tới. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã dự báo xu hướng này và những điều kiện cụ thể cần phải chuản bị để đáp ứng với thực tại.

Trước hết, cần nhìn nhận người cao tuổi, nhóm dân số già có vai trò, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, là chỗ dựa cho các thế hệ trẻ, thay vì nhìn nhận chỉ như các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.

Xu thế già hóa dân số và giải pháp để người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn   - Ảnh 3.

Khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi trên địa bàn xã É Tòng. Ảnh: CDC Sơn La

Thứ hai, đặt già hóa dân số là một trong những vấn đề ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, nhóm dân số già cần được nhìn nhận như các chủ thể đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế – xã hội, thay vì chỉ như là các đối tượng hưởng trợ cấp của xã hội.

Già hóa dân số đang trở thành xu hướng chung không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Do vậy, trong phát triển kinh tế – xã hội cần tính đến cả thời cơ và thách thức mà già hóa dân số mang lại. Đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi. Khuyến khích tạo việc làm phù hợp cho người cao tuổi, để người cao tuổi vừa có thu nhập cải thiện đời sống, vừa được chăm sóc y tế khi bệnh tật, ốm đau, bảo đảm chất lượng sống cho người cao tuổi. Cần xây dựng một hệ thống quỹ hưu trí vững mạnh, giúp người cao tuổi an tâm với mức sống khi đến tuổi nghỉ hưu.  

Mạng lưới an sinh xã hội cần phải được thực hiện và hoàn thiện để giúp người cao tuổi tiếp cận được với các dịch vụ xã hội và y tế thiết yếu.

Ngoài ra, chú trọng hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, mở rộng, nâng cao năng lực chăm sóc, khám chữa bệnh cho người cao tuổi, xây dựng môi trường sống thân thiện với người cao tuổi.

Cần xã hội hóa, huy động các nguồn lực đa dạng để đáp ứng nhu cầu của sự già hóa dân số. Nhu cầu của nhóm dân số già sẽ đem đến các cơ hội như hình thành các thị trường mới và để chuyển hóa các thách thức mà già hóa dân số mang lại, việc xã hội hóa và huy động tối đa các nguồn lực đóng vai trò quan trọng để giải quyết và khai thác hiệu quả vấn đề già hóa dân số. Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách vào hạ tầng y tế, văn hóa, xã hội cho người cao tuổi….

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi- nhiệm vụ then chốt hàng đầu

Theo thống kê, khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền, trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp được nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Đối với người cao tuổi, chăm sóc y tế là điều quan trọng nhất. Nhiệm vụ này cần được Nhà nước, gia đình và xã hội cùng quan tâm thực hiện.

Việt Nam hiện là một trong các nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ dân số trên 60 tuổi ở Việt Nam năm 2022 là 12% và đến năm 2050 là 28%.

GS.TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, ĐH Y Hà Nội

 Bệnh tật ở người cao tuổi chủ yếu là bệnh không lây nhiễm và mạn tính nên chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, người cao tuổi còn có những yêu cầu khác biệt, đặc thù về chăm sóc sức khỏe. Đặc điểm bệnh lý của người cao tuổi cũng khác với các lứa tuổi khác như lão hóa các cơ quan, tính chất đa bệnh lý, các hội chứng đặc trưng ở người cao tuổi; sử dụng nhiều thuốc, tình trạng phụ thuộc; tăng nguy cơ tai biến. Bệnh nhân cao tuổi thường có các hội chứng lão khoa đặc trưng (như hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, rối loạn vận động, suy dinh dưỡng, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm, loét, mất nước) có nguy cơ tai biến điều trị cao…

Xu thế già hóa dân số và giải pháp để người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn   - Ảnh 6.

Khám bệnh cho người cao tuổi. Ảnh: Dương Hải

Theo Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025, 100% năm 2030; người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm đạt 70% năm 2025, 90% năm 2030.

100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi có nội dung chăm sóc sức khỏe đạt 80% năm 2025, 100% năm 2030…

Để chuẩn bị cho già hóa dân số, Bộ Y tế đã xây dựng “Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 – 2025”, được triển khai trên toàn quốc. Đề án cũng đề ra yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm đến chính sách bảo hiểm y tế, dự báo chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai đối với người cao tuổi; phân bổ nhân lực để thực hiện cung ứng dịch vụ dự phòng các bệnh mãn tính ở tuyến y tế cơ sở, trong cộng đồng …

Từ năm 2018, Bộ Y tế đã đề nghị các  Sở Y tế, các Bệnh viện trực thuộc Bộ và Y tế ngành thành lập Khoa Lão và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Tùy thuộc vào quy mô bệnh viện, quy mô giường bệnh của khoa Lão chiếm 10% tổng số giường bệnh kế hoạch của bệnh viện (tối thiểu từ 30 giường trở lên). Đây là khoa lâm sàng nằm trong bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thực hiện điều trị các bệnh cho người cao tuổi.

Bên cạnh đó, đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở các tuyến: Bệnh viện Lão khoa Trung ương, các bệnh viện trừ bệnh viện chuyên khoa nhi, Trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế cấp xã; cơ sở chăm sóc sức khỏe; cán bộ dân số và tình nguyện viên ở cơ sở; đưa nội dung lão khoa vào chương trình đào tạo cho sinh viên đại học và sau đại học trong hệ thống các trường y trên cả nước.

Củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi.