Xử lý nợ xấu trong hoạt động cho vay của Ngân hàng thương mại
Theo Tổ chức tiền tệ Quốc tế (IMF) một khoản vay được coi là nợ xấu khi quá hạn thanh toán gốc hoặc lãi 90 ngày hoặc hơn, khi các khoản lãi suất đã quá hạn 90 ngày hoặc hơn đã được vốn hóa, cơ cấu lại, hoặc trì hoãn theo thỏa thuận, khi các khoản thanh toán đến hạn dưới 90 ngày nhưng có thể nhận thấy những dấu hiệu rõ ràng cho thấy người vay sẽ không hoàn trả nợ đầy đủ. Về cơ bản nợ xấu được xác định dựa trên 2 yếu tố: (i) quá hạn trên 90 ngày hoặc (ii) khả năng trả nợ nghi ngờ.
Ở Việt Nam theo Thông tư số 02/2013/TT–NHNN nợ xấu là nợ thuộc các nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn), 4 (Nợ nghi ngờ) và 5 (Nợ có khả năng mất vốn). Nợ xấu bao gồm tất cả các khoản nợ được phân loại vào nhóm 3 đến nhóm 5 tùy theo cấp độ rủi ro khác nhau, theo nguyên tắc chỉ cần một khoản vay (trong tổng thể nhiều khoản vay khác) phát sinh quá hạn, hoặc được điều chỉnh kỳ hạn nợ, hoặc gia hạn nợ thì toàn bộ dư nợ này của khách hàng đó phải chuyển sang nhóm nợ xấu. Như vậy, nợ xấu theo pháp luật Việt Nam được xác định theo 2 yếu tố: (i) đã quá hạn trên 91 ngày hoặc (ii) khả năng trả nợ đáng lo ngại
Xử lý nợ xấu trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại (NHTM) là việc NHTM sử dụng những biện pháp nghiệp vụ tài chính lẫn công cụ pháp lý nhằm giảm tỷ lệ các khoản nợ được coi là nợ xấu của ngân hàng, góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi ngân hàng trong nền kinh tế. Theo đó, xử lý nợ xấu trong hoạt động cho vay của NHTM chỉ là công việc có tính kỹ thuật – nghiệp vụ của từng ngân hàng riêng lẽ, vì thế việc xử lý nợ xấu chỉ do mỗi ngân hàng chủ động thực hiện chứ không phụ thuộc vào Nhà nước hay các chủ thể khác.
Thứ nhất, chủ thể tham gia xử lý nơ xấu trong hoạt động cho vay của Ngân hàng là các ngân hàng (chủ thể liên quan trực tiếp), ngoài ra còn có chủ thể thứ cấp là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như: Toà án, cơ quan thi hành án,…
Thứ hai, mục đích xử lý nợ xấu nhằm thu hồi các khoản nợ theo các cam kết trong hợp đồng tín dụng
Thứ ba, xử lý nợ xấu đòi hỏi chủ thể xử lý phải kết hợp giữa các biện pháp nghiệp vụ kinh tế tài chính với các công cụ pháp lý, giữa biện pháp có tình phòng ngửa với biện pháp khắc phục rủi ro.
Thứ tư, xử lý nợ xấu là một thủ tục đặc biệt do đó sẽ không có một “quy định cứng” nào để áp dụng cho mọi trường hợp. Các biện pháp sẽ được ngân hàng xây dựng và quyết định áp dụng trong từng trường hợp cụ thể .
Mục Lục
2. Quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu trong hoạt động cho vay của Ngân hàng thương mại
2.1. Các nguyên tắc xử lý nợ xấu
Các nguyên tắc xử lý nợ xấu trong hoạt động cho vay của Ngân hàng thương mại cụ thể như sau:
Một là, nguyên tắc tuân thủ những nội dung thỏa thuận trong hợp trong đồng tín dụng: Đây là nguyên tắc cơ bản, có tính nền tảng nhằm đảm bảo giúp ngân hàng và khách hàng tránh sự xung đột, bất đồng về lợi ích do một bên hoặc cả hai bên vi phạm hợp đồng. Khi phát sinh nợ xấu thì việc xử lý nợ xấu cũng phải tuân thủ đúng các biện pháp xử lý đã cam kết trong hợp đồng tín dụng.
