Xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh nhau

Xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh nhau. Mâu thuẫn về việc xử lý đường dẫn nước thải sinh hoạt nên đánh nhau có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Tóm tắt câu hỏi:

Tôi và gia đình người hàng xóm có mâu thuẫn về đường dẫn nước thải sinh hoạt dẫn đến đánh nhau vợ, người hàng xóm khiêu khích đánh tôi trước một cái vào mặt tôi đánh lại ba cái vào mặt hai cái vào bả vai, liền sau đó ông chồng và người bà con xông ra ông chồng đấm ba cái vào đầu tôi, tôi và vợ ông ấy bị tổn thương phần mềm bầm tím, gia đình bên vợ chồng ông ấy đòi bồi thường tiền thuốc tôi đã thỏa mãn yêu cầu, về phạt vi phạm hành chính ông chồng bà ấy đánh tôi có bị xử lý không? Hay chỉ một mình tôi chịu? Xin tư vấn giúp tôi.

Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hành chính -Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.

Luật sư tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

Nghị định 167/2013/NĐ-CP

Bộ luật Hình sự năm 2015.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự 2015

2. Nội dung tư vấn:

Quyền được bảo vệ về tính mạng, thân thể, sức khỏe là một trong những quyền được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng giống như trường hợp của bạn, con người thường vì những mâu thuẫn của cá nhân mà có những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và gây ra thương tích cho người khác. Trường hợp này, xem xét trên phương diện pháp luật, họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể trong trường hợp của bạn:

Dựa theo thông tin bạn cung cấp, gia đình bạn và gia đình người hàng xóm có phát sinh mâu thuẫn về đường dẫn nước sinh hoạt nên có xảy ra đánh nhau. Vợ của người hàng xóm khiêu khích và đánh một cái vào mặt bạn. Sau đó bạn đánh lại ba cái vào mặt và hai cái vào vai của người này. Tiếp đến ông chồng của người này đấm bạn ba cái vào đầu. Hậu quả trong vụ việc là cả bạn và người vợ của ông hàng xóm đều bị thương phần mềm, có nhiều vết bầm tím.

Xem xét trong trường hợp này, có thể thấy, cả bạn và vợ chồng ông hàng xóm đều có hành vi đánh nhau, đều có hành vi xâm phạm đến sức khỏe cho đối phương. Tuy nhiên, trong thông tin bạn không nói rõ, người hàng xóm và vợ của họ đánh bạn, và bạn đánh lại họ bằng tay hay có sử dụng công cụ như khúc gỗ, nhánh cây… không. Đồng thời, tổn thương phần mềm ở đây cụ thể là tổn thương như thế nào, tỷ lệ thương tích là bao nhiêu. Do thông tin không nói rõ, nên khi xem xét trách nhiệm của các bên, bạn và gia đình bên kia có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính.

Cụ thể, về trách nhiệm hình sự, tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể:

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; 

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; 

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; 

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình; 

đ) Có tổ chức; 

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; 

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; 

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê; 

i) Có tính chất côn đồ; 

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm: 

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; 
…”

Căn cứ theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 được trích dẫn ở trên thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đáp ứng các dấu hiệu của tội phạm của tội cố ý gây thương tích, theo đó:

  • Về mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của tội phạm được xác định là những biểu hiện của tội phạm được thể hiện ra bên ngoài thế giới khách quan, thường được thể hiện qua những dấu hiệu như hành vi phạm tội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả và các yếu tố khác như phương tiện phạm tội. Cụ thể, xem xét trong trường hợp của bạn.

– Hành vi khách quan: Người phạm tội cố ý gây thương tích phải có hành vi tác động đến thân thể của người khác, xâm phạm đến sức khỏe của người khác bằng nhiều hình thức như đâm, chém, đốt cháy, đánh, đấm… Hành vi này có thể tác động lên nhiều vùng, nhiều bộ phận của cơ thể.

Trong trường hợp của bạn, cả bạn và vợ chồng nhà hàng xóm đều có hành vi tác động đến thân thể của người khác, gây tổn hại sức khỏe cho họ. Cụ thể, vợ người hàng xóm khiêu khích và đánh bạn một cái vào mặt, bạn cũng đánh lại ba cái vào mặt, hai cái vào bả vai, còn ông hàng xóm cũng xông ra đánh ba cái vào đầu bạn. Cho dù là bạn hay vợ chồng ông hàng xóm thì hành vi của họ cũng gây ra tổn thương nhất định cho của đối phương.

