Xử lí vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn
Điểm mới của nghị định này là quy định mức vi phạm và mức phạt tương ứng căn cứ vào mức độ tiếng ồn. Mức chế tài đối với vi phạm về tiếng ồn có thể lên đến 160 – 320 triệu đồng (cá nhân – tổ chức) nếu vượt quá 40 dBA. Mức xử phạt thấp nhất từ 1-5 triệu đồng với hành vi tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 5 dBA.
Mục Lục
Ô nhiễm tiếng ồn ngày càng trầm trọng ở các đô thị
Ô nhiễm tiếng ồn là khi tiếng ồn trong môi trường vượt quá ngưỡng bình thường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý, tâm thần. Có thể làm tăng huyết áp, căng thẳng, ù tai, giảm thính lực, rối loạn giấc ngủ và các tác hại khác. Đặc biệt nguy hại cho người cao tuổi.
Là đô thị đông dân nhất nước, TPHCM cũng là nơi ô nhiễm tiếng ồn gây hậu quả không nhỏ. Đã có những trường hợp án mạng thương tâm do mâu thuẫn vì tiếng ồn karaoke.
Ngày 11/7/2020, tại kỳ họp lần thứ 20 của HĐND TPHCM khóa IX, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Tô Thị Bích Châu chia sẻ, cử tri bất bình với tình trạng karaoke, ca nhạc trong các buổi liên hoan, tiệc tùng ở các khu dân cư với dàn âm thanh công suất lớn. Vấn đề hát karaoke loa kéo gây ồn ào thậm chí được mang ra chất vấn. Các đại biểu cuối cùng đã ủng hộ đề xuất cấm hát karaoke loa kéo.
Ô nhiễm tiếng ồn đã ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân
Ý thức cộng đồng, kiến thức pháp luật yếu kém
Đây là một thực tế đáng buồn. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân là ý thức công dân, thái độ ứng xứ kém. Vấn đề này phải hình thành bằng giáo dục. Phải được dạy dỗ, trui rèn trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Hình thành và sửa đổi theo hướng tốt lên, hoàn thiện hơn trong thực tiễn. Người lớn phải làm gương tốt cho trẻ nhỏ. Sai phạm phải có người giám sát, nhắc nhở và có các hình thức xử phạt thoả đáng.
Công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật trong cộng đồng hiện tại là chưa đầy đủ, chưa nói là yếu kém. Người dân không am hiểu pháp luật, không biết về những hình phạt vi phạt sẽ “lờn” pháp luật. Nhiều khi còn cố tình vi phạm và thách thức, ngang nhiên chống lại người thi hành công vụ.
Song, rất nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hỗn loạn hiện nay là do các cơ quan nhà nước buông lỏng quản lý.
Xử lý chưa nghiêm – trách nhiệm chính là của cấp phường, xã
Việc xử lý, nhắc nhở, ngăn chặn tình trạng vi phạm tiếng ồn là có thể. Phải bắt đầu từ cấp cơ sở, nhưng những người trực tiếp giám sát, xử lý vi phạm (cảnh sát khu vực, chính quyền địa phương) có cương quyết hay không?
UBND TPHCM từ năm 2020 đã nhìn nhận: việc ô nhiễm tiếng ồn là một trong những vấn nạn cần sớm khắc phục. Nhưng các phường, xã và cơ quan chức năng thiếu kiên quyết trong xử lý. Đại diện Phòng Cảnh sát Môi trường Công an TPHCM lại cho rằng, xử lý các trường hợp này không dễ vì vướng quy định này, nghị định kia, và thiếu trang bị máy đo tiếng ồn…
Tháng 1/2022, do tình hình ngày càng diễn biến phức tạp, UBND TPHCM đã phải ra văn bản yêu cầu tăng cường công tác xử lý vi phạm tiếng ồn. Đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành, các quận huyện và TP. Thủ Đức tiếp tục xử lý nghiêm nhóm hành vi vi phạm. Địa phương để xảy ra vi phạm tiếng ồn do buông lỏng quản lý, ảnh hưởng tiêu cực đến phòng, chống dịch hoặc an ninh trật tự thì UBND TPHCM sẽ xử lý người đứng đầu. Đồng thời, giao các cơ quan chức năng đề xuất ban hành quy định nhằm xử lý hiệu quả vấn nạn này.
Luật đã có, vấn đề là thực hiện nghiêm
Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết: “Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường” được xây dựng, kế thừa một số các quy định của Nghị định 155 và Nghị định 55 còn phù hợp và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn xã hội về thực thi chính sách pháp luật.
Việc ban hành Nghị định làm dấy lên hy vọng vấn nạn này có thể ngăn chặn và xử lý triệt để. Mức xử phạt khá cao, có thể lên đến 160-320 triệu đồng (cá nhân – tổ chức) nếu vượt quá 40 dBA (căn cứ vào mức độ tiếng ồn). Quy định hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn khá cụ thể. Xác định rõ người có trách nhiệm, có thẩm quyền xử phạt là chính quyền cấp cơ sở.
Mức xử phạt thấp nhất từ 1-5 triệu đồng với hành vi tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 5 dBA. Với hành vi này, Chủ tịch UBND xã/phường có thẩm quyền xử phạt. Để xử phạt, cơ quan chức năng sẽ thực hiện trưng cầu giám định, đo đạc, phân tích tiếng ồn. Người bị xử phạt có trách nhiệm chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường.
Văn bản luật pháp thì đã có, vấn đề tuỳ thuộc vào sự kiên quyết và chuyên nghiệp của người hành pháp.
Kim Ngân