Hai là, nguyên tắc hài hòa lợi ích của các bên tham gia hợp đồng tín dụng: Nợ xấu là một vấn đề nghiêm trọng, nó không chỉ liên quan đến lợi ích của một NHTM, một doanh nghiệp hay cá nhân mà nó có tính hệ thống, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, XLNX càng nhanh thì càng giảm chi phí, tổn thất và lưu thông nguồn vốn về với thị trường. Việc XLNX cần có sự chung tay của cả NHTM, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trên cơ sở hài hòa lợi ích, doanh nghiệp cũng phải hạ giá thành để thanh lý sản phẩm kết hợp tái cơ cấu tổ chức. Các cơ quan chức năng cũng phải tạo lập một hành lang pháp lý thông thoáng và chặt chẽ để triển khai quyết liệt công tác XLNX.
Ba là, nguyên tắc xử lý công khai, khách quan, đây là yếu tố vô cùng quan trọng có tính tiên quyết về hiệu quả XLNX. Trước hết NHTM phải công khai và khách quan trong việc công bố thông tin, báo cáo định kỳ về các con số nợ xấu, nguyên nhân gây nợ xấu và quy trách nhiệm cá nhân. Các doanh nghiệp cũng phải xem xét lại hoạt động của mình, công khai sổ sách tài chính và báo cáo thực tình trạng tài chính doanh nghiệp và khả năng trả nợ đến đâu. Điều này sẽ định hình về quy mô, mức độ nghiêm trọng cũng như nguyên nhân sâu xa để vạch ra kế hoạch và cách thức XLNX một cách hiệu quả nhất.
2.2. Các biện pháp xử lý nợ xấu
Các biện pháp xử lý mà Ngân hàng thương mại áp dụng trong quá xử lý nợ xấu bao gồm:
Thứ nhất, xử lý nợ xấu trong hoạt động cho vay của ngân hàng thông qua thu hồi trực tiếp và thông qua phát mãi tài sản đảm bảo nợ vay. Trên cơ sở kết quả phân loại nợ định kỳ, ngân hàng cần thực hiện rà soát, xây dựng phương án xử lý, thu hồi nợ xấu theo từng biện pháp cụ thể. Theo đó, biện pháp thu hồi nợ trực tiếp từ khách hàng, thu hồi nợ thông qua việc phát mãi tài sản đảm bảo được ưu tiên đặt lên hàng đầu.
Thứ hai, xử lý nợ xấu trong hoạt động cho vay của ngân hàng bằng biện pháp cơ cấu lại nợ. Cơ cấu lại nợ là biện pháp được sử dụng khi một khoản nợ đến kỳ hạn trả nợ nhưng ngân hàng đánh giá khách hàng khó có khả năng trả nợ cho Ngân hàng theo lịch trả nợ đã ký trước đó do khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, nếu Ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì khách hàng hoàn toàn có khả năng trả nợ cho ngân hàng đúng hạn.
Thứ ba, xử lý nợ xấu trong hoạt động cho vay của ngân hàng bằng việc trích lập và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro. Thực hiện theo quyết định số 493/2005, quyết định số 18/2007 và thông tư số 02/2013/TT – NHNN ngày 21/1/2013 của Ngân hàng Nhà nước quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro.
Thứ tư, xử lý nợ xấu trong hoạt động cho vay của ngân hàng bằng biện pháp giảm, miễn lãi, biện pháp này được áp dụng nhằm giảm bớt khó khăn về tài chính cho khách hàng, tạo điều kiện cho khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, khuyến khích khách hàng trả một phần hoặc toàn bộ nợ xấu còn lại ở ngân hàng.
Thứ năm, xử lý nợ xấu trong hoạt động cho vay của ngân hàng bằng hiện pháp mua bán nợ. Bên bán nợ là thường là các chủ nợ, bên mua nợ là các tổ chức mua bán nợ chuyên nghiệp và tài sản giao dịch là các khoản nợ. Việc bán nợ này cũng được xem là phương án XLNX nhanh nhất, giúp chủ nợ thu hồi một phần vốn kinh doanh để phục vụ cho các nhu cầu và cơ hội kinh doanh mới, nhằm cải thiện tỉnh hình tải chính.