  • Về hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra:

Hậu quả của hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là phải gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác.Trong trường hợp của bạn, cho dù là bạn hay vợ chồng người hàng xóm đều có hành vi đánh, đấm đối phương, làm cho người đó có nhiều vết thâm tím, bị tổn thương phần mềm. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, thì một người chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác khi mà tỷ lệ tổn thương cơ thể hoặc thương tích của người bị hại phải từ 11% trở lên, hoặc dưới 11% nhưng thuộc vào một trong các trường hợp được quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k khoản 1 Điều này, như dùng vũ khí, hung khí nguy hiểm, có tổ chức, có tính chất côn đồ…. Trường hợp của bạn, bạn không nói rõ, bạn hay vợ chồng người hàng xóm chỉ dùng tay hay có dùng hung khí nguy hiểm để đánh đối phương, cũng không xác định được mức độ cụ thể. Do vậy, bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định cụ thể. Trường hợp tỷ lệ thương tích của nạn nhân dưới 11%, và không thuộc vào một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, thì bạn hoặc vợ chồng người hàng xóm sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

  • Về mặt chủ quan của tội phạm:

Mặt chủ quan của tội phạm được hiểu là những diễn biến bên trong của tội phạm, thường thể hiện ở các yếu tố lỗi, mục đích, động cơ phạm tội… Trong tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì người phạm tội phải có lỗi cố ý, tức là người phạm tội phải nhận thức được hành vi của mình sẽ gây nguy hại cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hoặc không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả đó xảy ra. Mục đích của Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác không phải là tước đoạt đi mạng sống của người khác, mà chỉ mong muốn làm tổn thương, hoặc gây ra thương tích cho người khác. Cụ thể trong trường hợp của bạn, cả bạn và hai vợ chồng người hàng xóm đều có lỗi cố ý trong việc đánh nhau, gây tổn thương cho nhau. Cả hai bên đều vì đường ống dẫn nước thải sinh hoạt mà nảy sinh mâu thuẫn, xích mích, khiêu khích nhau, và vì vậy mà bạn và vợ chồng nhà hàng xóm mới có hành vi cố ý đánh nhau, nhằm mục đích gây thương tích cho nhau, để giải quyết cơn giận dữ nhất thời của bản thân.

  • Về mặt chủ thể của tội phạm:

Về chủ thể của tội phạm được hiểu là người đã thực hiện hành vi phạm tội. Người phạm tội phải có năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp của bạn thì bạn được xác định là người đã thực hiện hành vi đánh, gây tổn thương cho cơ thể của người vợ ông hàng xóm. Nhưng xét ở khía cạnh khác thì vợ chồng ông hàng xóm cũng là người đã có hành vi đánh vào đầu, vào mặt, gây tổn thương cho cơ thể của bạn, nên họ cũng được xác định là chủ thể trong tội cố ý gây thương tích cho bạn.

Do vậy, bạn hoặc vợ chồng ông hàng xóm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích khi đáp ứng năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trong đó năng lực chịu trách nhiệm hình sự được thể hiện qua độ tuổi trách nhiệm hình sự và năng lực hành vi. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 được xác định là từ đủ 16 tuổi trở lên. Trường hợp người phạm tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích nếu đây là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

  • Về mặt khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội phạm được xác định là đối tượng, quan hệ xã hội mà hành vi của tội phạm tác động đến, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại ở mức độ đáng kể. Trong tội cố ý gây thương tích, thì khách thể của tội phạm này được xác định là thân thể, sức khỏe và quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe của người bị hại. Trong trường hợp của bạn, hành vi của bạn cũng đã xâm phạm và gây tổn hại về sức khỏe của người vợ ông hàng xóm, còn hành vi của vợ chồng ông hàng xóm cũng đã gây ra thiệt hại đáng kể về sức khỏe của bạn.

Qua phân tích nêu trên, có thể thấy, trong vụ việc này, cả bạn và vợ chồng ông hàng xóm đều có hành vi đánh nhau, gây thương tích cho đối phương. Cả hai bên đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đáp ứng đủ 04 yếu tố được phân tích nêu trên. Trường hợp bạn và cả vợ chồng bên kia mặc dù có hành vi đánh nhau nhưng không đáp ứng các dấu hiệu của tội phạm thì mặc dù không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cả bạn và vợ chồng bên kia đều có thể bị xử phạt hành chính. Trường hợp này, cả gia đình bạn và ông hàng xóm đều có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Cụ thể:

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;

…”

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì khi bạn và vợ chồng nhà hàng xóm có hành vi đánh nhau, gây thương tích cho nhau nhưng chưa đủ yếu tố bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. 

Như vậy, trên cơ sở phân tích nêu trên, do thông tin bạn cung cấp không nêu rõ, bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định cụ thể. Bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi của bạn gây thương tích cho người khác với tỷ lệ thương tích trên 11%, hoặc dưới 11% nhưng thuộc vào một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp, bạn hoặc vợ chồng nhà hàng xóm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cả hai bên vẫn bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.