XU HƯỚNG TIÊU DÙNG SẢN PHẨM CHĂM SÓC DA NỬA ĐẦU NĂM 2020
Tổng quan thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam
Với mức sống được nâng cao, ngày càng có nhiều người sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm đã để chăm sóc da như một nhu cầu thiết yếu. Theo Mintel, công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại London, thị trường mỹ phẩm Việt Nam trị giá 2.3 tỷ USD vào cuối năm 2018. Đây là một thị trường đầy tiềm năng, khi mà tầng lớp trung lưu Việt Nam năm 2020 dự kiến khoảng 33 triệu người. Doanh thu thị trường mỹ phẩm không ngừng tăng lên trong 2 thập niên qua, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều thương hiệu mỹ phẩm ngoại.
Theo báo cáo Insight Handbook 2019 của Kantar Worldpanel, phân khúc lớn nhất của thị trường mỹ phẩm Việt Nam là skincare. Mức chi tiêu trung bình cho các loại sản phẩm chăm sóc da như tẩy trang, toner, kem dưỡng ẩm, serum đều tăng. Thị trường này được kỳ vọng với mức tăng trưởng 2 con số trong tương lai tới.
Nguồn: VIRAC, GSO
Sản phẩm kem dưỡng da, essence tiếp tục tăng trưởng ổn định
Chăm sóc da như một nhu cầu chăm sóc sức khỏe thiết yếu
Theo khảo sát được thực hiện bởi Q&Me, thói quen sử dụng mỹ phẩm khác biệt theo từng độ tuổi, khu vực và thu nhập. Hơn 86% số người được khảo sát từ 16 tuổi trở lên thường sử dụng các sản phẩm chăm sóc da. Khoảng hơn 40% phụ nữ trên 23 tuổi chăm sóc da hàng ngày. Sản phẩm chăm sóc da được sử dụng nhiều nhất là sữa rửa mặt, kem chống nắng, kem dưỡng ẩm, toner, serum.
Nguồn: VIRAC, Q&Me
Những người được khảo sát đưa ra lý do không sử dụng mỹ phẩm chăm sóc da nhiều nhất là do không biết chọn lựa loại nào, cao hơn lý do quá bận để chăm sóc da. Nhìn chung, số lượng người chăm sóc da đang tăng lên từng ngày.
Source: VIRAC, Q&Me
Chi tiêu các sản phẩm skincare tăng ở các thành phố lớn
Báo cáo từ Q&Me cho thấy mức chi tiêu trung bình cho các sản phẩm chăm sóc da là từ 101,000 đến 200,000 đồng; sau đó là từ 200,001 – 300,000 đồng. Đây là một thực tế tích cực cho việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da khi thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam khoảng 5,000,000 đồng/tháng.
Nguồn: VIRAC, GSO
Khảo sát cũng chỉ ra phụ nữ ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho mỹ phẩm chăm sóc da và sản phẩm trang điểm. TP.HCM vượt xa những khu vực khác với mức chi tiêu trung bình cho các sản phẩm chăm sóc da đạt 299,000 đồng. Nhóm có kinh phí chăm sóc da cao nhất là từ 23-29 tuổi trong khi những người có thu nhập hàng tháng trên 20 triệu là đối tượng chính sử dụng sản phẩm skincare.
Sự ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc đến Việt Nam khiến nhu cầu về các sản phẩm làm đẹp ngày càng tăng. So với các loại sữa dưỡng hoặc serum, kem dưỡng ẩm dành cho mặt được người tiêu dùng ưa chuộng và quen thuộc hơn; đặc biệt là trong độ tuổi 23-39. Thực tế cho thấy, mức chi cho các sản phẩm chăm sóc da ở Việt Nam còn hạn chế và người tiêu dùng phải đắn đo khi đưa ra quyết định mua. Thời tiết nóng ẩm tại Việt Nam, tình trạng da thiếu nước là lý do khiến nhu cầu sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm da mặt ngày càng tăng cao.
Tình hình tiêu thụ trên các kênh phân phối
Theo Euromonitor, 68.1% sản phẩm mỹ phẩm được phân phối qua các cửa hàng, tiếp theo là các kênh không qua cửa hàng. Kênh phân phối chủ lực là cửa hàng bán lẻ như Sammi Shop, Coco Shop, Guardian… hay các cửa hàng trong trung tâm thương mại và cửa hàng bên ngoài của thương hiệu.
Không nằm ngoài xu hướng chung của thương mại điện tử, mức độ phổ biến của kênh truyền thống có thể giảm do sự xuất hiện của các kênh mới như: cửa hàng trực tuyến được ủy quyền; cửa hàng trực tuyến sử dụng mạng xã hội hay thông qua bác sĩ da liễu. Nhu cầu mua sắm online cũng tăng từ 57% năm 2019 lên 63% đầu năm 2020. Người mua online sẵn sàng chi tiền nhiều hơn khi có khuyến mãi trên các trang trực tuyến và khi họ nhìn thấy được nhiều đánh giá tích cực từ những người đã sử dụng.
Nguồn: VIRAC,Q&Me
Người tiêu dùng tìm kiếm thông tin về mỹ phẩm tại Việt Nam thông qua Facebook chiếm 69%, kế tiếp là bạn bè 48%, sau đó là trên các website như trang web của các hãng mỹ phẩm, trang tin dành cho phụ nữ. Số người mua sắm mỹ phẩm trực tuyến vẫn đang gia tăng. Hơn một nửa số người sử dụng mỹ phẩm đã từng mua mỹ phẩm trực tuyến, tần suất mỗi tháng hoặc 2 tháng một lần và 72% số này đã từng mua mỹ phẩm qua mạng xã hội. Trong đó, Facebook là trang mạng xã hội phổ biến nhất để mua sắm mỹ phẩm.
Xu hướng tiêu dùng sản phẩm chăm sóc da
Nhu cầu về các thương hiệu cao cấp
Các thương hiệu cao cấp nhập khẩu như Shiseido, Estée Lauder, Nu Skin tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về giá trị do thu nhập trung bình tăng dần, mức sống cao hơn. Những người được khảo sát tin vào chất lượng của các thương hiệu cao cấp và sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm chăm sóc da cao cấp đắt tiền.
Nguồn: VIRAC, GDVC
Thêm vào đó, mạng lưới phân phối rộng rãi và nhiều hoạt động quảng cáo, khuyến mãi sẽ giúp các thương hiệu nước ngoài thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam. Nhu cầu dự kiến sẽ tăng mạnh ở nhóm đối tượng từ 20-35 tuổi, sống tại các thành phố lớn trên khắp cả nước.
Sản phẩm nguồn gốc tự nhiên
Các sản phẩm mỹ phẩm mang thành phần tốt cho sức khỏe và từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường sẽ được ưa chuộng hơn. Các yếu tố an toàn trong việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm làm đẹp đang ngày càng quan trọng. Các thương hiệu thiên nhiên được lựa chọn như: The Body Shop, Loccitante, Innisfree… với các thành phần an toàn. Người tiêu dùng châu Á đang hướng tới chú ý đến các sản phẩm hữu cơ và không thử nghiệm trên động vật.