Thứ sáu, xử lý nợ xấu trong hoạt động của NHTM bằng các biện pháp pháp lý, đây là biện pháp cuối cùng được Ngân hàng áp dụng sau khi áp dụng các biện pháp trên nhưng không mang lại hiệu quả trong việc thu hồi nợ.
Cuối cùng, xử lý hoạt động cho vay của ngân hàng bằng các biện pháp khác như tái cơ cấu doanh nghiệp, ngoài ra ngân hàng cũng nên chủ động trong việc tiếp nhận nợ xấu phát sinh, xây dựng các phòng chuyên trách để xử lý nợ xấu.
3. Quy định về thủ tục xử lý nợ xấu trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại
Thủ tục XLNX trong hoạt động cho vay của NHTM được thực hiện trên cơ sở pháp lý gồm: Bộ luật Dân sự 2015, bộ luật tố tụng Dân sự 2015, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017, thông tư 02/2013/TT-NHN, thông tư 09/2014/TT-NHNN, nghị quyết số 42/2017/QH14… Việc xử lý nợ xấu của NHTM đòi hỏi phải dựa trên khuôn khổ pháp lý và những cơ chế đặc thủ riêng. Để áp dụng đúng quy trình và thủ tục XLNX cần phân biệt rõ các trường hợp sau:
Trường hợp các bên có thỏa thuận: Bản chất của quan hệ tín dụng cũng là một quan hệ dân sự, tôn trọng ý chí và quyền tự do giao kết hợp đồng, pháp luật Việt Nam cho phép và khuyến khích các bên có quyền tự thỏa thuận để định đoạt cách thức để xử lý quan hệ vay nợ. Việc xử lý nợ được ghi rõ trong hợp đồng tin dụng hoặc một thỏa thuận riêng và được áp dụng ngày. Trường hợp các bên không thể đạt được một sự thống nhất chung thì có thể yêu cầu pháp luật giải quyết . Nguyên tắc này được thể hiện rất rõ tại thông tư số 02/2013/TT – NHNN.
Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì NHTM xem xét đây là khoản nợ có bảo đảm hay không để xác định thủ tục giải quyết. Những khoản này có tài sản bảo đảm thông thường sẽ thực hiện các thủ tục sau:
- Ngân hàng cần thông báo cho bên bảo đảm về việc xử lý tài sản bảo đảm và đăng ký thông báo yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm (nếu giao dịch bảo đảm đó đã được đăng ký)
- Lập biên bản xử lý tài sản bảo đảm.
- Ngân hàng lựa chọn phương thức xử lý tài sản bảo đảm
- Thanh toán thu nợ từ
- Xoá đăng ký xử lý tài sản bảo đảm ý việc xử lý tài sản bảo đảm
Tuy nhiên, những thủ tục nêu trên cũng cần được bổ sung và xem xét để hoàn thiện hơn. Trường hợp đến hạn thanh toán mà khách hàng vay không trả hoặc cố ý không trả nợ thì Ngân hàng thương mại chỉ có thể nộp hồ sơ khởi kiện để yêu cầu khách hàng thanh toán bằng tiền mặt hoặc bằng chính tài sản đảm bảo. Nhưng để có thể xử lý được tài sản đảm bảo thì thủ tục thanh toán thu mua cũng gặp nhiều khó khăn bởi các thủ tục thanh toán các khoản thuế, phí , lệ phi và chỉ phí phát sinh.
Tóm lại, nợ xấu dù được xử lý theo cơ chế nào thì muốn thành công đều cần có sự tham gia và chia sẻ tích cực của doanh nghiệp có nợ, ngân hàng chủ nợ và Chính phủ. Chính phủ tạo điều kiện cho thị trường tài chính phát triển đúng mức, kịp thời, xây dựng môi trường kinh tế, chính trị ổn định với những cơ hội đầu tư hấp dẫn. Trong khi đó, doanh nghiệp và ngăn hàng là những đối tượng trực tiếp tham gia và có ảnh hưởng lớn tới quá trình định giá các khoản nợ xấu, thỏa thuận mua bán lại nợ, và đặc biệt là giai đoạn phục hồi/thu hồi lại giá trị của các tài sản xấu đã mua lại.